Suy nghĩ về sự lạ hóa ngôn từ qua nhận định: Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 1 Tháng hai 2024.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    "Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương" (Pau-top-xki)

    Nhận định trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về sự "lạ hóa" ngôn từ trong thơ ca?


    Bài làm

    Xuân Quỳnh khi bàn về thơ ca đã nhận định: "Thơ ca với đời sống như người con gái trong gia đình, thứ để người ta làm quen là nhan sắc nhưng thứ để sống với nhau lâu dài là đức hạnh" Quả thực vậy! Không chỉ riêng thơ ca mà bất kì loại hình nghệ thuật nào cũng có "nhan sắc" và "đức hạnh" của riêng nó. Thế nhưng với thơ ca, hai thứ ấy lại nổi bật hơn cả. Tựa như thần long nhập cốc, biến chốn thâm sơn phút chốc hóa phong cảnh hữu tình, thi ca hạ phàm cũng đem đến những hoa lộ nở rộ trong tình thơ và lòng người. Cái cốt cách thanh tao của một người con gái đức hạnh và tuyệt sắc ấy phải chăng là những gì mà Pau-top-ski từng nhấn mạnh: "Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương" Một sự "lạ hóa" ngôn từ đáng suy ngẫm phải chăng đã được minh chứng và tô đậm trong tác phẩm "Đàn ghi-ta của Lor-ca" của Thanh Thảo.

    [​IMG]

    Với cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình vẫn có nhụy" Bởi "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật" nên những gì tồn tại và phát triển trong thơ trước hết phải bắt nguồn từ những cái có thật. Đặc biệt là về phương diện ngôn từ, bởi ngôn từ trong thơ là "những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta" Bởi nhà văn không có phép thần thông vượt ra ngoài thế giới này, nhà văn không sáng tạo ra một thế giới ngôn từ riêng biệt mà sử dụng vốn ngôn từ của dân tộc. Đó có thể là chữ quốc ngữ, là từ hán việt hay những từ vay mượn nhưng điểm chung đó là tất cả phải được sử dụng rộng rãi, ai cũng hiểu ý, hiểu chữ cả rồi. Bởi vì được nói, được viết nhiều quá nên ta tưởng chừng như những chữ ấy đã "xơ xác", đã "kiệt cùng" và "mất sạch tính hình tượng". Thế nhưng "thế giới này trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng" (Hoài Thanh) và người nghệ sĩ tự thân không cho phép "thế giới" của mình đơn điệu và dễ hiểu. Chính vì thế cho nên những người nghệ sĩ chân chính muôn đời vẫn khao khát được cách tân và đổi mới nền thi ca dân tộc. Cũng giống như ước nguyện của Lor-ca trước khi chết:

    "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn"​

    Và cũng giống như Phương Lựu đã giãi bày: "Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình" Cái mới lạ của mỗi nhà thơ, nhà văn trước hết là phải được thể hiện ở bề nổi ngôn từ, và đặc biệt là phải từ những con chữ đã tiêu điều, xơ xác trở lên "lấp lánh, kêu giòn và tỏa hương" Một sự biến chuyển đầy mạnh mẽ mang ý nghĩa sống còn của mỗi tác phẩm văn chương để đời ấy chính là phải làm sao biến cái cũ thành cái mới mà vẫn nhìn ra cái cũ, cách tân thật đấy nhưng vẫn phải lưu giữ nét truyền thống đậm đà.

    Bởi "Thơ ca là nhạc, là họa, là chạm khắc theo mộ cách riêng" nên ngôn ngữ trong thơ cũng phải có hình ảnh, màu sắc và hương vị. Còn nhớ với cảm hứng mùa thu, Hữu Thỉnh có từng viết:

    "Bỗng nhận ra hương ổi

    Phả vào trong gió se

    Sương chùng chình qua ngõ

    Hình như thu đã về"

    (Sang thu)​

    Ở bốn câu thơ trên, chẳng có từ nào, ngữ nào ta không hiểu, nhưng khi ghép nối chúng lại trong một vài câu thơ năm chữ lại mang sức sống khác lạ. "Bỗng" là sự ngạc nhiên, giật mình thậm chí là có đôi chút xúc động khi Hữu Thỉnh nhận ra mùi "hương ổi". Nó không bay, lan hay tỏa mà nó "phả vào trong gió se". Mùi hương bay theo từng cơn gió se nhè nhẹ của tiết trời mùa thu mà phả thẳng vào mặt tác giả. Như một người con gái ôm choàng lấy người thương sau bao ngày xa cách, hương ổi quyến luyến, mê say đã nhờ gió chở đến trước mặt người tình thi sĩ. Và cả làn sương, cái "chùng chình" của sương làm sao mà không gợi. Ấy là cái gợi rất có hình và rất có tình. Bởi sương như lưu luyến không rời con ngõ nhỏ, sương như chờ đợi ai trong nồng nàn, náo nức mà thông báo "Hình như thu đã về".

    Và phải nói thêm rằng, "những chữ xơ xác" khi trở lên "lấp lánh, kêu giòn và tỏa hương" có lẽ chính là chân lí và là sức sống muôn đời của thi ca. Bởi như Nam Cao từng khẳng định: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có" Văn chương không chịu được những con chữ nằm thẳng đơ trên trang giấy. Dẫu có là chữ nghĩa ở đời thì cũng chưa hẳn là chữ nghĩa trong văn chương. Bởi "Làm thơ là cân một phần nghìn miligram quặng chữ" (Mai-a-cốp-ski) nên những chữ đã ở trong thơ phải được cô đọng, xúc tích, thể hiện nhiều tầng ý nghĩa và liên tưởng. Những ngôn từ đắt giá ấy đã góp phần định hình phong cách và cá tính sáng tác của những con người nặng gánh nợ đời.

    [​IMG]

    Như vậy, nhận định của Pau-top-ski rằng: "Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương" thực chất đang nhấn mạnh đến đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật. Rằng ngôn từ, phải bắt nguồn từ vốn ngôn ngữ dân tộc nhưng phải cô đọng và gợi cảm, gợi hình và gợi nhiều tầng ý tưởng. Có như vậy, những tác phẩm thơ ca mới thực sự là những áng nghệ thuật vị nhân sinh.

    Có những cuộc hạnh ngộ tri âm giữa các tâm hồn vĩ đại: Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê, Bá Nha đập đàn vì Tử Kì.. Đó là những cuộc hạnh ngộ thăng hoa thành sáng tạo nghệ thuật. Và thi phẩm "Đàn ghi-ta của Lor-ca" ra đời trong cuộc hạnh ngộ tri âm, tri kỉ như thế của Thanh Thảo và Lor-ca. Và chính Thanh Thảo cũng từng tâm sự: "Lor-ca là nhà thơ mà tôi ngưỡng mộ cả thi ca lẫn cuộc đời. Cái chết của Lor-ca đã gây cho tôi nhiều cảm xúc" Bởi với Thanh Thảo, "Thơ là chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa, là ý thức mà không phải ý thức, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ" Thế nhưng cái bộc lộ sâu sắc đến tận cùng của "những con chim xanh náu mình nơi bóng tối" (Shelly) ấy lại phụ thuộc phần nhiều vào "tín ngưỡng" của độc giả. Phải chăng chính vì sâu sắc nhận thức quy luật ấy, Thanh Thảo đã lựa chọn một phong cách khác biệt so với hầu hết những nhà thơ cùng thời – giàu suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong cảm xúc và mang đậm màu sắc tượng trưng siêu thực. Chính phong cách ấy đã "lạ hóa" cho những vần thơ của Thanh Thảo mà ta sẽ sâu sắc nhận thức thông qua hình tượng tiếng đàn và chân dung người nghệ sĩ Tây Ban Nha anh hùng.

    Thẩm Đức Tiềm trong nhận thức về thơ đã khẳng định: "Người xưa trong ý có giấu những điều không thể nói ra, mới mượn vần thơ để truyền đi những điều mình muốn nói. Nếu trong lòng không cảm xúc mà chỉ vẽ vời lòe loẹt thì làm sao mà có thể có những vần thơ tuyệt diệu" Tìm vào trạng thái tâm hồn với những linh cảm, rung động được khơi dậy trong vô thức ấy chính là bàn đạp để người nghệ sĩ viết nên thứ ngôn ngữ đắt giá cho đời:

    "những tiếng đàn bọt nước

    * * *

    Li-la li-la li-la"​

    Có lẽ từ xưa đến nay, tiếng đàn là ngôn ngữ không biết nói dối. Nó không hề có chức năng che giấu tâm trạng mà có chức năng giải tỏa tâm trạng. Thế nhưng tiếng đàn cũng lắm tinh quái và kén người nghe. Những tiếng đàn bọt nước của Thanh Thảo lại khiến ta băn khoăn bất chợt. Nếu như đứng trên cương vị của một nhà khoa học trong đầu nhiều con số, "tiếng đàn" và "bọt nước" không thể dung hòa được với nhau. Nhưng "văn chương cổ kim đều viết bằng huyết lệ" (Lâm Ngữ Đường) chứ không còn là những tư duy lý tính thông thường nữa. Và bởi ngôn ngữ trong thơ văn ảnh hưởng một phần bởi trải nghiệm thực tiễn của tác giả nên dẫu có vô lí thì cũng trở lên hợp lí ở một vài phương diện và có khả năng thay đổi theo thời gian, không gian. Lại ví như trong thiên tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, tiếng đàn của nàng Vương Thúy Kiều vốn đã tìm được kẻ tri âm là Kim Trọng. Thế nhưng ấy là những ngày trước, bởi đôi tai của những con người như Kim Trọn vốn chỉ nghe được những âm vang từ cõi siêu hình triết lí nhưng lại cố điếc trước những âm vang từ cuộc đời "quằn quại vùng vẫy" mà ai cũng thấy văng vẳng bên tai. Vì vậy, khi Kiều đã nhiễm "bụi đời" trong suốt 15 năm, tiếng đàn của nàng mất đi một người tri âm tự nguyện Kiem Trọng mà nhiều thêm những kẻ tri âm bất đắc dĩ là Hoạn Thư và Hồ Tôn Hiến:

    "Nghe càng thấm ngắm càng say

    Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình"​

    Nguyễn Du tả Kiều đàn bốn lần: Từ dự cảm siêu hình đến kinh nghiệm xã hội, từ kinh nghiệm bậc thấp đến kinh nghiệm bậc cao, từ kinh nghiệm được chia sẻ ít nhiều đến kinh nghiệm phải hoàn toàn chịu đựng. Với diễn biến của tiếng đàn, ta như thấy được cuộc đời chìm nổi của cả một kiếp người và cũng như Nguyễn Du, Thanh Thảo cũng đặc tả hành trình của tiếng đàn với một dụng ý nghệ thuật như vậy:

    "Tiếng ghita nâu

    Bầu trời cô gái ấy

    Tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy

    Tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan

    Tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy

    Không ai chôn cất tiếng đàn

    Tiếng đàn như cỏ mọc hoang"​

    Là một nhà thơ có một chất thơ "lạ" ngay từ những ngày đầu cầm bút, sau những thành công ban đầu, Thanh Thảo không "chững lại" mà tiếp tục vươn lên mà trong chính những sác tác của ông, ta ít nhiều thấy được sự vận độn tăng tiến của ngôn từ trong thơ. Từ "tiếng đàn bọt nước" - tiếng đàn đầy đặn, trong ngần mà hữu hạn của tâm hồn Lor-ca, tiếng đàn dần chuyển hóa thành màu sắc và hình khối "nâu", "lá xanh biết mấy", "tròn bọt nước" và "ròng ròng máu chảy". Nâu là màu của vỏ đàn, màu của đất đai quê hương hay cũng là màu mắt, màu da của nàng Anna Maria. Song, khi gắn với "bầu trời cô gái ấy", tiếng ghi-ta lại trở thành âm vang và hương sắc của tình yêu đôi lứa. "Lá xanh" là thiên nhiên tươi tắn, là cả sự sống căng tràn mơn mởn nhưng ngay sau đó lại là tiếng "ghita tròn bọt nước vỡ tan" Tiếng ghita đẹp như vậy nhưng lại đột ngột đứt gãy một cách nhanh chóng. Phải chăng "ngọc lành có vết, việc đời đa đoan", làm chi đâu có cảnh toàn bích, hoàn mĩ, chẳng qua ấy chỉ là bề nổi để khuất lấp đi những nghịch lí, éo le đầy cay đắng ở đời. Hành trình của tiếng đàn đã kết thúc như thế đấy! Nhưng hành trình của tiếng đàn đã được Thanh Thảo nhân hóa và ẩn dụ cho toàn bộ cuộc đời: Lor-ca là một tài năng sáng chói của nền văn học Tây Ban Nha thế kỉ XX và được mệnh danh là con họa mi với khát khao cách tân nghệ thuật "tiếng đàn bọt nước". Ông có một người tình thủy chung, một tình yêu son sắt "tiếng ghi-ta nâu" và một lí tưởng và sứ mệnh để mãi mãi theo đuổi đó là tham gia đấu tranh đòi quyền sống chính đáng cho con người quê hương "tiếng ghi-ta lá xanh". Hoảng sợ trước ảnh hưởng to lớn ấy, năm 1936, chế độ độc tài phản động đã bắt giam và giết hại Lor-ca. Đó là "tiếng ghita ròng ròng máu chảy". Bản đàn hay đã kết thúc như vậy! Một cuộc đời đáng ngưỡng mộ đã kết thúc như vậy!

    Thế nhưng, "tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyển" (Ai-ma-tốp) Bởi "Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương" Cái sức gợi hình, gợi cảm đặc biệt là trong những tác phẩm văn học thuộc trường phái văn học siêu thực tượng trưng là không thể đong đếm, cân đo được, đặc biệt, khi ngôn từ nghệ thuật đã được vận dụng và sáng tạo đến một trình độ bậc thầy, câu chuyện à từ ngữ thể hiện sẽ trở thành nhiều phiên bản độc đáo và riêng biệt. Và mượn theo cách nói của Lor-ca – Một biểu tượng bằng thi ca của tự do và cái đẹp, của dân chủ và dân quyền - những điều hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn đối nghịch với chủ nghĩa phá xít: Nhà thơ có thể sáng tác từ nguồn dân ca mà vẫn là "nhà thơ tiên phong", vẫn là nhà thơ cách tân. Và hình tượng của Lor-ca chính là hình dung cho sự lạ hóa đó:

    "đi lang thang về miền đơn độc

    Với vầng trăng chếnh choáng

    Trên yên ngựa mỏi mòn

    Tây Ban Nha

    Hát nghêu ngao"​

    Những từ láy "lang thang", "đơn độc", "chếnh choáng", "mỏi mòn" rất Việt Nam, rất có giá trị tạo hình, biểu cảm theo cốt cách thơ Việt Nam nhưng lại gợi ra một hình tượng mang đậm chất riêng của xứ Tây Ban Cầm. Bản thân các từ láy này đã raatd giàu giá trị biểu cảm khi được đặt trong câu thơ với cấu tứ tự do lại càng thi vị và say lòng người. Thanh Thảo đã để Lor-ca hiện lên trong tư thế của một người nghệ sĩ, hiệp sĩ đang hát khúc du ca trên hành trình tìm kiếm lí tưởng và lẽ phải. Chặng hành trình đã dài lắm rồi, trăng đã "chếnh choáng" và yên ngựa đã "mỏi mòn", ấy thế mà người nghệ sĩ vẫn "hát nghêu ngao" như chẳng hề mỏi mệt. Phải chăng, giá trị chân lí của nghệ thuật và đời sống đã thôi thúc Lor-ca bỏ quên tất thẩy mà đi tới.

    Những con chữ thật đắt, thật "lấp lánh, kêu giòn và tỏa hương" ấy sẽ được bổ sung trọn vẹn hơn với bốn câu thơ:

    "không ai chôn cất tiếng đàn

    Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

    Giọt nước mắt vầng trăng

    Long lanh trong đáy giếng"​

    Khi được phỏng vấn để lí giải những câu thơ này, Thanh Thảo đáp rằng: "Cảm ơn anh! Nếu anh thấy đẹp, nghĩa là hai câu thơ ấy có thể đẹp. Mà đã đẹp rồi thì không thể cắt nghĩa, không nên cắt nghĩa" Quả thật, bốn câu thơ này đẹp quá! Nó tựa như những di nguyện cuối cùng của Lor-ca được thể hiện trong bài "Ghi nhớ" :

    "khi tôi chết

    Hãy chôn tôi với cây đàn ghita

    Trong cát

    Khi tôi chết

    Chết giữa bạt ngàn rừng cam

    Và thơm ngát đồng cỏ"​

    Là do không ai trân trọng tiếng đàn hay vì quá trân trọng nên mới không muốn chôn đi? Tôi thiết nghĩ là các hiểu thứ hai, bởi cách so sánh "như cỏ mọc hoang" thật lạ lùng. Tiếng đàn có màu sắc, hình khối và giớ đây lại mang theo cả một sức sống bất tử bất diệt. Lor-ca tự muốn vùi chôn đi tiếng đàn –những cống hiến nghệ thuật của ông và Thanh Thảo không phải không đồng tình với ước nguyện ấy mà chỉ muốn cho Lor-ca thấy rõ: So với việc vùi chôn và quên lãng, trân trọng đón nhận và gìn giữ để cách tân nghệ thuật sẽ đúng đắn và khôn ngoan hơn. Và đó cũng chính là quan điểm nghệ thuật của Thanh Thảo và nhiều nhà thơ khác: Nghệ thuật nằm ngoài mọi quy luật của băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.

    [​IMG]

    Hình ảnh vầng trăng xuất hiện hai lần đều không phải như những thực thể khách quan của tự nhiên mà như đang gắn liền với nguồn năng lượng tinh thần đặc biệt của người cầm bút. "Vầng trăng" và "đáy giếng" là hai hình ảnh đối lập. Chẳng hay là vầng trăng khóc thương cho người nghệ sĩ đã vùi chôn thân xác nơi đáy giếng hay chính Lor-ca trước khi mất đã ứa hai dòng lệ tiếc thương cho nghiệp lớn chưa thành mà hóa mình thành vầng trăng êm êm muôn đời?

    Bàn về thơ, nhà thơ Tố Hữu từng nhận định: "Thơ là cái đó: Sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế" Trường giang sóng sau xô sóng trước và văn chương muôn đời cũng tuân theo quy luật ất. Nếu anh muốn thơ anh được ru mãi muôn đời thì bắt buộc anh phải tìm cho kĩ và vận dụng cho hay "sự im lặng giữa các từ" ấy. Bởi vì nói đến ngôn ngữ thơ ca. Đó là "Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương" như ý của Pau-top-ski. Nhận định của nhà văn người Nga ấy đã được minh chứng rõ ràng trong tác phẩm "Đàn ghita của Lor-ca" của Thanh Thảo. Bằng cái "vô thức" của mình, bằng những con chữ vốn đã thấu triệt và hiểu rõ từ lâu hòa cùng những tinh hoa nghiên mực, Thanh Thảo đã gợi đến những hình tượng mới mẻ, âm thanh sống động và hài hòa về màu sắc. Bởi trong tiếng đàn có hình hài và số phận của Lor-ca, bởi trong chân dung của người nghệ sĩ có lí tưởng của người nghệ sĩ nên bài thơ mới có ý vị sâu sắc, đậm đà. Cùng một con chữ ấy, mà cớ sao lại "lạ", lại sâu sắc và trác tuyệt!

    Quan điểm của Pau-top-ski về đặc điểm của ngôn từ trong thơ rằng: "Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương" là hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt là khi được soi chiếu và chứng minh trong tác phẩm "Đàn ghita của Lor-ca" của Thanh Thảo. Bởi ngôn từ là cốt lõi của thơ ca, cũng giống như đức hạnh của người con gái, không thể khuyết thiếu hay bỏ quên được nên ý thơ của những tác phẩm văn học chân chính mới thực sự làm rung động lòng người.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...