Trẻ em là đối tượng dễ bị vi khuẩn, virus tấn công, vì thế mà có nhiều bậc cha mẹ khi thấy con mình bị ốm sốt liền tự ý mua thuốc về điều trị cho con, hành động này có đúng? Có đứa trẻ nào mà không mắc các bệnh lặt vặt? Thậm chí tần suất bệnh trung bình của trẻ khoảng 1 lần trên tháng, mỗi lần như thế chắc hẳn sẽ không thiếu sự có mặt của triệu chứng điển hình chính là sốt, cho dù là cảm do vi khuẩn, cảm do virus, viêm phế quản.. thậm chí tiêu chảy cũng có sốt. Nên xử trí như thế nào khi con mình bị sốt? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Việt Phương – Giảng viên trường cao đẳng Y Dược Pasteur. Thưa bác sĩ, trẻ em bị sốt có lợi hay có hại? Nhận xét rằng sốt có lợi hay sốt có hại là chưa chính xác. Sốt vừa có lợi vừa có hại. Khi sốt ở một nhiệt độ vừa phải thì có lợi. Nhiệt độ cơ thể là 1 trong 4 dấu hiệu sinh tồn, sự thay đổi nhiệt độ cơ thể sẽ phản ánh mức độ trầm trọng của tình trạng mà bé đang mắc phải, sốt còn giúp tiêu diệt vi khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch, nhưng khi sốt thái quá sẽ gây hại. Như thế nào thì gọi là sốt thái quá? Trẻ được coi là sốt thái quá khi nhiệt độ của trẻ quá 40 độ hoặc không quá 40 độ nhưng trẻ quấy khóc, khó chịu và ói, không chơi được như bình thường mà chỉ muốn nằm trên giường. Khi nhiệt độ quá 40 độ, quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể sẽ bị rối loạn, lúc này sốt không có lợi nữa mà là có hại, hệ thống enzym trong cơ thể sẽ bị tổn thương (biến tính). Lúc này trẻ cần được sử dụng thuốc hạ sốt. Còn đối với những trẻ trước đó đã có các bệnh lý nền sẵn có như bệnh tim phổi bẩm sinh, bệnh não bẩm sinh.. thì cần dùng thuốc hạ sốt sớm hơn hoặc những trẻ đang bị chấn thương, bỏng.. cũng cần dùng thuốc hạ sốt sớm hơn. Thưa bác sĩ, có nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ trước khi được bác sĩ chẩn đoán không? Điều đầu tiên tôi muốn nhắc đến chính là không phải cứ hễ bị sốt là phải đi khám bác sĩ, nếu như con bạn chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ ngày thứ nhất kèm với sổ mũi, ho và trẻ vẫn có thể vui chơi và ăn uống bình thường thì nên để bé ở nhà, bởi vì bệnh viện là nguồn vi khuẩn rất lớn, nếu như con bạn chỉ sốt nhẹ như trên mà bạn đưa con đến bệnh viện chỉ càng làm tăng khả năng lây nhiễm thêm nhiều loại vi khuẩn khác mà thôi. Nếu bạn cảm thấy quá lo lắng thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ khi nào thì cần đưa con đến viện. Đối với những trường hợp cần phải sử dụng thuốc hạ sốt mà nhà ở quá xa các cơ sở y tế hay bé bị sốt vào lúc nửa đêm thì bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol (acetaminophen), bố mẹ có thể dự trữ sẵn thuốc này vì đây là thuốc hạ sốt không cần kê đơn rất dễ mua được tại các hiệu thuốc. Tuy nhiên, cần phải dùng thuốc hạ sốt đúng liều, đúng chỉ định. Các phụ huynh có thể xin tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ. Thưa bác sĩ, vậy sốt càng cao nghĩa là bệnh càng nặng phải không ạ? Khi bé bị sốt mà co giật thì có nguy hiểm không? Đúng là sốt càng cao có thể phản ánh được tình trạng bệnh tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp. Ví dụ như khi trẻ bị bệnh ban đào Roseola, trẻ sốt đến 40 – 41 độ nhưng bệnh này nhẹ và đa số là tự hết không cần phải điều trị. Ngược lại, trẻ bị bệnh lao phổi chỉ sốt nhẹ về chiều nhưng lại rất nguy hiểm. Trẻ bị co giật do sốt cao là một tình trạng lành tính và không nguy hiểm và không để lại di chứng.