Tại sao bia tiến sĩ lại đặt trên lưng rùa?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Ngáy zzz, 27 Tháng sáu 2023.

  1. Ngáy zzz Trời đẹp, thích hợp để đi ngủ!

    Bài viết:
    149
    Tại sao bia tiến sĩ lại đặt trên lưng rùa?

    [​IMG]

    Tại sao bia đá trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại được đặt trên lưng rùa?

    Trong khuôn viên của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một khu vườn từ Khuê Văn Các đến cửa Đại Thành, gọi là vườn bia đá Tiến sĩ. Sát bờ hồ Thiên Quang Tỉnh là lối đi và những dãy bia đá trang nghiêm, cổ kính dựng thành hai khu Đông và Tây. Mỗi khu chứa hai dãy bia đá, tất cả gồm 82 tấm bia ghi tên họ quê quán của những người đã đỗ Tiến sĩ triều Lê.

    Chú rùa cõng trên mình tấm bia Tiến sĩ, nó đã trở thành biểu tượng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


    [​IMG]

    GS Phan Huy Lê cho biết: Hình ảnh con rùa vốn rất gần gũi trong đời sống người Việt Nam. Trong các bàn thờ thờ Thành hoàng làng hình ảnh con rùa và con hạc thường uy nghi đứng hai bên như một vật biểu linh cho tinh thần, sức mạnh của dân tộc. Có lẽ vì thế vua quan thời Lê cũng đã lấy hình tượng con rùa để gắn liền với bia Tiến sĩ.

    Cũng theo GS Phan Huy Lê, trong quan niệm của người Á Đông, rùa được xem là biểu tượng của vũ trụ. Mai rùa tượng trưng cho bầu trời, còn bụng rùa tượng trưng cho mặt đất. Thể hiện sự hài hòa của âm dương. Việc đặt bia Tiến sĩ trên lưng rùa không chỉ thể hiện cho sự trường tồn bất diệt của thời gian mà nó còn có ý nghĩa linh thiêng: Hưng danh văn hóa, trí thức của các bậc hiền tài của dân tộc.


    Rùa và văn hóa Việt Nam

    Trong văn hóa của người Việt, con rùa là một trong những con vật linh thiêng, nằm trong bộ tứ linh bao gồm: Long, Ly, Quy, Phụng. Trong đó, rùa là con vật tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Mặc dù không phải là con vật của Phật giáo, nhưng rùa cũng là biểu trưng cho sự trường tồn của Phật giáo.

    [​IMG]

    Trong một số ngôi chùa ở thời Lý -Trần, rùa được chạm thành tường bằng đá làm bệ để đội bia. Dáng rùa đầu to, mập, vươn ra khỏi mai, mồm thuôn nhọn, mắt nhỏ, bốn chân khép sát vào thân mai. Và hiện tại, ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội cũng vẫn đang còn lưu trữ 82 con rùa đội trên lưng mình 82 tấm bia ghi tên của các vị tiến sĩ đỗ đạt thời xưa, như một minh chứng biểu hiện cho nền văn hiến bất diệt của dân tộc Việt Nam.

    Hình ảnh những rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại sử sách của dân tộc Việt Nam như vậy, vốn vẫn được mọi người hiểu rằng điều đó mang ý nghĩa rùa là vật truyền tải thông tin và văn hóa.


    Phải chăng sự lí giải trên vẫn còn quá khiêm nhường, chưa bóc tách được hết tầng ý nghĩa ẩn sâu trong đó?

    Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, GS Trần Lâm Biền, một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, luôn tâm sức cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc, bên cạnh đó, ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo như: Phật giáo và văn hóa dân tộc; Một con đường tiếp cận lịch sử; Chùa Việt; Đồ thờ trong di tích của người Việt..


    [​IMG]

    GS. Trần Lâm Biền cho biết:

    "Để giải thích hình tượng trên, trước tiên phải nói đến ý nghĩa của hình ảnh con rùa đối với văn hóa của người Việt. Con rùa có 2 bộ phận biểu chưng chính đó là phần mai khum khum biểu tượng cho trời, còn phần bụng phẳng tượng trưng cho đất. Bởi vậy, khi trời đất giao hòa, con người sẽ nằm ở giữa. Và phần giữa ấy giống như cái nhà đối với con người, với phần mái là chiếc mai rùa, sàn nhà là phần bụng rùa còn cột nhà chính là phần chân rùa.

    Trong đó, con người nằm ở giữa, tức là nằm trong dòng chảy của sinh lực trời đất, mọi sự việc, hoạt động phát sinh, phát triển của con người đều diễn ra ở đây.

    Sự tồn tại của con rùa là do âm dương đối đãi, hòa hợp giữa phần mai và phần thân rùa. Bởi vậy, rùa mang trọng trách đội bia.

    Nói về tấm bia, nó tồn tại do đi đúng với quy định của trời đất và các tầng vũ trụ. Chán bia và vòng chầu mặt trời là biểu trưng của tầng trên. Còn rùa đóng vai trò ở tầng dưới, sự việc của con người sẽ nằm ở giữa con rùa. Điều đó tạo nên thiên địa nhân hòa. Hay có thể nói, 3 biểu tượng ấy hợp lại tạo thành hình ảnh rùa đội bia, biểu tượng cho sự bền vững."


    "Bảng vàng" vĩnh cửu

    Hình ảnh rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại những thông điệp, sự kiện lịch sử, danh nhân đương thời, điều đó mang ý nghĩa rùa là vật truyền tải thông tin, thể hiện sự "tín nhiệm" của ông cha ta khi giao cho rùa việc lưu giữ văn hóa, sử sách được trường tồn với thời gian và dân tộc.

    Tại chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) có hai tấm bia được tạc bằng đá xanh đặt trên lưng rùa cũng bằng đá dựng ở sườn phía sau tòa Tam bảo. Một tấm bia có tiêu đề "Chúc Thánh Vĩnh Nghiêm tự bi" (Bia chùa Chúc Thánh- Vĩnh Nghiêm) - tấm bia này hiện chưa rõ niên đại tạo dựng. Tấm bia thứ hai ghi "Trùng tu Vĩnh Nghiêm tự bi" (Bia ghi việc trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm) được tạo vào thời Lê Trung Hưng niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606). Nội dung hai tấm bia ghi tên những người hưng công tiền của để tu sửa chùa làng. Hay như ở đình Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) có tấm bia đá dựng trên lưng rùa đen đặt ở bên phải tòa Tiền tế, tấm bia được tạo năm Tự Đức thứ 6 (1853). Nội dung văn bia ghi về những đạo sắc phong của các đời vua thời Lê Trung Hưng ban thêm mỹ tự cho Thành hoàng làng Thổ Hà là Thái Thượng lão quân. Nhìn chung, dáng rùa được tạc ở những tấm bia này có đầu to, mập, vươn ra khỏi mai, miệng thuôn nhọn, mắt nhỏ, bốn chân khép sát vào thân mai.


    Muốn cho các bạn xem ảnh lắm mà tìm hoài không thấy!

    Thôi xem đỡ ảnh con rùa trong chùa Thiên Mụ đi nè!


    [​IMG]

    Nói về những tấm bia, sở dĩ bia tồn tại theo thời gian là do đáp ứng với quy luật của trời đất và các tầng vũ trụ. Trán bia và vòng chầu mặt trời là biểu trưng của tầng trên (dương). Còn rùa đóng vai trò ở tầng dưới (âm), sự việc của con người sẽ nằm ở giữa con rùa (là những thông điệp được ghi trong văn bia). Điều đó tạo nên thiên- địa-nhân hòa. Hay có thể nói, ba hình tượng ấy hợp lại tạo thành hình ảnh rùa đội bia, biểu tượng cho sự bền vững, dài lâu. Như vậy, có thể thấy hình tượng rùa cõng hạc, rùa đội bia đều mang những ý nghĩa và giá trị nội hàm tự thân. Cũng có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng tựu chung lại là đều mong muốn hướng con người tới điều thiện để cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Đá làm bia được lấy từ Thanh Hóa

    [​IMG]

    Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ cho biết, việc chạm khắc bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thực hiện rất công phu, có giá trị lớn về nghệ thuật điêu khắc. Công việc thường do các quan Thượng thư, Tham tri bộ Lễ đích thân trông nom. Việc chọn đá, tuyển thợ khắc do bộ Công đảm nhiệm. Loại đá thanh (đá vôi mịn) có kết cấu vững chắc, có sức chịu đựng phong hóa, dùng tạc bia chủ yếu được lấy từ núi đá làng An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

    Đá ở núi đá này nổi tiếng từ lâu đời đã được dùng vào các công trình điêu khắc bia, khánh tượng đời Lý. Người đương thời đã từng ca ngợi: "Ở phía Tây Nam của huyện Đông Sơn có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch, sẵn nhiều đá đẹp là tài sản quý giá của nhà nước. Loại đá này óng ánh như thạch lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này người ta tạc đá ấy làm khí cụ như tạc thành khánh đá, đánh lên tiếng ngân muôn dặm; hoặc dùng làm bia để lại muôn đời" (Chu Văn Thường - An Hoạch sơn Báo ân tự bi ký).

    Có giả thiết rằng, từ núi đá An Hoạch vua quan nhà Lê đã cho lính dùng ngựa để vận chuyển đá ra bờ sông Mã đóng thuyền chở về Thăng Long. Từ bờ sông Mã, quân lính sẽ ngược về sông Hồng, chuyển đá về Văn Miếu để dựng bia.


    Bài viết kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao năm 2023 này có tận 2 tháng Hai Âm lịch như vậy, bật mí nè, thật ra Âm lịch của chúng ta cũng có năm nhuận nữa đó, nhưng thay vì nhuận một ngày, chúng ta nhuận hẳn.. một tháng!

    [​IMG]

    (Chỗ tháng Hai có ghi là tháng Hai (Đủ) đó, tức là tháng Hai này là tháng Hai nhuận, còn tháng Hai chưa nhuận sẽ ghi là tháng Hai (Thiếu)) .

    Bài trước: Vì Sao Uống Bia Mặt Đỏ?

    Bài sau: Vì Sao Có Tháng Nhuận?

    1000 câu hỏi khác: [Thảo Luận - Góp Ý] 1000 Câu Hỏi Của Ngáy
     
    ANHANHCUKILieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng bảy 2023
  2. Hòa Anime bling

    Bài viết:
    121
    - Câu chuyện về tấm bia đá Tiến sĩ đặt trên lưng rùa là một truyền thuyết có nguồn gốc từ Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng trong thời kỳ cách đây hàng trăm năm, có một nhà triết học tên là Lý Thông đã nhận được tấm bia đá như là một phần thưởng cho những đóng góp của ông cho triết học.

    - Ông Lý Thông không muốn để tấm bia đá trên một vật bất động, mà muốn nó được đặt trên một hình tượng mang ý nghĩa sức mạnh và sự kiên trung. Và rồi ông quyết định đặt tấm bia đá trên lưng rùa bằng đá với hy vọng nó tồn tại vĩnh viễn và truyền lại ý nghĩa đích thực cho thế hệ sau.

    - Theo truyền thuyết, tấm bia đá Tiến sĩ trên lưng rùa bằng đá không chỉ tượng trưng cho sự kiên trung, sức mạnh và sự ổn định, mà còn biểu thị cho sự tôn trọng và tôn vinh triết học cũng như sự đóng góp của Lý Thông và những nhân vật khác cho sự phát triển của triết học Trung Quốc.

    - Trong nghệ thuật và kiến trúc Trung Quốc, hình ảnh của rùa thường được sử dụng để biểu thị sự kiên trung, sức mạnh và sự bền vững. Vì vậy, việc đặt tấm bia đá Tiến sĩ trên lưng rùa bằng đá là một tượng trưng rất thích hợp để bày tỏ những giá trị đích thực.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...