Liệu có bao giờ bạn để ý rằng, chỉ tầm 1-2 tuần là đã phải cắt móng tay một lần, nhưng móng chân thì cả tháng bạn mới cần cắt không? Chuyện này có nguyên nhân cả đấy. Cùng tìm hiểu thử nhé! TÀI LIỆU KHOA HỌC CHƯA CÓ GIẢI THÍCH CHO VIỆC NÀY Mặc dù chính bản thân chúng ta nhận thấy việc móng tay dài nhanh hơn móng chân, nhưng lại không có nhiều tài liệu khoa học chỉ ra chính xác cơ chế sinh học cho việc này. Cũng chính vì lí do đó, Tiến sĩ Williams Bean, một bác sĩ tại Trung tâm Walter Reed Army ở bang Washington DC đã tiến hành tự nghiên cứu bằng chính móng tay và móng chân của mình trong những thập niên 1990. Và kết quả là gì? BÀN TAY Ở GẦN TIM HƠN Một giả thiết được đưa ra bởi USCcience cho rằng, vì bàn tay ở gần tim hơn so với bàn chân nên có lượng máu lưu thông tốt hơn, nhận được nhiều oxy và dinh dưỡng hơn. Các chất dinh dưỡng được vận chuyển đến móng tay thông qua mao mạch nằm ngay bên dưới móng. Chính vì lí do đó, những lớp móng xuất hiện trên ngón tay sẽ phát triển nhanh hơn, từ đó dẫn đến việc nhanh dài hơn. Đặc biệt hơn, từ kết quả từ thí nghiệm của Tiến sĩ Williams Bean, ông cũng thấy được rằng sự tăng trưởng của móng tay đi đôi với lưu lượng máu và quá trình trao đổi chất. Và tất nhiên, những quá trình này đều chậm lại khi con người ta già đi. Đó cũng là lí do tại sao móng tay của trẻ nhỏ thường nhanh dài hơn móng tay của người già. DO KÍCH THÍCH, TÁC ĐỘNG TỪ BÊN NGOÀI Ngoài thí nghiệm nói trên của Tiến sĩ Williams Bean, tiến sĩ Rodley Dawber, một bác sĩ da diễu ở Oxford cũng đã thực hiện thí nghiệm của mình sau khi ông bị chấn thương ở ngón tay sau một trận đấu bóng bầu dục. Ông phát hiện ra rằng sự tăng trưởng của móng tay bị chấn thương chậm hơn so với những ngón tay khác. Điều đó cho thấy, vì ngón tay bị chấn thương, ít cử động, ít va chạm nên móng cũng sẽ mọc chậm hơn. Bởi lẽ móng tay gần như liên tục bị tác động khi con người ta làm một công việc gì đó. Từ việc đánh máy, cử động, hay va đập, rồi nhiều hành động khác, những "va chạm" này ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Do đó, những người thuận tay phải cũng thường có móng tay phải dài nhanh hơn so với móng tay ở tay trái và ngược lại. CHIỀU DÀI NGÓN TAY, DINH DƯỠNG VÀ THỜI TIẾT Ngoài những lí do được nêu trên sau khi làm thí nghiệm, người ta cũng phát hiện ra việc phát triển của móng tay còn phụ thuộc vào cả chiều dài của ngón tay, hoặc dinh dưỡng từ những bữa ăn của bạn, và thậm chí còn phụ thuộc vào thời tiết. Lí do chính bởi thành phần chính của móng tay là keratin, vốn cũng được tìm thấy trong da, tóc và sừng. Móng không có tế bào sống và mọc ra từ một nhóm tế bào đặc biệt gọi là mầm móng, có nhiều mạch máu nằm dưới quầng móng. Nếu ngón tay bạn dài thì móng tay của bạn cũng sẽ phát triển nhanh hơn. Nếu bạn ăn kiêng hay thường xuyên ăn với khẩu phần protein thấp, móng tay bạn sẽ mọc chậm lại. Và nếu thời tiết nóng nực (mùa Hè), móng tay của bạn cũng sẽ dài nhanh hơn bình thường. Nếu móng tay mất khoảng 6 tháng để thay thế chính nó, tính từ gốc với tốc độ 3 mm mỗi tháng, thì móng chân mọc lại trong 12-18 tháng với chỉ 1 mm mỗi tháng. Chính vì vậy đừng lo đến móng chân quá thường xuyên mà hãy cắt móng tay nhiều hơn nhé.