Tại sao cá La Hán đầu to? Bí mật bên trong chiếc bướu của cá La Hán Chắc hẳn đã từng một lần bạn nhìn thấy chiếc hồ kính nào đó mà tung tăng trong đó là một con cá với cái đầu "phù nề" trông rất dị, nhưng đồng thời cũng rất thu hút. Đấy là cá La Hán đấy! Lần đầu thấy chúng chắc hẳn điều đầu tiên hiện lên trong đầu các bạn sẽ là"Tại sao chúng lại có cục u to tướng như vậy nhỉ? Nó có tác dụng gì không?" Các bạn có thắc mắc tương tự vậy bao giờ chưa? Tại sao cá La Hán lại có quả đầu to bất thường như vậy? Không! Không phải u não! Bẩm sinh hầu hết cá La Hán đều sẽ có "cục u" này, kích thước khác biệt chủ yếu giữa con đực và con cái thôi! Vậy tại sao chúng lại có "khối u" to tướng dị thường như vậy? Cho bạn nào chưa rõ về cá La Hán, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sơ lược đôi nét về loài cá này nhé! Tổng quan: - Tên tiếng Anh của cá La Hán là Flower Horn, thuộc bộ cá Vược, họ cá Rô phi. - Ban đầu, vốn dĩ được các nghệ nhân chơi cá cảnh lai tạo từ cá hồng két và cá rô phi, cá La Hán ngày nay đã trở thành một trong những loài cá cảnh nhiệt đới được ưa chuộng nhất. Được gọi với cái tên "La Hán" bởi chúng sở hữu chiếc đầu gù to giống như 1 ông tiên (bạn vào xin mẹ 22k chạy ra tạp hóa mua một hộp sữa ông Thọ bạn sẽ thấy cái đầu cá La Hán giống ai), màu sắc ở hai bên hông chúng rất sặc sỡ và là biểu tượng cho sự may mắn và thịnh vượng. Bởi lẽ đó, chúng được yêu thích do ngoại hình bắt mắt, độc đáo, mạnh mẽ và màu sắc sặc sỡ ở hai bên hông, trên đầu có một chiếc gù to giống như của một ông tiên nên chúng được gọi là cá La Hán. Hiện nay, loài cá này được rất nhiều người chơi cá chọn nuôi, cá La Hán ngày nay "nổi tiếng" trong giới chơi cá hơn cả cá dĩa và cá rồng ngày trước, có vẻ người nuôi cá quan niệm loài cá này đem lại sự thịnh vượng và may mắn do ngoại hình bắt mắt và độc đáo của nó. Cũng do bởi thân hình lấp lánh nhiều ánh châu, hai bên sườn là đôi dòng trông như hai câu đối, và chiếc đầu gù to dị dạng nhưng rất thu hút khiến loài cá này càng trở nên đẹp và ngộ nghĩnh. – Nguồn gốc: cá La Hán xuất hiện lần đầu ở Malaysia, sau cuộc thi cá năm 2001, lũ cá này trở nên nổi tiếng và phong trào nuôi cá La Hán dần trở nên phổ biến và lan rộng sang các nước Châu Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan.. – Dinh dưỡng: Thức ăn chủ yếu của chúng thường là tôm tép, cá nhỏ, ốc, gan và cả thịt băm.. Cá La Hán dễ dàng sinh sản và được cho phối giống nhân tạo trong hồ kính. Cá La Hán là loài cá cảnh dễ nuôi, khỏe mạnh và ít mắc các bệnh nên tuổi thọ của chúng khá cao (thông thường sẽ là trên 10 năm), kích thước cơ thể đạt được tối đa là 25-30 cm. – Phân loại: Cá La Hán hiện nay có hơn 60 loài nhưng được ưa chuộng nhất là giống cá La Hán kim cương, cá Thái đỏ, King Kamfa và King lai.. Cá La Hán kim cương: Cá La Hán Thái đỏ: Cá La Hán King Kamfa: Cá La Hán King Lai: Về ngoại hình và những nét đặc trưng cơ bản của cá La Hán: Như đã nói, cá La Hán vốn là loài cá cảnh được lai tạo, tuổi thọ của chúng khá cao (trên 10 năm) và sức khỏe cũng thuộc dạng tốt. Cá La Hán khi trưởng thành sẽ thừa hưởng khá nhiều điểm đặc biệt từ cá bố và mẹ. Đặc biệt là màu sắc lấp lánh trên thân của chúng, màu sắc này là đặc trưng và không con nào giống con nào cả. Đuôi chúng thường xòe đẹp, vây kéo dài, mắt không to, mang ngắn. Tính tình khá hiếu động và tò mò, thích bơi lội nhiều trong hồ và cũng thích cắn phá đá cảnh, cây thủy sinh nên thường phải nuôi cá La Hán trong kính trơn (hồi đó mình cũng hay thắc mắc tại sao người ta nuôi cá La Hán chỉ để hồ kiếng trống, chẳng có trang trí gì cả, giờ thì hiểu rồi). Như đã đề cập, đây là loài cá dễ nuôi, ít bệnh, ăn tạp, có thể ăn những thức ăn sống như tôm tép, ốc, cá con và thịt bò băm nhuyễn (khó tiêu). Quan niệm đẹp xấu là tuỳ mỗi người, tuy nhiên, tiêu chuẩn chung để đánh giá một chú cá La Hán đẹp là trên thân phải có nhiều "châu", tức là những chiếc vảy óng ánh, sặc sỡ và cái gù trên đầu phải càng to thì càng có giá trị. Sở dĩ một chú cá La Hán hội đủ các tiêu chuẩn lại có giá cao vì mặc dù chúng dễ sinh sản, thậm chí là rất nhiều, nhưng số cá trưởng thành có màu sắc đẹp, gù trên đầu to và đạt chuẩn thường chiếm tỉ lệ khá thấp, dao động từ 10% đến 30%, mặc cho việc cả cá cha và cá mẹ đều đẹp, vì vốn dĩ trong gen của chúng đã có sự lai tạo rồi. Sự bắt mắt của cá La Hán là điều không phải bàn cãi, với các đặc điểm ngoại hình như: - Phần đầu: Có gù cao, tròn và màu sắc rất nổi bật. Cá rất dạn người, dễ làm quen với con người, tuy nhiên không nên chạm vào nếu bạn còn lạ, chúng có thể cắn bạn đấy! Tuy nhiên, một số người biết cách huấn luyện để có thể vuốt ve chúng. Chúng thích sống đơn độc, tính lãnh thổ cao nên không thích bị cá khác xâm chiếm lãnh thổ. Tuy nhiên, vẫn có 1 số loài cá khác có thể được nuôi cùng, hoặc nếu được huấn luyện tốt chúng cũng có thể sống chung với các loài cá khác đấy! – Hình dáng: Cá La Hán thường có hình oval, phần mình của chúng hơi dày, tuy nhiên, một vài biến thể khác của cá La hán lại có thân mình hình tròn; phần bụng đầy và không có nếp gấp. – Màu sắc: Như một cái bao lì xì đang bơi! Thông thường, cá La Hán sẽ có màu đỏ hoặc đỏ hồng, đặc biệt là từ má đến bụng, phần nền của chúng được tô thêm màu nền gần như màu đỏ rực. – Vảy: Vảy của cá La Hán rất đặc biệt, nó có hình hạt trai, hầu hết có màu xanh, đôi khi màu đen; dọc theo hai bên thân của chúng có điểm thêm các đốm màu đen đậm. - Tuổi thọ: Cá La Hán có tuổi thọ khá cao, có thể sống đến 10 năm và sức sống tốt, ăn tạp, dễ nuôi, gần người. Duy trì nòi giống: Thời kỳ bắt đầu có thể sinh sản của cá La Hán là sau một năm tuổi khi cá đã trưởng thành, và thông thường sẽ được cho sinh sản nhân tạo trong hồ kính. Một cặp cá trống – mái sẽ được người nuôi cá sẽ tự mình chọn ra. Thường thì cá trống được chọn là cá to, màu sắc tươi tắn, sức khỏe tốt, tiêu chuẩn để chọn cá mái cũng tương tự nhưng thông thường cá mái được chọn phải nhỏ hơn cá trống. Cả hai con cá sẽ được thả vào hồ kính, sau đó được ngăn riêng ra bằng một tấm kính, chờ cho đến khi cả hai "làm quen" với nhau xong và bắt đầu có hành động quấn quýt mời gọi thì người nuôi cá lấy tấm kính ra. Hai con cá sẽ tự mình quần ổ và dọn sạch những hòn sỏi hoặc viên gạch tàu đặt sẵn dưới đáy hồ để làm ổ và tiến hành đẻ trứng lên đó. Khi bắt đầu bước vào quá trình đẻ trứng, cá mái lú ống sinh dục ra và dán trứng lên bề mặt giá thể, dán đến đâu cá trống sẽ bơi theo tưới tinh lên đến đó. Khoảng hai giờ sau thì cá đẻ xong, thường thì người ta vớt riêng cá bố mẹ ra hoặc tách riêng giá trứng ra hồ khác để ấp vì hai con cá có thể sẽ cắn nhau để giành ổ. Cá bột (cá con) sẽ nở sau 48 tiếng, thức ăn chăm sóc ở giai đoạn này là thức ăn vi sinh hoặc bo bo nhỏ. Khi được hai tuần tuổi thì cá có thể ăn thức ăn đặc chế và khi một tháng tuổi có thể tiến hành chọn lọc để loại bỏ những con không đạt tiêu chuẩn và giữ lại những con cá con có hình thể đẹp để có thể tiếp tục nuôi đến trưởng thành. Nãy giờ nói rất nhiều, nhưng cái u trên đầu cá La Hán là gì? Cái u đó thực chất chỉ là một khối mỡ của cá, nếu có ăn thì cũng chỉ là vị nhạt nhạt lợ lợ khó nuốt. Các bạn có thể xem video sau đây để biết trong cục u của cá La Hán rốt cục là có thứ gì nhé! À con cá anh hùng hiến xác cho cuộc thí nghiệm này đã chết từ trước rồi nha! Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết tiếp theo, mình sẽ giải thích việc "Tại sao chim tu hú không nuôi con"? 1000 câu hỏi khác: [Thảo Luận - Góp Ý] 1000 Câu Hỏi Của Ngáy
Trước bố mình cũng nuôi cá La Hán, nhưng mà có vẻ nó bị bệnh gì đó và chết mất. Trước mình không tìm hiểu nhiều về cá La Hán nhưng sau khi đọc bài viết hữu ích này của bạn, bỗng thấy muốn nuôi lại một lần nữa! Có lẽ mình sẽ đổi giống cá, hôm nào setup bể cá mới nhất định sẽ khoe nhé!