Tại sao móng chân bị đen? Bạn phải biết rằng màu sắc và độ cứng của móng chân nói lên tình trạng sức khỏe của mình. Việc móng chân đổi màu đen không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang gặp vấn đề. Vậy tại sao móng chân bị đen, có phải do bệnh lý không? Cùng tìm hiểu ngay những vấn đề này qua nội dung bên dưới nhé. Nguyên nhân móng chân bị đen Móng chân màu đen bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể đơn giản chỉ là do tác động của ngoại lực nhưng cũng có thể là do bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Cụ thể: Lực tác động lặp đi lặp lại Những chấn thương nhẹ lặp lại trong quá trình chạy bộ, giày dép không vừa chân có thể chèn ép lên móng chân, khiến móng chân tụ máu và dần chuyển sang màu đen. Bạn càng có thể khẳng định đây là nguyên nhân khiến móng chân bị đen nếu tình trạng này xuất hiện trong một thời gian ngắn sau khi tập luyện hoặc khi mang đôi giày quá chật hay quá rộng. Chấn thương có thể lặp đi lặp lại từ nhẹ đến nặng, với biểu hiện là vùng thâm nhỏ không đau dưới móng chân đến những vết phồng rộp tụ máu lớn ở móng chân. Tụ máu dưới móng chân do chấn thương Khi vật nặng rơi lên ngón chân có thể làm vỡ mạch máu dưới móng; sau đó xuất hiện tình trạng bầm tím, trầy xước hoặc chảy máu dưới móng chân khiến móng chân bị đen. Loại móng đen này lâm sàng gọi là tụ máu dưới móng, khối máu đen này khi hình thành sẽ đi kèm cảm giác đau nhói. Cơn đau này sẽ hết khi bạn có thể trích máu chảy ra ngoài bằng một đầu kim nhỏ, vì việc này sẽ giúp làm giảm áp lực lẫn màu sẫm dưới móng. Tuy nhiên việc này phải được thực hiện bởi bác sĩ tại cơ sở y tế, nếu tự làm tại nhà sẽ rất mất vệ sinh, đau đớn và không hiệu quả. Nhiễm nấm Nhiễm nấm có thể lan rộng khắp vùng chân và lan đến móng chân. Từ đó khiến móng chân thay đổi màu sắc sang màu vàng, xanh lá cây, xanh tím, tím, nâu, đen. Những màu sắc này đều đặc trưng cho nấm, đặc biệt nếu có chất bột trắng xuất hiện ở móng chân sẽ gây mùi khó chịu. Móng chân đen do tông màu da Đôi khi việc móng chân bị đen cũng có thể là do tông màu da. Bởi vì tương tự như những vùng da khác trên cơ thể, sắc tố da ở vùng da dưới móng chân cũng có thể thay đổi theo thời gian. Thông thường dạng rối loạn sắc tố này xuất hiện đối xứng và có thể xuất hiện ở nhiều ngón chân. Ví dụ như ngón chân út ở cả hai bên chân đều có thể chuyển sang màu đen với kích cỡ và hình dáng tương tự như nhau. Ung thư hắc tố da (melanoma) Ung thư hắc tố da là dạng ung thư da nguy hiểm nhất, với biểu hiện đầu tiên là một điểm màu sẫm xuất hiện trên da. Điểm sẫm màu này có thể xuất hiện và phát triển bên dưới móng chân khiến móng chân tối màu và bị đen đi. Nếu bạn phát hiện móng chân đổi màu và đen dần một cách chậm chạp nhưng không phải do chấn thương hay không đau đớn thì hãy đi khám ngay nhé. Móng chân bị đen có nguy hiểm không? Khắc phục như thế nào? Tình trạng móng chân bị đen nếu do chấn thương thường không gây nguy hiểm gì và nó sẽ dần tự hết theo thời gian khi móng chân dài ra. Tuy nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của ngón chân và cả bàn chân. Nếu móng chân bị đen là do nấm móng thì cần điều trị sớm, tránh không để nấm lan rộng khắp ở chân và các bộ phận khác trên cơ thể. Hơn thế nữa nếu không được điều trị thì nấm móng chân có thể gây tổn thương vĩnh viễn ở móng. Nguy hiểm nhất là khi móng chân bị đen do ung thư hắc tố da, tình trạng này có thể bị nhầm lẫn với nhiễm nấm thông thường nên khó phát hiện và điều trị kịp thời. Chính vì vậy nếu nhận thấy móng chân xuất hiện chấm đen hoặc tình trạng móng chân bị đen kéo dài thì hãy thăm khám ngay để được điều trị từ những giai đoạn đầu. Hiện nay, việc khắc phục và điều trị móng chân bị đen bằng cách nào chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nếu do chấn thương thông thường thì bạn có thể không cần điều trị vì chúng tự biến mất, hoặc chỉ cần đến cơ sở y tế trích máu để giảm đau và nhanh khỏi hơn. Nếu nhiễm nấm móng thể nhẹ thì sử dụng thuốc bôi thông thường, trường hợp nghiêm trọng thì dùng thuốc kháng nấm hoặc các phương pháp khác theo chỉ định của bác sĩ. Qua những thông tin trên chắc hẳn bạn đọc đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân tại sao móng chân bị đen và cách khắc phục khi gặp phải tình trạng này. Nhờ đó mà không phải quá lo lắng khi móng chân sẫm màu và chuyển đen, đồng thời có thể giữ gìn thẩm mỹ của đôi bàn chân.