Có thể cụm từ ' sự phân biệt ' này ít nhất mọi người đã nghe thấy một đến hai lần trong đời. Phân biệt ở đây có thể là phân biệt chủng tộc, giới tính.. Nhưng vấn đề hôm nay mình muốn nói ở đây cũng như muốn trải lòng và nghe cảm nhận của mọi người 'Ừm..'là sự phân biệt đối xử ở trong gia đình, của ba mẹ đối với mình và anh em trong đình. Bản thân mình là chị ở trong gia đình 3 chị em. Suốt một khoảng thời gian dài khi mình đã nhận thức được có điều gì đó không đúng ở thái độ người nhà đối xử với mình. Tuy tất cả chỉ là những chuyện nhỏ nhặt và đã cố gắng gạt bỏ khỏi suy nghĩ của bản thân, nhưng lâu dần mọi chi tiết lại có nhiều thêm khiến mình cảm thấy rất mệt mỏi. Mình học không giỏi cũng không kém tất cả đều ở mức bình thường chỉ vì mình muốn thế. Điều đó làm mình cảm thấy tự do và làm những gì mình muốn và biết khả năng của mình ở đâu. Em mình thì ngược lại, nó học rất giỏi rất nhiều giải.. Ban đầu thì cũng chả có gì mình chỉ thấy vui thay thôi nhưng mà có một bài sự thiên vị của ba mình đối xử khác hẳn ví như là: Đi mua đồ ăn cũng hỏi là em ấy ăn gì không, thích ăn gì? Nhưng chả bao giờ hỏi mình cả và đó là lần đầu tiên mình cảm nhận sâu sắc việc đã bị đối xử ' khác biệt ' và nhiều khi mua đồ về ba cũng nói là biết em ấy thích nên mua mà cũng chưa hỏi mình là thích gì cả.. Đi học múa xa nhà cũng tầm tuổi hoặc nhỏ hơn em ấy nhưng mình đã tự lo liệu đi. Mình thiên hướng về vận động nên có không ít giải về phần đấy nhưng mọi việc vẫn là như thế. Mình phải dần học cách tự lập tự lo việc phương tiện, đường đi, tiền phí.. Của bản thân mà trong khi em mình thì được lo cho hết cả. Đôi khi mình cảm thấy nghĩ vậy là quá đáng phải có một lý do để ba mình làm vậy.. Nhưng mà không ngăn được suy nghĩ và cảm thấy không công bằng chút nào cả. Những hành động vô cùng nhỏ nhặt nhưng khiến mình nghẹt thở. Có ai ở đây đã từng giống như mình và đã giải quyết thế nào vậy ạ? Hiện tại thì mình đã buông xuôi và không thèm nghĩ tới nữa. Vấn đề là do mình đã suy nghĩ quá nhiều hay là mình sai điều gì?
Để tui kể cho nghe, con nhỏ bạn tui đi ở nhờ nhà dì nó để thuận tiện cho việc đi học, và trong nhà dì nó phải cư xử khá cẩn thận dù có tức thì cũng phải nhịn, nhưng đỉnh điểm là lúc nó chỉ bài cho đứa con trai út của dì, thằng đó hơn 1 tiếng cũng không hiểu một phép toán đơn giản, máu điên xông lên, nhỏ chưởi liên tục, thằng đó KHÓC. Sáng hôm sau, dượng hỏi sao chỉ bài mà làm em khóc luôn thế. Nhỏ liền nói lại vài câu, thế là dượng liền mặt nặng mày nhẹ với nhỏ. Nhỏ tức quá, lên lớp kể xấu cả nhà dì cho bọn tui nghe. Nhà dì có 2 con, 1 chị 1 em. Người chị học cực kì giỏi và bị quản rất nghiêm. Năm nay nó lên đại học, nó muốn nhuộm tóc, và vẫn phải gọi về XIN PHÉP BA MẸ. Dượng nó kiểu, "Mi ưng làm cho cả làng xóm cười vào mặt tao à, con cái vừa mới đi cái là như con chó ra khỏi chuồng rồi hi, ăn chơi bậy bạ.." Còn thằng em, cái đứa nhỏ bạn chỉ bài, siêu được chiều dù học siêu nguuuu. Có một hôm, hắn xem tivi, nói là con sau này sẽ thành nhà toán học, nhỏ, "Ha!", dì, "Biết đâu được.." Ai ngờ được có ngày hắn kiểm định Toán được 2, 5 điểm. Thế mà dì dượng cũng không nói gì, chỉ nhẹ nhàng, "Thôi, cố gắng lần sau cũng được." Nghe kể mà tức cho nhỏ cực.
Chào bạn. Trước hết, mình mong bình luận này góp phần nào đó làm vơi bớt nỗi buồn trong lòng bạn. Một chút quan tâm của những người lạ dành cho bài viết cũng xem như một chút chia sẻ dành cho nỗi lòng của bạn. Con người mà, ai cũng sẽ có những hành động theo cảm tính mà thôi, vì vậy mà chuyện chúng ta quý ai đó hơn người khác là một chuyện rất bình thường. Nói cách khác là chuyện ai đó đối xử với ta không giống người khác cũng là điều dễ hiểu. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để bản thân thôi bị tác động xấu bởi sự phân biệt đó, đúng không? Thật ra điều này nằm ở chính bạn nhiều hơn ở người khác. Khi bạn còn để tâm tới sự quan tâm của người khác thì bạn sẽ còn bị phụ thuộc vào họ. Bạn mong muốn được đối xử như thế này nhưng người đó lại đối xử với bạn như thế kia, bạn thất vọng và mắc kẹt trong suy nghĩ đó. Chúng ta không thể làm cho ai đó đối xử với mình như mình mong muốn, phải không? Do đó, điều mà mỗi chúng ta cần làm đó là chấp nhận. Khi chấp nhận bản thân có những điểm chưa tốt, bạn sẽ biết yêu bản thân hơn, và khi bạn yêu bản thân đủ nhiều, bạn sẽ không còn kì vọng tình cảm của người khác dành cho mình. Những điều mình nói ra quả thực rất lý thuyết, nhưng mình mong bạn sẽ hiểu phần nào đó. Bạn biết không, con người ta ngầu nhất là lúc mà họ có thể từ bỏ người họ yêu đơn phương. Vì sao ư? Là vì họ đã nhận đủ nỗi đau đến từ người họ kỳ vọng, họ đã nhận đủ thất vọng để thôi trông ngóng được người đó yêu thương, họ đã biết yêu thương bản thân bằng cách thôi hành hạ nó. Mong chờ ai đó đáp lại tình cảm của mình đôi khi cũng giống như bạn ngồi dưới bầu trời xanh trong lòng cầu mong mưa rơi xuống vậy, tín hiệu liên tiếp được gửi đi nhưng có được đáp lại hay không lại tùy vào đối phương. Trở lại với sự phân biệt, hãy làm bản thân trở nên có giá trị hơn, hay trân trọng bản thân đi thôi. Khi bạn nâng cấp được bản thân bạn sẽ biết cách làm mình hạnh phúc hơn, mà không cần phụ thuộc vào người khác. Mình thấy trong bài viết bạn tự ti về khả năng học tập của mình, và lấy thành tích học tập ra để làm căn cứ sho sự phân biệt của ba mẹ. Điều đó chưa có căn cứ nào để khẳng định là nó đúng hay sai, là do bạn suy đoán thế. Mà suy đoán thì giống như bạn ngồi trước một quả bóng và nghĩ xem mình có thể đá vào khung thành hay không vậy, vô ích và tốn thời gian. Tạm dừng suy nghĩ đó lại, nó đang làm hại bạn đấy. Mặt khác, cũng có thể là ba mẹ bạn có lý do nào đó để đối xử với em bạn như vậy, đừng vội vàng trong việc nhận định hành động của người khác. Có khi chúng ta phải mất nửa đời người để biết được những sự thật đấy. Bạn biết không, đôi khi tình cảm không phải những điều hữu hình ta có thể nhìn thấy. Giới thiệu cho bạn cuốn "Lẽ nào em không biết" của tác giả Lan Rùa nhé, hãy đọc nó để thấm về tình cảm gia đình, tình chị em, tình cha/mẹ với con cái. (Mình có viết review trong diễn đàn này, không phải quảng cáo đâu, mình thấy rất phù hợp để đọc nên giới thiệu thôi) Rốt cuộc thì cuộc đời là chuỗi những sự lựa chọn, và suy nghĩ cũng vậy. Hãy lựa chọn đúng để có được những điều như ý nhé ^^.
Mình thực sự chia buồn với những bạn gặp phải hoàn cảnh trở trêu trên. Các bạn không có lỗi, các bạn có quyền sinh ra nhưng lại không có quyền để lựa chọn cha mẹ đẻ. Trẻ em như những trang giấy trắng và cha mẹ, người nuôi nấng là những người đầu tiên viết lên trang giấy đó. Vì vậy, giáo dục gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của con trẻ. Việc thiếu hiểu biết trong cách nuôi dạy hay những sự kiện tiêu cực sẽ kìm hãm sự phát triển tự nhiên của con trẻ. Hầu như bậc phụ huynh nào cũng khẳng định tình yêu được chia đều cho các con song không ít đứa trẻ chịu cảnh bị cha mẹ phân biệt đối xử, không được yêu thương bằng anh chị em. Họ hiếm khi thừa nhận đó là hành vi thiên vị và chỉ nói rằng trong những đứa trẻ, sẽ có một đứa "hợp với tính cách của bố mẹ hơn". Sự phân biệt đối xử này đặc biệt gây hại với đứa trẻ khi chúng nhận ra mình là người duy nhất không được bố mẹ quan tâm. Tâm hồn dễ tổn thương hơn khi chúng đều ghi nhớ tất cả những lời nói, hành động tồi tệ từ người lớn mà bản thân phải hứng chịu. Điều này có thể có tác động khủng khiếp đến lòng tự trọng của họ. Nhưng người bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị không chỉ có riêng mình đứa con bị hắt hủi, mà cả ở những đứa con nhận được nhiều ưu ái hơn. Không riêng mình đứa con bị hắt hủi thấy tủi thân. Những đứa trẻ khác cũng cảm thấy áp lực phải trở nên hoàn hảo và làm vừa lòng cha mẹ mọi lúc. Họ lớn lên với nỗi sợ hãi rằng tình yêu của cha mẹ có thể biến mất như cách anh chị em của họ bị đối xử. Sự thiếu công bằng khi nuôi nấng những người con cũng là lý do khiến mối quan hệ giữa các con họ không thể cứu vãn sau này. Không khó phân biệt một đứa trẻ được yêu thương hay không. Một đứa trẻ được yêu thương, được nâng niu tôn trọng hay không, đó là khi ta quan sát thấy chúng có vui vẻ, hồn nhiên, tự tin và thân thiện với mọi người hay không. Còn khi nhìn thấy một đứa trẻ nhút nhát, hay sợ hãi, có nét mặt u buồn, hay tấn công người khác.. thì đó chắc chắn là một đứa trẻ không được yêu thương đầy đủ hoặc có vấn đề về thần kinh, tâm lý. Trẻ con không biết đóng kịch; lớn lên trong cảnh giàu sang mà không được mẹ cha ấp yêu trẻ cũng ngơ ngác, bơ vơ, sầu khổ. Vì nhu cầu lớn nhất của trẻ chính là được thương yêu. Đó đương nhiên không phải là lỗi của đứa trẻ. Tất cả mọi đứa trẻ đều có quyền được thương yêu, được thương từ khi thai nghén trong lòng . Con trẻ là ân huệ của cuộc sống, là hạnh phúc không gì sánh được của những bậc cha mẹ. Hầu hết bậc cha mẹ nào cũng yêu thương con nhưng trẻ có nhận biết và tiếp nhận tình yêu thương ấy hay không là cả một vấn đề. Chẳng hạn khi cha mẹ quá kín đáo, hiếm khi biểu lộ sự trìu mến, âu yếm khiến trẻ hiểu lầm rằng họ không thương chúng. Cũng có người nghiêm khắc quá, trái tim họ như có một "bức màn sắt" che khuất khiến trẻ không nhìn thấy. Có người yêu con nhưng không bao giờ khen ngợi, khích lệ và hay dùng "liệu pháp sốc" như chê bai, đánh mắng để trẻ cứng cáp, mạnh mẽ hơn. "Đứa trẻ" nội tâm chính là bản chất chân thực, tinh khôi của mỗi con người. Đây cũng là phần chứa đầy sức sống, sự vui tươi, sáng tạo và niềm an bình nội tại trong sâu thẳm tâm hồn. Khi một người trải qua một tuổi thơ không mấy vui vẻ, những nỗi đau thuở bé sẽ giống như lớp vỏ trong cùng của củ hành. Lớp vỏ ấy bị trầy xước bởi những định kiến lâu đời của cộng đồng, những mô thức hành xử sai lệch của gia đình, xã hội hay những tổn thương giấu kín. Thời gian trôi đi, củ hành lớn lên và được bọc thêm nhiều lớp vỏ khác, nhưng vết thương cũ thì vẫn ở đó. Bởi vì được che chắn qua nhiều "lớp áo" nên chúng ta thường không nhận thức được sự tồn tại của những nỗi đau ẩn sâu. Từ đó, ta vô tình "cưu mang" những nỗi đau ấy và tạo điều kiện cho chúng "ăn sâu" vào tâm hồn mình. Để hàn gắn những vết thương lòng, chúng ta cần rất nhiều sự kiên nhẫn, lòng bao dung, tình yêu thương để kết nối với nội tâm và lắng nghe tâm tư của "đứa trẻ". Trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh bất ổn thường mang nhiều rối loạn về tinh thần. Những vết thương lòng khiến chúng ta sợ hãi và tìm nhiều cách để chạy trốn hay chống đối. Dần dà, chúng ta trở nên chai lì, mất kết nối với mọi người và với chính mình. Thay vì chạy trốn cảm xúc, ta cần học cách chấp nhận và đối diện với những tổn thương. Việc chối từ nỗi đau chỉ càng làm ta chìm trong những vết thương của quá khứ. Hãy thường xuyên quan sát cảm nhận của chính mình mà không nên "dán nhãn" hay phán xét. Bạn hãy chia sẻ những ký ức khiến bạn tổn thương cho một người nào đó mà bạn cảm thấy tin tưởng. Sự chia sẻ không chỉ giúp bạn sắp xếp lại những sự kiện đã xảy ra mà còn cho bạn cái nhìn bao quát về hành vi và tinh thần của mình. Từ đó, bạn sẽ tự chủ hơn trong cảm xúc và không bị những câu chuyện đau buồn chi phối. Bằng cách "giao tiếp" với "đứa trẻ" bên trong, chúng ta có thể kết nối với nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi, ám ảnh trong hiện tại. Bạn hãy thực hành viết nhật ký để trò chuyện với bản thân, tâm sự với chính mình về những niềm đau, nỗi buồn mà bạn đã trải qua ở quá khứ. Thông qua việc viết lách, bạn sẽ hóa giải năng lượng tiêu cực và chữa lành những tổn thương của "đứa trẻ". Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tập trung phát triển những sở thích, đam mê thuở nhỏ của mình như ca hát, vẽ tranh, chơi nhạc cụ.. hoặc dành thời gian chơi đùa với trẻ em, thú cưng, tiếp xúc với thiên nhiên, cây cỏ.. Thực hành thiền định giúp tâm trí tĩnh lặng, bình an. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng đi vào chiều sâu của những "miền ký ức". Khi thiền định, bạn hãy nhớ lại những sự kiện khiến bạn bị tổn thương. Hãy tưởng tượng mình đang sống và tồn tại trong kí ức ấy, hãy ôm "đứa bé" vào lòng và nói rằng: "Tôi đang lắng nghe bạn", "Tôi thật tiếc vì những gì đã xảy ra với bạn trong quá khứ", "Bạn đừng lo lắng vì tôi luôn ở bên cạnh bạn", "Cảm ơn vì bạn đã là bạn", "Tôi yêu bạn".
Ba mẹ cũng không phải thánh thần gì nên không phải làm gì cũng đúng, cũng hay. Em bạn còn nhỏ nên nhiều khi được chiều hơn. Bạn lớn hơn thì tự khắc ba mẹ cho là nó lớn rồi, tự lo được, mình lo cho đứa nhỏ hơn. "Đi học múa xa nhà cũng tầm tuổi hoặc nhỏ hơn em ấy nhưng mình đã tự lo liệu đi. Mình thiên hướng về vận động nên có không ít giải về phần đấy nhưng mọi việc vẫn là như thế. Mình phải dần học cách tự lập tự lo việc phương tiện, đường đi, tiền phí.." Về khoản này mình thấy bạn cần tự hào, tự khen bản thân là bạn tự lập, tự lo bản thân được từ sớm. Không phải ai cũng làm được đâu. Mà theo mình quan sát, ba mẹ mà chiều con quá, sau này dễ bị phản tác dụng. Hồi xưa ba mẹ, chị mình cũng chiều cũng cưng nhỏ em mình lắm. Nhưng mình thì không, c ãi nhau với nó, chửi nó quài. Rốt cuộc sau này nó lớn, biết làm việc nhà, mình sai là nó làm, chứ người lớn sai là nó chảy dài ra, vì đơn giản người lớn thường chỉ nói nó làm, nó không làm thì cũng chỉ nói nó lười này nọ, gặp mình mà nói tới lần thứ hai là tay cầm sẵn cây chổi nên nói cái là nó nghe liền. Nếu đã có thể tự lập thì hãy mạnh mẽ hơn nữa bạn nha. Tự lập trong mọi việc, trong tâm lý, không cần dựa dẫm ai khác. Học cách yêu thương bản thân hơn và biết tự hào về những gì bạn đã làm được.
"Hiện tại thì mình đã buông xuôi và không thèm nghĩ tới nữa. Vấn đề là do mình đã suy nghĩ quá nhiều hay là mình sai điều gì?" Vấn đề là những gì bạn nghĩ đúng hết cả rồi nhé! Tôi cũng giống hệt bạn nè, nên bạn cũng đừng tủi thân bật khóc làm gì cả nha! ^_^ Hiện tại, tôi nhận ra bố mẹ tôi là những kẻ khốn nạn nhất và giờ tôi đang tự chơi một mình cho nó thoải mái! Chúc độc lập - tự do - hạnh phúc nha! :)
Mình cũng có một phần cảm nhận giống bạn về gia đình, nhưng sau khi đọc được bài của bạn mình nghĩ rằng mọi thứ lại không hẳn như suy nghĩ của bản thân. Nếu bạn đã có thể tự lập thì bạn nên trân trọng những gì mình đạt được, bố mẹ chỉ sinh ra mình thôi, có thể yêu thương ít hay yêu thương nhiều nhưng cuộc sống riêng chúng ta vẫn phải cố gắng vì bản thân vì những năm tháng bố mẹ đã nuôi bạn. Chỉ khi họ thấy đôi chân bạn đủ vững mới dám buông bạn ra. Hiện tại bạn cảm thấy chật vật khi thiếu tình thương của bố mẹ nhưng sự bôn ba bao năm họ thấm hơn bạn rất nhiều. Hãy để thời gian suy nghĩ đấy dần dần trưởng thành, trở thành người hoàn thiện để lo lắng cho bố mẹ bạn nhé, rồi bạn sẽ hiểu khi bạn trao đi tình cảm bạn cũng sẽ nhận lại, bạn hiểu được bản thân cần gì thì tất cả sẽ tìm đến bạn. Bây giờ việc bạn làm là vun đắp tình cảm của bạn và gia đình, điều khiển suy nghĩ và mỉm cười lên nhé. Chúc bạn may mắn và thành công..
Theo quan điểm cá nhân mình, sự phân biệt đối xử là tồn tại hiển nhiên và tất yếu trong cuộc sống này rồi, rõ ràng chúng mình đều nhận thấy được điều đó có phải không? Phân biệt giàu nghèo, phân biệt đẳng cấp, phân biệt vùng miền, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc.. Vì nó là hiển nhiên nên tại sao lại phải than phiền, đau khổ hay não nề về một tồn tại không thể chối bỏ như thế? Thay vào đó tại sao bạn không nghĩ tích cực lên, hay sẵn sàng đấu tranh đòi quyền bình đẳng? Mình xin lỗi vì có vẻ hơi phiến diện nhưng mình tin là những người nhận ra được vấn đề sẽ tìm cách giải quyết được vấn đề đó, chúc bạn thành công nha
Mình cũng có câu chuyện giống bạn, nhưng sau này bố mình vẫn thương đều hai chị em nhà mình. Chuyện là từ sau khi em mình sinh ra, bố mình đã có tìm hiểu và học tập được cách dạy con, cách làm bạn với con.. và đã vạch ra cho em mình những đường đi trong lối sống và học tập, đương nhiên cũng vạch ra cho mình (không phải là ép buộc chị em mình học ngành nghề bố thích, mà là chỉ ra những phương pháp để chúng mình học tốt hơn). Nhưng do tính mình có chút bảo thủ, và mười mấy năm trơi mình đều sống như vậy rồi, đến khi em mình lớn thì đột nhiên đổi mình thấy không quen, 1 phần cũng do bố mình ép buộc, và có ý chê mình khi mình không làm theo lời ông ấy, nên mình nhất quyết không nghe. Còn em mình thì làm theo răm rắp, từ đó cũng giỏi hơn và giảnh được vài giải thưởng. Thế là bố bắt đầu chê mình nhiều hơn, so sánh, rồi những điều mình làm ông ấy hễ nhìn là bĩu môi. Trong bữa ăn, mỗi người đều có phần như nhau, nhưng ông ấy lại nhường cho em mình nhiều hơn, đôi khi ép mình nhường, có thứ gì ngon là đều cho em hết. Mẹ mình thương mình, nên cũng hay mua vài món ngon cho mình ăn, đến lúc bày ra cho mọi người cùng ăn thì bố mình cứ gắp hết cho em, rồi nói "nhường em đi, mấy thứ này con ăn nhiều rôi mà, ăn chi cho lắm". Thôi thì mình nhịn, dù sao cũng là em mình. Tết đến, gia đình bên nội cứ gặp em mình là lì xì, vài cô chú còn cho mấy triệu cơ, bảo mẹ mình mua đồ cho em mặc. Còn mình thì về gặp họ, chào hỏi vậy thôi người ta cũng chẳng đoái hoài gì mình. Cũng may về bên ngoại, ông bà ngoại cưng mình hơn dù mình già nhất trong đám cháu chắt. Nên ngoại lén mẹ cho mình thêm mấy trăm dù trước đó đã lì xì rồi, ngoại đi chợ cũng mua toàn món mình thích ăn thôi, cả nhà không đòi hỏi, có gì ăn nấy. Thật ra cũng cũng chẳng ghét em, vì em cũng thương mình lắm, nó thấy mình không được bố thương bằng nó, nó cũng tới ôm mình, có quà vặt gì cũng để dành cho mình 1 nửa. Nhưng về sau thì bố không còn như trước nữa, mà đối xử với chị em mình như nhau, thật may ghê^^ Về chuyện của bạn thì bạn cứ cố gắng tự lo cho mình là sướng nhất, chả cần phụ thuộc vào ai cả. Kệ họ đi, chúc bạn thành công nhé ^^