Suốt nhiều đời nay, đàn ông Nhật Bản vẫn bị cuốn hút bởi phần gáy trắng bóc, gợi nét thanh tao của các geisha. Với họ, nó có sức cuốn hút lạ kỳ. Nói tới văn hóa truyền thống Nhật Bản không thể không nhắc tới Geisha cũng như Bushido (Võ Sĩ Đạo), hai loại hình văn hóa độc đáo chỉ nước Nhật mới có. Geisha là nét văn hóa của đàn bà Nhật, Bushido là nét văn hóa của đàn ông Nhật. Nữ giới xứ sở hoa anh đào có thể tự hào vì họ đã sáng tạo nên nền văn hóa Geisha bất hủ, cho dù ngày nay nước Nhật chỉ còn rất ít người làm nghề Geisha và giới trẻ Nhật hầu như chẳng biết mấy về Geisha hoặc Bushido. Trong mắt nhiều người, Geisha là cả một thế giới thần bí khó hiểu, đầy "thâm cung bí sử", bởi lẽ nó là một loại dịch vụ của nữ giới phục vụ cho nam giới, mà mối quan hệ qua lại giữa hai giới này bao giờ cũng chứa đựng vô vàn bí ẩn. Ai cũng biết là trong xã hội nam quyền, một số phụ nữ vì đểkiếm sống mà phải phục vụ tình dục cho nam giới. Bán dâm là loại hình dịch vụ cổ xưa nhất không dân tộc nào, không nước nào không có, nhưng riêng tại xứ sở Mặt Trời Mọc, dịch vụ ô nhục này đã được phát triển, sáng tạo nâng cao lên thành một thứ văn hóa lành mạnh đáng ghi vào sử sách. Có thể tạm hiểu Geisha là một loại ả đào cấp cao, nghĩa là loại phụ nữ làm dịch vụ giúp vui cho các buổi vui chơi của nam giới bằng hình thức biểu diễn tài nghệ văn hóa chứ không bán dâm, tức chỉ mãi nghệ, không mãi dâm. Chính vì thế từ Geisha trong tiếng Hán-Nhật viết là "nghệ giả", tức người làm nghệ thuật. Đúng vậy, Geisha là những người chuyên làm một thứ nghề độc đáo – nghề làm vui lòng khách nam giới bằng các hình thức nghệ thuật lành mạnh, cao cấp, đầy tính nhân văn, hoàn toàn không dung tục, rẻ tiền. Có lẽ chính văn hóa Bushido đã góp phần đưa tới sự ra đời văn hóa Geisha. Ta biết Võ Sĩ Đạo là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ – một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ (samurai) phải tuân theo: Ngay thẳng, quang minh chính đại, cao thượng, nghĩa hiệp.. Là tầng lớp quý tộc Nhật, các samurai sống rất có văn hóa, lấy thi ca, nhã nhạc, thư pháp làm trò giải trí. Từ đó có thể suy ra họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hóa lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ, chứ không phải hình thức phục vụ tình dục nhơ nhớp. Có cầu tất sẽ có cung, nhu cầu giải trí cao cấp ấy dẫn tới sự ra đời của Geisha, điều ấy không có gì khó hiểu. Nguồn gốc của Geisha Geisha có nguồn gốc ban đầu là những phụ nữ làm nghề múa hát rong ngoài đường thời kỳ đầu chế độ Mạc Phủ, một chế độ chính trị tồn tại tại Nhật trong 7 thế kỷ từ năm 1185 đến 1867. Cuối thế kỷ XVII, nhằm mục đích tăng thu tiền thuế, Mạc Phủ Tokugawa ra lệnh cấm hành nghề bán dâm tư nhân (nhưng vẫn duy trì các kỹ viện do chính quyền lập ra), vì các phụ nữ làm nghề bán dâm tại gia này đều không bị chính quyền kiểm soát và không nộp thuế. Trước tình hình đó, nhiều gái điếm tư nhân chuyển sang dùng cách đi lang thang khắp nơi vừa biểu diễn múa hát vừa sẵn sàng bán dâm khi có điều kiện, như vậy vẫn trốn được thuế. Nghề mới này câu được nhiều khách, kiếm ra tiền. Thấy vậy giới kỹ nữ trong các kỹ viện của chính quyền Mạc Phủ đã tiếp thu cách biểu diễn múa hát ấy và từ đó họ cũng trở thành loại Geisha vừa mãi dâm vừa mãi nghệ. Giữa thế kỷ XVIII, Geisha được hợp pháp hóa như một nghề nghiệp, hình thành tập tục và quy chế chỉ mãi nghệ không mãi dâm. Xã hội Nhật dần dần tiếp nhận loại hình nghề nghiệp ấy; cánh đàn ông ngày một thích dịch vụ mới này. Các hình thức nghệ thuật của Geisha phong phú dần, không chỉ có ca múa mà có nhiều thứ khác như trà đạo, ngâm thơ kể chuyện, cách đi đứng duyên dáng, trò chuyện lịch sự khéo léo, cách tiếp khách.. Tại Tokyo, Kyoto và nhiều nơi xuất hiện những quán Geisha chuyên nghiệp (Geisha house) chuyên đào tạo Geisha từ nhỏ. Trong thời kỳ Mạc Phủ Tokugawa, Geisha chủ yếu phục vụ cho tầng lớp võ sĩ của giai cấp thống trị, về sau họ phục vụ cho cả tầng lớp thương nhân mới xuất hiện trong xã hội Nhật bắt đầu đi lên chủ nghĩa tư bản. Nói tới Geisha, ta hình dung ngay tới những cô gái trang điểm vô cùng cầu kỳ, mặt thoa phấn trắng, môi tô son đỏ thẫm, tóc búi cao, mặc bộ ki-mô-nô cực kỳ kiểu cách, đi đứng duyên dáng yểu điệu. Là đại diện cho tầng lớp phụ nữ có văn hóa cao, họ dùng tài nghệ của mìnhgóp vui cho các buổi giải trí của giới mày râu giàu có trong xã hội và qua đó họ được trả thù lao rất hậu. Nghề nghiệp độc đáo này đòi hỏi họ phải tránh quan hệ tình cảm đối với đàn ông, phần lớn Geisha sống độc thân đến già. Tuy vậy cũng có một số chạy theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng Geisha khi đã lấy chồng thì phải giải nghệ. Ai đã xem phim Hồi ức của Geisha (Memoirs of a Geisha) do Chương Tử Di và Củng Lợi thủ vai nữ chính, chắc còn nhớ cảnh gian khổ tập luyện nghệ thuật (hát, múa, thực hành trà đạo, rót rượu) của các Geisha tập sự và những giọt nước mắt tủi nhục của họ khi hành nghề phục vụ cánh đàn ông. Rõ ràng, chỉ các Geisha mới hiểu được nỗi vinh nhục của cái nghiệp họ theo đuổi. Nghề Geisha càng phát triển, ngày càng có nội dung phong phú và giàu chất lãng mạn, do đó nó thu hút các cô gái ưa lãng mạn. Nhiều gia đình có truyền thốngvăn hóa cao cảm thấy tự hào khi con em mình được gia nhập thế giới Geisha. Người làm nghề này không nhất thiết phải xinh đẹp song phải có tài, có chí. Muốn trở thành một Geisha đạt tiêu chuẩn phải mất rất nhiều công sức học tập và rèn luyện. Thông thường những cô gái có chí làm nghề này ngay từ tuổi lên 10 đã được gia đình gửi vào các quán Geisha đểđược đào tạomột cách bài bản dưới sự hướng dẫn của các "mẹ", sau ít nhất 5 năm mới ra tập sự phục vụ khách. Họ phải học rất nhiều thứ, từ cái lớn như ngâm thơ đọc sách kể chuyện, múa cổ điển, hát các bài ca truyền thống, chơi đàn shamisen, thổi sáo shakuhachi, chơi trống, trà đạo, thư pháp, cắm hoa (ikebana), trò chuyện, trang điểm.. cho tới cái nhỏ như cách đóng mở cửa sao cho duyên dáng, cách đi đứng yểu điệu, cách cúi người khi chào, cách tiếp rượu.. Chương trình đào tạo ấy sử dụng các kiến thức tâm lý, xã hội-nhân văn rất phong phú. Qua quá trình đào tạo gian khổ, cuối cùng họ trở thành loại người sang trọng có văn hóa ứng xử cực kỳ lịch sự duyên dáng, khả năng giao tiếp vô cùng tự nhiên và có sức hấp dẫn nam giới. Trước khi được công nhận là Geisha chính thức, họ phải trải qua thời kỳ tập sự khá lâu. Việc đào tạo Geisha rất tốn kém cho nên chi phí trả cho sự phục vụ của họ cũng rất đắt, chỉ có giới quan lại, quý tộc, nhà buôn, điền chủ mới đủ tiền đến quán Geisha. Theo giá cả hiện nay, chi phí mời 2 Geisha dự một bữa tiệc 2 khách có giá từ 750 USD trở lên. Khả năng gọi Geisha đến phục vụ tại gia là tiêu chí tượng trưng cho địa vị quyền quý của một người. Nhiều kẻ có tiền tranh nhau chọn cho mình Geisha ưa thích và vung tiền cho họ. Các geisha thường hóa trang kỹ lưỡng phần gáy và để lạihai hoặc ba vùng tối có dạng chữ W hoặc V. Theo cách trang điểm của geisha, lớp phấn trắng sẽ bao phủ khắp mặt, cổ, ngực, đôi bàn tay. Riêng phần gáy sẽ để lại hai hoặc ba vùng tối có dạng chữ W hoặc V bên trái, tạo nét tương phản mạnh với làn da trắng muốt xung quanh. Và chính bộ phận duy nhất được lộ ra sau nếp cổ áo trễ nải này là nơi được thèm khát và muốn ngắm nhất của đàn ông xứ phù tang. Theo cách lý giải của người xưa, bộ trang phục kimono "kín cổng cao tường" đã phần nào che đi những đường cong quyến rũ của người phụ nữ, vốn là biểu tượng cho vẻ đẹp của phái yếu trong quan niệm của phương Tây, và các vùng khác. Nhưng bù lại, khoảng không gian gợi mở và e ấp sau gáy lại có sức khơi gợi mãnh liệt, giúp đàn ông Nhật thỏa sức tưởng tượng. Thậm chí, nhiều người còn ví von, gáy của geisha có sức cuốn hút không kém cặp chân thon thả của các thiếu nữ phương Tây. Vì sao đàn ông Nhật Bản lại mê mẩn vùng gáy của geisha đến vậy? Vùng gáy luôn được xem là bộ phận gợi dục truyền thống từ nhiều đời nay, cũng là nơi nữ giới khát khao được động chạm nhất. Với geisha, họ luôn khoe bộ phận này đầy khéo léo, ý nhị bằng cách búi gọn tóc theo hình trái đài, cổ áo trễ nải sau lưng, giúp phần gáy lộ ra với làn da trắng bóc, tỏa nét tao nhã, thanh khiết lạ thường. Sở thích này của đàn ông Nhật Bản còn gắn liền với văn hóa tatami của xứ sở anh đào. Đây là nét văn hóa nhấn mạnh thị giác của con người. Khi geisha quỳ trên sàn tatami, cúi đầu hành lễ, vùng gáy trắng muốt lộ ra, nổi bật giữa sắc áo váy và tạo được sự chú ý đặc biệt từ ánh nhìn của đối phương. Và các quan khách mỗi khi ngồi gần trò chuyện, đàn hát, ẩm thực.. luôn tò mò muốn biết làn da thực sự ẩn sau lớp phấn hóa trang kỹ lưỡng trên khuôn mặt, cổ, bờ vai hay vùng gáy của geisha. Nguồn: Báo Đất Việt, Nguồn gốc của Geisha và sáchNhững câu hỏi vì sao về phong tục tập quán các nước.