Bạn đã từng cố gắng nghe ngóng "Drama" thú vị bên nhà hàng xóm? Hay bạn đã từng nghe trộm được những lời nói xấu về mình từ phía người khác? Trò chuyện cùng những người bạn, người thân kể cả những người lạ, thỏa sức nghe những bài hát mà mình yêu thích cùng với rất rất nhiều thứ khác nữa. Bộ phận nào đã giúp ta nghe ngóng được tất cả thú vui của cuộc sống như vậy? Chắc chắn đó là "Tai" rồi nhỉ! Điều hiển nhiên rằng 'Tai "dùng để nghe, nhưng có mấy ai biết được tại sao tai lại nghe được âm thanh ? Và nếu muốn biết, hãy cùng mình khám phá bí mật phía dưới này nhé! ^^ Cấu tạo của tai: - Tai ngoài g ồm có vành tai và ống tai ngoài, đi từ vành tai tới màng nhĩ, có nhiệm vụ thu nhận và dẫn truyền âm thanh. Vành tai (loa tai) : Bao gồm sụn và có lớp da phủ bên ngoài, có ít mạch máu và lớp mỡ bảo vệ. Các đường cong và xoắn của vành tai giúp nhận và hứng âm thanh (năng lượng âm) từ mọi phía vào ống tai. Ống tai: Là một ống hơi cong hình chữ S, nối từ vành tai tới màng nhĩ. Ở người lớn, ống tai có xu hướng hướng lên, sau đó hơi nghiêng về phía trước và càng hướng xuống khi tới gần màng nhĩ. Phần phía ngoài của ống tai có chứa các sợi lông nhỏ và các tuyến nhờn tạo ráy tai. Mỗi khi có ráy tai, các sợi lông chuyển động nhẹ nhàng đẩy ráy tai khô và da bong ra cửa tai. Đây là cơ chế tự làm sạch tự nhiên của ống tai. Trong hệ thống của tai, tai ngoài là bộ phận dễ thấy nhất, nhô ra 2 bên đầu người và cũng là bộ phận duy nhất nằm ngoài xương thái dương của sọ. Các bộ phận phức tạp hơn của tai lại nằm ẩn sâu trong các khoang sọ. - Tai giữa gồm màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ và các xương con bao gồm xương búa, xương đe, và xương bàn đạp. Màng nhĩ: Là một màng mỏng hình bầu dục, hơi lõm ở giữa, nằm hơi nghiêng ra sau, ngăn cách hoàn toàn ống tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ bình thường có màu trong mờ, trắng sáng hay hơi xám. Thường, chúng ta có thể nhìn xuyên qua màng nhĩ. Hòm nhĩ: Là một hốc xương gồ ghề nằm trong xương thái dương. Phía trước thông mũi họng, phía sau thông với xoang chũm, bên trong thông với tai trong. Trong hòm nhĩ có các chuỗi xương thính giác bao gồm xương búa, xương đe, và xương bàn đạp. Ba xương này có nhiệm vụ dẫn truyền xung động âm thanh từ màng nhĩ vào tai trong. Vòi nhĩ (vòi Eustache) : Có cấu tạo 1/3 phía trên bởi xương, ⅔ phía dưới bởi sụn. Bình thường vòi nhĩ đóng kín, chỉ mở ra khi nuốt hoặc ngáp để cân bằng áp suất trong hòm nhĩ. Tác dụng của vòi nhĩ là làm cân bằng áp lực của hòm tai với tai ngoài. - Tai trong Ốc tai: Có hình dạng là một ống xương xoắn hai vòng rưỡi quay trụ ốc, bên trong trụ ốc có hạch thần kinh ốc tai. Trong ốc tai có chứa nhiều chất dịch. Khi chuỗi xương con đưa âm thanh đến cửa sổ bầu dục, chất dịch này bắt đầu chuyển động, kích thích các tế bào lông trong ốc tai gửi các xung điện thông qua các dây thần kinh thính giác đến não bộ, nơi mà ta nhận biết được âm thanh. Tiền đình: Là khoang hình bầu dục, ở giữa phình rộng là nơi chứa túi nhỏ và túi bầu dục của tai trong màng. Phía sau tiền đình thông với 3 khoang của ống bán khuyên theo ba chiều ngang, trên, sau. Các ống bán khuyên: Mỗi tai có 3 ống bán khuyên: Bên, trước và sau, nằm thẳng góc với nhau. Các ống đều thông hai đầu với tiền đình và có tác dụng giữ thăng bằng, nhận biết ra sự di chuyển và mức độ thăng bằng. Tai gồm bộ phận truyền dẫn âm thanh và bộ phận cảm thụ âm thanh. Tai ngoài và tai giữa là cơ quan truyền dẫn âm thanh, còn tai trong là cơ quan cảm thụ âm thanh. Âm thanh truyền vào tai trong theo hai đường truyền dẫn qua không khí và truyền dẫn qua xương. Truyền dẫn qua không khí là phương thức truyền dẫn chủ yếu. Sóng âm qua sự tập hợp của vành tai, từ tai ngoài truyền vào màng tai, qua ba miếng xương nhỏ nhóm thành dãy thanh xương của tai giữa, âm thanh được khuếch đại, truyền đến tai trong. Truyền dẫn qua xương là sóng âm tác động vào xương sọ, xương sọ rung động truyền sóng âm vào tai trong. Những xung động âm thanh theo hai phương thức đó truyền đến tai trong, làm cho một chất dịch gọi là ngoại dịch cũng phát sinh xung động tương ứng rồi truyền đến tế bào thính giác (các tế bào lông ốc tai) làm cho chúng bị kích thích. Sự kích thích này sẽ theo các dây thần kinh truyền vào trung khu thính giác của bộ não, và người ta sẽ nhận biết âm thanh. Nói ra thì rất lâu đấy, nhưng toàn bộ những công việc phức tạp này được thực hiện còn nhanh hơn một cái chớp mắt nữa! ^^ Và cuộc sống của chúng ta," Tai "là một trong những giác quan quan trọng nhất, nó giúp ta dễ hòa đồng với mọi người. Tuy nhiên nhiều người không nhận ra rằng tai họ đang tiếp xúc với rất nhiều tiếng ồn gây hại (và yếu tố khác) hàng ngày nữa. Vậy chúng ta phải làm gì? Sau đây mình sẽ nêu ra một số biện pháp bảo vệ" thính giác "của bản thân nhé: 1. Chú ý không để nước lọt vào tai, nhất là những người đang bị viêm nhiễm bên trong lỗ tai. Bạn có thể ngăn nước vào tai bằng cách dùng bông tẩm vaselin bịt tai; hoặc dùng mũ nilon bịt đầu (trùm tai) ; hoặc nút bịt lỗ tai khi bơi lặn. Khi tắm, nếu nước vào tai thì cần nghiêng đầu, tay kéo tai và nhảy dậm chân vài lần cho nước chảy ngược ra; tuyệt đối không ngoáy tai. 2. Phải thận trọng đừng để xảy ra tai nạn, nguy hiểm đối với vùng tai; cố gắng tránh bị lực tác động mạnh đến khu vực tai hoặc lân cận vì có thể bị thủng màng nhĩ, chảy máu tai, dịch tủy chảy ra dằng tai, xương tai bị biến dạng.. dẫn đến giảm thính lực. Bạn cũng cần thường xuyên tập thể dục để máu lưu thông nuôi dây thần kinh tai. 3. Phải tránh tiếp xúc với tiếng ồn ào trong thời gian dài (như tiếng nhạc tại các tụ điểm giải trí, tiếng ồn trong các nhà máy) ; hoặc tiếng động cường độ quá mạnh trong thờigian ngắn (như tiếng súng, tiếng pháo nổ), vì loại âm thanh này làm suy giảm thần kinh tai; trường hợp không tránh được, bạn nên dùng dụng cụ nút tai hoặc che tai để giảm bớt tiếng ồn. 4. Ráy tai là chất tự nhiên do cơ thể sinh ra để giữ độ ẩm, chống nhiễm khuẩn cho vùng tai ngoài và ngăn ngừa vật lạ lọt vào lỗ tai. Thông thường, ráy tai tự" tiêu"khỏi lỗ tai, không cần phải ngoáy tai. Nhưng nếu ráy tai quá nhiều có thể khiến bị ù tai thì cần đi khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng. Đôi khi một số người có ráy tai ướt và nhiều quá thì có thể dùng thuốc nhỏ tai cho ráy tai tan ra để thông lỗ tai (nhỏ tai mỗi tuần 1 lần hoặc thưa hơn). Bạn có thể làm vệ sinh tai bằng cách dùng tăm bông thấm nước sạch ngoáy nhẹ ở vùng tai ngoài, nhưng không được ngoáy sâu vào bên trong lỗ tai. Bài viết của mình đến đây là kết thúc, hẹn gặp lại mọi người vào một ngày không xa nhé!