Trước hết, mình muốn nói luôn, mình thích kpop. Thế nên bài viết này mình sẽ viết ở góc độ trung lập nhất có thể, để giải đáp cơn sốt kpop chưa bao giờ tắt từ cả thập kỷ nay. Văn hóa Hallyu bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ khoảng 10 năm trước, với các nhóm nhạc đầu gen 2 như SNSD, Big Bang, DBSK, Super Junior, vân vân và mây mây. Tuy nhiên, đến nay, kpop đã trở thành một hệ tư tưởng chứ không chỉ dừng lại ở "mấy bài hát nghe hay hay" nữa. Tại sao, cùng là kinh doanh âm nhạc, nhưng US-UK lại có sự tiếp cận đến người nghe khác hẳn kpop? Những người không nghe kpop, liệu các bạn có thắc mắc, âm nhạc Hàn Quốc có gì mà khiến giới trẻ điên cuồng như vậy hay không? Mình sẽ trả lời những câu hỏi này với góc độ một người có nghe nhạc và có stan 1 nhóm idol nhé. Ở Hàn Quốc, họ phân biệt rõ giữa idol và artist (vocalist). Artist thì sẽ làm nhạc, ra bài hát, nhìn chung là kinh doanh dựa trên sản phẩm âm nhạc của mình. Còn idol, họ kinh doanh nhiều hơn thế. Để trở thành idol, bạn phải audition vào một công ty giải trí, bạn sẽ được đào tạo theo ý của công ty quản lý của mình. Họ cho bạn tập hát, tập nhảy, tập những kĩ năng cơ bản để làm một người nghệ sĩ. Họ ghép bạn với một nhóm thực tập sinh có ngoại hình và tài năng bù trừ cho nhau, đồng thời nhóm đó phải có một teamwork ổn để đỡ đánh nhau chửi nhau. Họ sẽ chuẩn bị cho bạn sẵn concept, hình tượng, hướng đi của nhóm nhạc, bài hát, và mọi thứ. Họ cũng cho bạn tập ăn nói, tập đứng trước camera, tập các kĩ năng mềm như ứng xử, trả lời phỏng vấn, giữ cơ mặt hoàn hảo trước ống kính để không bị công chúng soi mói tại sao con này thằng này hôm nay mặt nó lại thế, để bạn không bị chửi là xấu xa, là bitch. Một khi đã được ra mắt, tốt cho bạn. Vì nếu nhóm nhạc của bạn ở những công ty có tiếng tăm, thì chúc mừng, ít nhất bạn cũng có cơ hội làm ra tiền. Và nếu được tổ nghề độ, thì bạn sẽ trở nên rất rất nổi tiếng và giàu như chưa từng được giàu. Một trường hợp điển hình cho việc được tổ nghề độ là BTS. Vậy, tại sao giới trẻ lại điên cuồng với kpop? Đó là vì một khi đã bắt đầu thích kpop, bạn sẽ không dừng được. Không giống với các nghệ sĩ USUK, học chỉ ra một bài hát, cùng lắm đi lên một vài talkshow, rồi họ lặn mất tăm. Nhưng idol kpop, họ kinh doanh hình tượng. Những hình tượng phổ biến với idol nam có thể kể đến như hình tượng dịu dàng ấm áp để thu hút fan bạn gái, hoặc hình tượng em bé cute đáng iu thu hút fan mẹ. Dù là hình tượng như thế nào, có thể nói các công ty quản lý của những nhóm idol thật sự vô cùng hiểu tệp khách hàng của họ, và thật sự đã thể hiện sự tư bản một cách khéo léo, làm cho fan dễ dàng bỏ tiền cho idol của họ. Họ đã thành công xây dựng được mối quan hệ parasocial (tạm dịch: Quan hệ kí tác), là mối quan hệ một chiều giữa người nổi tiếng và fan, khiến các fans nghĩ rằng mình đang có tương tác với idol của mình. Sự ra mắt của các nền tảng Bubble và Weverse hay như trước đây là các fansign đã càng củng cố tự tương tác với idol trong mắt các fan. Và đương nhiên điều đó chẳng có gì là sai trái. Các công ty giải trí Hàn Quốc, đặc biệt là những công ty lâu năm và đặt nền móng cho nền giải trí này, họ thực sự quá giỏi. Họ hiểu nhu cầu của khách hàng, và cung cấp dịch vụ khách hàng muốn mà vẫn làm cho khách hàng có cảm giác được quan tâm và chăm sóc chu đáo. Ví dụ, đến bản thân mình có hiểu về tình trạng parasocial này, nhưng mình vẫn cam lòng. Mình không muốn idol mình bị công ty cho "ra chuồng gà", nên dù nghèo mình vẫn sẽ mua 1 cái album ủng hộ họ. Đương nhiên, tiền đề của việc support của mình là mình vẫn đủ khả năng tài chính, và idol của mình không động đến giới hạn đạo đức của mình (VD: Không tấn công tình dục người khác, không phạm tội hình sự hoặc một số tội nặng, không đứng ở chiến tuyến khác trong các quan điểm của mình về chính trị và chủ quyền đất nước. Và mấy bạn cũng nên giống như mình nhé, đừng có thích idol share đường lưỡi bò nữa). Đương nhiên, việc kinh doanh hình tượng không có nghĩa là nhạc của họ chán và họ vô dụng bất tài. Trong cái thị trường cạnh tranh như bây giờ, khi công chúng có quá nhiều sự lựa chọn, thì họ buộc phải nâng cao giá trị bản thân. Thế nên, có thể một vài bài hát kpop không hợp gu bạn, không sao, nhưng không có nghĩa là cả nền âm nhạc kpop là tệ hại, trong khi đó bạn vẫn thích mấy cái bài như Yummy của JB chỉ vì đó là tiếng anh. Và việc kinh doanh hình tượng sẽ đem lại những mặt xấu, ví dụ như fan sẽ nghĩ rằng idol của mình trong sạch như một tờ giấy trắng và không được phạm bất cứ lỗi nào, hoặc tôn idol mình lên làm đấng làm thần thánh. Fan quá khích đến mức chửi bới idol thậm tệ khi họ hẹn hò (), và đây chính là hậu quả của mối quan hệ kí tác đó. Nói chung là, dù có mặt tốt mặt xấu, người thành công sau cùng là cả đất nước Hàn Quốc nói chung. Hàn Quốc là thành công quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực, hay cả ngôn ngữ đến toàn thế giới. Du lịch Hàn Quốc đã tăng trưởng bao nhiêu kể từ khi kpop nổi lên? Hay hiện nay ở VN có bao nhiêu những quán ăn Hàn, trong khi nói thật là đối với mình thì đồ hàn không ngon đến thế (đồ ăn Việt Nam là nhất hihi). Bao nhiêu người bắt đầu có khái niệm du học Hàn Quốc? Nói chung là kpop chắc chắn đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc phát triển. Kết lại, giới trẻ điên cuồng vì kpop vì những người làm kinh doanh ở Hàn Quốc đã có business hoàn hảo với một sự truyền thông hoàn hảo và một sự marketing cũng hoàn hảo nốt. Từ đó, giới trẻ trở thành khách hàng tiềm năng và trung thành nhất cho nền công nghiệp này.