Tại sao nói phong trào dân chủ 1936 - 1939 có tính dân tộc sâu sắc?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi HTV19, 10 Tháng mười một 2022.

  1. HTV19

    Bài viết:
    5
    Tháng 7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Thượng Hải. Căn cứ Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và tình hình thực tế của Việt Nam, Hội nghị ra quyết định thay đổi đối tượng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam. Hội nghị thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, kêu gọi các đảng phái chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân Đông Dương đấu tranh dân chủ. Phong trào dân chủ 1936-1939 hình thành và lan rộng. Tuy là phong trào đấu tranh đòi quyền dân chủ nhưng phong trào vẫn không xa rời nhiệm vụ chiến lược của cách mạng VN, đánh đổ đế quốc, và mang tính dân tộc sâu sắc.

    Đầu tiên, xét về bản chất phong trào, phong trào dân chủ 1936-1939 vẫn mang tính dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7/1936 xác định, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến. Tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và tình hình cách mạng Việt Nam, Nghị quyết tháng 7/1936 cũng đặt ra nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh chống phản động thuộc địa và tay sai, chống phát xít, đòi các quyền dân chủ, dân sinh, cơm áo và hòa bình. Phong trào dân chủ 1936-1939 được phát động căn cứ vào nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Đông Dương do Nghị quyết đề ra. Các cuộc đấu tranh tuy nêu cao khẩu hiệu dân chủ nhưng thực chất vẫn không bỏ quên nhiệm vụ chiến lược là nhiệm vụ dân tộc. Phong trào đã đóng vai trò là một bước chuẩn bị tiếp tục cho cách mạng Việt Nam tiến tới giành độc lập dân tộc. Từ đó có thể thấy, phong trào dân chủ 1936-1939 thực chất vẫn là một bộ phận của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Và do đó, phong trào dân chủ vẫn mang tính dân tộc.

    Tiếp theo, xét về mục tiêu đấu tranh, phong trào dân chủ 1936-1939 đặt mục tiêu đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, cơm áo và hòa bình. Trong thư ngỏ gửi tới tất cả các tổ chức, đoàn thể, đảng phái chính trị và toàn thể nhân dân Đông Dương tháng 8/1936, Đảng Cộng sản Đông Dương nêu 12 yêu cầu cần đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện: Ân xá cho tất cả tù chính trị; quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng tôn giáo; quyền bình đẳng giữa người bản xứ với người Pháp; bãi bỏ các thứ thuế vô lý; giáo dục bắt buộc tiếng mẹ đẻ; Nam nữ bình quyền;.. Đây chính là các nội dung đấu tranh của phong trào dân chủ 1936-1939. Tuy là quyền tự do dân chủ, tuy nhiên có thể thấy các yêu cầu như quyền bình đẳng với người Pháp, giáo dục tiếng mẹ đẻ.. còn đồng thời là các quyền lợi mang tính dân tộc, biểu hiện ở quyền bình đẳng dân tộc và bảo tồn văn hóa dân tộc. Đồng thời, tất cả các quyền lợi mà phong trào dân chủ đấu tranh đều là quyền lợi chung của cả dân tộc, không phục vụ cho riêng một giai cấp nhất định nào. Do đó chúng cũng ít nhiều có tính dân tộc.

    Tiếp đến, xét về đối tượng cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương xác định đối tượng của phong trào dân chủ là bọn phản động thuộc địa và tay sai. Phản động thuộc địa là một bộ phận thực dân Pháp ở Đông Dương không chịu thi hành các chính sách tiến bộ của Mặt trận Nhân dân Pháp. Đây là bọn mang nặng tư tưởng thực dân, chúng coi thuộc địa và nhân dân thuộc địa chỉ là tài sản của chính quốc. Chúng sẵn sàng đàn áp, khủng bố nặng nề các phong trào đấu tranh của nhân dân. Do đó, bọn phản động thuộc địa là kẻ thù nguy hiểm nhất của cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam. Tay sai của chúng là địa chủ và tư sản mại bản, các đảng phái, tổ chức chính trị mang tính cải lương. Các tổ chức này thực hiện các hành động lừa dối, dụ dỗ quần chúng nhân dân, phá hoại phong trào quần chúng. Bằng đấu tranh báo chí và đấu tranh nghị trường, Mặt trận đã vạch trần các thủ đoạn mị dân, cô lập bọn tay sai phản động. Phong trào dân chủ 1936-1939 tuy không đặt ra mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng cũng đã thực hiện nhiệm vụ dân tộc thông qua đấu tranh chống lại bọn phản động thuộc địa và tay sai, kẻ thù của phong trào dân tộc.

    Sau nữ, xét về lực lượng cách mạng, lực lượng của phong trào dân chủ 1936-1939 là lực lượng dân tộc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7/1936 quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương. Đến Hội nghị tháng 6/1938, Đảng quyết định đổi tên thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Mục tiêu của Mặt trận là tập hợp mọi lực lượng dân chủ, không phân giai cấp, tầng lớp, tư tưởng chính trị, tôn giáo.. bao gồm cả người Pháp tiến bộ và các thành phần thân Pháp nhưng có tư tưởng chống Phát xít, để cùng đấu tranh thống nhất đòi các quyền tự do dân chủ và chống Phát xít. Tuy trên thực tế, lực lượng nòng cốt của phong trào vẫn là nông dân và công nhân nhưng phong trào cũng đã tập hợp được đông đảo lực lượng từ nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội. Vì lý do này, bản chất lực lượng của phong trào dân chủ 1936-1939 là lực lượng dân tộc, bao gồm hầu như mọi lực lượng có khả năng cách mạng trong lòng dân tộc. Do đó, lực lượng cách mạng của phong trào dân chủ 1936-1939 cũng thể hiện tính dân tộc.

    Cuối cùng, xét về ý nghĩa phong trào, phong trào dân chủ 1936-1939 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Dương. Các cuộc đấu tranh của phong trào đã buộc chính quyền thuộc địa thả tự do cho hàng ngàn tù chính trị, mà phần lớn là cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là một lực lượng bổ sung quan trọng cho Đảng. Qua phong trào, chủ nghĩa Mác-Lênin tiếp tục được truyền bá sâu rộng trong quần chúng. Đội ngũ cán bộ của Đảng được tôi rèn qua đấu tranh, ngày càng trưởng thành hơn. Đông đảo quần chúng được giác ngộ cách mạng và luyện tập đấu tranh đã trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của Đảng. Qua phong trào, Đảng tổng kết được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức quần chúng và xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất. Phong trào dân chủ 1936-1939 trở thành cuộc tập dượt lần thứ 2 của Đảng trong quá trình tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng 8. Do đó, ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng dân tộc của phong trào dân chủ 1936-1939 cũng đã thể hiện tính dân tộc của phong trào.

    Như vậy, tuy là phong trào đấu tranh đòi quyền dân chủ nhưng ngay trong bản chất phong trào dân chủ 1936-1939 vẫn mang tính dân tộc và nhiều mặt cốt yếu của phong trào cũng thể hiện dân tộc. Vì vậy, phong trào dân chủ 1936-1939 thực chất có tính dân tộc sâu sắc.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...