THÔNG TIN VỀ SỬ THI 1. Khái niệm - Còn được gọi là trường ca, anh hùng ca, truyện thơ. - Là những tác phẩm tự sự dân gian có dung lượng lớn, quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần nhịp, xây dựng những nghệ thuật hình tượng hoành tráng, hào hùng để kể về một hay nhiều biến cố lớn diễn ra trong cộng đồng của cư dân thời cổ đại. 3. Không gian: - Là không gian cộng đồng, bao gồm: Không gian thiên nhiên, không gian xã hội. - Không gian sử thi có chiều sâu và chiều rộng. Chiều sâu kéo dài từ quá khứ đến hiện tại, trải qua nhiều loại hình xã hội. Chiều rộng là không gian từ cụ thể đến bao quát. 4. Thời gian: là thời gian quá khứ trải qua nhiều biến cố, gắn với lịch sử cộng đồng của một dân tộc, bộ lạc, chế độ. 5. Cốt truyện: - Là chuỗi biến cố hoặc sự kiện trọng đại được sắp xếp theo một trình tự nhất định: Cái này tiếp cái kia, xô đẩy nhau buộc phải giải quyết, giải quyết xong thì truyện dừng. Qua các tình huống nối tiếp nhau, ta thấy được các chiến tích, quá khứ của các anh hùng. Bằng cách lồng ghép hài hòa số phận của cá nhân với số phận của cộng đồng, cốt truyện hướng đến những đề tài mang ý nghĩa văn hóa lịch sử và có tính dân tộc lớn lao, thể hiện quá trình vận động của tộc người qua các giai đoạn khác nhau. 6. Nhân vật - Là nhân vật anh hùng: Anh hùng văn hóa và anh hùng chiến trận. So với thần thoại và truyền thuyết, nhân vật sử thi có nhiều lớp người, nhiều thế hệ. - Đặc trưng: Là những con người mang ý chí, sức mạnh, tài năng, phẩm chất và vẻ đẹp cao quý, phi thường, dám dũng cảm xả thân vì cộng đồng, mang chiều kích đại diện cho sức mạnh của tộc người trong công cuộc chinh phục tự nhiên để xác định diện mạo văn hóa, trong chiến đấu với kẻ thù để mở rộng hoặc bảo vệ lãnh thổ. 7. Phân loại - Sử thi thần thoại: Xen kẽ yếu tố anh hùng và hoang đường, kể về những dũng sĩ không chỉ có sức mạnh chiến đấu mà còn có ma thuật và năng lực siêu nhiên. - Sử thi cổ điển: Kể về những thủ lĩnh và những chiến binh đại diện cho một dân tộc. Kẻ thù của họ là những kẻ xâm lược, bọn áp bức bóc lột, dị giáo và ngoại bang. - Sử thi anh hùng: Bài ca về những người anh hùng, biểu hiện đậm nét yếu tố tự tôn dân tộc. 8. Nghệ thuật: Văn xuôi xen lẫn văn vần, sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, những từ ngữ cổ, kết cấu chặt chẽ, hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng. 9. Lời kể chuyện - Là lời của người dàn dựng câu chuyện, tường thuật sự việc, kết thúc một đoạn một phần, bày tỏ thái độ với người anh hùng, miêu tả những chi tiết tiêu biểu. - Có giọng điệu trang trọng, rành mạch 10. Lời nhân vật - Là lời nói trực tiếp của nhân vật. - Góp phần quan trọng trong việc thể hiện tính cách, vị thế xã hội của mình. 11. Ngôn ngữ kể chuyện - Gồm yếu tố nghệ thuật của ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ thơ ca, âm nhạc và ngôn ngữ sân khấu và lời ăn tiếng nói hàng ngày. - Giàu hình ảnh, khắc họa nhân vật và vật thể hóa âm thanh, tạo cho người đọc và người nghe có cảm giác như nhìn thấy âm thanh đang "hoạt động", tác động đến mọi vật. - Hùng tráng và giàu tính trữ tình: Thể hiện sự mạnh mẽ, lòng dũng cảm và những tình cảm, cảm xúc sâu sắc của nhân vật - Lối diễn đạt tường minh, không mập mờ hay lạc hậu. Điều này giúp người đọc dễ hiểu và cảm nhận rõ ràng các tình tiết câu chuyện và nội tâm nhân vật. - Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như phóng đại, so sánh, điệp ngữ. 12. Ý nghĩa của sử thi với cuộc sống - Giá trị văn hóa: Sử thi là loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, như linh hồn của đồng bào các dân tộc. Loại hình nghệ thuật này được sáng tạo, tích lũy lâu đời, ảnh hưởng đến lời ăn tiếng nói, luật tục, nghệ thuật, tín ngưỡng, nếp sống của con người và cộng đồng. - Giá trị truyền thống: Là cuốn "bách khoa toàn thư" chứa đựng cả bề dày lịch sử và kinh nghiệm sống, phản ánh mọi khía cạnh đời sống từ tạo lập buôn làng, sản xuất nương rẫy, chiến tranh giữa các bộ tộc, đến thực hành nghi lễ, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán. - Giá trị lịch sử: Truyện sử thi phản ánh những sự kiện lịch sử với cái nhìn khách quan, tràn ngập tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng, vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, giàu cảm hứng khẳng định, ngợi ca, tự hào, từ đó lay động và khích lệ mạnh mẽ tình cảm người đọc, truyền bá giá trị lịch sử. - Giá trị giáo dục: Văn học sử thi hướng tới cái chung, cái cao cả. Nhân vật trung tâm không đại diện cho con người cá nhân, mà đại diện cho giai cấp, dân tộc, thời đại với kết tinh đầy đủ những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Chính vì thế, sử thi còn là cả một lời gửi trao, nhắn nhủ của những người đời trước tới thế hệ chúng ta về một triết lý sống, cách sống cao đẹp, một chuẩn mực nhân phẩm. Hơn thế, sử thi còn là một nguồn tri thức giúp trau dồi trí tưởng tượng, kỹ năng ngôn ngữ và văn hóa dân gian.