Truyện Ngắn Sự Huyền Diệu Của Mẹ - Trần Hồng Long

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi YenOanh099, 28 Tháng mười 2020.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Sự Huyền Diệu Của Mẹ

    Tác giả: Trần Hồng Long

    Thể loại: Truyện ngắn

    * * *

    Một đêm đầu mùa mưa tôi lên đồng bắt bù tọt. Được chừng nửa giờ thì nghe có tiếng rắn hổ khù dưới chân, nhưng tránh không kịp. Tôi định chạy về xóm Gia Hạ, nới có ông thầy thuốc rắn tài ba lại rất yêu thương tôi, chắc chắn ông sẽ cứu được tôi. Nhưng nhà tôi ở cách xóm Gia Hạ đến một giang đồng, lại bị rắn cắn dưới chân, nếu chạy, nọc sẽ nhanh chóng xâm nhập vào tim, tôi sẽ chết ở dọc đường. Bỗng tôi thấy phía trước có ánh đèn, tôi nghĩ có lẽ ai đó cũng đang đi bắt bù tọt như tôi nên chạy về phía đó kêu cứu. Chạy được một đoạn tôi tối tăm mặt mày rồi ngất đi. Không biết bao lâu thì tôi choàng tỉnh và thấy mình nằm trên gò mả Chà.

    Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa ở nới đây có ông thầy bùa người Cao Miên rất nổi tiếng, có thể làm cho cá dưới sông nhảy lên bờ, hay con trâu biến mất trong sự chứng kiến của nhiều người, hoặc ông có thể trồng dưa, rồi hái trái trong thời gian chỉ.. tàn một cây nhang mà trái lại ăn được mới tài! Một hôm, có một thiếu phụ người Chà Và đi bán vải ngang qua, bà thách đấu bùa với ông. Cuộc đấu của họ thật đơn giản, mỗi bên sên bùa vào một li nước rồi bắt đối phương phải uống cạn. Khi uống xong li nước thì ông thầy Cao Miên oằn oại, đau đớn, người ta bảo, bà thầy Chà Và đã "sên" vào bụng ông thầy Cao Miên một tá lưỡi lam. Ông bèn trở về nước tìm sư phụ gỡ ra. Có gỡ ra được không thì không ai biết. Còn bà Chà Và thì chết liền sau đó. Người ta chôn bà ở một cái gò giữa đồng. Qua nhiều năm tháng, cái mả đã lạng mất, nhưng người ta vẫn gọi cái gò đó là gò mả Chà.

    Tôi suýt ngất đi một lần nữa khi thấy một "quái nhân" đang ngồi bên cạnh tôi. Tôi gọi là "quái nhân" vì qua ánh đèn con cóc đỏ lựng trong chiếc lồng, hiện lên một gương mặt gớm ghiếc với cái đầu nhẵn thín, những cục thịt u nần, lồi lõm, chỗ trắng, chỗ đỏ bầm, không phân định được đàn ông hay đàn bà. Tôi ngồi bật dậy định bỏ chạy thì "quái nhân" đã lên tiếng: "Nè, chàng trai trẻ, đừng có sợ!". Thì ra là tiếng của một phụ nữ, tôi nghe người ta bảo, người chết thì không thêm tuổi, lúc tắt thở như thế nào thì về sao vẫn như thế ấy. Chắc chắn đây là ma Chà rồi. Vậy sao mặt mày bà biến dạng như thế? Hay li nước bùa của ông thầy Cao Miên khiến bà ra nông nỗi. Toàn thân tôi như cua nướng, hai hàm răng va vào nhau lập cập, muốn đứng dậy nhưng đôi chân không nhúc nhích nổi. Tôi chắp tay xá bà lia lịa: "Bà Chà ơi! Bà đừng nhát tôi, sáng mai tôi sẽ đem cơm canh cúng bà.". Bà gằn giọng: "Cậu cho tôi là mà Chà à?". Tôi nín thinh, có nghĩa là công nhận. Bà tiếp: "Nếu tôi là ma Chà thì cậu đã toi mạng rồi. Vì ma làm gì có thuốc rắn để cứu cậu chứ?". Tôi hơi ngỡ ngàng: "Nói vậy bà là người đã cứu tôi sao?". Bà nói chắc: "Nếu tôi không cứu cậu thì còn ai cứu cậu ở giữa nơi đồng không mông quạnh này?". Nghe vậy, tôi thấy bớn bớt sợ nên đánh bạo hỏi: "Nhưng bà là ai? Đã già cả rồi, sao đi đâu ban đêm, ban hôm trên này một mình, lại còn có sẵn thuốc rắn mà cứu tôi?". Bà nói giọng đầy vẻ chua chát: "Cậu nghĩ tôi già lắm hay sao? Không đâu, tôi chỉ mới ngoài bốn mươi tuổi thôi". Bà ngửa mặt nhìn trời đen ảm đạm, trăng sao trốn biệt trong những đám mây. Bà đưa tay hứng vài giọt nước mưa còn sót lại, rồi quay mặt lại phía tôi: "Thật tình cậu muốn biết tôi là ai lắm sao?". Tôi nói: "Nếu bà là tôi, chắc chắn bà cũng ở vào tâm trạng của tôi". "Thôi được, tôi sẽ kể cho cậu nghe!".

    Một lúc sau bà mới cất giọng não nùng, ai oán.

    [..] Hai mươi lăm năm trước, Thuyền là một thiếu nữa đẹp nhất xóm Gia Hạ. Đôi mắt bồ câu sóng sánh những giọt buồn mà bất cứ một chàng trai nào khi gặp Thuyền cũng muốn xin được một lần - dù chỉ một lần thôi - "chết" trong đôi mắt ấy. Song, có một ông thầy tướng số bảo rằng, đôi mắt ướt lệ của Thuyền báo trước một cuộc đời không vui. Quả nhiên "tạo hóa đố hồng nhan", người bắt Thuyền chia tay với Hân, người tình đã có hôn ước, để về làm vợ lẽ cho một tên xã trưởng vô học, bỏ tiền mua chức và lớn hơn Thuyền những hai mươi tuổi, chỉ vì một lí do nghe qua phải cười ra nước mắt. Số là bà Thuyền là một thầy thuốc rắn nổi tiếng, những viên thuốc của ông được xem là "thần dược". Còn tài bắt rắn của ông cũng được xem là "độc nhất vô nhị". Nghe nói ông chỉ thoa thuốc vào lòng bàn tay, rồi vỗ tay lên miệng hang thì bao nhiêu rắn lành, rắn độc cũng kéo lên thuần phục. Vậy mà, có một lần ông được rước đi cứu cậu quý tử của tên xã trưởng vừa bị rắn cắn. Chẳng hiểu sao lần này thuốc của ông phản tác dụng, khi ông vừa đổ thuốc vào miệng nạn nhân thì cậu ta trợn mắt đi xuôi, sau này ông mới biết được chính thằng "truyền nhân" của ông, khi học xong nghề thuốc rắn, nó muốn độc chiếm địa vị của thầy nên đánh tráo những viên "thần dược" bằng những viên "thần chết". Tên xã trưởng bắt đền con, vì hắn chỉ có một đứa con duy nhất để nối dõi tông đường. Nếu đền tiền, đền bạc, đền ruộng, đền vườn thì ba Thuyền còn đền được, đằng này đòi đền mạng cậu bé thì trời cũng chào thua. Cuối cùng hắn đòi ba Thuyền phải đền.. Thuyền. Mà thật ra hắn cũng đã "thèm Thuyền" từ lâu, dĩ nhiên ba Thuyền không đồng ý. Từ ngày mẹ Thuyền mất, ông chỉ có Thuyền là nguồn vui duy nhất nên không thể đem gả cho quân vô lại. Vả lại, ông cũng đã kén rể tương lai. Tên xã trưởng bảo, nếu vậy ba Thuyền phải chịu chôn chung với cậu bé. Thuyền thừa biết hắn nói là hắn làm nên Thuyền đã "Nỗi mình thêm tức nỗi nhà - Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng".

    Không cần phải nói, Thuyền đã đau khổ đến mức nào khi về làm vợ lẽ xã trưởng. Mấy bể, mấy sông đông đầy nước mắt của Thuyền? Nhiều lúc Thuyền toang quyên sinh cho trọn tình với Hân. Nhưng nghĩ đến cha già một mình cô quạnh Thuyền lại cố sống. Còn Hân thì trở thành người dở dở ương ương, làm cái gì cũng không xong, ngay cả ăn cơm cũng làm bể chén, cầm li uống nước cũng rơi xuống nền gạch. Lúc nhớ lúc quên, thậm chí đi ruộng quên cả về nhà, người nhà đốt đuốc đi tìm thì thấy Hân nằm ngủ bên bờ mẫu. Còn ba Thuyền thì giã từ luôn nghề thuốc rắn.

    Thật tình mà nói "chồng Thuyền" cũng rất yêu thương Thuyền, còn "vợ của chồng Thuyền" cũng đối xử tốt với Thuyền. Có lẽ bà nghĩ số mình là vậy nên đành nhận cho êm nhà ấm cửa. Một năm sau thì Thuyền sinh một bé trai kháu khỉnh.

    Đúng ngày con Thuyền sáu tháng tuổi thì "chồng Thuyền" có việc phải đi Sài Gòn một tuần. Đêm đầu tiên "chồng Thuyền" đi, Thuyền đang nằm ngủ bên cạnh con thì có một tên bịt mặt xông vào buồng, Thuyền kêu cứu nhưng "chị cả" không nghe thấy. Hắn nhét giẻ vào miệng Thuyền rồi bỏ Thuyền vào bao bố tời, vác lên cái chuồng trâu bỏ hoang trên ruộng. Đến cửa chuồng trâu hắn xổ Thuyền ra, quẳng cái bao bố tời ngay đấy, rồi đẩy Thuyền vào trong, rồi trói vào cây cột. Xong, hắn đi ra ngoài. Một người đàn bà bước vào, Thuyền không còn tin vào mắt mình nữa bởi đó chính là.. "vợ của chồng Thuyền". Một tay mụ cầm đèn pin xịt thẳng vào mặt Thuyền, còn tay kia mụ cầm cây roi bằng mây dóc quất vùn vụt lên người Thuyền. Vừa quất mụ vừa chửi hết sức tục tằn. Đau đớn rát bỏng, nhưng Thuyền không cựa quậy, không kêu la được. Thuyền trân mình hứng lấy trận bão đòn. Khi đã mỏi nhừ tay, mụ rút miếng giẻ trong miệng Thuyền ra, quát: "Mày ú ớ cái gì. Chửi lại tao phải không?". Thuyền nói: "Không! Xin chị hãy tha cho tôi!". "Tha cho mày? Từ ngày mày bước vào nhà tao là tao đã căm thù mày đến tận xương tủy rồi. Tao chờ cho mày đẻ xong, bắt con của mày, cho bỏ những ngày tao phải chăn đơn gối chiếc". "Chị ơi! Tôi nào muốn vậy, tất cả cũng tại chồng chị ép buộc tôi thôi". Mặc cho Thuyền van xin, mụ vẫn gọi em trai: "Cậu Ba nó đâu?". Tiếng của em trai mụ - chính là tên bịt mặt vác Thuyền vào chuồng trâu - "Dạ có em đây". Mụ thét lên: "Nổi lửa lên". Thuyền không còn hi vọng gì van xin mụ đàn bà.. "trên cả Hoạn Thư" này nữa, bèn kêu la cầu cứu. Thuyền cứ tưởng mụ sẽ nhét giẻ trở lại miệng Thuyền, nhưng không. Mụ thách: "La đi! Mày cứ la lớn nữa đi, cho dù mày có mười cái miệng thì tiếng la của mày cũng không vọng được tới xóm Gia Hạ đâu". Mụ cất lên một chuỗi cười man dại rồi vụt chạy ra ngoài nhưng một con dơi ma biến vào hầm mộ sau khi đã thỏa mãn máu người.

    Có ánh lửa lóe lên, rồi tiếng nổ tí tách của vách lá, rồi ngọn lửa phừng phực bốc cao. Dù biết không còn hi vọng, nhưng với bản năng tự nhiên của con người khi đứng trước nguy hiểm, Thuyền vẫn gào to kêu cứu. Thuyền kêu khan cả cổ, vẫn không ai đáp lại. Chỉ có tiếng "ù ù" của lửa, lửa thắp sáng cánh đồng, lửa đồng lõa với sự man rợ, lửa đốt cháy quần áo, tóc tai Thuyền. Rồi Thuyền loáng tháng thấy có một bóng người mình đầy lửa đỏ, chùm cái bao bố tời ướt lên người Thuyền, rồi vác Thuyền ra ngoài.

    Mười ba ngày sau Thuyền tỉnh lại trong bệnh viện. Ba Thuyền cho Thuyền biết người cứu Thuyền đêm đó chính là Hân. Nhưng khi vác được Thuyền về tới nhà ba Thuyền thì Hân ngã xuống, chết ngay tại chỗ. Có người sau khi xem xét thi thể của Hân bảo, thực sự thì Hân đã chết trên đường đưa Thuyền về nhà, nhưng do sức mạnh của ý chí quyết đưa người yêu về nhà cứu chữa cho bằng được, khiến Hân làm nên kì tích. Quả nhiên, Thuyền được cứu sống. Ba Thuyền nói, hồi chiều lúc Thuyền bồng con về thăm ngoại, thì ông thấy Hân bơi xuồng lên ruộng giăng lưới. Không hiểu tại sao hai người lại cháy? Thuyền nghĩ có lẽ Hân đi giăng lưới ở gần chuồng trâu, khi nghe Thuyền kêu cứu, Hân đã chạy tới rồi lấy cái bao bố tời của tên bịt mặt quẳng lại ngoài cửa nhũng nước xông vào cứu Thuyền. Còn chồng Thuyền đi Sài Gòn về có lên bệnh viện thăm Thuyền một lần, nhưng thấy Thuyền đã biến thành "quái nhân" hắn "tịt luôn".

    Thuyền phải nằm viện mất thêm nhiều tháng sau nữa, nhưng gương mặt Thuyền vẫn biến dạng, hai mắt lúc ấy gần như mù hẳn chứ không thấy được như bậy giờ. Còn chân thì khập khiễng, tay thì cong queo. Thuyền không thể đem cái thân hình dị dạng đi thưa kiện, tố cáo hành vi độc ác của mụ vợ cả để trả thù cho Thuyền, cho Hân và giành lại con Thuyền. Nhưng điều quan trọng hơn là nếu Thuyền đi thưa kiện để bắt lại con thì sau này lớn lên, làm sao nó có thể chấp nhận một bà mẹ người không ra người, quỷ không ra quỷ như Thuyền? Sau khi xuất viện, ba Thuyền rước Thuyền về nhà vào một đêm tối, rồi đưa Thuyền lên ở căn gác ván phía trên phòng khách, vì Thuyền không muốn cho ai thấy cái thân hình dị dạng của mình. Và, Thuyền đã sống trên gác suốt hai mươi lăm năm qua mà không bị ai phát hiện. Người ta cứ ngỡ Thuyền đã chết và được đem chôn ở quê ngoại tận Mỹ Tho theo như lời ba Thuyền nói. Ban ngày Thuyền ở trên gác, đem mới xuống dưới tập đi, tập nhìn. Rồi những năm sau này thấy ba già yếu một mình vất vả, Thuyền xin ông truyền cho nghề bắn rắn, để đem Thuyền lên đồng bắt rắn, sáng hôm sau ông đem ra chợ bán mua gạo sống qua ngày. Vì vậy, mấy năm nay người ta bảo ba Thuyền đã bắt rắn trở lại.

    Tuy Thuyền giấu mình ẩn thân, nhưng vì quá nhớ thương con và luôn mong mỏi được gặp lại con, nên đúng vào ngày sinh nhật lần thứ sáu của con, Thuyền đã đổ một ổ bánh da lợn mười hai màu, loại bánh mà theo lời của ba Thuyền nói là nghe người nhà của nó bảo nó thích ăn nhất, rồi nhờ ba Thuyền đến trường đợi khi tan học "dụ" nó về nhà. Còn Thuyền thì đã đục sẵn hai lỗ ván của căn gác để nhìn xuống phòng khách.. Biết nói sao tâm trạng của một bà mẹ sau sáu năm mới được gặp con trong hoàn cảnh như thế này. Nhìn mặt mũi con khôi ngôi tuấn tú, những ngón tay búp măng mũn mĩn của nó đút từng miếng bánh vào miệng ăn ngon lành, lòng Thuyền thấy da diết làm sao! Thuyền chỉ muốn nhảy xuống phòng khách, hôn trăm ngàn lần lên gương mặt thiên thần ấy, cắn yêu trăm nghìn cái vào đôi bàn tay xinh xắn ấy. Nhưng Thuyền lại không nỡ gieo vòng lòng trẻ con sự hãi hùng. Vì vậy, Thuyền phải nắm chặt thanh giường, co rút chân lại. Và nước mắt Thuyền chảy qua hai lỗ ván, rơi trên đôi tay của con trai Thuyền. Thuyền nghe nó nói với ba Thuyền: "Ông ơi! Thằn lằn đái trúng tay con". Ba Thuyền lấy khăn lau tay cho nó. Ông bảo: "Không phải nước đái thằn lằn đâu, mà là nước mắt của..". Thuyền biết ba Thuyền không kềm chế được, sắp nói ra sự thật bèn gõ mạnh tay lên sàn ván. Ba Thuyền hiểu ý nên nói trớ "nước mắt của ông trời đấy, cháu ạ". Nó ngây thơ hỏi: "Bộ ông trời biết khóc hả ông?". Ba Thuyền nói: "Ông trời làm sao biết khóc hả cháu chỉ có người đau khổ mới khóc thôi. Đấy là nước mưa còn sót lại từ đêm qua trên mái nhà đó mà!". Và, trong suốt mười chín năm qua, năm nào đến sinh nhật của con, Thuyền cũng đổ một ổ bánh da lợn mười hai màu, rồi nhờ ba Thuyền kêu nó đến nhà, để Thuyền được nhìn con qua hai lỗ ván.

    [..]

    "Không! Không thể nào.. Bà gạt tôi" - Trong kí ức tôi hiện rõ mồn một tất cả những gì bà kể - Tôi đứng bật dậy, bà cũng đứng lên theo. Giọng bà tha thiết: "Con ơi! Má không gạt con. Những gì má nói đều là sự thật". Tôi phản đối: "Tôi không tin bà, bà bịa chuyện để nói xấu mợ tôi! Mợ tôi không thể nào là người đàn bà ác độc trong câu truyện của bà được, từ khi tôi biết đi lẫm chẫm tôi đã thấy mợ tôi ăn chay trường, đem nào mợ tôi cũng lên lầu tụng gõ mõ trước bàn thờ Đức Thích Ca, mùa vía bà nào mợ tôi cũng đi núi. Tính bà rất nhân đức, thường xuyên bố thí cho những kẻ ăn mày, cho vay không tính lãi những người có hoàn cảnh khó khăn. Thuở sinh tiền, cậu tôi hay cằn nhằn về chuyện ấy. Mợ bảo, nên làm phước để tích đức cho con cháu mai sau". "Con ạ! Khi người đàn bà đã ghen thì không có việc gì mà họ không dám làm. Nhất là nỗi hờn ghen âm ỉ, chỉ chờ có dịp là ra tay trả thù. Còn chuyện bà ấy" tu nhân tích đức "sau này thì má cũng có biết. Có lẽ bà ta muốn chuộc lại tội lỗi mà mình đã gây ra. Vì vậy, chuyện ngày xưa má cũng không muốn nhắc tới. Chỉ vì đêm nay gặp con ở đây má bị xúc động đến không thể tự kiềm chế mình. Má không hề bịa chuyện để nói xấu bà ấy như con nghĩ, vì má cũng không có ý định giành lại con với bà ấy. Vì dù sao bà ấy cũng có công nuôi con khôn lớn nên người. Nguyện vọng của má là chỉ muốn nghe con gọi hai tiếng" Má ơi! "Một lần, dù chỉ một lần thôi!".

    Bà làm cho tôi quá đỗi xúc động. Tôi có thể gọi bà đến trăm ngàn tiếng "Má ơi!". Nhưng những tiếng gọi ấy bà đâu cần, bà chỉ cần tiếng gọi thật sự của đứa con ruột của bà mà thôi. Còn tôi thì.. những gì bà kể vẫn chưa đủ thuyết phục tôi tin bà là má của tôi. "Hãy gọi" má ơi "đi con! Má thèm khát tiếng gọi này đã hai mươi lăm năm rồi". Bà trân trối nhìn tôi và khẩn khoản van xin tôi. "Thưa bà! Tôi rất tôn trọng và cảm thông cho hoàn cảnh thương tâm của bà, nhưng xin bà hãy cho tôi thời gian để tôi tìm hiểu cậu tôi đã chết hơn mười năm rồi, nhưng mợ tôi thì vẫn còn sống và cậu ba tôi hiện đang định cư ở Mĩ, tôi sẽ liên lạc với ông, và sẽ có cách buộc ông nói ra sự thật. Nếu có sự thật như bà kể, tôi sẽ trả thù cho bà và hiếu thảo, phụng dưỡng bà suốt đời". Giọng bà yếu ớt, nghèn nghẹn: "Má không muốn con trả thù cho má, vì kẻ thù của má là người ơn của con mà con cũng không có cơ hội để phụng dưỡng má, con bảo má đợi thời gian ư? Thời gian là bao lâu? Một tháng, hai tháng, hay lâu hơn nữa, vì khi con tìm hiểu được sự thật thì má đã xanh mồ rồi, vĩnh viễn má không nghe được hai tiếng con gọi Má ơi!" Không đâu, tôi tin rằng bà sẽ sống đến lúc ấy.

    "Con của má thật khờ, má chỉ còn sống được giây lát nữa thôi!".

    Bà nói rồi lảo đảo ngã vào người tôi. Tôi vội đỡ lấy bà, toàn thân bà lạnh ngắt. Tôi đặt bà ngồi xuống, lưng bà dựa vào người tôi. "Trời ơi! Sao bà lại như vậy?". Tôi hốt hoảng kêu lên. Cổ bà đã khò khè, giọng bà rời rạc: "Vì khi con chạy đến đây kêu cứu thì má cũng đã bị rắn cắn rồi!". Tôi hết sức ngỡ ngàng. "Vậy sao bà không uống thuốc?". Bà giải thích: "Con ạ! Từ khi bị thằng" truyền nhân "hãm hại thì ông ngoại con đã thề bỏ nghề luôn. Rất may má còn giữ được một viên thuốc rắn duy nhất mà ông con để phòng thân!". Tôi cắt lời bà: "Và viên thuốc ấy bà đã cho tôi uống?". Bà không đáp mà hỏi lại tôi: "Con có tin những gì má vừa nói hay không?". Tay bà quờ quạng đặt lên mặt tôi và lau nước mắt của tôi. Nghẹn ngào tôi gọi: "Má ơi! Con tin má. Vì chỉ có người rứt ruột đẻ ra con mình mới có tấm lòng vĩ đại đối với nó dường ấy. Nhưng sự huyền diệu nào đã khiến cho má hiện thân nơi này?". Tay má tôi bỗng buông thõng xuống, đầu bà ngã vào vai tôi. Sau này tôi được biết, tối hôm đó má tôi bỗng nghe lòng xốn xang, linh tính mách bảo cho má tôi biết có chuyện chẳng lành xảy ra cho tôi, nên bảo ông ngoại tôi đi tìm tôi. Ông về nói cho má tôi hay là tôi đã lên đồng bắt bù tọt, má tôi bèn mang theo viên thuốc rắn lần mò theo từng bước chân của tôi. Tôi lay gọi má tôi: "Má! Má ơi! Má không thể chết! Má không thể chết được đâu!". Nhưng má tôi vẫn lặng thinh, mắt má tôi mở trừng trừng nhìn tôi, tôi vuốt mắt cho má, hai cơn sóng lệ của má tràn ra. Tôi nâng xác má lên, băng đồng đưa bà về xóm Gia Hạ.

    Tôi đặt má lên chiếc giường tôi vẫn ngủ hằng đêm. Trong khi đó, tiếng gõ mõ, tiếng ê a tụng kinh của mợ tôi trên lầu vẫn còn vọng xuống. Tôi chạy nhanh lên, giằng lấy cái dùi, cái mõ quẳng xuống nền gạch. Mợ tôi ngạc nhiên nhìn tôi: "Con làm cái gì vậy, Hoan?". Tôi gắt: "Mợ nên tự hỏi là mợ đang làm gì thì đúng hơn, miệng mợ nam mô, nhưng bụng mợ chứ cả một bồ dao găm". Mợ tôi trừng mắt: "Con!". Không để cho mợ tôi nói hết câu, tôi nắm tay bà kéo tuồn tuột xuống và khi nhìn thấy thi thể của má tôi, mợ tôi ôm mặt rú lên: "Ma! Ôi ma!". "Không phải. Đây chính là má Thuyền của tôi!". "Thuyền!". Mợ tôi thét lên một tiếng, rồi ngã xuống bất tỉnh. Hai nhà cặp bên chạy qua, rồi những nhà lân cận kéo đến. Tin tức nhanh chóng kéo đến nhà ông ngoại tôi ở cuối xóm, người ta lay gọi mợ tôi, nhưng bà không bao giờ tỉnh lại nữa. Tôi lập tức viết thư sang Mĩ, báo tin buồn cho cậu ba tôi và bảo cậu về gấp.. Tôi chôn mợ tôi ở sau vườn, và an táng má tôi ngay chính giữa nhà, tôi muốn má tôi lúc nào cũng ở bên tôi. Mộ má tôi được trang hoàng lộng lẫy, lúc nào cũng đầy hương và hoa của những người ngưỡng mộ má tôi đến dâng cầu phước.

    Đêm đêm, tôi áp mặt lên mộ má tôi thì thầm hai tiếng: "Má ơi!".


    Hết.

    Trích tập truyện Nước trong nguồn, Hội Văn học nghệ thuật Sóc Trăng và NXB Mũi Cà Mau, 2003.

    Chú thích:

    Bù tọt: Trông giống một loài nhái

    Giang đồng: Cánh đồng

    Sên bùa: Bỏ bùa


    Lần đầu tiên đọc truyện ngắn này của Trần Hồng Long tôi đã rất xúc động.

    Xúc động vì tình yêu của Hân giành cho Thuyền, phải yêu nhiều như thế nào mới có thể hi sinh nhiều đến thế, ngay cả khi bản thân dở dở ương ương, gần như đã chết trên đường mà vẫn cứu sống người mình yêu từ trong biển lửa.

    Xúc động vì một tình mẫu tử thiêng liêng cao đẹp, người mẹ đó phải vĩ đại như thế nào mới có thể hi sinh cả tính mạng của mình cho con.
     
    Admin, Dung0807, Jodie Doyle1 người nữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 24 Tháng mười 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...