Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết giải thích vì sao cứ đến tết Trung thu người ta lại ăn bánh trung thu. Nhưng truyền thuyết được phổ biến nhất là trong những năm cuối triều đại nhà Nguyên, bọn thống trị áp bức bóc lột nhân dân rất tàn khốc, khiến dân chúng bất mãn và nuôi ý chí phản kháng mãnh liệt. Hồi ấy có hai vị lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn đã tổ chức nhân dân vùng lên chống lại bè lũ thống trị tàn bạo. Để có thể truyền đạt tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, người ta đã làm những cái bánh hình tròn, trong những cái bánh này đều có nhét thêm một tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng Tám âm lịch. Sau đó những cái bánh này được người ta truyền đi cho nhau và trở thành một phương tiện liên lạc. Phương pháp này tỏ ra hết sức hiệu nghiệm, tin tức hô hào khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi. Về sau người Trung quốc lấy việc làm bánh Trung thu vào ngày rằm tháng Tám để kỷ niệm sự kiện ấy. Như vậy phong tục ăn bánh Trung thu trong ngày tết Trung thu dần dần đã được lưu truyền cho tới ngày nay. Có ý kiến khác cho rằng: Bánh Trung thu đã có từ đời Đường. Nó được coi như một thứ đồ lễ để cúng thần mặt trăng, và hồi ấy bánh này được gọi là bánh nhỏ (tiểu bính) hay bánh ngọt (điềm bính) và ở kinh thành Trường An đã có những cửa hiệu làm và bán bánh Trung thu. Sang đến đời Tống thì các nơi trong nước Trung Quốc đã có nhiều thứ bánh Trung thu với phong vị khác nhau, chẳng hạn bánh kiểu Tô Châu, bánh kiểu Quảng Châu, bánh kiểu Ninh Ba, bánh kiểu Bắc Kinh. Vì bánh Trung thu có mùi vị thơm ngon, hình của nó lại tương tự như mặt trăng, cho nên về sau loại bánh này đã được dùng làm vật tượng trưng cho chuyện gia đình đoàn tụ trong ngày tết Trung thu, đồng thời nó cũng được dùng làm quà ngày lễ để bạn bè thân thuộc tặng cho nhau kèm theo những lời chúc tốt lành. Truyền thuyết bánh trung thu Trung Quốc Người Trung Hoa có những món ăn lưu truyền trong dân gian, và có những sử tích kèm theo nó chẳng hạn như bánh Trung thu, bánh chưng vào ngày tết Đoan Ngọ - loại bánh chưng này gói có trứng trong đó khác với bánh chưng ngày tết của VN, bột vò viên (giống như trôi nước của VN) vào rằm tháng giêng đều có những câu chuyện lý thú tương truyền trong dân chúng. Bánh Trung thu được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ. Mỗi năm vào ngày rằm tháng tám, người Trung Hoa đoàn tụ với gia đình, ăn bánh, trái cây, uống trà và thưởng ngoạn trăng rằm. Bánh Trung thu người Tàu gọi là bánh Trăng (Nguyệt), ngày xưa còn gọi là bánh Hồ (bánh của người Hồ), bánh nhỏ, bánh đoàn (đoàn tụ), bánh đoàn viên. Những loại bánh trên người Tàu ngày xưa dùng để cúng tế, dần dần trở thành bánh dùng để cúng và ăn vào ngày Trung thu. Bánh Nguyệt có lịch sử lâu dài ở Trung Quốc, sử sách ghi chép từ thời Ân, Chu ở vùng Triết Giang đã có loại bánh kỷ niệm Thái Sư Văn Trọng gọi là bánh Thái Sư. Bánh này có thể coi như là thủy tổ của bánh trung thu. Vào thời Tây Hán, Trương Thiên đi Tây Vực mang về Trung Quốc hạt Mè, hạt Hồ đào (walnut), dưa hấu làm nguyên liệu cho bánh Nguyệt thêm dồi dào. Thời đó hồ đào là nguyên liệu chính của bánh Nguyệt nên còn gọi là bánh Hồ Đào. Đến thời Đường trong dân gian có những người hành nghề làm bánh, ở thành phố Trường An có những tiệm bánh trứ danh. Tương truyền có một đêm Trung thu, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ăn bánh Hồ Đào, thưởng ngoạn trăng rằm, Đường Huyền Tông chê tên bánh Hồ nghe không hay nên đặt tên là bánh Nguyệt cho thơ mộng hơn, nên từ đó về sau Bánh Trung thu có tên là Bánh Nguyệt mà người Tàu dùng cho đến bây giờ. Đến thời nhà Tống, tập tục ăn bánh Trung thu rất thịnh hành trong giới quý tộc. Thơ Tống có nhiều bài viết về việc ăn bánh Trung thu, thưởng ngoạn Trăng vào ngày này. Tuy nhiên, trong dân gian việc ăn bánh Trung thu mới trở thành phổ cập. Các nhà kinh doanh nghề bánh dùng câu chuyện Hằng Nga trên cung trăng để làm tăng thị hiếu. Ngày nay, Bánh Trung thu là quà tặng cần thiết trong ngày Trung thu. Lượng bánh trung thu sản xuất hàng năm vào mùa Trung thu ở Đông Nam Á, Đông Á và Trung Quốc là một con số khổng lồ. Nhiều tiệm bánh ở vùng này nhờ lợi tức mùa bánh Trung thu mà đủ chi tiêu cho cả năm trời. Sự tích bánh trung thu của Việt Nam Truyền thuyết xưa kể rằng: Không biết từ bao giờ, ở ngôi làng nọ bỗng xuất hiện hạn hạn kéo dài, khiến mọi sinh linh kiệt quệ, con người đói khát. Có một bà mẹ, vì thương xót hai đứa con nhỏ và người dân trong làng chết dần chết mòn nên quyết định ra đi tìm Thần Mặt Trời. Bà đi mãi đi mãi.. Đến một ngọn núi thì kiệt sức ngã quỵ. Tình cờ thỏ trắng thấy bà gặp nạn mới tìm nước cho bà uống. Nghe chuyện của bà, thỏ trắng mủi lòng dẫn bà tới chỗ Thần Mặt Trời, kể nỗi thống khổ của nhân gian, cầu xin Thần ban mưa xuống, tắt bớt cái nắng mỗi ngày vài giờ để cho mọi người có giấc ngủ ngon, giữ sức để còn làm ăn sinh sống. Thần vén mây nhìn xuống và kinh ngạc thấy nhân gian tiêu điều tàn úa, vạn vật vật vã trong nắng nóng.. Thần buồn rầu bảo cái nắng lui về hóa thân thành thứ ánh sáng nhỏ nhoi để soi sáng cho con người trong đêm đen tăm tối.. Bà nhận lời hy sinh thân mình ngay. Thần cho bà một ngày về hội ngộ với các con lần cuối. Hôm ấy là Rằm tháng Tám, bà cùng các con làm bánh nướng, bánh dẻo vui vẻ bên nhau.. Rồi theo lời Thần chỉ dẫn bà ra trước nhà, hướng mặt nhìn trời.. Bỗng chốc bà thấy cơ thể mình nhẹ tênh và bay bổng lên không trung.. Bà thấy mình hóa thân thành thứ ánh sáng lung linh dịu dàng tỏa xuống màn đêm nơi nhân gian, thấy cả căn nhà nhỏ với những đứa con thân yêu. Thứ ánh sáng lung linh đó gọi là Ánh trăng, sáng tỏ nhất vào đêm 15, 16 âm lịch - là ngày hội ngộ của mẹ con họ. Cũng từ đó cứ đến Rằm tháng Tám các con bà đều làm bánh nướng, bánh dẻo dâng hương cúng mẹ, sau này gọi là bánh Trung thu. Bánh Nướng, Bánh Dẻo và Tết Đoàn Viên Mùa thu khi vụ mùa kết thúc, thời tiết mát mẻ, người nông dân được nghỉ ngơi thường tụ tập để "thưởng trăng". Và ngày Rằm tháng Tám được chọn để bày cỗ, rước đèn vui chơi.. trở thành phong tục truyền thống. Tết Trung thu là một ngày Tết lớn thứ hai trong năm để nhà nhà lo bánh trái, hoa quả trông trăng, vui chơi với các loại lồng đèn. Mâm cúng Tết Trung Thu có hương hoa, trà quả (quả thường là ngũ quả), và không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày Rằm tháng Tám, người ta thường tặng nhau những chiếc bánh Trung thu với ý nghĩa chúc cho mọi điều trong cuộc sống được tròn đầy, viên mãn, chính bởi điều này mà chiếc bánh là món ăn, món quà có giá trị tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết Trung Thu. Ở Việt Nam gồm hai loại bánh là bánh Nướng và bánh Dẻo. Bánh Dẻo: Được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa hình tròn, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn. Hình tròn của bánh thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn và trắng ngà trong biểu tượng ý nghĩa "đoàn viên gia đình" và nhất là tình yêu khăng khít giữa vợ chồng với nhau. Bánh Nướng gồm hai phần: Vỏ bánh và thân bánh. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân có thể được làm bằng đậu xanh, khoai môn hay hột sen tán nhuyễn bao bọc lấy lòng đỏ trứng muối có mùi vani hay sầu riêng; nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt lợn, vi yến, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao.. Hình tròn trong nhân là biểu hiện của sự tròn đầy, viên mãn. Vị mặn của trứng muối bị vị ngọt của những nguyên liệu khác trung hòa, điều này gợi cho ta đến một liên tưởng: Trong cuộc sống, dù thường ngày có nếm trải qua bao nhiêu đắng cay khổ sở thì vẫn có những người thân luôn bên ta, bao bọc chở che ta và trao cho ta vị ngọt của tình thương của cuộc sống. Cũng giống như chiếc bánh Trung Thu, trong mặn có ngọt, tạo nên hương vị đậm đà của cuộc sống. Người xưa gọi bánh nướng, bánh dẻo là Nguyệt Bính, hay bánh Vầng Trăng. Đêm Trung thu, phụ nữ bày cỗ trông trăng, trổ tài gọt tỉa hoa quả, nặn bột thành con giống, đặc biệt là làm bánh nướng, bánh dẻo.. Mọi người ngắm trăng thu vằng vặc, uống chén trà thơm và ăn Nguyệt Bính. Ý niệm "tròn" (viên) của trăng là cảnh quây quần quy tụ thưởng trăng. Từ ý niệm này, lại nảy sinh ra huyền thoại ông già dưới trăng "Nguyệt lão" chắp mối tơ hồng để trai gái kết hôn. Tết Trung thu có ý nghĩa lớn, có giá trị truyền thống đặc biệt đối với các gia đình, thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm, chia sẻ của mọi người với nhau.