Tâm sự Sự Sống Chẳng Bao Giờ Giờ Chấm Dứt

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Thanhtt, 10 Tháng năm 2020.

  1. Thanhtt

    Bài viết:
    29


    Chiến tranh với tôi là các trang sách giáo khoa lịch sử. Bẩy, tám tuổi đầu tôi vẫn thấy các đơn vị bộ đội diễn tập hành quân qua làng, nhưng chiến tranh lùi xa lâu rồi. Đấy là những năm cuối 80. Tuổi thơ của tôi gắn liền với mảnh vườn, ruộng lúa, bờ khoai, ngày ngày, đơn vị bộ đội đóng quân gần làng tôi diễn tập, thu hoạch sắn trên đồi, tiếng máy bay ù ù. Cho đến hôm nay, tất cả ký ức về hai từ "Chiến Tranh" vang lên trong tôi, tôi viết về khổ đau, chết chóc, hy sinh, sự anh hùng và cả tình yêu giữa cái sống và cái chết.. Tất cả chỉ làm một điều: Sự sống không bao giờ chấm dứt!

    Mẹ tôi hay kể, ngày nhỏ chăn bò trên núi, có lần máy bay Mỹ đem bom thả bất chợt. Không kịp chạy, có người đã phải thiệt mạng. Bom Mỹ đánh phá miền Bắc, mẹ tôi cùng thầy cô, bạn bè đi sơ tán, đành dựng tạm lều tre, liếp nứa làm lớp học. Mẹ tôi đi học 10 +2, trường sư phạm đóng tại Thọ Xuân một huyện nghèo của xứ Thanh. Vừa học vừa tránh giặc Mỹ nhưng tâm hồn ai cũng khỏe mạnh và trong sáng. Bữa cơm không có thức ăn ngon mà chủ yếu phụ thuộc vào tấm lòng và sự cưu mang của người dân xung quanh. Họ cho mẹ tôi và bạn bè trọ học món bí đỏ, bát mắm tôm. Chỉ có vậy mà ai cũng ăn ngon miệng tận mấy bát cơm liền.

    Trên mẹ tôi là người bác gái. Bác tên là Cống. Bác tôi đã 80 tuổi. Sức khỏe của bác tôi không còn mẫn cán nữa. Khi bác còn khỏe mạnh, tôi thường xuyên lui tới chơi nhà bác. Đêm đêm, khi trời tối buông xuống, dưới ánh điện lù mù đỏ chóe, hai bác cháu nằm trên giường đắp một chiếc chăn đơn. Bác kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện trong cuộc đời khó nhọc và vất vả của mình.

    Câu chuyện mà tôi nhớ rõ nhất là hành trình bác vượt hàng mấy trăm ki lô mét từ Hải Phòng về quê chồng giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ của chúng ta bước vào giai đoạn căng thẳng nhất.

    Hồi chưa lấy chồng, bác tôi làm công nhân trồng trọt tại nông trường gần nhà. Bác là người xinh gái, khéo ăn khéo nói. Cán bộ miền Nam tập kết, bộ đội, công nhân cùng nông trường nhiều người để ý và yêu mến bác tôi. Ban đầu, bác tôi yêu một anh cán bộ miền Nam tập kết, đã đem về giới thiệu cùng gia đình, nhưng chú bác tôi không đồng ý và không cho bác tôi lấy anh cán bộ miền Nam. Cuộc tình không đi đến đâu cả. Bác tôi lấy bác rể tôi bây giờ, bác đã là liệt sĩ. Bác rể làm cùng nông trường với bác gái tôi. Nói như cách mà nhà văn Chu Lai thường tả thì bác rể tôi thuộc dạng đẹp trai, cao to, chững chạc. Hai bác lấy nhau, ở lại nông trường và có một cô con gái. Bấy giờ bác gái và bác rể tôi không còn làm ở nông trường trong Thanh Hóa nữa mà đã chuyển sang nông trường ở Hải Phòng. Đúng thời điểm đó, được lời kêu gọi của cấp trên, bác rể tôi xung phong vào bộ đội và Nam tiến. Trước khi bác rể tôi vào Nam, quyết định đưa bác gái tôi về quê ở cùng bố mẹ đẻ thôi không làm công nhân nông trường nữa. Chị họ tôi lúc đấy vẫn phải bồng ngửa. Một mình bác tôi vừa ôm con, ôm làn theo đoàn tàu từ Hải Phòng về Thanh Hóa. Chuyến đi ấy mãi là chuyến đi lịch sử của bác. Tàu dừng ở các ga, con khóc, đói, mệt, buồn ngủ, hoảng sợ.. Bác vẫn kiên gan bền chí về quê chồng. Bác vẫn nhắc lại "Ngày đấy may mà có mấy anh bộ đội giúp đỡ không thì không biết răng răng". Nghĩa là bác vẫn ca ngợi cái thời "bước ra ngõ gặp được anh bộ đội". Các anh bộ đội đã xách đồ giúp bác lúc chuyển tàu, thậm chí là đã phải bồng con giúp bác. Bác rể tôi đã đi xa, bác hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ và gian lao của dân tộc. Ngày nhận được tin bác rể tôi hy sinh, bác gái tôi chưa tới ba mươi tuổi.

    Những trang sách giáo khoa lịch sử giúp một cô bé tuổi mười lăm như tôi hiểu biết và trân trọng lịch sử của cha anh khi còn là học sinh trung học phổ thông. Ngoài các kiến thức trong sách, đợt đấy, vào dịp kỉ niệm chiến thắng như mùng 2/9, 30/4, nhà trường đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Buổi ngoại khóa sẽ có các cựu chiến binh trải qua trận mạc kể về các trận đánh mà họ đã tham gia, kỉ niệm chiến trường và ca ngợi chiến thắng của dân tộc. Tôi yêu màu áo xanh của anh bộ đội cụ Hồ. Tôi yêu lịch sử hào hùng đầy vẻ vang của dân tộc. Bây giờ mẹ tôi vẫn kể, đợt bộ đội về làng khi sắp kết thúc cuộc chiến tranh. Những năm đấy làng tôi đã nuôi dưỡng đùm bọc các anh bộ đội cụ Hồ. Chiến thắng 30/4, bộ đội rút đi. Tận cho đến khi tôi đi học tiểu học, gần làng tôi vẫn tồn tại trung đoàn bộ đội. Họ đóng quân, lập doanh trại, tăng gia sản xuất trên đồi sắn quê tôi. Đơn vị bộ đội dần thu hẹp phạm vi đóng quân và quân số lại. Đến nay là sư đoàn 390 có địa chỉ giáp ranh tại huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn tỉnh Thanh Hóa.

    Tôi đã trở thành cô giáo, tôi không là cô giáo lịch sử như ý định ban đầu, tôi tập tành viết văn. Tôi đọc nhật kí Đặng Thùy Trâm, nhật kí Nguyễn Văn Thạc. Tôi hiểu vì sao họ lại tham gia chiến tranh và không tiếc tuổi xuân của mình. Đặng Thùy Trâm là cô gái Hà Nội gốc. Học xong đại học y khoa và có chỗ làm ổn định. Theo tiếng gọi của tổ quốc, cô lên đường nhập ngũ. Thế hệ Đặng Thùy Trâm là các sinh viên, cán bộ ưu tú trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, y tế, kỹ thuật.. Vào chiến trường, Đặng Thùy Trâm làm trưởng trạm một bệnh xá giữa cái tàn khốc và dữ dội của chiến trường miền Nam. Đặng Thùy Trâm hy sinh. Cuốn nhật ký của cô được một người lính phía bên kia đem về nước và giữ gìn qua nhiều năm tháng. Họ đã sống và chiến đấu vì lửa nhiệt huyết không bao giờ tắt. Không chỉ có Đặng Thùy Trâm, mà còn đó Nguyễn Văn Thạc. Nguyễn Văn Thạc là học sinh giỏi văn. Anh có mối tình đầu đẹp và thơ mộng với cô tiểu thư Hà Nội. Nguyễn Văn Thạc vào bộ đội, người yêu đi du học. Trong những năm tháng Nguyễn Văn Thạc ở chiến trường, tình yêu của họ vẫn được gắn kết qua các bức thư. Nhật kí Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại chi tiết và cụ thể những suy nghĩ day dứt và cả khát vọng về cuộc đời và tình yêu của người thanh niên ở lứa tuổi hai mươi.

    Tôi đã gặp Phạm Thị Như Anh, người yêu Nguyễn Văn Thạc trong buổi giao lưu kí tặng sách của sinh viên trường Đại học Quốc Gia Hà Nội. Cô vẫn đẹp dù đã có tuổi. Vẫn đó là những kỉ niệm không bao giờ quên. Người phụ nữ thành đạt và từ nước ngoài trở về đứng ra công bố cuốn nhật kí của người yêu. Cuộc đời hôm nay đã khác, tình yêu ban đầu dù đẹp nhưng đã lùi vào dĩ vãng, cũng như cuộc chiến tranh của dân tộc mãi mãi không làm khác được, nhưng mãi mãi một điều, họ đã sống và không bao giờ chết. Nhật kí Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc là cái cách mà người còn sống tri ân, đồng cảm, kêu gọi mọi người không quên hận thù, ký ức và cả niềm tiếc nuối nữa. Chúng ta hãy sống và chiến đấu vì hôm nay chứ đừng vì những gì chưa tốt, chưa đẹp của hôm qua. Cái hôm qua bao giờ cũng được nhìn qua tâm tưởng của con người nên bao giờ cũng đẹp, cũng sáng lung linh hơn vốn có nhưng kì thực cuộc sống hiện tại của chúng ta cũng rất đẹp. Hãy trân trọng điều đó. Không ai đổi thay được sự thật lịch sử. Điều mà chúng ta làm được là lòng khoan dung và bớt hận thù. "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Tôi luôn đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc và khắc ghi điều đó.

    Chiến tranh trong tôi là ngày 30/4 sắp tới. Chiến thắng này có cả công anh và công tôi. Không một ai cứ ngủ quên trên chiến thắng. Cũng không một ai nói mãi chuyện đau buồn. Tiếc một điều là chúng không cùng quan điểm. Nếu đứng chung một chiến tuyến chúng ta sẽ là bạn. Chỉ có điều chúng ta là những người ở phía bên kia.

    30/4 đang về. Thành kính dâng lên những người anh hùng nén tâm hương chân thành nhất. Nếu có ước nguyện, tôi tặng các anh bông hoa hồng đỏ. Hoa hồng là mẹ, là người yêu, là người em gái. Hoa là tình yêu mà chúng ta luôn hướng tới.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...