Tại sao có hiện tượng cương sữa sinh lý? 1. Cương sữa sinh lý là gì? Cương sữa sinh lí hay cương tức sữa sau sinh là vấn đề bình thường mà hầu hết các bà mẹ đều gặp phải sau khi sinh con từ 3 đến 5 ngày. Cương sữa sinh lí có rất nhiều biểu hiện: · Ngực cương cứng, căng lên khó chịu · Sưng tấy gây cảm giác đau · Nhiệt độ vùng ngực cao hơn bình thường · Nổi nhiều cục lớn nhỏ trên hai bầu ngực, có thể sưng lan đến vùng nách Ngoài ra, căng sữa có thể khiến các bà mẹ mệt mỏi và sốt nhẹ. 2. Nguyên nhân hiện tượng cương sữa sau sinh? Sau khoảng 50 đến 72 giờ sau sinh, các bà mẹ sẽ có hiện tượng "sữa về". Các ống dẫn sữa không đổi, sữa về nhiều khiến các nang sữa phình to lên. Sữa không thoát ra được bị ứ lại trong các nang sữa, gây ra căng cứng vùng ngực. Xung quanh tuyến sữa có nhiều mao mạch và hệ bạch huyết. Máu dồn về nhiều chèn ép lên các nang sữa. Sữa về nhiều không thoát ra được khiến các tế bào biểu mô và mô liên kết bị viêm gây cảm giác đau nhức. Bên cạnh đó, các bà mẹ khi mới sinh con hay bị stress và không thể cho con bú sữa ngay được, làm ức chế quá trình tiết sữa ra ngoài. 3. Cách giảm đau nhức khi bị cương sữa sau sinh? - Cho bé bú sớm ngay sau khi sinh và cho bú thường xuyên. - Theo dõi con và cho bú ngay khi bé đói - Trong những ngày đầu sau sinh, không nên giới hạn số lần và thời gian cho con bú - Nếu như bé chưa bú tốt thì mẹ có thể vắt sữa non thường xuyên bằng tay hoặc cốc hút sữa, máy hút sữa - Trước khi cho con bú, mẹ nên chườm ấm khoảng 5 phút, massage ngực nhẹ nhàng. - Nếu ngực quá sưng tấy, có thể thay chườm nóng bằng chườm lạnh, hoặc sử dụng các loại gel đã có trên thị trường. 4. Một số câu hỏi thường gặp Bị cương sữa sinh lý thì có nên cho con bú không? Cách giải quyết hiện tượng cương sữa sau sinh hiệu quả nhất cho các bà mẹ là cho con bú thường xuyên hơn, đặc biệt là sau thời gian ngay sau sinh. Mẹ bị sốt vẫn có thể cho con bú, nhưng nên để bác sĩ kiểm tra xem vùng ngực và tuyến sữa có bị viêm nhiễm hay không. Hiện tượng cương sữa sẽ kéo dài bao lâu? Thông thường, chúng sẽ dừng lại sau khoảng 1 đến 2 ngày. Nhưng nếu các bà mẹ không biết cách xử lí, khiến sữa bị ứ đọng quá nhiều sẽ dẫn đến tổn thương ngực và gây hiện tượng tắc tia sữa, thậm chí gây ra áp xe. Cương sữa sau sinh khác tắc tia sữa như thế nào? Khi bị tắc sữa, mẹ thường sờ thấy cục cứng ở ngực, sữa hút ra khó khăn, tia sữa và chất lượng sữa kém bình thường. Cương sữa thường xảy ra ngay sau sinh, tắc tia sữa thì có thể một khoảng thời gian sau mới xuất hiện. 5. Một số sai lầm nên tránh - Mẹ không cho con bú từ những ngày đầu và bỏ lỡ các cữ bú của con - Cho bú không đúng tư thế, sai khớp ngậm khiến sữa khó được hút ra - Chỉ cho bú ban ngày mà ít cho con bú vào ban đêm. Tuy nhiên, sữa sẽ tiết vào đêm nhiều hơn ban ngày. Kết luận: Nói chung, các bà mẹ nên tìm hiểu kĩ các điều cần biết trước và sau khi sinh để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và em bé.