Khoảng cách sinh ra cái đẹp Hẳn là không ít lần chúng ta nghe thấy câu nói này, nhất là trong những câu chuyện ngôn tình mộng mơ, hay những lời tâm tình của đôi lứa xa nhau. Nhưng, tại sao người ta lại nói như thế? Cụm từ này không quá phổ biến, cũng không mỹ miều. Nó có rất nhiều dị bản, biến tấu. Và bản thân nó cũng là một "dị bản" có sự biến bấu đơn điệu hơn từ một câu tục ngữ xưa: "Khoảng cách sản sinh ra cái đẹp". Thật ra thì cũng chẳng có nhiều sự khác biệt giữa hai câu này, chủ yếu là chỉ được làm gọn hơn. Trong nhiều mối quan hệ, cả tình yêu lẫn tình thân, thì khoảng cách là một vấn đề nan giải. Trước hết, nói về gia đình. Đa số bậc cha mẹ trên thế giới này đều muốn hiểu rõ con mình, và cũng muốn con thấu hiểu nỗi lòng của bản thân. Đối với nhiều người, đã là "thân thích ruột rà" thì không nên có khoảng cách, phải khắn khít cùng nhau thì mới là một gia đình. Tuy nhiên, quan niệm này không hoàn toàn đúng đắn. Dù là ai, hay bất cứ mối quan hệ nào, thì mỗi người đều cần một không gian cá nhân riêng của bản thân. Đó là vùng trời của riêng họ, không ai có thể ngang ngược xông vào. Đôi khi quá khắn khít nhau lại là một con dao hai lưỡi, tổn hại lại những mối quan hệ tưởng như tốt đẹp. Như cha mẹ, vì muốn hiểu con cái, trong lúc vô tình đã xen vào khoảng trời riêng của con mình, khiến đứa trẻ sinh ra nhiều tâm lí khác nhau. Bất lực, sỡ sệt, căm phẫn, hay cam chịu, tất cả đều có. Dù là thân thích họ hàng, đôi khi thăm hỏi nhau vài câu, ân cần vài lời, đó là một điều vô cùng tốt đẹp cho mối quan hệ này. Nhưng nếu ngày nào cũng quan tâm một cách thái quá, thì dần dà người ta sẽ cảm giác phiền hà, chán ghét. Và rồi những lời hỏi thâm "ân cần" thái quá ấy sẽ đi ngược tác dụng. Con người thật ra rất khó hiểu. Lúc quá xa cách, lạ lẫm, người ta khao khát đến gần hơn, dường như chỉ một chút ít thôi cũng khiến con người ta mãn nguyện. Nhưng khi quá thân cận, người ta trở nên đòi hỏi và ích kỷ hơn. Họ mong muốn nhiều hơn, và cũng muốn kiểm soát nhiều hơn những thứ hiện tại. Thế nên, dù là ai, đang yêu đương hay đã cạnh nhau, cũng hãy chừa cho nhau một khoảng không gian để phát triển, nếu không sẽ có một ngày các bạn cảm thấy nhàn chán vì đã quá thân thuộc nhau. Còn khoảng cách giữa hai người yêu nhau, lại là sự "bí ẩn" cuốn hút người còn lại, khiến họ không ngừng tìm hiểu lẫn nhau, gắn bó cùng nhau. Không phải cứ "dính" vào người yêu cả ngày lẫn đêm thì mới là hạnh phúc nhé. Chỉ khi bạn hiểu được đối tượng của mình, và không ngừng "mài mò" để phát hiện ra nhiều điều thú vị hơn giữa các bạn, thì đó mới là một phần hạnh phúc. Mượn lời cổ nhân xưa, "quân tử chi giao đạm nhược thủy". Tình bạn giữa những người đáng bậc "quân tử" thì bình đạm như nước lã ngoài ao, suối trong ẩn núi. Họ không vì danh lợi, chẳng phải khoe khoang. Tình cảm bè bạn nhìn sơ qua chỉ như thoáng qua, quen biết sơ sài. Không phải bữa tiệc nào cũng có mặt nhau, chén rượu chén chè, thề sống thề chết. Tình bạn ấy, không ồn ào khoa trương, mà chỉ lặng lẽ giúp đỡ nhau một cách vô tư, có lúc cùng nhau bàn luận chuyện đất trời. Đó là tình bạn đẹp, của người thấu hiểu lẽ đời, cho bè bạn tự do bay lượn, cũng cho mình chạy theo tiếng gọi của bạn thân. Chứ không phải cậu chuyện "tình bạn" có phước tự mình giấu, có nạn đùn đẩy nhau. Dẫu là ai, đừng dùng lý do thân cận để tổn thương nhau. Có lẽ trong xã hội hiện nay, khi người trẻ tuổi còn quá nhiều, còn quá mang nặng cái tôi cá nhân xem trọng mình, khi những thế hệ trước vẫn phần nào giữ một ít cổ hủ trong tìm thức, thì khoảng không gian của mỗi người trở nên khó khăn hơn. Những có lẽ, khi tuổi càng lớn, thì chúng ta càng nhận ra rằng trong mối quan hệ giữa tình thân, tình yêu, tình bạn, thì cốt lõi bên trong luôn là thứ đáng quý nhất, chứ không phải vẻ bề ngoài thân thiết giả tạo. Và chính khi đó, ta sẽ cho người khác một khoảng không gian để sống riêng biệt, để rực rỡ và cuốn hút hơn. Có lẽ đây chính là khoảng cách phù hợp nhất, sinh ra một vẻ đẹp hoàn mỹ nhất. Có câu "Xa thương gần thường", khoảng cách tự nó đã sinh ra cái đẹp. Một khoảng cách phù hợp giúp mỗi người đều được là chính mình, được tự do trong không gian của mình. Kỳ thực đó chính là sự tôn trọng và trân quý lẫn nhau .