Từ một loài được cho là "phá hoại", điều gì khiến chuột trở thành vật thí nghiệm ưa thích của các nhà khoa học? Theo các tài liệu lịch sử y khoa, những ghi chép sớm nhất về thí nghiệm y học trên động vật có từ hơn 2.000 năm trước Công nguyên, khi người Babylon và người Assyria ghi lại các thử nghiệm việc phẫu thuật hoặc dùng thuốc cho người và động vật. Trong y học hiện đại, nhiều loài động vật khác nhau đã được dùng làm vật thí nghiệm như chó, mèo, heo, ngựa, thỏ, cá, côn trùng.. nhưng phổ biến nhất vẫn là loài chuột. Ước tính mỗi năm có đến hàng trăm triệu con chuột đã hy sinh cho nghiên cứu khoa học. Chuột được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu đến nỗi chúng được nhân giống và nuôi trong các "lò" cung cấp chuyên nghiệp, được bày bán online và cam kết giao hàng trong ngày hôm sau, tạo sự tiện lợi chưa từng có cho các nhà khoa học. Trong cộng đồng khoa học, bộ gặm nhấm là đối tượng thí nghiệm phổ biến nhất. Có đến 95% các nghiên cứu trên động vật ở Mỹ được thực hiện trên loài gặm nhấm. Còn ở châu Âu, loài gặm nhấm chiếm 79% các thí nghiệm lên động vật trong các nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói chắc chắn có bao nhiêu con chuột đã được dùng trong các nghiên cứu và thí nghiệm. Trong khi Bộ Nông nghiệp Mỹ theo dõi nhiều loài động vật dùng để thí nghiệm – như chim, chó, mèo, thỏ và thậm chí cả chuột lang – không một ai có danh sách tổng quát tất cả các loài chuột dùng trong nghiên cứu. Vậy tại sao chuột lại được dùng nhiều trong phòng thí nghiệm đến thế? Có một vài nguyên nhân khá thực dụng: Chúng nhỏ, dễ sinh sản và rẻ. Khi thí nghiệm trên nhiều đối tượng, nghiên cứu có thể sẽ tin cậy hơn, thật khó có đối tượng thí nghiệm nào thắng được chuột. Sau nữa, chuột là động vật có vú, vì thế dù sao chúng cũng là những thành viên trong một gia đình. Giống như con người, chuột cũng có các cơ quan chức năng tương tự như hệ thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, bài tiết.. các phản ứng miễn dịch khi bị nhiễm trùng và bệnh tật.. Nhờ vào sự tương đồng giữa chuột và người, các nhà khoa học có thể gây ra một số các mô hình bệnh tật trên chuột, ví dụ như bệnh béo phì, đái tháo đường, nhiễm trùng, ung thư.. để từ đó thử nghiệm các phương pháp điều trị có hiệu quả, rồi đem áp dụng cho người. Một loại khác của loài gặm nhấm biến đổi là chuột chuyển gene được nuôi cấy chèn thêm DNA ngoại lai. Đây là một cách rất hiệu quả để mô hình hóa những bệnh cụ thể ảnh hưởng đến con người và nghiên cứu các chức năng di truyền. Cho đến nay, trong rất nhiều nghiên cứu về tác dụng trị liệu và độc tính của một dược chất mới, một phương pháp điều trị như phẫu thuật, hay nghiên cứu về gen.. người ta vẫn thường dựa vào các thử nghiệm trên chuột để phỏng đoán về tác dụng có thể có trên người. Những thành tựu khoa học từng đoạt giải Nobel như phát hiện ra vitamin K, tìm ra vắc xin ngừa bại liệt, hoặc phát minh cách điều trị ung thư bằng công nghệ kháng thể đơn dòng, hay liệu pháp miễn dịch.. cũng đã đạt được nhờ có những nghiên cứu thực nghiệm trên chuột. Ngoài ra, Xét trên phương diện tiến hóa, chuột còn có họ hàng xa với con người: Tổ tiên chung cuối cùng giữa chuột và người tồn tại cách đây 80 triệu năm, và chuột sở hữu bộ gen giống người đến 95%. Chuột cũng không thuộc diện được bảo vệ bởi luật pháp về quyền động vật một cách nghiêm ngặt như một số động vật to lớn hơn như khỉ, chó, hay mèo, giúp tránh các phiền phức về mặt pháp lý trong nghiên cứu. Chính vì điều này mà vai trò của chuột làm mô hình thí nghiệm, giúp cho việc phòng và chữa bệnh ở người vẫn khó được thay thế hoàn toàn. Cho dù có sự khác biệt giữa các loài, việc thực hiện nghiên cứu cơ bản về mô hình bệnh tật trên động vật vẫn mang lại cho các nhà khoa học những thông tin có giá trị.