Qua sự việc gần đây về một ca nương nhỏ tuổi, nhiều người thắc mắc về cách gọi "ca nương" và muốn tìm hiểu thêm về bối cảnh ra đời cũng như các thông tin liên quan về các ca nương, về âm nhạc ca trù. I. Ca nương là gì? Nói về âm nhạc đặc sắc và có tính truyền thống của Việt Nam ta thì không thể không nói đến ca trù, một dòng nhạc khá phổ biến ở miền Bắc. Ca trù không chỉ là một thể loại âm nhạc, mà còn là một nghệ thuật truyền thống, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thanh nhạc, giọng hát và âm thanh của tiếng đàn. Còn các ca nương, hoặc thường gọi hơn là "ả đào" chính là cách gọi những người thường hát ca trù. Các ca nương sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống, có thể là áo dài hoặc các loại áo khác tuỳ thuộc vào bài diễn. Ca nương cần có chất giọng thanh, cao, và phải vang, phải đáp ứng được nhiều yêu cầu mới có thể trở thàn h một ca nương được biểu diễn trên sân khấu. Người ta nói rằng, "không có đào nương bất thành Ca trù, khi nói đến Ca trù không thể không nói tới đào nương". Để trở thành một ca nương, người con gái phải hội tụ đủ các yếu tố về thanh nhạc, kĩ thuật giọng hát, kiến thức về ca trù, kỹ năng gõ phách, ngoài ra còn đòi hỏi đam mê, quyết tâm, sự kiên trì, bởi ca nương - hay còn gọi đào nương- là phần quan trọng nhất và không thể thiếu của hát ca trù. II. Ca trù là gì? Ngoài Ca nương còn có ai tham gia hát ca trù? Ca trù là một thể loại âm nhạc dân tộc truyền thống của Việt Nam, trở nên thịnh hành vào thế kỉ 15, từng có một thời gian ca trù là lựa chọn thư giãn, giải trí của quý tộc, quan lại thời phong kiến. Từng được tầng lớp tri thức yêu thích nhưng ca trù dần biến tướng, sau Cách mạng tháng Tám, ca trù được người ta liên hệ với những trò chơi hư hỏng và đồi truỵ. Mãi đến sau này vào năm 1980 ca trù mới đươc cho phép trình diễn công chúng trở lại dưới dạng đề tài chính trị. Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như: Phú, truyện, ngâm, nhưng hát nói và hát kể là phổ biến nhất. Các bài hát ca trù thường truyền tải những chuyện tình lãng mạn, chứa chan nhiều cảm xúc sâu sắc về đời sống gia đình và xã hội. Do thời gian thịnh hành là vào thế kỉ 15 nên các bài hát ca trù có chất liệu khá phong phú, đưa người nghe đến với không gian văn hóa cổ xưa. Có thể nói Ca trù vừa là thanh nhạc, cũng lại vừa là khí nhạc. Những thành phần chính và quan trọng trong hát ca trù ngoài Ca nương còn có thêm "kép", là người chơi đàn đáy phụ họa cho bài hát, cùng với một "quan viên" - người sẽ đánh trống chầu chấm câu và bày tỏ xúc cảm qua tiếng trống. Thông thường, ca nương sẽ ngồi chính giữa, và kép cùng quan viên sẽ ngồi hai bên, cả ba cùng ngồi trên một tấm chiếu nhỏ. Vào năm 2009, ca trù đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, đủ để thấy những giá trị văn hóa và ý nghĩa mà hát ca trù mang lại trong đời sống con người. Hiện nay, ca trù đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy bằng nhiều hình thức, bao gồm biểu diễn, giảng dạy.. III. Một số tác phẩm nổi tiếng Với lịch sử hình thành và phát triển của ca trù, sau đây là một số nhưunxg tác phẩm tiêu biểu mà bạn có thể tìm hiểu nếu muốn khám phá thêm về ca trù. Cao Bá Quát: "Tự tình", "Nhân sinh thấm thoắt" Tản Đà với "Hỏi gió", "Gặp xuân", "Xuân tình", "Chưa say", "Trần ai tri kỷ", "Đời đáng chán".. Nguyễn Khuyến với "Hỏi phỗng đá", "Duyên nợ". Trần Tế Xương với "Hát cô đầu". Nếu bạn yêu thích ca trù, hãy đừng ngần ngại tham gia các câu lạc bộ văn hóa ca trù, khám phá thêm về ca trù qua các màn biểu diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và cùng gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đẹp này nhé!