Tại sao lại có bạo lực học đường? Lỗi là do ai?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Malecstar, 6 Tháng sáu 2021.

  1. Malecstar

    Bài viết:
    34
    BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG - LỖI TẠI AI?

    upload_2024-1-1_18-29-16.png

    Trường học giống như một xã hội thu nhỏ. Tập trung phát triển thế giới thu nhỏ là điều tối ưu để có thể chuẩn bị cho một xã hội thật tốt đẹp hơn, phát triển hơn.

    Một vấn đề quan trọng trong hầu hết các trường học là sự bạo lực giữa các học sinh. Bạo lực học đường.

    Bao nhiêu vụ việc đã được ghi nhận. Từ những việc bắt bạn nộp tiền hằng tháng, đến đánh nhau, lột đồ, xúc phạm bạn học và đăng lên mạng xã hội cười cợt.

    Các vụ việc xảy ra rất thường xuyên, nếu ta tìm kiếm từ khóa "bạo lực học đường", hẳn sẽ dễ dàng tìm thấy những bài viết từ một giờ trước, năm giờ trước, một ngày trước.

    Vậy nguyên nhân của việc này là do đâu? Tại sao các em học sinh liên tục gây gổ, tranh cãi và từ đó dẫn đến bạo lực? Đó là lỗi của người bị bắt nạt vì quá nhút nhát hay là lỗi của kẻ bắt nạt?

    Nguyên nhân đầu tiên là bản thân học sinh. Người ta bảo "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Có những em vốn hiền lành, nhường nhịn bạn bè, có em đành hanh, ích kỷ, đanh đá. Hay theo như Wikipedia, nhiều em học sinh có uất ức, phẫn nỗ chỉ giấu trong lòng, chỉ bộc lộ những hành dộng bạo lực ở nơi vắng người. Bênh cạnh đó có những em thuộc phái Biểu lộ, nghĩ gì làm đó, tức giận thì đánh ngay bạn, điểm kém thì thì đập ngay bàn, thường có những hành động thái quá. Ngoài ra, còn có nhiều học sinh khi bắt nạt người khác cũng là một cách để thỏa mãn bản thân. Có những số liệu cho rằng, nhiều em bắt nạt những bạn nghèo vì cảm thấy đã tìm ra người nghèo hơn mình, đánh đập các bạn học giỏi vì mình không được như các bạn. Điều này các em khó thay đổi được.

    Tiếp theo, yếu tố không thể kể đến là tình cảnh gia đình. Có những người sinh ra chỉ nhìn thấy cảnh bạo lực, lạm dụng tình dục hay nghiện rượu ở chính nhà mình. Vì còn nhỏ nên các em không nhận thức được, cho rằng đó là điều tất yếu trong cuộc sống. Khoa học đã chỉ ra bố mẹ càng có những hành động bạo lực thì thì mức độ hung hăng của con cái càng cao. Trẻ em là phản chiếu của người lớn, nhiều em nhỏ tuổi đã hút thuốc, cầm gậy đánh gãy chân bạn học có lẽ vì những ảnh hưởng từ gia đình.

    Môi trường chính là một trong những yếu tố quyết định nhân cách. Hẳn ai cũng biết câu chuyện nổi tiếng rằng mẹ của Mạnh Tử chuyển nhà bảy lần để con có thể học tập tốt hơn. Nếu một đứa trẻ sống cạnh một cái chợ, những gì em học được chỉ là tiếng chửi bới, cách gian dối trong mua bán. Nếu một đứa trẻ ở cạnh nhà tù, em chỉ học được mẹo trộm vặt, bị dụ dỗ mua thuốc. Nếu một đứa trẻ được ở cạnh trường học, những nhà có học thức, em có thể học được bao điều kỳ diệu trên thế giới, không chỉ biết yêu bản thân hơn mà còn quý trọng cuộc sống.

    Tuy trường học luôn cố gắng bảo vệ các học sinh, nhưng đây là một trong những môi trường ảnh hưởng đến học sinh nhất. Không chỉ học sinh, mà còn cả đạo đức của giáo viên cũng phải được xem xét. Có những cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, ép hai bạn tát nhau. Tất nhiên, các em không dám trái lời cô giáo, từ đó xây dựng nên những phần bạo lực, hung hãn, làm các em tiếp xúc với nhiều điều xấu, thậm chí nghĩ rằng đó là bình thường.

    Một yếu tố không kém phần quan trọng những văn hóa phẩm độc hại. Nhiều em mới 14, 15 tuổi đã thích thú chia sẻ những điều đen tối với nhau. Trong các nhóm phụ huynh dạy con học, biết bao nhiêu phụ huynh buồn phiền vì con vào mạng quá nhiều, học những điều không tốt. Có lần một em 13 tuổi ở trong trại giáo dưỡng được phỏng vấn, em trả lời không cảm xúc, "Em xem phim nhiều rồi làm theo, em thấy việc ình làm không có gì sai." Giờ đây thế giới hiện dại, các em chơi nhiều game bạo lực, nhạy cảm, xem phim quá lứa tuổi hay đọc truyện nhiều cảnh máu me. Điển hình là truyện tranh Conan nổi tiếng, bìa ghi rõ "17+" nhưng người mua toàn các học sinh lớp 2, lớp 3. Bản thân nhiều bố mẹ cũng không kiểm tra con đọc gì, xem gì, đến mãi sau này mới phát hiện con toàn tải những ứng dụng "đen", xóa lịch sử để giấu mình.

    Như vậy, ta thấy rằng đa số đều là những lý do khách quan, hầu hết là môi trường ảnh hưởng. Vậy có nên tha thứ và không trừng phạt các em bắt nạt? Câu trả lời là không. Tuy lý do có là gì, người gây nên lỗi lầm là chính các em. Tự tay các em lột đồ bạn, hất đổ đồ ăn của bạn, hành hung bạn. Thương tổn vật lý, may ra thì khỏi, còn thương tổn trong tim thì sao? Bao nhiêu em học sinh phải điều trị tâm lý mỗi năm vì bị cô lập, xâm phạm tình dục, đánh đập bởi bạn bè? Mỗi người phải chịu trách nhiệm cho hành dộng của mình là đương nhiên. Đúng là chúng ta có thể thông cảm cho một số em, nhưng việc xử lý công bằng và thỏa đáng là việc nên làm. Chỉ có như vậy, các em mới hiểu được mình sai ở đâu, tại sao phải xin lỗi bạn cho những gì mình đã làm.

    Vậy các em bị bạo lực học đường thì sao? Nhiều người cho rằng đó là lỗi của các em khi không phản kháng, quá nhút nhát để báo cáo thầy cô, nhiều phụ huynh còn nói rằng "không thể vỗ tay bằng một bàn tay", ý rằng các em tự nguyện cho việc đó. Làm gì có ai tự nguyện để bị đánh đập, bị chế giễu, bị đàm tiếu hay bị xâm phạm cơ thể? Thử hỏi một học sinh nữ có thể phản kháng lại năm học sinh nam không? Khi bị các bạn tấn công bằng lời nói, chê bai ngoại hình, các em có cách nào để giải quyết không? Tại Mỹ, khi những học sinh khác nổ súng, các em làm được gì ngoài chạy? Tại đây, có một điều cần được khẳng định rõ ràng. Tuyệt đối đừng bao giờ đổ lỗi cho nạn nhân, nạn nhân không sai, và đừng để các em thấy có lỗi khi tố cáo về những hành vi của bạo lực của bạn học.

    Ta thấy rằng hầu hết là do khách quan. Chính vì vậy, sẽ có nhiều cách giúp giảmtỷ lệ bạo lực học đường hơn.

    Trước hết là củng cố kiến thức. Nhiều em hồn nhiên bảo "em đâu biết luật là không được đánh bạn". Đưa thêm các tiết Giáo dục giới tính, Kỹ năng sống, Phổ biến nội quy chung là vô cùng cần thiết. Nhiều học sinh vùng xa đến lớp 11 vẫn chưa biết làm thế nào mà có em bé, sao đánh bạn phải vào tù. Hiển nhiên, việc củng cố kiến thức là việc thiết yếu giúp giảm tỷ lẹ bạo lực học đường.

    Sau đó là các môi trường xung quanh. Cần xem xét kỹ hồ sơ giáo viên, kiểm tra, theo dõi lối sống giáo viên, tránh trường hợp những giáo viên bắt học sinh đánh nhau hay tát nhau.

    Tiếp đó là sàng lọc những tác phẩm theo độ tuổi. Một số thành phố đã thực hiện không bán rượu, thuốc lá cho người dưới 16 tuổi, các nhà mạng đã chặn các trang phim không phù hợp. Tiếp đó nên là sự thay đổi trong việc mua sách, truyện, tránh các em nhỏ đọc những chi tiết người lớn và bắt chước theo.

    Cuối cùng, hãy tuyên truyền, tổ chức nhiều cuộc thi để học sinh nhận biết được đâu là sai là đúng. Giúp lan tỏa thông điệp và giúp các em bị bạo lực học đường không còn sợ hãi tố cáo nữa. Hãy xây dựng một thế giới, nơi không có những hành động thiếu suy nghĩ và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
     
    Khoai lang sùng thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng một 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...