Tại sao lại bị bóng đè khi ngủ?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi rùa cạn, 7 Tháng sáu 2021.

  1. rùa cạn

    Bài viết:
    67
    Tại sao bị bóng đè khi ngủ?

    Tại sao lại bị bóng đè khi ngủ? Đó có phải là do Ma quỷ hay thế lực vô hình gây ra hay không?

    Trên thế giới, những câu chuyện về nhìn thấy ma quỷ trong giấc mơ không phải là hiếm hoi. Nhiều người cho rằng họ bị một hồn ma, một phù thủy hoặc thế lực vô hình nào đó ngồi lên ngực trong lúc ngủ và gọi đó là bóng đè. Cùng với những ám ảnh không nguôi sau khi thức giấc, những hình ảnh mơ hồ đọng lại xen lẫn một chút trí tưởng tượng chủ quan của người trong cuộc tạo nên vô vàn những câu chuyện huyền hoặc ghê rợn về bóng đè.

    Xoay quanh hiện tượng bóng đè, cũng đã xuất hiện rất nhiều câu chuyện ly kỳ trong nhiều nền văn hóa khác nhau:

    - Ở Indonesia, nhiều người tin rằng bóng đè
    (được gọi là tindihan) là do jin - một hồn ma trong Kinh Koran gây ra. Jin là một trong những tạo vật thông minh nhất của Chúa. Linh hồn này không phải lúc nào cũng độc ác, nhưng bởi bản thân đó là một hồn ma, cho nên jin vẫn đủ khiến nhiều người sợ hãi.

    - Theo lịch sử ghi chép, vào năm 1977, 100 người tị nạn Hmong đã chết trong giấc mộng của mình sau khi bị một thực thể tà ác đè chặt lên ngực. Các bác sĩ quyết định gọi nó là "
    Hội chứng đột tử khi ngủ không thể giải thích ". Nhưng người Hmong tin rằng dab tsong, một hồn ma trong đêm tối chính là thứ đã giết chết họ.

    - Theo ghi chép xa xưa nhất linh hồn Kanashibari đã xuất hiện trong truyện ma Nhật từ thời Edo (1603-1867), nó có nghĩ là
    "bị sắt đè lên người" . Tại Nhật Bản, hiện tượng này thường xuất hiện với những nạn nhận trẻ tuổi.

    - Những người Campuchia thoát ra từ trại hành quyết của Khmer Đỏ lúc nào cũng phải vật lộn với chấn thương tâm lý. Họ khiếp sợ kể về khmaoch sângkât mà mình gặp phải hằng đêm trong những giấc ngủ.

    - Người Anh gọi ác quỷ này là Mara. Có nhiều bằng chứng cho thấy ác quỷ Mara xuất hiện trước cả Chúa. Vụ đầu tiên được ghi nhận cách đây 400 năm trước Công Nguyên. Mara cũng xuất hiện trong bức tranh The Nightmare của họa sĩ Henry Fuseli, được hoàn thành vào năm 1781. Nếu để ý trong tiếng Anh từ "
    nightmare " chứa từ " mare " ở trong đó. Bắt nguồn từ tiếng Na Uy, " mare " miêu tả một linh hồn hoặc một sức mạnh siêu nhiên, thích đè ngực và làm nghẹt thở những người đang ngủ.

    [​IMG]

    The Nightmare của họa sĩ Henry Fuseli, 1781

    Nếu ai đã từng trải qua cảm giác bị bóng đè thì đó chắc chắn là một trong những điều đáng sợ nhất

    Những từ có thể mô tả chính xác cho trải nghiệm này là khủng khiếp, bất lực và kinh dị.

    • Vô vàn quái vật trong đêm tối và những thứ kỳ dị khác lần lượt kéo tới bao quanh mình.
    • Thật sự rất khủng khiếp khi có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy những thực thể kinh dị đang tồn tại ở đó, rất chân thực. Và nỗi sợ hãi kinh hoàng đó rất có thể lặp lại thường xuyên, thậm chí là nhiều lần trong đêm.
    • Lúc đó bản thân hoàn toàn bất lực, bất động, thở cũng khó khăn vô cùng, không thể nói, không cựa quậy, không thể hét càng không có cách gì thoát khỏi đó ngay lập tức.

    [​IMG]

    (Bức tranh do một nhân chứng của bóng đè kể về nó)

    Thực sự điều gì đã xảy ra ở đó, khi ta ngủ?

    Thật may mắn vì các nhà khoa khọc đã dành rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu về hiện tượng bóng đè. Họ khẳng định bóng đè hay còn gọi là hiện tượng tê liệt khi ngủ, thực ra nó chỉ là một rối loạn giấc ngủ tự nhiên, lành tính và có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe.

    Adrian Williams - giáo sư chuyên môn về giấc ngủ tại trường King's College London, cho biết: "
    Trong giấc mơ, cơ thể bị khóa liệt lại để ngăn cản bạn thực hiện các động tác thật trong giấc mơ của mình. Thỉnh thoảng cơ thể bị nhầm lẫn, bộ não tỉnh dậy nhưng tình trạng tê liệt vẫn còn ".

    Để lý giải về việc này thông qua nghiên cứu về giấc ngủ , các chuyên gia nhận định giấc ngủ con người diễn ra theo chu kỳ, mỗi chu kỳ được chia làm 2 pha:

    • Pha ngủ nhanh hay pha cử động mắt nhanh (REM -rapid eye movement): Mắt di chuyển nhanh, cơ thể được thư giãn, nhưng bộ não hoạt động liên tục.
    • Pha ngủ chậm (non-rapid eye movement - NREM): Cơ thể thư giãn

    Một chu kỳ REM-NREM kéo dài khoảng 90 phút và phần lớn thời gian dành cho việc ngủ là ở pha ngủ chậm NREM. Những giấc mơ phức tạp của con người xảy ra vào thời điểm REM.

    Hiện tượng bóng đè xảy ra khi sự bất động cơ thể trong pha ngủ nhanh vẫn tiếp tục duy trì, trong khi não bộ đã
    "thức giấc" rồi. Các khu vực của bộ não phát hiện các mối đe dọa đang ở trạng thái quá nhạy cảm là nguyên nhân chủ yếu tạo ra ảo giác và âm thanh ghê rợn.

    Nhìn chung có hai kiểu bóng đè khi ngủ :

    • Trong dạng thứ nhất, người bị bóng đè sẽ nhìn thấy ảo giác – một dạng sinh vật như ma hoặc linh hồn chẳng hạn – nó phụ thuộc vào nền văn hóa. Đó là lý do tại sao những người khác nhau, ở những đất nước khác nhau trên thế giới, sẽ nhìn thấy những thứ khác nhau vào khoảng thời gian bị bóng đè.

    • Kiểu bóng đè thứ hai mệnh danh cho tên gọi của nó. Không thể di chuyển và cử động bởi lúc đó hệ thần kinh đang bật một cơ chế phòng vệ.

    Các nhà khoa học và bác sĩ cũng hoàn toàn không tìm thấy yếu tố tâm linh nào tác động đến chứng bóng đè khi ngủ cả.

    Những ai có thể gặp phải hiện tượng bóng đè?

    Bóng đè thường xuất hiện khi sắp thức giấc hoặc xuất hiện ngay khi bạn vừa mới ngủ. Nó có thể xuất hiện ở bất kì ai, kể cả ở người bình thường và có thể chất khỏe mạnh. Nhưng thường xuyên xuất hiện hơn ở các nhóm sau:

    • Tình trạng thiếu ngủ kéo dài
    • Người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược
    • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
    • Những người "yếu bóng vía" bị ám ảnh vì bởi những thứ mê tín dị đoan thiếu suy xét khoa học
    • Lạm dụng chất gây nghiện
    • Căng thẳng thường xuyên
    • Giờ giấc ngủ thay đổi liên tục
    • Tác dụng của thuốc điều trị (như thuốc trị rối loạn tăng động giảm chú ý)

    Triệu chứng đặc trưng khi bóng đè là gì?

    • Tỉnh táo nhưng không thể nói trong khi bị bóng đè
    • Có ảo giác và cảm giác sợ hãi
    • Khó thở, cảm thấy áp lực lên ngực
    • Đổ mồ hôi, đau đầu, đau cơ
    • Tê người, không có khả năng di chuyển cơ thể khi ngủ hoặc khi thức dậy, kéo dài trong vài giây hoặc vài phút
    • Hiện tượng bóng đè có thể xuất hiện chỉ 1 lần hoặc thường xuyên, thậm chí nhiều lần trong 1 đêm

    Làm sao thoát khỏi bóng đè?

    Các bác sĩ và chuyên gia về giấc ngủ có lời khuyên là khi bị bóng đè đừng cố gắng thoát ra khỏi nó, vì càng cố vùng vẫy càng hoang mang lo lắng chỉ khiến bản thân thêm kiệt sức đồng thời nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm như trụy tim chẳng hạn. Cách ứng phó tốt nhất là chỉ cần thả lỏng cơ thể và tiếp tục ngủ. Nghe có vẻ rất đáng sợ nhưng mọi việc chắc chắn vẫn ổn.

    Để thoát ra khỏi tình trạng trên cũng có thể áp dụng các biện pháp từ từ đánh thức cơ thể như sau, nhưng luôn nhớ phải bình tĩnh và thả lỏng cơ thể:


    • Tập trung thở đều sẽ giúp giảm áp lực lên ngực. Cố gắng duy trì việc thở sẽ dần dần dễ dàng hơn.
    • Cố thực hiện các cử động nhẹ như nắm hờ bàn tay, co ngón chân, nhăn mặt, mím môi là những cách hữu ích để nhanh thoát khỏi cảm giác bóng đè.
    • Cố ho khan như một cách để tự đánh thức cơ thể.
    • Giữ nguyên tư thế, thả lỏng và tự trấn tĩnh bản thân bằng cách tự nhủ: "Việc này rất bình thường, sẽ rất nhanh qua thôi".

    Làm cách nào để phòng tránh bị bóng đè?

    Với đa số trường hợp bị bóng đè sẽ tự khỏi và không cần phải tìm cách điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp bóng đè thường xuyên kèm theo những rối loạn giấc ngủ khác hoặc bệnh lý tâm thần khác thì sẽ cần đến một phương pháp điều trị chuyên dụng hoặc thuốc hỗ trợ. Nên nhớ rằng không được tự ý sử dụng thuốc mà phải được các bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ hoặc bác sĩ tâm thần kê đơn theo dõi.

    Cảm giác trải qua thời điểm bóng đè không thoải mái chút nào. Vì vậy, để phòng tránh nên chú ý:


    • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng áp lực.
    • Không sử dụng trà/cafein trước khi ngủ.
    • Khi ngủ cần nằm thoải mái, tránh nắm sấp hoặc bị các đồ vật đè lên người.
    • Không xem các bộ phim, ảnh, truyện kinh dị, có ma quỷ gây ám ảnh, hoảng sợ.
    • Tránh xa các thông tin mê tín dị đoan thiếu căn cứ khoa học.
    • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, ngủ nghỉ điều độ, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao..

    Hiện tượng bóng đè cũng những câu chuyện ghê rợn xung quanh nó sẽ vẫn còn lưu truyền trong đời sống. Hãy nhớ thật bình tĩnh bởi vì đó là hiện tượng mà đại đa số con người sẽ gặp phải, nên có thể yên tâm chúng ta rất bình thường như họ và nhớ chú ý giữ bình tỉnh khi tình huống có xảy ra.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng sáu 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...