Tại sao cá hồi bơi ngược dòng? Hành trình ngoạn mục và sự hi sinh Tập phim Doraemon trên dựa theo hiện tượng cá hồi (cá Sake) sinh ra ở sông, bơi ra biển sống và khi đến mùa sinh sản, chúng lại bơi ngược trở về sông để đẻ trứng. Vậy tại sao lại có hiện tượng này? Và bạn có biết là, hành trình "về nguồn" ngoạn mục này cũng chính là hành trình đến nơi an nghỉ cuối cùng của lũ cá hồi không? Tại sao á? Cùng mình tìm hiểu nào! Mẹ thiên nhiên tạo ra muôn loài đều ban cho chúng khả năng duy trì nòi giống riêng biệt, đôi khi có những loài có cách sinh sản riêng, tự vệ và bảo tồn nòi giống thật lạ lùng khiến ta phải kinh ngạc. Ví như cách làm tổ của một vài loài chim hoặc cách mà một vài loài động vật chiến đấu để bảo vệ con non của mình rất chi lạ lùng (ví dụ như chim dồng dộc với những chiếc tổ được dệt vô cùng khéo léo, Kangaroo giữ con trong chiếc túi trước bụng---). Cũng tuân theo bản năng tự nhiên như các loài khác, mẹ thiên nhiên đã khiến cá hồi phải làm một cuộc hành trình ngược dòng. Trứng cá hồi chỉ nở trong nước ngọt, vì vậy việc "về nguồn" là cách tốt nhất để cá hồi con ra chào đời và phát triển. Tất cả cá hồi không nhất thiết phải ngược lên đến tận đầu sông, ngọn suối để sinh sản. Có nhiều con cá hồi có thể ghé ngay lại một nhánh sông phía dưới hạ lưu để sinh sản. Điển hình như cá hồi lưng gù. Nó đẻ ở ngay cửa sông, gần vùng nước lợ, cách chỗ nước mặn khoảng vài dặm. Nhưng cũng có loài cá hồi "vận động viên". Bọn chúng bơi ngược lên đến thượng nguồn cách biển hơn 3.000 dặm. Do cá hồi sống ở biển, khi về sông, để tránh làm loãng lượng muối cần thiết cho cơ thể, chúng phải nhịn ăn uống và dùng toàn bộ năng lượng dự trữ từ trước để gắng sức bơi đến nguồn. Đôi khi chúng bị kiệt sức vì cố gắng đến thượng nguồn để đẻ trứng. Cũng vì lý do đó mà lũ cá hồi hầu như đều sẽ chết sau khi đẻ trứng xong, vì không còn sức bơi về biển. "Cá hồi bơi ngược", đó không chỉ là một cách nói ám chỉ việc cá hồi từ biển bơi ngược về sông, mà thực sự chúng phải bơi ngược dòng đấy! Nhiều con sông có ghềnh, thác chảy xiết nên khi đến nơi, cá hồi thường trở nên ốm yếu, xác xơ, khi đẻ trứng xong là cá hồi Thái Bình Dương đều chết cả. Không hẳn cá hồi đều chết sau khi đẻ trứng, lũ cá hồi Đại Tây Dương với cơ thể dẻo dai, phù hợp để bơi nhanh những quãng ngắn vượt thác, nên hầu như chúng không chết sau khi sinh. Khi tới đúng chỗ đẻ trứng (thường cũng là nơi trước kia chúng ra đời trong dạng cái trứng), con cá hồi cái dùng đuôi, vây và chính thân mình đào một cái lỗ trong đá, đất, hoặc cát rồi đẻ trứng vào đó. Con đực sẽ cho thụ tinh. Sau đó cá hồi cái ấp trứng. Khi mọi việc đã xong, thì dường như cá hồi cũng chán hết mọi sinh thú ở đời. Nó thả mình theo dòng nước trôi xuôi. Dòng nước đó cũng là nơi nó gửi tấm thân tàn tạ. Và cũng là lúc mở màn cho trang sử đầu tiên của cá hồi con. Sáu mươi ngày sau khi ra khỏi lòng mẹ, trứng cá hồi mới nở. Cá hồi con sẽ ở lại vùng nước ngọt trong vài tháng, có khi đến một năm, rồi lại theo dòng sông và đổ vào biển cả. Cái vòng sinh tử cứ như thế quay đều, từ thế hệ này sang thế hệ khác, không bao giờ thay đổi. Trong trường hợp lũ cá hồi mạnh khoẻ sau khi đẻ trứng, trở về biển và chưa bị gấu hay đại bàng ăn thịt trên đường đi và về, lũ cá hồi sẽ lại tiếp tục lội ngược dòng thêm 1-2 lần nữa trong suốt phần đời còn lại của chúng. Việc lội ngược dòng chính là bản năng của chúng, tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thật và rất cần thiết cho quá trình duy trì nòi giống của chúng. Trên dòng thác đổ dồn của cuộc đời, hỡi những "chú cá hồi" bé nhỏ, bất cứ khi nào muốn bỏ cuộc, hãy nhớ về câu chuyện "cá hồi vượt thác" để có thêm động lực tiếp tục "bơi" bạn nhé! Hành trình ngoạn mục của đàn cá "nhớ nguồn"! Mặt trời với ánh sáng làm biến chuyển mùa trong một năm, đồng thời cũng chính là biến chuyển hành tinh chúng ta. Sự lưu chuyển của các dòng biển và các luồng không khí đã tạo ra những sự thay đổi lớn ở mọi ngóc ngách trên Địa Cầu. Và ở một nơi đặc biệt nào đó, sự biến này đã tạo ra những cảnh tượng ngoạn mục nhất trong giới tự nhiên. Nơi đó chính là tại bờ biển phía tây của Bắc Mỹ, hằng năm, vào xuân, đoàn di cư vĩ đại nhất Trái Đất sẽ "về nguồn". Đàn cá hồi hơn nửa triệu con từ Thái Bình Dương, bắt đầu cuộc hành trình 3.000 dặm để trở về dòng sông nơi chúng được sinh ra và cho ra đời thế hệ tiếp theo. Cuộc di cư này không chỉ là chuyến đi "duy trì giống nòi" mà nó còn cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật trên cạn (gấu, bói cá---). Thực sự mà nói, số phận của nhiều gia đình gấu, mà thực ra là tất cả các loài gấu ở Bắc Thái Bình Dương, đều phụ thuộc vào chuyến di cư "thế kỷ" này. Sau 4 năm sinh trưởng và phát triển tại biển, nửa tỉ con cá hồi Thái Bình Dương sẽ về nhà, trở lại nguồn nơi chúng được sinh ra. Vậy làm thế nào đàn cá hồi có thể nhớ được đường về nhà hiện tại vẫn còn là điều bí ẩn. Gần đây, khoa học phát hiện ra trong não của cá hồi có chứa những phần tử sắt nhỏ, những thứ này giống như một chiếc la bàn định hướng cho chúng theo các đường từ trường của Trái Đất. Trứng của cá hồi, như đã nói, chỉ có thể sống sót trong nước ngọt. Tuy nhiên, vào khoảng cuối tháng 7, mực nước sông thường xuống thấp khiến lũ cá hồi khó bơi vào được những con sông nhỏ. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó không thể ngăn được sự cố gắng của chúng. Đáng buồn thay, chính nguồn nước đã tạo động lực để chúng trở về cuối cùng lại chính là nguyên nhân giết chúng. Như đã đề cập ở trước, việc cơ thể chúng phải thích nghi với nước ngọt, thận và các cơ quan khác của chúng phải điều chỉnh lượng nước biển thiếu đột xuất, chúng phải nhịn ăn uống. Vì vậy chúng phải dùng năng lượng dự trữ để bơi ngược dòng và để đẻ trứng.