Suy Nghĩ Lớn Và Nhỏ Tác giả: BK Lưu Ký Thể loại: Truyện ngắn Đôi lời của tác giả: Đây là một câu chuyện có thật. * * * Phần 1: Tâm sự của hai người. Trong một quán nhỏ bán hàng ăn ven đường, Hà với mái tóc ngắn ngang vai, tay khoác túi xách bước vào quán. Nét mặt vừa tức, vừa ấm ức như muốn khóc. Bà Thanh, chủ quán thấy vậy liền hỏi: - Sao vậy Hà? Có chuyện gì mà mặt em trông khó coi vậy? Câu hỏi của bà Thanh như một ngòi nổ chạm trúng vào nỗi buồn bực ấy. Nước mắt rưng rưng cô kể: - Em tức lắm. Em đang giữ em bé cho bà Rose rất tốt. Tiền lương là mười triệu một tháng. Đang yên đang lành, tự nhiên cái ông tài xế làm chung với em nói với bà Rose cho em nghỉ việc đi. Ổng sẽ giới thiệu em của ổng vô làm chỉ lấy tám triệu một tháng thôi. Không những vậy, em của ổng ngoài việc giữ em bé ra còn quét dọn nhà cửa cho bà ấy nữa. Chị coi như vậy có tức không chứ. Sau khi nghe xong, bà Thanh thở dài nói: - Bây giờ em mới biết sao? Chuyện này vẫn thường xuyên xảy ra. Người ta nói đầy ra đó. Trước đây chị cũng từng đi làm giống em nhưng chị gặp là trường hợp khác em. Chị làm cho bà Tây đó được hơn năm. Chăm sóc con bà ta trắng trẻo hồng hào vậy mà trong lúc nấu ăn, đôi đũa bị gãy cũng bị trừ tiền. Cái áo của bà ấy bị nổ vải bà ta nói chị ủi bị cháy. Bắt chị phải đền cái áo mới. Con của bả chơi nhét cái muỗng ăn vào đồ chơi, không tìm thấy nói chị làm mất. Cũng bắt chị đền tiền. Tức muốn chết cũng phải đành chịu. Như vậy cũng chưa đâu. Chị lau nhà, bả ôm cái bụng to đùng ngồi xuống đưa tay quẹt thử xem mình lau có sạch không. Cũng buồn nhưng thôi mặc kệ đi. Ai bảo người ta là chủ. Nhưng chị buồn nhất là chị làm gần cuối tháng rồi thì chồng chị cũng bị tai nạn giống em vậy đó. Chị nói là cho chị ứng trước nửa tháng lương bả nhất định không cho là không cho. Tức quá chị nghỉ làm luôn. Bả nói nghỉ như vậy là không trả tiền. Em nói xem, làm hơn một năm rồi mà còn bị đối xử như vậy đó. Sau đó không lâu, chị qua biệt thự khác làm việc. Bà Tây đó nhìn thấy chị, bả bấm chuông nhà bà chủ chị làm. Lúc đó chị đang nấu ăn trong bếp, bà chủ ra mở cửa. Thấy bà chủ nhà, bả bô lô ba la nói tùm lum thứ với bà chủ chị chưa xong, chưa có sự cho phép của chủ nhà đã lao vào nhà bà chủ mới, xông vào nhà bếp túm lấy tóc chị lôi ra ngoài xỉ vả, nói chị không tốt cái này không tốt cái kia trong lúc cái bụng thì sắp sinh rồi. Chị điên lên vùng ra quay lại tát cho nó mấy cái. Định đạp cho nó một đạp nhưng nghĩ nó bụng mang dạ chửa mới thôi đó. Từ đó chị chán không làm nữa mới mở ra buôn bán như bây giờ nè. Cho nên em cũng đừng buồn. Dù em có làm tốt đến đâu họ cũng chẳng nhớ đến công sức của em. Không có em họ lại có người khác. Em chẳng là cái gì cả. Mà cũng thật lạ. Đều là người Việt mà chỉ toàn hại nhau. Cùng nhau đoàn kết để tăng lương thì không thấy chỉ toàn thấy tranh nhau hạ thấp tiền lương. Chẳng những người đi xin việc tự hạ thấp chính mình mà ngay cả mấy con đi lấy chồng tây chồng tàu. Cái kiểu tanh tanh hôi hôi, ỷ mình biết tiếng ngoại quốc đi nhỏ to với người nước ngoài chỉ bảo họ phải trả tiền nhân công thấp thế này thấp thế kia. Con mẹ nó chứ! Chẳng biết nó là người nước nào? Đồng bào thì không giúp đi giúp người ngoài. Chính vì vậy mà bây giờ tiền lương mới thấp vậy đó. Càng nói càng thấy tức. Chẳng bằng với người Philippin. Họ rất đoàn kết đấy nhé. Cũng cùng là một công việc, mức lương của người Philippin cao gấp đôi người Việt mà chủ thuê vẫn chấp nhận thuê. Thế mới đáng nói chứ.. Bà Thanh trầm tư nhìn Hà tay chống cằm hỏi: - Bây giờ em tính sao? Hà nhìn bà Thanh đáp: - Biết tính sao đây! Giờ lại đi tìm việc khác. Chỉ là hiện tại em rất kẹt tiền. Hà thở dài tiếp tục nói: - Chồng em bị tai nạn còn nằm trong bệnh viện. Bên đó vừa gọi bảo em qua đóng viện phí. Còn vài ngày nữa là tới đóng học phí cho con rồi. Bà chủ nhà trọ bảo chiều nay phải đóng tiền nhà mới chết chứ. Em nợ hết một tháng rồi, nếu tháng này mà không đóng chắc bị đuổi đi mất. Thiệt tình bây giờ em không dám về nhà. Hà cúi đầu tay ôm mặt khóc không thành tiếng.. Phần 2: Mong ước của đứa trẻ Bấy giờ, một thằng bé có nước da ngâm đen, thân hình gầy gò, mái tóc cắt ngắn gần sát da đầu tiến lại gần chỗ bà Thanh. Vóc người nhỏ thó nhưng trông khá linh hoạt. Độ chừng khoảng mười hai hay mười ba tuổi gì đó. Mặt hơi cúi, vẻ ngập ngừng thưa: - Con xin lỗi vì đã xen ngang. Nhưng con có chuyện muốn nói với bà Thanh lúc này được không ạ? Hà cố gắng không khóc, tay lau đi những giọt nước mắt còn vương. Bà Thanh quay sang nhìn thằng bè ôn tồn bảo: - Là Sa hả con? Có chuyện gì con nói đi. Sa đưa tay gãi đầu ấp úng nói: - Là thế này.. chuyện là.. là buổi chiều.. bà cho Pháp vào làm được không? Cả hai đứa con cùng làm cho bà. Hôm nay con làm buổi sáng, nó làm buổi chiều. Ngày mai nó làm buổi sáng, con làm buổi chiều được không bà? Bà Thanh nhìn Sa nghiêm túc hỏi: - Vì sao? Chẳng phải lúc trước đã thỏa thuận là con sẽ phụ quán cho bà cả ngày à? Sao bây giờ con lại muốn thay đổi? Nếu con mệt không thể làm cả ngày thì để bà kêu thêm người khác nhé? Còn Pháp dù rất ngoan, hiền nhưng lại yếu và chậm chạp. Nó không ứng phó được với lượng khách đông. Bà sợ nó sẽ bị phỏng? Với lại nó còn không biết quét dọn thì làm sao bà thuê được? Sa vội vàng nói: - Bà ơi xin đừng thuê người khác. Con không có mệt. Xin bà hãy nhận Pháp vào làm đi. Nếu Pháp không bưng kịp cho khách, con sẽ bưng phụ cho Pháp. Nếu Pháp không biết quét thì con vừa quét vừa chỉ cho Pháp đến khi nó biết làm thì thôi. Bà hãy nhận Pháp vào làm được không bà? Bà Thanh lại nói: - Pháp không phải là anh em dòng họ với con. Hơn nữa hai đứa chỉ mới tiếp xúc, chơi cùng nhau gần đây cũng chưa thân thiết lắm. Sao con lại làm vậy? Nếu một mình con làm con có thể lãnh ba trăm một ngày. Nhưng nếu để Pháp làm, tiền sẽ phải chia đôi mà bản thân con còn phải làm thêm giờ. Con không muốn nhiều tiền sao? Sa gãi đầu cười cười đáp: - Con muốn có nhiều tiền lắm ạ. Có nhiều tiền để con có thể tiếp tục đi học. Nhưng tụi con cùng là người Khmer. Hai đứa tụi con không được đi học như nhau. Hai nhà cũng nghèo giống nhau. Vậy tại sao con có việc làm lại không thể chia sẻ với nó để nó cùng kiếm tiền mua cơm ăn giống con ạ? Hơn nữa con thông minh hơn nó, giỏi hơn nó, khỏe hơn nó vậy tại sao con không thể che chở, nhường cho nó một chút ạ? Đợi đến khi nó biết việc, làm được việc rồi con lại tìm chỗ khác làm thêm buổi chiều. Như vậy chẳng phải con sẽ có thêm tiền sao ạ? Bà Thanh cười nhìn nó triều mến bảo: - Vậy được rồi, chiều nay con nói Pháp ra phụ bà nhưng con phải đảm bảo được những điều con nói với bà. Với lại sau này con cũng không cần tìm thêm việc để làm buổi chiều. Con cứ làm cho bà, bà sẽ trả tiền cho Pháp riêng. Được chưa? - Dạ. Sa gật đầu cười nói thật to rồi vụt chạy về phía sau quán. Ở đó có một thằng bé khác, thân hình cũng gầy gò, nước da cũng ngâm đen như Sa đang đứng đợi với vẻ mặt đầy lo lắng, mong chờ nhìn Sa.. Phần 3: Suy nghĩ Sau khi thằng bé rời đi, hai người phụ nữ nhìn nhau. Hà không kềm được nước mắt lại chảy xuống một cách tự nhiên nói: - Đời đúng thật buồn cười. Người lớn đã được ăn học đến nơi đến chốn luôn suy nghĩ phải tranh tranh đấu đấu, phải dùng thủ đoạn nào để đạp đối thủ dưới chân mình. Còn một đứa trẻ chưa được ăn học đến nơi thì lại cố hết sức có thể để nâng đỡ một đứa trẻ khác được giống như mình. Người lớn chỉ biết nghĩ cho bản thân và gia đình của mình được lợi ích lớn nhất mà không quan tâm đến ai, còn đứa trẻ không chỉ nghĩ đến mình mà còn biết nghĩ đến người khác dù biết người đó không phải người thân. Giá như đời này, người lớn cũng biết suy nghĩ như đứa trẻ đó thì tốt biết bao.. Không bao lâu sau, Sa cũng kiếm đủ tiền để về quê tiếp tục việc học còn dang dở như em mong ước.. Còn bà Thanh vì cảm động trước lời nói và việc làm của Sa mà trả thêm tiền lương cho Pháp. Hết.