Tự Truyện Sự Bức Bối Trong Lồng Kính Công Sở - Dương

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Phước Dương, 22 Tháng bảy 2025 lúc 10:43 AM.

  1. Phước Dương

    Bài viết:
    130
    Sự bức bối trong lồng kính công sở

    Tác giả: Dương

    Thể loại: Tản văn

    [​IMG]

    Tôi ngồi trước màn hình máy tính, thẫn thờ, tim đập nhanh đến suýt nghẹt thở vì bực tức sau cú điện thoại sang sảng của chị trợ lý. Ngay lúc ấy, tôi không suy nghĩ được gì, đầu óc thì như bị nhốt trong một chiếc lồng kính. Mỗi ngày đi làm là một ngày tôi cảm nhận được sự đè nén, bức bối, như thể không khí quanh tôi đặc quánh lại, khiến mỗi hơi thở đều nặng nhọc.

    Sếp của tôi, và cũng là ông chủ trả lương cho tôi, là một người kiệm lời đến mức khắc nghiệt. Những dòng tin nhắn công việc anh ta gửi luôn ngắn gọn, đôi khi chỉ vỏn vẹn một từ: "Làm."

    Làm gì? Làm như thế nào? Chẳng ai rõ. Anh ta dường như tin rằng chỉ cần thốt ra một câu, cả thế giới sẽ hiểu ý anh, sẽ biết anh muốn gì. Thế là các nhân viên loay hoay, cố gắng đoán mò để hoàn thành công việc, và dĩ nhiên, có sai sót, hay không đúng ý sếp là điều không tránh khỏi. Và rồi, những lời la mắng như mưa rào trút xuống. "Sao không hiểu? Sao làm chậm? Làm ăn thế hả?"

    Mọi người, trong đó có tôi chỉ biết cúi đầu, nuốt chặt những lời phân trần vào lòng, bởi giải thích với sếp chẳng bao giờ là một lựa chọn đúng đắn, bởi anh ta luôn luôn đúng.

    Góp thêm áp bức nơi công sở còn có chị trợ lý của sếp, người đã gắn bó với anh hơn hai mươi năm. Chị ấy như một cái bóng không thể tách rời, một người trung thành đến mức gần như mù quáng. Chị làm mọi thứ cho sếp, từ việc công như sắp xếp lịch họp, chuẩn bị hợp đồng, đến việc tư như đặt vé máy bay cho gia đình sếp đi du lịch, mua quà sinh nhật cho vợ anh, thậm chí chạy đi mua giấy vệ sinh cho con nhỏ của sếp.

    Có lần, tôi vô tình nghe chị khoe với một đồng nghiệp rằng với sếp, chị là người "không ai thay thế được". Có lẽ vì thế, sếp không thể bỏ chị, và chị tự cho mình cái quyền đứng trên tất cả mọi người. Giọng chị sang sảng, ra lệnh như một nữ hoàng.

    Chị không có tài cáng gì ngoài việc giỏi trong việc phục vụ sếp. Nhiều lần, người ta thấy chị khóc, chị tuyên bố nghỉ việc sau khi bị sếp mắng. Thế nhưng chỉ hôm sau thôi, chị lại ăn diện thật đẹp, mặt thật tươi, cười thật rạng rỡ và tiếp tục giọng điệu day đạo lý như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hóa ra, sau khi biết chị xin nghỉ, sếp lại gọi điện nhẹ nhàng thuyết phục. Thật ra, chị làm sao dám bỏ sếp. Vì ngoài sếp, chị chẳng có nơi nào để đi. Chị chỉ dùng "khổ nhục kế" thôi!

    Mỗi ngày trôi qua, tôi cảm thấy mình như một con thú bị nhốt, vùng vẫy trong lồng nhưng không thể thoát ra. Sự bức bối trong tôi ngày càng dâng cao, như ngọn lửa cháy âm ỉ, chỉ chờ một cơn gió để bùng lên. Có những đêm, tôi nằm nhìn trần nhà, tự hỏi mình đang làm gì với cuộc đời mình. Tôi từng mơ mộng về một công việc nơi tôi được tôn trọng, được lắng nghe, nhưng thực tại chỉ là những ngày dài nuốt giận và chịu đựng.

    Tôi muốn bỏ việc, muốn thoát khỏi chiếc lồng kính này, nhưng mỗi lần mở ứng dụng ngân hàng, tôi lại chùn bước. Đống nợ thẻ tín dụng, tiền nhà, tiền điện, tiền nước và hàng trăm thứ tiền khác - tất cả như những sợi dây vô hình trói chặt tôi. Tôi cần đồng lương này, dù bảy, tám năm rồi đứng yên một chỗ, nhưng ít nhất nó giữ tôi không rơi vào hố sâu tài chính.

    Mỗi sáng, tôi nhìn mình trong gương, tự nhủ: "Chỉ hôm nay thôi, cố lên nào!" Nhưng hôm nay nối tiếp hôm qua, và ngày mai chắc cũng chẳng khác. Tôi tự hỏi, liệu có bao nhiêu người giống tôi, ngày ngày gồng mình trong những chiếc lồng kính vô hình, chịu đựng vì miếng cơm manh áo?

    Sáng nay, lúc dừng xe chờ đèn đỏ, tôi thấy một bà cụ bán vé số. Bà đứng lọt thỏm bên gốc cột đèn tín hiệu, tay cầm xếp vé số. Bà nhìn tôi, cười nhẹ, chìa xấp vé ra mời, giọng nhỏ nhẹ: "Chú mua dùm bà một tờ đi!" Tôi móc ví, lấy mười ngàn đưa cho bà cụ, rồi nhận lại tờ vé số từ tay bà cùng với những cái gật đầu biết ơn: "Cảm ơn chú!" Mua thì mua thế thôi, chứ cả tôi và bà cụ đều biết chẳng dễ trúng.

    Đèn xanh bật sáng. Trước khi chạy đi tiếp con đường của mình, tôi quay đầu nhìn lại. Bà cụ không có văn phòng, không đồng nghiệp, không sếp quát tháo, không bị phiền bởi một chị trợ lý sang sảng ra lệnh. Cuộc sống của bà chắc vất vả lắm nên mới phải đứng bán từng tấm vé số. Nhưng ít ra, bà vẫn là người quyết định mình đứng đâu, bán gì, đi lúc nào.

    Tối về, tôi mở máy tính, gõ vài chữ vào đơn xin nghỉ việc. Viết rồi xóa. Rồi viết lại. Không gửi. Tuy nhiên, lần đầu tiên sau mấy năm, tôi nghĩ tới chuyện đó một cách nghiêm túc.

    Chưa phải hôm nay. Nhưng chắc cũng không xa. Tôi chỉ cần thêm một chút dũng khí. Chỉ một chút thôi.

    Thế còn bạn, bạn có giống như tôi không? Chúng ta cùng chia sẻ và trao đổi nhé.


    Dương
     
    Chì Đen, Ngngoclan, BCmanga1 người nữa thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. Ngngoclan chăm chỉ nỗ lực sớm muộn cũng thành công

    Bài viết:
    99
    Chúc bạn sớm có con đường sáng rõ hơn cho chính mình nhé, hãy vạch các bước cụ thể và đường lui rõ ràng rồi mạnh mẽ hành động. Đừng đê công việc thành cái lồng giảm và sếp thành con quỷ hút máu, tự cứu lấy chính mình nhé. Ngoài kia có rất nhiều nơi khác mà ở đó là lâu đài và sếp là tướng quân Anh dũng đáng để đi theo
     
    Chì ĐenPhước Dương thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...