Tản Văn Tài Sản Vô Giá - Nhật Thiên Thanh

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Nhật Thiên Thanh, 26 Tháng mười 2019.

  1. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    Nếu được hỏi: "Người phụ nữ tôi yêu là ai?", thì chắc chắn "Mẹ" là từ đầu tiên hiện ngay trong đầu tôi vào khoảnh khắc ấy. Nhưng bắt tôi nói ra thì tôi lại không nói được. Đơn giản là tôi không biết cách thể hiện tình cảm của mình với Mẹ như thế nào qua lời nói. Tôi sợ nhất chính là nói được mà không làm được. Đây là lần đầu tiên tôi viết về mẹ. Quá nhiều điều muốn viết, bao nhiêu cho đủ đây?

    Thôi thì bắt đầu từ lúc tôi còn nhỏ vậy. Mẹ và tôi được Ba đưa lên thành phố sống, khiến Mẹ đành bỏ dở việc dạy học yêu thích ở quê, rồi phụ Ba bươn chải kiếm tiền với đủ thứ nghề. Đã vậy còn phải chăm đứa con gái như tôi, vừa mất giọng vừa mất sức, vô cùng vất vả. Tin được không? Vì mẹ nói nhỏ nhẹ một hai lần, tôi đâu có thèm nghe, bắt mẹ phải hét phải la mắng thì mới chịu. Tôi cứng đầu có cỡ, rồi không sợ Mẹ bằng Ba, và hồi ấy tôi thương Ba hơn Mẹ, nên tôi tự cho mình cái quyền không nghe lời Mẹ, dù lúc đó tôi còn chưa học mẫu giáo. Giờ nghĩ lại thấy mình bất công với Mẹ quá.

    Lúc vào tiểu học, Mẹ chính là người kèm tôi học, với chế độ khắt khe như trong quân đội. Chẳng là ngày khai giảng lớp một, Mẹ đưa tôi đến trường mới, rồi đứng xem bảng thông báo nội quy. Bỗng có âm thanh lạ lọt vào tai, Mẹ nhìn sang và ngạc nhiên vì thấy một đứa bé trạc tuổi tôi, đọc những gì dán trên bảng thật trôi chảy, không vấp chữ nào. Khi Mẹ đang sửng sốt với điều đó, thì tôi lại ung dung ngắm nhìn khuôn viên đẹp đẽ của trường, với bao phấn khởi. Rồi vụt một cái, tôi bị mẹ lôi không thương tiếc đến cái bảng thông báo, và ra lệnh: "Con đọc hết cái này cho Mẹ nghe!". Tôi nhìn một rừng chữ trước mặt mà có chút run sợ. Nhưng tôi tự tin vì hồi mẫu giáo, tôi cũng là Bé Khỏe Bé Ngoan, Bông Hồng tôi nhận cũng thuộc loại đỉnh, nên tôi cứ thế mà đọc. Chỉ khác là tôi đánh vần từng chữ mới đọc được xong một câu. Tôi không biết khi đó cảm giác của Mẹ ra sao, chứ tôi thì chỉ muốn đi về nhà luôn khỏi nhập học. Đấy, sau vụ "đẹp mặt" đó, Mẹ ráo riết kèm tôi học cho đến khi nhuần nhuyễn mới thôi. Mỗi lần dạy, tôi sai là mẹ đánh, đánh từ nhẹ đến mạnh, từ tay không đến tay có vũ khí. Đừng ai nghĩ đây là bạo lực gia đình. Có ai mà hồi nhỏ chưa từng bị đánh? Mà nguyên nhân là gì? Là vì tôi ngang như cua. Biết mình sai mà tôi vẫn cố làm trái ý, tỏ thái độ, khiến Mẹ nổi điên nên mới thế. Buồn cười nhất là mỗi khi đánh xong, đợi lúc tôi ngủ, Mẹ lại lén xoa dầu vào chỗ đau cho tôi, mà đâu biết rằng lúc ấy tôi vẫn còn thức. Lòng tôi cảm thấy xao xuyến lạ thường, dẫu vài phút trước tôi còn căm ghét Mẹ vô cùng. Tôi biết tôi đau một, nhưng Mẹ xót tôi đến mười.

    Nhờ quyết tâm của Mẹ, những năm tiểu học tôi luôn là học sinh xuất sắc. Dẫu lên cấp hai, cấp ba, tôi phải tự học vì khả năng của Mẹ có giới hạn. Và đòn roi cũng thưa dần. Nhưng, những lời răn dạy và đòn roi mà Mẹ dành cho tôi vào thời tiểu học vẫn in hằn trong tâm trí tôi đến tận bây giờ. Tôi nhớ không phải vì uất ức, tổn thương, hay đau đớn, mà là vì càng lớn tôi mới càng cảm nhận được tình yêu thương vô tận trong đó. Mẹ không muốn tôi phải thua kém bất kỳ ai, muốn tôi có tương lai tươi đẹp. Và Mẹ đã giúp tôi ý thức được phải luôn cố gắng từng chút một, người ta làm được thì mình cũng làm được. Sự lợi hại của Mẹ được khẳng định ở chỗ là Mẹ biết chọn thời điểm để khắt khe với con cái. Bởi ông bà có câu: "Dạy con từ thuở còn thơ" hay "Tre non dễ uốn" là vậy. Bây giờ, tôi có khao khát được Mẹ đánh thì cũng chẳng có, vì Mẹ già rồi, tay mỏi chân run, sức đâu mà đánh nữa.

    Sẵn nhắc đến ca dao tục ngữ, tôi bỗng nhớ câu: "Trọng nam khinh nữ". Vì câu này xuất hiện rất sớm trong gia đình, và tư tưởng của tôi từ khi còn bé. Mặc dầu, Ba Mẹ tôi chỉ có một đứa con gái là tôi. Lạ nhỉ? Có gì mà lạ, dễ hiểu quá mà Ba tôi là nam, Mẹ tôi là nữ, tôi luôn trọng Ba hơn Mẹ. Vì tôi với Mẹ vốn khắc khẩu, mà Ba thì lại luôn cưng chiều con gái hơn, nên tôi luôn về phe của Ba để bắt nạt, và trêu chọc Mẹ mỗi lần Mẹ làm gì, hay nói gì sai. Khi đó Mẹ hờn, Mẹ dỗi, tìm mọi lý lẽ để phản biện nhưng vẫn chào thua vì nói không lại hai cha con, rồi phụng phịu mắng tôi: "Mày chỉ thương Ba mày thôi, không có thương tao", nhìn mà thấy cưng dễ sợ luôn!

    Nhưng những đứa con được nuông chiều thấy người Mẹ nhẹ dạ, hay tha thứ và luôn bao dung, mà ngày càng trở nên quá đáng. Từ những lần trêu đùa vô ý đến hỗn hào lúc nào không hay, từ dạ vâng cho có lệ đến xem nhẹ lời nói của Mẹ vì cho rằng những gì Mẹ dạy trở nên lỗi thời. Tự cho rằng mình "biết tuốt" vì mình đang là giới trẻ, đang tiếp cận thời đại mới. Đừng ai nói với tôi là bạn chưa từng có những thái độ đó với Mẹ mình? Nếu quả thật chưa từng, thì xin chúc mừng bạn đã đạt danh hiệu "Đứa con hoàn hảo". Chứ riêng bản thân tôi thì chẳng được vậy. Mẹ đã khóc vì sự ngỗ nghịch của tôi không biết bao nhiêu lần. Dù tôi không làm chuyện tài đình gì, chỉ là do bản tính nóng nảy - bản tính này là tôi giống Mẹ mới chết chứ - mà tôi đã không kiềm chế được "phun châu nhả ngọc" ra những lời lẽ khiến Mẹ buồn. "Sau này mày đừng gọi tao là Mẹ nữa!" - Đó là câu Mẹ hay nói vào những lúc ấy, làm lòng tôi khó chịu, hối hận vô cùng. Nhưng chỉ biết im lặng nhìn Mẹ khóc, chứ nhất quyết không nhận lỗi về phần mình dù biết mình cũng có lỗi, vì cái bướng trong tôi quá lớn. Ấy vậy mà chỉ ngày hôm sau thôi, đi làm về tôi ôm chặt mẹ từ đằng sau, dụi dụi cái đầu vô lưng Mẹ, rồi hỏi: "Tối nay mình ăn gì vậy mẹ?". Mặc kệ mẹ vùng vẫy, tôi cứ ôm chặt, dính như keo. "Buông ra coi! Bộ tao quen mày hả? Mau đi tắm đi rồi ăn cơm. Tao nấu món mày thích đó!". Thế là hòa. Mẹ tôi được cái không giận dai, và dễ dãi vô cùng, ôm một cái thôi là quên hết.

    Còn nói đến tiết kiệm, nếu Mẹ tôi nhận số một thì chắc chẳng ai dám nhận số hai? Mẹ tôi cả đời nhịn ăn uống, nhịn sắm sửa, có bao nhiêu tiền đều dành dụm chỉ để phòng thân, và mua thuốc uống khi bệnh. Tôi nghe mà tức phát ức luôn á. Không chịu ăn uống cho có chất dinh dưỡng, thì để dành bao nhiêu tiền cũng chẳng đủ mua thuốc uống. Mỗi lần tôi mua món ngon món lạ đã từng được ăn về, cho cả nhà cùng ăn, thì cứ bị Mẹ cằn nhằn mãi không thôi: "Mấy thứ này đắt quá . Mày mua chi. Cũng có ngon gì đâu, giống mấy món ở chợ bán đầy mà rẻ nữa". Miệng thì cứ làu bàu, nhưng tay Mẹ thì cứ gắp lia lịa, ăn không ngớt. Còn nói: "Lần sau đừng mua nữa nghe chưa!". Đừng tin, bạn tuyệt đối đừng tin lời đó của Mẹ tôi. Vì lần sau tôi mua nữa, thì bà vẫn là người ăn nhiều nhất. Tôi biết quá mà, bà không cho tôi mua đâu phải vì không thích, mà là vì tiếc tiền. Do thói quen tằn tiện lúc đói khổ đã thấm vào máu, rồi lo cho chồng con, nên Mẹ mãi không dám tự mua cái gì mình thích. Nhưng khi được chồng con mua cho, thì lòng bà tâm đắc lắm dẫu bên ngoài cứ giả vờ như không. Bà mâu thuẫn đến đáng yêu! Tôi mong mình làm có thật nhiều tiền, để có thể mua nhiều món ngon trên toàn thế giới cho bà được thưởng thức. Đây là động lực sống hiện tại của tôi.

    Nhưng dù làm gì thì với mẹ, tôi mãi chỉ là một đứa trẻ. Như tối Trung Thu vừa rồi, tôi đi làm về nhà thấy chiếc lồng đèn trên bàn, thắc mắc không biết ở đâu ra, thì Mẹ nói là xin về. Tôi hoang mang tột độ khi tôi không có em, thì mẹ xin về làm gì? "Xin cho mày chơi!" - Mẹ đáp tỉnh bơ. Tôi cười mếu nói rằng mình lớn rồi. "Ủa, tao thấy mày xem phim hoạt hình, đọc truyện tranh mà. Khi nào có chồng đi thì tao tin mày lớn". Tôi câm lặng lảng đi. Hết chuyện. Đấy, vậy đấy. Xem tôi là con nít mà lại muốn tôi có chồng. Ấy mà khi tôi có người yêu thì Mẹ lại trách móc: "Sao mày đi chơi hoài vậy? Bỏ tao ở nhà một mình buồn hiu". Phải chăng Mẹ tôi là "Nữ Hoàng Mâu Thuẫn"?

    Rồi khi tôi chật vật trong những mối tình không mấy tươi đẹp, thì cũng chính Mẹ là người ôm tôi vào lòng, khóc còn lớn hơn tôi: "Tao muốn mày có chồng con là để khi tao không còn nữa, mày cũng có người chăm sóc, cùng mày chia sẻ buồn vui, khó khăn trong cuộc sống. Nhưng, nếu yêu đương mà khổ sở quá thì thôi đi. Mày cứ ở với tao, không cần chồng con gì hết. Tao sẽ cố sống thật lâu với mày!".

    Nghe ba từ "không còn nữa" mà lòng tôi quặn thắt. Đã bao nhiêu lần, tôi tự hỏi: "Nếu một ngày nào đó Ba Mẹ không còn ở bên tôi nữa, thì tôi sẽ ra sao?", và ngay lập tức tôi phải dập tắt liền ý nghĩ đó vì nỗi sợ hãi vây kín tâm hồn tôi. Chắc bạn đang trách tại sao tôi lại nghĩ đến chuyện không may? Tôi biết, chẳng ai trong chúng ta muốn nghĩ đến điều đó. Nhưng sự thật, đó lại là điều hiển nhiên sẽ xảy ra, chỉ là sớm hay muộn. Nên tôi buộc phải nghĩ đến, để biết mình cần làm gì cho Ba Mẹ trước khi quá muộn. Có thể những gì tôi làm là không bao giờ đủ cho những gì Ba Mẹ đã hy sinh vì tôi. Nhưng có còn hơn không, và tôi luôn phấn đấu nỗ lực từng ngày, để sau này không phải hối tiếc.

    Với tôi, dù vui hay buồn thì từng khoảnh khắc nhỏ nhất khi Ba Mẹ còn ở bên tôi, chính là tài sản vô giá mà tôi có được trong kiếp này.
     
    CaoSG, Hạ Mẫnkimnana thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...