Trước khi gặp A Phủ, dù đã quá đủ khổ nhục ở nhà A Sử, thế nhưng: tại sao Mị không chạy trốn? Nguyên nhân của việc này cũng giống với việc Mị đã từng nhiều lần muốn tự tử bằng cách ăn lá ngón nhưng cuối cùng lại không làm. Đó là bởi vì nếu Mị chết đi, giải thoát được cho bản thân, nhưng còn cha của Mị thì sao? Còn món nợ truyền kiếp của gia đình Mị thì sao? Là một người con hiếu thảo, lại mất mẹ từ sớm, tất nhiên Mị càng thương cha mình hơn, và một người con gái ngoan ngoãn như Mị thì không thể nỡ lòng nào mà khiến cha của mình phải khổ hơn nữa. Bởi vậy, dù cho bản thân chịu khổ nhục bao nhiêu, Mị cũng không thể chết hay chạy trốn, vì hơn ai hết, Mị hiểu rằng chỉ có Mị là người duy nhất đang gánh bớt khổ cực cho người cha ruột đáng thương của mình. Không những thế, ngày qua ngày, gia đình thống lí Pá Tra đã biến Mị trở thành một con rùa nuôi trong xó cửa. Chúng đã chụp chiếc mai rùa vô hình lên Mị, khiến cho Mị càng lúc càng trở nên thu mình lại với thế giới bên ngoài, bị động với cuộc sống, chậm chạp với mọi suy nghĩ hay bất kỳ ý tưởng gì đối với chính cuộc đời của cô. Bên cạnh đó, trong thời buổi lúc bấy giờ, tư tưởng cổ hủ đã trói buộc con người, đặc biệt là người phụ nữ nhiều biết bao. Chính vì vậy mà ban đầu Mị muốn giải thoát cho bản thân cũng chỉ dám nghĩ đến tự tử chứ không dám nghĩ đến chạy trốn. Bởi lẽ một người đàn bà mà bỏ nhà đi thì sẽ ê chề thế nào, sẽ bị lên án, người thân cũng sẽ phải "muối mặt", vì một người đàn bà như vậy sẽ bị coi là hư hỏng, là mất nết, và vô vàn những từ ngữ thậm tệ hơn nữa. Trong hệ tư tưởng lạc hậu ấy, người phụ nữ khổ quá thì tìm đến cái chết, chứ tuyệt nhiên chẳng dám mảy may màng tới chạy trốn, dù chỉ là trong ý nghĩ. Vậy sau đó, tại sao Mị chạy theo A Phủ? Khi gặp A Phủ, mọi thứ trong suy nghĩ của Mị vẫn chưa có gì thay đổi. Chỉ đến lúc "Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" và chính "dòng nước mắt lấp lánh" đó đã chảy len lỏi vào trái tim và tâm hồn tưởng chừng như đã chết khô của Mị khiến cô bỗng nhận ra rằng người này đang ở trong hoàn cảnh tương tự như cô: Những kẻ nô lệ, bất lực, không thể phản kháng, bị chà đạp. Và lẽ dĩ nhiên là một người ở cùng hoàn cảnh thì sẽ có thể khiến cho Mị dễ dàng cộng hưởng xúc cảm của bản thân, khiến cô nhớ về mọi chuyện kinh khủng từ xưa tới nay, về người đàn bà cũng bị trói đến chết ở căn nhà khủng khiếp này, về chính mình cũng đã, đang và sẽ tiếp tục bị A Sử trói, đánh đập, hành hạ. Nước mắt của A Phủ lúc này chính là những giọt nước mắt của nô lệ khi đối mặt với cái chết sắp xảy ra. Lúc này, lý trí đã quay về với Mị, giúp cô nhận thức được một điều cốt lõi: "Chúng nó thật độc ác!" Nghĩ đến mình, rồi nghĩ đến A Phủ nay mai thôi là sẽ phải chết, "chết đau, chết đói, chết rét" - Mị liệt kê ra những nguyên nhân dẫn đến cái chết, nhiều lắm, nhưng cuối cùng đều là "phải chết". Dòng nước mắt của A Phủ đã khiến cô cảm thấy phức tạp. Cô đồng cảm với kẻ cùng cảnh ngộ, cô tiếc cho số phận của mình, rồi cô lại thương cho A Phủ "việc gì mà phải chết như thế". Một loạt những nét tâm lý đó đã thúc đẩy cô hành động: Dùng dao cắt dây trói và cởi trói cho A Phủ. Đó là một hành động táo bạo và rất nguy hiểm, nhưng nó phù hợp với diễn biến tâm lý của cô vào đêm mùa đông đó. Tuy nhiên, rõ ràng là Mị không chủ ý chạy trốn cùng A Phủ ngay từ đầu. Nếu xem xét xuyên suốt diễn biến câu chuyện và diễn biến tâm lý nhân vật, thì hành động cô cắt dây, cởi trói cho A Phủ, rồi sau đó đuổi theo chạy trốn cùng A Phủ là tất yếu và hợp lý. Bởi vì mọi sự chuyển biến đều cần có quá trình và hoàn cảnh tác động. Hành động của cô là kết quả tất yếu sau những bóc lột và áp bức dã man. Từ một cô gái trẻ yêu đời, Mị bị buộc phải trở thành một người đàn bà cam chịu ở nhà thống lí Pá Tra, chìm trong lạnh giá vô vọng, rồi nhờ sức sống tiềm tàng mạnh mẽ - dù có bị dồn ép đến tận cùng cũng không thể dập tắt được, Mị lại trở lại là một người yêu tự do, khát khao hạnh phúc, một người phụ nữ can đảm dám vùng lên vì tương lai, dám dũng cảm chạy tới con đường mới để thay đổi số phận - không chỉ của cô mà còn của cả những con người cùng khổ lúc bấy giờ. * * * Mở rộng: Vì sao mấy tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc?
Vì sao mấy tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc? Khi mới bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà Thống Lý, không lễ nghĩa, không tình cảm, đến hàng mấy tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc. Mị khóc vì tuyệt vọng. Ban ngày, nước mắt đắng cay tủi cực bị công việc vất vả quần quật cuốn đi, lẫn vào với mồ hôi nhọc nhằn. Đêm đến, nỗi khổ đau mới theo nước mắt trào lên mặt gối, giống như cả cuộc đời Mị lúc đó gối đầu lên nước mắt. Khóc là biểu hiện của trạng thái tâm lí bị ức chế, không cam chịu, không chấp nhận sự thật nghiệt ngã ấy. Đó là phản ứng dễ hiểu và cũng là phản kháng manh nha từ trong con người của Mị, để từ mềm yếu dần trở thành quật cường sau này.
Vì sao Mị xin bố đừng bán chứ không phải đừng gả Câu nói của Mị đối với bố: "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu." không chỉ cho thấy lòng hiếu thảo của một người con đối với cha và sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của một cô gái lao động miền núi mà còn bộc lộ ý thức về giá trị bản thân nơi Mị. Thay vì xin bố đừng "gả" thì Mị đã nói đừng "bán" bởi Mị không muốn mình trở thành một món hàng để trao đổi, mà thân phận nàng dâu gạt nợ thì chính xác là như vậy. Câu nói cũng đã toát lên ở Mị một sự sắc sảo, thông minh và một thái độ kiên quyết, không ham giàu sang, quyền thế, dù sống nghèo khổ vất vả cũng không ham đổi đời mù quáng.
Vì sao Mị trở thành người vô cảm Lúc đầu khi nhìn thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm, vẫn "thản nhiên thổi lửa, hơ tay" vì cảnh trói người ở nhà thống lí Pá Tra đã quá quen thuộc và chính Mị cũng từng bị trói như thế. Cũng chính là bởi vì ở lâu trong cái khổ, tâm hồn Mị đã trở nên chai sạn. Mị đã quen với cái khổ ở đây đến mức cảm thấy rằng mọi sự đau khổ cũng giống như những sự việc bình thường khác mà thôi, đến mức khiến Mị trở thành người vô cảm trước nỗi đau của người khác, cho nên: "Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi." Mị trở thành người vô cảm là do sự bất công, cổ hủ của xã hội phong kiến cũ đã gây tổn thương sâu sắc đến con người, cả thể xác lẫn tinh thần, đến mức kiệt quệ như vậy; mà chỉ có thoát ra khỏi chế độ lạc hậu đó, mất nhân tính đó, con người mới quay về bản tính tốt đẹp vốn có được.