Tại sao lại có mưa đá? Theo thông tin được ghi nhận, khoảng thời gian trước và trong Tết Nguyên Đán ở miền Bắc nước ta nhiều nơi xảy ra hiện tượng mưa đá. Ví dụ như vào ngày 24/1 (30 Tết) tại địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lạng Sơn vào tầm giữa trưa có xuất hiện mưa đá. Những viên đá người dân nhìn thấy có đường kính khoảng trên dưới 1cm. Mưa đá xảy ra đột ngột giáp Tết làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đón Tết của người dân nơi đây. Vậy, mưa đá là gì? Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng hoặc kích thước khác nhau. Hạt mưa đá thường có dạng hình cầu không cân đối, kích thước có thể từ 5mm đến hàng chục xăng-ti-mét, nhưng thường là vào khoảng vài xăng-ti-mét. Mưa đá thường xuất hiện cùng với mưa rào, diễn ra từ khoảng năm đến mười phút. Lâu nhất cũng chỉ khoảng 20-30 phút liền tạnh. Mưa đá thường xảy ra ở khu vực vùng núi, vùng biển hay giáp núi (giáp sơn địa), giáp biển và thường ít xảy ra ở đồng bằng. Vì ở Việt Nam địa hình chủ yếu là đồi núi, bên cạnh đó còn có nhiều tỉnh, vùng miền giáp biển nên ở nước ta mưa đá có thể xảy ra ở mọi vùng miền. Tại sao lại có mưa đá? Nói một cách đơn giản, mưa đá xảy ra là do sự bất ổn định trong không khí khi hai luồng khí hậu nóng và lạnh gặp nhau. Sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh kích thích sự đối lưu* phát triển mạnh. Hơi nước bốc lên cao, ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ. Những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại với nhau tạo nên những hạt đá to hơn và rơi xuống mặt đất. Tại tầng khí quyển cao hơn, nhiệt độ của những đám mây có thể xuống dưới –20 độ C và khiến cho rất nhiều hơi nước trong mây và hơi nước bốc hơi lên biến thành những hạt băng nhỏ. Tại tầng khí quyển thấp hơn, hơi nước trong những đám mây tại đây do nhiều nguyên nhân khong thể ngưng kết thành băng nên biến thành các giọt nước có nhiệt độ dưới 0 độ C Không khí không ngừng bốc hơi lên cao đưa theo khối lượng lớn những giọt nước lạnh của mây ở tầng khí quyển thấp lên mây ở tầng khí quyển cao. Chúng tiếp tục đông kết với các hạt băng tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích các hạt băng càng ngày càng lớn, đến khi đạt trọng lượng nhất định sẽ rơi xuống. Những hạt băng ở tầng mây cao khi rơi xuống tầng mây thấp sẽ được bọc thêm một lớp màng nước, đồng thời chịu ảnh hưởng của các luồng hơi nước khi mạnh khi yếu không ngừng bốc lên cao khiến cho lớp nước bên ngoài đông cứng, dính chặt vào nhau làm tăng thể tích băng. Cho đến khi các luồng không khí không còn tác động được vào các hạt băng được nữa, chúng sẽ rơi xuống tạo thành mưa đá. Mưa đá thường diễn ra vào thời gian nào? Mọi người luôn nghĩ rằng mưa đá luôn xảy ra vào mùa đông, hiếm khi xảy ra vào mùa hè. Thực chất là ngược lại. Mưa đá thường hay xuất hiện vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao, còn mùa đông thì nhiệt độ thấp hiếm khi hiện tượng này xảy ra, dù những hôm giá rét nhất cũng không bao giờ có mưa đá. Lý do đằng sau hiện tượng ngược đời này là bởi sự chênh lệch nhiệt độ không khí đáng kể ở độ cao khoảng 4km so với mặt đất, dưới nóng trên lạnh. Phần không khí phía dưới nóng góp phần làm cho hơi nước bốc hơi nhiều, độ ẩm trong không khí tăng, phía trên thì lạnh góp phần đóng băng hơi nước sau khi ngưng tụ và tích thêm cho viên nước đá đủ nặng để rơi xuống thành mưa đá. Có nhiều người thắc mắc vì sao vào mùa hè nhiệt độ nóng ẩm nhưng mưa đá rơi xuống không hề bị tan chảy? Bởi vì hạt mưa đá rơi với tốc độ cực nhanh nên nó không bị tan ra trước khi chạm đất, dù là ở giữa những ngày hè nóng bức. Tác hại của mưa đá? Một hạt mưa đá có kích thước tương đương với một quả bóng tennis, nặng 150 gam có thể rơi với tốc độ 160km/h. Điều này lý giải tại sao cây trồng và nhà cửa bị tàn phá nặng nề chỉ sau vài phút mưa đá ngắn ngủi. Mưa đá có tính phá hoại lớn, chúng có thể làm đứt dây điện, đánh đổ cột điện hay cây cối làm ách tắc giao thông, gây thiệt hại cho nhà cửa, động vật, nông sản, hoa màu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thậm chí có thể làm chết người. Nhận biết mưa đá như thế nào? Theo ông Nguyễn Văn Huy, Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, trong thực tế mưa đá thường chỉ xảy ra trong các cơn dông** tố mạnh và đi kèm với mưa rào cường độ lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Mưa đá thường chỉ xảy ra khi có dông, song không phải trong cơn dông nào cũng có mưa đá. Tần suất xuất hiện mưa đá trong cơn dông chỉ vào khoảng 10%. Mưa đá không như bão, lũ lụt hay các thiên tai khác, phòng chống, hạn chế tác hại của mưa đá được thực hiện có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào sự hiểu biết và nỗ lực của mỗi người dân và gia đình. Với khả năng hiện nay vấn đề dự báo mưa đá, nhất là dự báo chính xác khu vực xảy ra mưa đá trước một khoảng thời gian tương đối là rất khó. Cơ quan Khí tượng - Thủy văn mới chỉ có thể dựa vào sự phát triển của các đám mây dông để cảnh báo trước 1- 2 giờ trước khi mưa đá xảy ra. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ thực hiện được ở những nơi có trạm quan trắc khí tượng hoặc có sóng radar thời tiết. Ta có thể nhận biết được mưa đá chuẩn bị xảy ra dựa vào một vài đặc điểm như: Ban ngày có dông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột.. Nếu thấy trời nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi rất nhanh là lúc mưa đá đã kéo đến. Mọi người cần tìm ngay cho mình chỗ nấp an toàn. Có thể ngăn chặn mưa đá hay không? Chúng ta không thể ngăn chặn mưa đá vì đó là hiện tượng thiên nhiên. Tuy nhiên, ta có thể giảm thiểu tối đa tác hại do mưa đá gây ra. Ví dụ: - Che chắn cẩn thận đối với cây trồng và hoa màu. Lợp mái hình tam giác để giảm tác động của hạt mưa khi xảy ra va chạm. - Gia cố nhà cửa đặc biệt là mái nhà. - Đưa ra những biện pháp khả thi bảo vệ tài sản và vật nuôi. - Nếu phát hiện có thể xảy ra mưa đá, tuyệt đối không nên ra ngoài. Bởi ngoại trừ việc có thể gây ra nhiều thiệt hại, mưa đá còn có thể đem theo độc tố, mưa axit nếu được hình thành từ môi trường không sạch. - Nếu đang đi ngoài đường mà phát hiện mưa đá, ngay lập tức tìm chỗ trốn để tránh bị hạt băng rơi trúng đầu. Đợi đến khi mưa tạnh hẳn hãy rời đi. *) Đối lưu: Đối lưu là sự truyền nhiệt bằng các dòng chất lỏng hoặc chất khí, đó là hình thức truyền nhiệt chủ yếu của chất lỏng và chất khí. (SGK Vật Lí 8) **) Dông: Dông - hay còn viết là giông - là hiện tượng khí tượng phức hợp gồm chớp và kèm theo sấm do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra. Nó thường kèm theo gió mạnh, mưa rào, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng. (wikipedia) Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết!