Vào thời điểm tháng 3/2020, Busstrade xuất hiện tràn lan trên mạng với lời quảng cáo là sàn giao dịch tài chính quốc tế, thành lập và cấp phép hoạt động ở Vương Quốc Anh. Busstrade được giới thiệu là nền tảng giao dịch tiền ảo theo quyền chọn nhị phân (BO), có thể bảo hiểm 100% vốn người dùng và giúp kiếm lời lên đến 30%/ tháng. Người tham gia Busstrade sẽ dự đoán xu hướng và chọn giao dịch Sell (xuống) hay Buy (lên) trong 30 giây, sau đó chờ kết quả. Nếu lựa chọn đúng, người chơi sẽ nhận về mức thưởng tương đương 95% số tiền đã cược. Tương tự với Busstrade, dạo gần đây chúng ta đã có các cái tên như CoolCat, fxtradingmarket, DeFi Trade, Bitconnect, IFan và mới nhất là TCL và BitcoinDeFi. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao người dùng lại dễ mắc bẫy lừa đảo đến vậy? 1. Thiếu hiểu biết Phải nói yếu tố đầu tiên khiến con người ta dễ mắc bẫy đó chính là thiếu sự hiểu biết. Có rất rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào Nteam thậm chí còn không biết khái niệm tiền điện tử là gì, cũng chẳng biết đồng TCL nó có ý nghĩa gì, tác dụng ra sao. Họ đã tự khẳng định và tự nhận trong các buổi họp Zoom rằng bản thân họ cũng không biết, nhưng thấy người khác tham gia được thì họ cũng xuống tiền. Đối với các nhà đầu tư, thứ quan trọng nhất họ cần phải nắm được đó chính là tính minh bạch của dự án. Hầu hết các dự án tiền điện tử mang tính chất lừa đảo được lập ra tại Việt Nam đều không đưa ra được những yêu cầu minh bạch tối thiểu như trụ sở, cách thức liên lạc. Thậm chí có những dự án còn sử dụng các thông tin giả gây hoang mang và nhầm lẫn cho các nhà đầu tư. 2. Lãi suất cao, tham vọng có lời nhanh Lãi suất hoa hồng là yếu tố gần như có trên mọi sàn giao dịch, tuy nhiên hoa hồng giao dịch chỉ là một khoản nhỏ có thể chấp nhận được giữa các giao dịch với nhau, chứ không thể có mức lãi hoa hồng kinh khủng khiếp mà các đồng tiền ảo đa cấp lừa đảo. Mô hình ponzi đa cấp lừa đảo thường vẽ ra một mức hoa hồng rất lớn gây kích thích các nhà đầu tư, những người đã thiếu kiến thức thực tế từ những khái niệm mơ hồ. Họ xuống tiền để tham gia vào các mô hình kim tự tháp, đa cấp nhiều tầng để ăn % hoa hồng từ chính các người dùng tuyến dưới, thậm chí những người tuyến dưới này lại là người nhà, người thân của họ. Nếu không tham gia vào các mô hình ponzi đa cấp, người Việt sẽ sập bẫy vào các mô hình lừa đảo, hứa hẹn trả lãi xuất khủng như đồng TCL của nhóm Nteam. Nắm được tâm lý đám đông, muốn giàu nhanh nhưng không phải vất vả, các đối tượng lừa đảo đã vẽ ra một chiếc bánh siêu to khổng lồ mang tên là lợi nhuận. Những cái bánh vẽ này hứa hẹn đem lại cho người dùng một mức lãi suất siêu khủng, từ 20 - 30% / tháng, cao hơn quá nhiều mức lợi nhuận từ các công ty hàng đầu trên thế giới kiếm được. 3. Tâm lý đám đông, sự lôi kéo của người khác Chiêu bài thường thấy trong các mô hình lừa đảo đó là việc tuyển người cấp dưới để được chia % hoa hồng. Việc tuyển người này thực chất cũng chỉ hướng đến mục tiêu đa dạng hóa cá thể nạn nhân, lấy tiền đầu tư của người sau làm hoa hồng để trả cho người trước. Đến một thời điểm nào đó, người dùng mới không còn đầu tư hoặc không còn tham gia vào dự án nữa, các chủ "sàn" sẽ lập tức tuyên bố đóng cửa, viết tâm thư chia tay và "hẹn ngày tái ngộ" (). Tâm lý đám đông khi có được nguồn lợi trước mắt thường sẽ tiếp tục rủ rê, lôi kéo các thành viên khác tham gia, gần nhất chính là bạn bè người thân xung quanh mình đầu tư vào. Có rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra, khi mà nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn kéo theo rất nhiều người "tuyến dưới", là chính người nhà, bạn bè của nạn nhân. Tiền mất một, tình cảm sứt mẻ đến năm bảy phần. Và rõ ràng, khi mà thị trường còn tiếp tục có những sản phẩm mang tính chất đa cấp, lừa đảo người sử dụng, thì sẽ lại tiếp tục có các nạn nhân, và người Việt thì liên tục hại người Việt. Bài viết này dựa trên quan điểm cá nhân, các thông tin trong bài viết được tổng hợp bởi nhiều nguồn.