Tâm Buông Bỏ, Đời Bình An Bí kíp sống hạnh phúc của người Nhật Có người luôn cảm thấy nhàm chán vì cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại. Trong thời gian đào tạo nghề hay học việc tại công ty, có lúc chúng ta phải làm đi làm lại những việc giống nhau nhưng vì muốn trở thành một người tự lập, trưởng thành trong tương lai nên chúng ta vẫn cố gắng chịu đựng. Nếu chỉ làm những việc bản thân không cảm thấy thú vị như sống không mục đích, thức dậy, ăn cơm, vệ sinh, tắm, ngủ, đương nhiên chúng ta sẽ rất buồn chán. Thậm chí có người còn nghĩ rằng: Ngày nào cũng sống như thế, thỉnh thoảng tôi cũng muốn chết thử xem. Nhưng nếu cứ tiếp diễn những ngày tháng thay đổi liên tục, người ta cũng sẽ mệt mỏi. Đi du lịch ba ngày hai đêm, hài lòng với chuyến đi, chúng ta sẽ cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu khi trở về nhà và thưởng thức món ăn quen thuộc do mẹ nấu. Con người là những kẻ mâu thuẫn, khi cuộc sống bình thường nhàm chán thì mong muốn thay đổi, tới khi thay đổi liên tục lại muốn quay lại những ngày yên bình. Nếu vậy, chúng ta nên sống cân bằng. Hầu hết mọi người đều nghĩ mỗi ngày trôi qua cứ lặp đi lặp lại giống nhau, nhưng thực tế mọi thứ xung quanh luôn không ngừng biến đổi. Không có ngày hôm nay giống ngày hôm qua, cũng không có ngày hôm nay giống ngày mai. Những người luôn muốn thay đổi hẳn phải là những người thiếu tinh tế đến mức không nhận ra sự thay đổi của môi trường xung quanh. Những người được coi là có thực lực thường làm những công việc giống nhau. Để dễ dàng nhận ra thay đổi dù là nhỏ nhất, tại sao bạn không thử cẩn thận tìm kiếm nó ngay trong những tháng ngày có vẻ tầm thường vô vị này? Mỗi ngày trôi qua quá giống nhau nên những thay đổi nhỏ mới dễ nhận thấy. Hãy từ bỏ cuộc sống quá nhiều kích thích, nhạy cảm hơn với những biến đổi nhỏ. Trích đoạn sách Tâm Buông Bỏ, Đời Bình An. Từ bỏ dứt khoát vô cùng quan trọng. Từ bỏ những việc bản thân không thể làm được là cách để sống thư thái, sảng khoái hơn. Trong thế giới này, tất cả mọi việc đều bắt nguồn từ: nhận - lý do, nguyên nhân, nhân có thêm duyên - duyên cớ, điều kiện thì sẽ thành: quả - kết quả. Đó chính là quy luật nhân quả mà Phật Thích Ca đã giác ngộ ra. Mọi người đều nghĩ như vậy là hợp lẽ tự nhiên phải không? Vì gia đình - nhân mà bản thân làm việc - duyên, vì làm việc quá sức - duyên nên sức khỏe giảm sút - quả. Vì căng thẳng - nhân nên uống rượu - duyên, vì uống rượu quá nhiều - duyên nên đã say khướt suốt hai ngày liền - quả. Quan hệ nhân quả này ngay đến trẻ con cũng có thể hiểu được, nhưng nhiều người - trong trường hợp này là gia đình tôi - lại hiểu nhầm rằng duyên là nguyên nhân. Tôi đã ngạc nhiên vì cứ hễ tôi bị mệt thì người nhà lại nói: Do anh làm việc quá sức đó mà, rồi khi tôi khổ sở vì say rượu trong hai ngày thì họ lại cười nhẹ mà rằng: Tại anh đã uống quá nhiều rượu đấy. Cho dù làm việc quá sức hay uống nhiều thì đối với tôi đó là duyên, còn nhân là cái khác tôi xin phép không đề cập đến. Mặc dù tôi đã nhiều lần thừa nhận mình nuông chiều bản thân như vậy là không tốt, nhưng việc tự hiểu được nhân là: Vì gia đình, bị căng thẳng.. rất quan trọng. Quy luật nhân quả tuy đơn giản rõ ràng nhưng có hai điều thú vị như sau. Thứ nhất, quả và duyên có thể sẽ trở thành nhân, nhân mới này có thêm duyên mới sẽ tạo ra quả mới. Nhân quả không ngừng tuần hoàn trên sợi dây dài của định mệnh. Đặt trong hoàn cảnh gia đình tôi, tôi làm việc sẽ nuôi dưỡng lòng biết ơn của gia đình đối với tôi, rằng: Cám ơn đã làm việc vì gia đình. Kết quả là cuộc đời tôi sẽ nhận được nhiều lòng biết ơn chẳng hạn. Còn việc tôi say rượu suốt hai ngày có thể trở thành duyên, duyên mới đó sẽ tạo nên quả mới, đó là của hàng thuốc dạ dày bán được nhiều hàng hơn. Có lúc bạn dự đoán được nhân, duyên hay quả sẽ tiếp diễn như thế nào, nhưng đa phần là không thể dự đoán. Tôi không ngờ việc tôi làm quá sức và say rượu trong hai ngày lại được sử dụng ở trong trang viết này. Điều thú vị thứ hai chính là duyên của việc không có duyên. Để tạo thành quả - tôi đi ra ngoài, thì cần phải có duyên - tôi có việc cần làm ở bên ngoài, đồng thời cũng cần phải có duyên xe đạp tôi dùng để đi ra nhà ga không bị lấy trộm, tàu và xe búyt không dừng hoạt động. Trong tình huống khó khăn, điều quan trọng là phải dùng cảm buông bỏ sau khi làm sáng tỏ sự thật rằng bạn thật sự đã hết cách. Hãy nghĩ về cái duyên lớn lao của việc mình không có khả năng làm, không biết phải làm thế nào. Đừng quá muộn phiền về những việc bản thân không làm được, hãy sống thật thư thái, sảng khoái. ST.