Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, thằn lằn và lươn là hai loài sống dưới nước. Nhưng lươn có chân nên có thể lên bờ được còn thằn lằn thì không. Điều đặc biệt hơn hết là chân của lươn có thể tháo ra cất khi không cần dùng đến. Một ngày mùa đông nọ, trời mưa rả rích cả ngày, vợ chồng lươn phải lên bờ đi ăn đám giỗ nhà một người quen. Vợ lươn bàn chồng hay mình để chân ở nhà, vì đường trơn trợt trườn sẽ nhanh hơn đi bộ. Nghe có lý, chồng lươn liền đồng ý. Vậy là hai vợ chồng tháo chân ra cất vào tủ cẩn thận rồi đi. Thằn lằn từ lâu đã có ý định với đôi chân ấy của nhà lươn nên đây vả là cơ hội hiếm có. Đợi vợ chồng lươn đi một đoạn thật xa, thằn lằn lẻn vào nhà đánh cắp rồi gắn vào thân mình. Sau đó sợ lươn phát hiện mình sẽ xấu hổ với mọi người nên thằn lằn cuốn gói rời khỏi nhà rồi chạy lên bờ sống từ đó không xuống nước nữa. Chuyện qua đi đã lâu, tuy nhiên vì mang nỗi sợ của kẻ ăn cắp nên thỉnh thoảng thằn lằn lại thè lưỡi rùng mình. Cũng chính từ đó thằn lằn thường ở trên trần nhà và rất hay thè lưỡi. Đây là câu chuyện mình sưu tầm được. Mọi người đọc giải trí nhé.