Tại sao phải học? Nếu như không học, tức là thiếu trí não, kiến thức và văn hóa, thì con người sẽ giống như biến lại thời kỳ chưa tiến hóa, sẽ giống như con vật: Chỉ biết đi tìm cái ăn. Nếu bạn không học, bạn giống như một cái máy cứ làm mà không biết suy nghĩ, động não. Một xã hội không có giáo dục sẽ khó phát triển, và sự thiếu hiểu biết sẽ phá hủy nền kinh tế của một quốc gia. Tất nhiên, học ở đây không chỉ là học kiến thức từ sách vở. Khi đến trường, bạn còn được trải nghiệm nhiều điều khác như cách đối nhân xử thế, cách rèn luyện trí não, cách tư duy sáng tạo.. Đây là tất cả những điều phải được học, phải nghiên cứu để hiểu thấu đáo. Ai cũng sẽ chọn cách học cho riêng mình: Nhiều người chọn học đại học để tìm việc làm, nhiều người chọn học nghề, và số khác thì học kinh doanh.. Nói chung, đó là học tập. Càng lớn tuổi, chúng ta càng tiếp thu được nhiều kiến thức hơn, đó là lý do tại sao việc học lại quan trọng. Từ việc học tập, chúng ta sẽ có chính kiến riêng, độc lập từ tư tưởng đến kinh tế. Càng lớn càng có nhiều điều phải suy nghĩ; và trên đường đời, con người vấp ngã nhiều nên học hỏi được nhiều điều cho bản thân. Việc học không chỉ dừng lại ở những con chữ trên sách vở. Bạn còn có thể học hỏi từ thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh. Ví dụ, hãy học cách tiết kiệm tiền, nếu không bạn rất dễ rơi vào tình cảnh tiêu pha nhiều hơn số tiền kiếm được. Nếu bạn là người bán hàng, bạn có thể học cách làm cho sản phẩm của mình tốt hơn và thu hút nhiều khách hàng hơn. Càng trưởng thành, ta càng thương cha mẹ, tức là ta học cách yêu thương nhiều hơn. Học hỏi không chỉ từ những người thành công, mà còn từ những người không thành công. Nhiều người thất bại không phải vì thiếu trình độ, thiếu kiến thức mà vì một lý do nào đó. Người thành công chưa hẳn dạy bạn bí quyết thành công, nhưng khi quan sát một người thất bại, bạn sẽ hiểu nguyên nhân khiến người đó thất bại và những điều cần tránh hoặc cách vượt qua an toàn. Trên đường đời, càng vấp ngã thì càng tích lũy được nhiều bài học. Việc học giúp ích cho bạn rất nhiều. Khi bạn mới bắt đầu một công việc gì đó, điều rất quan trọng là bạn phải học hỏi từ những thất bại của mình. Có rất nhiều tấm gương như Steve Jobs hay Bill Gates đã bỏ học đại học, nhưng bạn nên biết họ đã học được bao nhiêu ngoài trường đại học. Chúng ta thấy họ đạt được thành công rực rỡ như vậy, nhưng đằng sau đó là sự chăm chỉ, học hỏi và khám phá gấp nghìn lần người bình thường. Để có được thành công như ngày hôm nay, chắc hẳn họ đã phải trải qua rất nhiều lần thất bại, nhưng điều quan trọng là không bao giờ bỏ cuộc và không ngừng học hỏi. Nghị luận tại sao phải học, lợi ích của việc học Xã hội sẽ không ngừng phát triển, khoa học công nghệ hiện đại cũng không ngừng thay đổi từng ngày. Do đó, để có thể làm chủ máy móc, chúng ta không thể ngừng học hỏi và tiếp nhận những kiến thức mới. Học là một quá trình không ngừng, học là việc làm suốt đời. Kiến thức là vô hạn, không ai có thể học hết; vì vậy bất kỳ ai muốn phát triển bản thân và sự nghiệp đều cần phải học. Vậy học là gì, tại sao lại là công việc mà con người ta phải làm không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời? Học là giai đoạn tiếp thu kiến thức từ sách vở và tiếp thu những kiến thức đúng đắn đã được người đi trước khám phá. Tuy nhiên, việc học không chỉ dừng lại ở sách vở, chúng ta có thể học mọi lúc, mọi nơi. Nhiều người lầm tưởng chỉ đến trường và ghi chép vào sách vở mới là học, nhưng học phải đi đôi với hành, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm thực tế, học làm người, điều chỉnh bản thân, học các kỹ năng mềm, học từ những người khác. Mọi người không thể tồn tại và khẳng định bản thân trong xã hội này mà không trang bị kiến thức cho mình. Thật vậy, việc học là rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Học hỏi, hiểu biết nhiều hơn sẽ giúp chúng ta thấy được những khó khăn, nguy hiểm trong cuộc sống để có thể giữ an toàn cho bản thân. Học hỏi sẽ giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề dễ dàng hơn. Việc học là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Học để thấy rằng còn nhiều điều mình chưa biết. Học để thấy mình còn rất nhiều điều phải học, để phục vụ cho tương lai của chính mình, giúp đỡ gia đình và góp phần tạo nên một xã hội văn minh hơn. * * * Xem thêm: - Nghị luận Tầm quan trọng của việc học - Bài Văn Về Vượt Qua Khó Khăn
Tầm quan trọng của việc học Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: "Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích". Bên cạnh đó còn có những câu: "Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ"; "Bất học bất tri lý" (Không học thì không biết lí lẽ, lẽ phải). Suốt lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời. Nói đến học là nói đến trí lực, một năng lực suy nghĩ, một trực quan nhạy bén, một tư duy hợp lý. Điều ấy hết sức cần thiết cho tất cả mọi người. Chính vì vậy, ngay từ lúc nhỏ, bất kì ai cũng phải được học hành. Trong mười hai năm ở trường phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức sơ đẳng của một số bộ môn cơ bản như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ.. Tuy thế, học sinh phải chăm chỉ học hành thì mới hiểu và nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học hành thì rốt cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết quả thu được chẳng đáng là bao. Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm và chất lượng không tốt. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lý thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Có nắm vững lý thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Lý thuyết khoa học có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho kĩ năng thực hành, con người sẽ rút ngắn được thời gian tìm hiểu thực tiễn, do đó sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc. Học cũng là để sáng thêm cái trí, lành thêm cái tâm và để đóng góp tài đức của mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu. Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần, vật chất cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Hiện nay, một số bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự thành công hay thất bại của đời người. Nhận thức lệch lạc thường dẫn đến hành động sai lầm. Bỏ học đi chơi, giao du với những thành phần bất hảo để rồi bị rủ rê, sa ngã vào con đường cờ bạc, chơi bời, hút chích.. dần dần những người đó sẽ đánh mất nhân cách, mất khả năng làm việc và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một cuộc sống như thế không đáng gọi là cuộc sống của một con người chân chính. Tri thức loài người mênh mông như biển cả. Dẫu chúng ta có miệt mài học suốt cuộc đời thì cũng chỉ là tiếp thu được một phần rất nhỏ. Bác Hồ dạy: "Học ở trường, học trong sách vở; học lẫn nhau và học ở dân". Lenin cũng từng khuyên thanh niên: "Học! Học nữa! Học mãi!" Đó là những lời khuyên chí lí về tầm quan trọng của việc học, có giá trị đối với mọi thời đại.
Những câu nói hay về học tập (Vận dụng để liên hệ, làm dẫn chứng) Vũ trụ có biết bao nhiêu điều kì thú chờ đợi ta ở phía trước. Phải luôn luôn học tập chừng nào còn một điều chưa biết. (Lxeneska) Không có kho báu nào quý bằng học thức. Hãy tích lũy nó bất cứ lúc nào có thể. (Rudasky) Đời sống có hạn mà sự học thì vô hạn. (Trang Tử) Điều ta biết như một giọt nước. Điều ta không biết thì mênh mông như cả đại dương. (Einsten) Những gì chúng ta biết trong ngày hôm nay ngày hôm sau sẽ lỗi thời. Nếu ngừng học tập thì chúng ta sẽ ngừng phát triển. (Dorothy Billington) Học tập không phải là một nhiệm vụ hay một vấn đề khó giải quyết – nó là cách để sống trong thế giới. Con người học tập khi theo đuổi các mục tiêu và kế hoạch có ý nghĩa cho chính mình. (Sidney Jourard) Kiến thức có đầu nhưng không có cuối. (Geeta S. Iyengar) Kiến thức của chúng ta càng tăng thì sự thiếu hiểu biết của chúng ta càng bộc lộ ra nhiều hơn. (John F. Kennedy) Mục đích của việc học là tăng trưởng, và tâm trí của chúng ta, không giống như cơ thể, có thể tiếp tục phát triển khi chúng ta tiếp tục sống. (Mortimer Adler) Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc. (Ngạn ngữ Gruzia) Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. (N. Mandela) Người nào ngừng học tập đều trở nên già cả, dù ở tuổi 20 hay 80. Bất cứ ai liên tục học tập đều trẻ trung. Điều vĩ đại nhất trong cuộc sống là giữ cho trí não của bạn tươi trẻ. (Henry Ford) Đừng để những kiến thức hiện có khiến chúng ta ngừng học hỏi. Thế giới vô cùng rộng lớn và học tập chưa bao giờ là đủ Thế giới luôn biến động vì thế chúng ta không thể ngừng học hỏi. Kiến thức hôm nay có thể ngày sau sẽ trở nên lỗi thời. Lúc này nếu ngủ bạn sẽ có một giấc mơ. Nhưng lúc này nếu học thì bạn sẽ giải thích được giấc mơ. Học tập không chỉ cho bản thân, mà cho cả hai thế hệ: Gia đình hiện tại và gia đình tương lai của bạn. Học tập cũng giống như chèo thuyền ngược dòng. Nếu không tiến lên, bạn sẽ bị trôi ngược lại.
Lợi ích của việc học đại học Nhiều người cho rằng học đại học để có được một tấm bằng để làm việc kiếm thu nhập. Tuy nhiên, việc học đại học còn mang lại nhiều giá trị to lớn hơn thế. Không như cha ông chúng ta, với thế hệ trẻ hiện nay học đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công. Học đại học là một trong những lựa chọn của tuổi trẻ sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường. Trên thực tế, có rất nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học không hề làm công việc liên quan đến ngành nghề đã được đào tạo. Ngược lại vẫn có trường hợp không cần học đại học thì bạn vẫn có thể đảm nhận những công việc yêu cầu trình độ tương tự nhờ kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế cũng như các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, nói về lợi ích của việc đại học, đầu tiên chính là: Nhờ việc có được tấm bằng cử nhân đại học mà người trẻ sẽ có thêm cơ hội để tìm được việc làm ưng ý. Trong thời đại bằng cấp và kinh tế xã hội phát triển thì tấm bằng cử nhân trình độ đại học được xem là "giấy thông hành", là trình độ phổ cập mà bất kỳ ai cũng đều phải có để đáp ứng yêu cầu tối thiểu của công việc. Mặc dù chúng ta có thể làm công việc trái ngành nghề đã học nhưng nếu chỉ học hết cấp 3 hoặc Trung cấp, Cao đẳng thì chắc chắn các bạn trẻ không thể đủ điều kiện ứng tuyển vào vị trí việc làm yêu cầu trình độ Đại học trở lên. Bởi trên thực tế, lợi ích của việc học đại học là không chỉ dạy cho sinh viên kiến thức về một ngành nghề mà còn bao hàm các môn học chung. Đây sẽ là nền tảng cơ bản nhất giúp người trẻ chuẩn bị kỹ năng, kiến thức cần thiết để đảm nhận một vị trí việc làm tại một doanh nghiệp, cơ quan nào đó. Bằng đại học dù ở ngành nghề nào cũng là điều kiện đầu tiên để các nhà tuyển dụng trao cơ hội cho người trẻ được thể hiện mình. Khi học đại học sẽ có cơ hội khám phá ra tiềm năng của bản thân một cách rõ ràng và chi tiết nhất; từ đó, người trẻ sẽ nhận thức được bản thân mình muốn gì, có điểm mạnh, điểm yếu ra sao và quan trọng nhất là công việc nào sẽ phù hợp với mình, giúp mình thể hiện hết được năng lực nổi trội của bản thân. Vì thế, so sánh với các cấp học trước đó - gần như học sinh không có cơ hội để thể hiện bản thân quá nhiều, các môn học chủ yếu là lý thuyết, đọc, chép thụ động; cách học này áp dụng ở đại học đã không còn giá trị. Thay vào đó, khi học đại học, bạn sẽ được khuyến khích thể hiện bản chất, năng lực và những thế mạnh. Không chỉ trang bị thêm kiến thức mà môi trường đại học còn giúp cho người trẻ tự tin hơn, năng động hơn, rèn luyện những kỹ năng mềm giúp làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp hơn sau khi ra trường. Đó cũng là yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ học đại học thành công dễ dàng hơn những người còn lại. Học đại học không phải con đường duy nhất nhưng chắc chắn là một con đường học tập hữu ích cho các bạn trẻ để vững bước hơn rất nhiều trên hành trình phát triển bản thân và vươn tới những mục tiêu trong tương lai.
Học là gì Nếu định nghĩa theo các nhà tâm lý thì học là một sự thay đổi tương đối lâu dài về hành vi, là kết quả của các trải nghiệm. Nói cách khác, học là quá trình chúng ta tiếp xúc và tiếp thu thêm các kiến thức mới, kỹ năng mới, bổ sung trau dồi các kiến thức nâng cao từ các kiến thức cơ bản mà bản thân đã có từ trước. Mà ngay cả kiến thức có từ trước cũng là nhờ học mới có được. Mọi kiến thức chúng ta có đều phải học: Học hỏi và học tập. Học là để đi lên, tiến về phía trước, để không bị tụt lùi, bởi vì học là hiểu sâu, hiểu rộng hơn vấn đề, lĩnh vực mà ta muốn biết, làm tăng trí tuệ của chúng ta. Xã hội càng phát triển thì người học sinh càng phải đẩy mạnh và đầu tư nhiều hơn cho việc học của mình. Học tập là quyền lợi và trách nhiệm của con người nói chung và học sinh nói riêng. Học không bao giờ là dư thừa hay vô ích. Nhưng học phải thực chất, nghiêm túc và có một sự nghiêm khắc với bản thân thì mới là học tập đúng nghĩa và mới thật sự tiến bộ.
Viết đoạn văn về mục đích học tập của em Học tập là một quá trình dài, là cách để con người tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ, mở mang trí óc để khám phá những điều hay lẽ phải. Học là việc cần thiết suốt đời bởi tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú, nó như biển cả mênh mông mà sự hiểu biết của con người lại có hạn. Đâu phải con người có thể hiểu biết được ngay mọi điều trong cuộc sống. Con người ta khi sinh ra, chưa có hiểu biết về cuộc sống, chưa biết làm gì cả, vì vậy phải học từ việc nhỏ nhất, đơn giản nhất trở đi. Lớn lên, đến trường để học đọc, học viết, học những kiến thức tự nhiên và xã hội để trang bị cho mình những tri thức cần thiết trong cuộc sống nhằm giúp bản thân sau này có thể làm việc tốt, bởi trẻ mà không học thì sẽ rất khó để chúng ta có thể vào đời một cách vững vàng. Khi trưởng thành lại tiếp tục cần phải học. Những kiến thức ta được học trong trường không chỉ là nền tảng cơ bản trong cuộc sống, khi bắt tay vào công việc thường nảy sinh ra nhiều vấn đề. Để giải quyết được, ta phải tự học, tự nâng cao kiến thức. Hiện nay trình độ khoa học kỹ thuật, văn hóa tri thức ngày càng phát triển, càng có đòi hỏi cao đối với con người. Nếu chúng ta ngừng học tập thì sẽ bị lạc hậu, tụt lùi, không đảm đương được các công việc được giao, không hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Không ngừng học tập thì mới trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội. Ngày nay, mỗi con người đều có cách học riêng của mình. Nhiều bạn rất chăm chỉ, cần cù và giành được những thành công lớn. Đã có biết bao bạn học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Họ luôn lấy gương các vị danh nhân, các bậc cha anh đi trước để noi gương theo. Như Lê-nin với câu nói: "Học, học nữa, học mãi" hay nhà bác học Đác-uyn lừng danh cũng nói rằng: "Bác học không có nghĩa là ngừng học". Học tập là một yếu tố quan trọng, không những giúp cho chính bản thân mỗi học sinh có một tương lai tốt đẹp mà còn giúp cho đất nước ngày một giàu mạnh. Có câu danh ngôn: "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chốt và việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng". Vì thế học sẽ không bao giờ là đủ và học tập là một việc vô cùng cần thiết đối với cuộc sống ngày càng phát triển như hiện nay.