Sự Trân Trọng Tạo Nên Món Quà Vô Giá Trong Truyện Ngắn Hoa Hồng Tặng Mẹ

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi hoangminhanh, 2 Tháng tư 2024.

  1. hoangminhanh Con vịt con

    Bài viết:
    1
    Đề: Viết một đoạn/ bài văn phân tích một truyện ngắn theo cách nhìn mới của anh/chị

    Bài làm:

    Đức Phật đã nói rằng: "Điều sai lầm nhất là bạn nghĩ bạn có thời gian". Thời gian là dòng chảy vô tận "một đi không trở lại", vì thế trân trọng từng giây phút và những giá trị quanh ta là một lẽ tất yếu trong cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà từ "present" trong tiếng Anh vừa có nghĩa là hiện tại vừa có nghĩa là món quà. Mỗi nhịp thời gian trôi là một lần ta được ban cho món quà "thêm một chút nữa". Bởi lẽ đó, sự trân trọng những gì mình có chính là cách ta tạo nên và sử dụng thức quà của quy luật một cách trọn vẹn nhất. Câu chuyện "Hoa hồng tặng mẹ" đã gợi ra những ý nghĩa sâu sắc hơn về sự trân trọng trong đời sống.

    Truyện ngắn dựng lên hai người con hiếu thảo: Một chàng trai trưởng thành có xe, có tiền, còn có mẹ - một cô bé chỉ có 75 xu không đủ để mua cho mẹ mình một bông hồng, mẹ cô bé đã không còn. Hai con người có chung một mục đích mua hoa tặng mẹ nhân ngày 8/3 đã có hai hành động trái ngược. Chàng trai cách mẹ 300km nên anh đặt hoa và gửi nó qua đường bưu điện còn cô bé không có nổi tiền mua hoa đã bật khóc trước cửa hàng. Khi được chàng trai mua cho bông hoa, cô bé đã đi tới mộ mẹ mình và đặt bông hoa lên. Ngay sau đó, chàng trai liền lái xe suốt đêm trao tận tay bó hoa cho người mẹ của mình. Câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều bài học quí giá.

    Nhà văn đã xây dựng một cốt truyện đơn giản với hai nhân vật chính và tuyến nhân vật phụ gồm mẹ của hai nhân vật chính. Cách tạo dựng nhân vật đã phần nào thể hiện được chủ đề của tác phẩm là tình mẫu tử. Ngay từ nhan đề truyện: "Hoa hồng tặng mẹ", ta cũng thấy được tình cảm giữa người con với mẹ của mình trong đó. Sự đối lập giữa hành động của chàng trai và cô bé lại có nét tương giao trong tình mẫu tử đã tạo nên nét đặc sắc cho câu chuyện. Họ đều có chung mục đích mua hoa tặng mẹ nhưng cách thể hiện lại khác nhau tạo nên tính kịch tính. Tuy nhiên, sự đối lập ấy lại là một điều đã trở thành "bình thường" trong đời sống hiện nay của con người. Khi ta lớn lên, ta quay vòng trong vũ bão, bị cuốn theo cái xô bồ và tấp nập của dòng đời ; đôi khi còn bỏ lỡ những gì ta yêu thương. Chàng trai trẻ ấy phải chăng cũng bị cuốn vào dòng xoáy nên chẳng thể ngày ngày bên mẹ. Tác giả dựng lên một hoàn cảnh khó khăn cho chàng trai khi cách mẹ mình 300km - một quãng đường rất dài. Nhưng cái ta quan tâm rằng dù quãng đường xa tới vậy, anh vẫn có lòng gửi bưu đóa hoa hồng rực thăm tới người mẹ của mình. Còn cô bé lại được đặt trong hoàn cảnh éo le đến tận cùng, cô cách mẹ không chỉ là quãng đường được đo bằng km mà nó là âm-dương cách biệt. Cô gái nhỏ không có nổi tiền mua hoa cho mẹ lại có thể chiến thắng khoảng cách âm- dương để tặng hoa cho người mẹ quá cố. Đến đây, tác giả như bộc lộ rằng: Quãng đường 300km là dài dằng dặc nhưng quãng đường âm-dương không phải ai cũng có thể vượt qua được. Con đường tới nhà người mẹ dường như không là gì cả khi trong tim con luôn nghĩ tới và muốn tới. Hành động đặt hoa gửi mẹ của chàng trai thật đáng trân trọng nhưng trước sự hồn nhiên của cô gái nhỏ, nó lại trở thành sự vô tâm.

    Đến cuối truyện, bài học mà nhà văn gửi gắm mới được thể hiện rõ nét. Đó không phải là "cách cho", cũng không chỉ nằm gọn trong phạm vi tình mẫu tử mà đó là cách ta biết trân trọng những gì mình đang có. Vốn những thứ thân thuộc thường dễ khiến con người lãng quên, đôi khi hờ hững, vô tâm. Chàng trai trẻ dù có xe, có đủ khả năng đi 300km tới nhà mẹ trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 duy nhất trong năm nhưng anh không làm vậy, anh chọn cách dễ dàng với bản thân là gửi hoa cho mẹ. Có lẽ trước khi gặp cô bé, anh sẽ làm việc này từ năm này sang năm khác. Phải đến khi chứng kiến những điều mình yêu quí rời xa mình, người mẹ thân thương không còn nữa anh mới nhận thấy sự vô tâm của bản thân. Câu chuyện kết thúc bằng chi tiết chàng trai lái xe 300km suốt đêm để trao tận tay bó hoa cho mẹ đã để lại nhiều trắc ẩn, suy tư. Hành động của chàng trai như minh chứng cho sự thức tỉnh về cách trân trọng mẹ của mình. Đúng như một nhà thơ từng viết:

    "Hôm nay, ngoài kia ai khóc mẹ?

    Sợ giọt nước mắt này rồi sẽ đến phiên con!"

    Phạm Lữ Ân từng quan niệm "Dẫu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu". Cuộc sống là vô hạn nhưng thời gian của mỗi chúng ta là hữu hạn, bởi vậy hãy trân trọng những gì mình đang có để đời không hối tiếc.

    Truyện được viết bằng ngôi kể thứ ba tạo ra tính khách quan cho câu chuyện. Điều đó càng làm rõ nét hơn sự thức tỉnh của chàng trai về giá trị của sự trân trọng. Sự trân trọng chính là cách ta tạo nên những món quà vô giá. Hình tượng bông hồng được xây dựng với vai trò chức năng là "món quà tặng mẹ" nhưng món quà vô giá nhất trong câu chuyện lại là sự có mặt của người con. Điểm đặc biệt của câu chuyện là khi ý nghĩa câu chuyện được đặt cuối tác phẩm. Nếu không có chi tiết cuối cùng, ta có lẽ sẽ nhận định chàng trai là một người con hờ hững, có phần vô tâm. Hành động lái xe "suốt đêm" như hình ảnh chạy đua với thời gian để thêm một phút giây ta trân trọng cuộc sống, trân trọng những gì mình đang có. Nói như Harvey Mackay thì "Thời gian là miễn phí nhưng nó vô giá. Bạn không thể sở hữu nó, những bạn có thể sử dụng nó. Một khi bạn làm mất nó, bạn sẽ không thể nào có lại được nó".

    Truyện "Hoa hồng tặng mẹ" ngắn gọn, súc tích, tình huống được xây dựng tinh tế, tạo sự đối lập giữa hai nhân vật đã tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm. Qua cậu chuyện, ta không chỉ được nhân thêm tình mẫu tử sâu sắc, thiêng liêng, không chỉ nhận ra "Của cho không bằng cách cho" mà giá trị ta nhận được là cách ta biết trân trọng những điều bình dị đến những điều lớn lao, cao cả.

    Món quà vô giá trị chính là tấm lòng mà để có tấm lòng ta cần có sự trân trọng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng tư 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...