Trải nghiệm tìm giá trị Bấm để xem Được biết đến như một trong những doanh nhân trẻ có khả năng đảm nhiệm cùng lúc nhiều cương vị khác nhau, ở những doanh nghiệp khác nhau, cuối năm 2012, doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh khiến nhiều người ngạc nhiên khi anh từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Và sau đó, trái ngược với dự định "nghỉ hưu", anh nhận lời đảm nhiệm một vị trí mới tại SFC - Công ty CP Nhiên Liệu Sài Gòn. Những trải nghiệm mới khiến "nhân sự cấp cao" như anh khó có thể nghỉ ngơi. Trưởng thành từ PNJ - Một câu hỏi mà có lẽ nhiều người thắc mắc: Điều gì khiến anh từ nhiệm cương vị lãnh đạo tại một công ty đang ăn nên làm ra và anh cũng đã có thời gian dài gắn bó? Tôi làm PNJ khoảng năm năm, từ 2007 cho đến 2012. Nhưng việc tôi từ nhiệm cương vị Phó Tổng Giám đốc PNJ vì tôi biết mình không phải là người phù hợp với kinh doanh nữ trang. Tôi đã gắn bó với ngành xăng dầu, gas từ năm 1994, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Tại PNJ, tôi cũng được giao phụ trách hoạt động đầu tư và kinh doanh gas. Năm 2008, tôi đã là Chủ tịch HĐQT SFC. Vì vậy, tôi nghĩ chặng đường 5 năm làm việc ở PNJ của mình đã tương đối đủ. Tôi vẫn muốn mình được làm việc trong lĩnh vực mà mình có kiến thức, mối quan hệ, đó là lĩnh vực xăng dầu. Bên cạnh đó, tuy từ nhiệm nhưng tôi không phải đã nghỉ ở PNJ hoàn toàn. Hiện nay, tôi vẫn là thành viên HĐQT của PNJ. - Chia tay công việc khi đang ở một vị trí cao cấp, điều này theo lẽ thông thường sẽ khiến nhiều người cho rằng anh có vấn đề gì đó, với những ấn tượng có thể không hoàn toàn tốt đẹp, về nơi mình đã ra đi? Tôi khẳng định PNJ là môi trường rất tốt. Trước khi về PNJ, tôi trải qua các công việc ở một doanh nghiệp nhà nước và một Công ty cổ phần có quy mô nhỏ. Chỉ khi bước vào PNJ, tôi mới được thực sự làm việc ở một Công tylớn, chuyên nghiệp, có văn hóa doanh nghiệp tốt. Những trải nghiệm tại PNJ chính là hành trang quan trọng để tôi tự tin trên chặng đường tiếp theo của mình, đặc biệt trong việc quản trị điều hành doanh nghiệp. - Đó là lý do khiến anh nhận lời làm Tổng Giám đốc tại SFC - nơi mà anh cũng đã gắn bó nhiều năm với cương vị Chủ tịch HĐQT? SFC cũng là một doanh nghiệp thành lập từ năm 1975 và đã từng là Công ty cung ứng chất đốt cho thành phố những năm sau giải phóng. Doanh thu của SFC trong năm 2012 là trên 2.100 tỷ. PNJ đang là cổ đông lớn nhất của SFC nên việc tôi tham gia điều hành SFC cũng là bình thường. Tất nhiên, tính chất công việc của Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc là rất khác nhau. Tôi có may mắn là đã gắn bó với Công ty SFC trong suốt 5 năm nên cũng không quá bỡ ngỡ khi bắt tay vào công việc Tổng Giám đốc. - Quay trở lại với đúng thiên hướng và niềm yêu thích của mình là kinh doanh xăng dầu, anh "như cá gặp nước"? Thật sự, tôi thấy thích và tự tin. Xăng dầu là lĩnh vực tôi đã gắn bó gần 20 năm. Tuy nhiên, khi đảm trách chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, tôi vẫn cảm thấy áp lực rất lớn. Bởi kinh doanh xăng dầu tại thời điểm hiện nay rất khó khăn. Hầu hết các công ty bán lẻ xăng dầu lớn hiện đều đã niêm yết và có thể dễ dàng kiểm tra được kết quả hoạt động kinh doanh. Qua đó, có thể thấy là lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang khá thấp. Nguyên nhân là do cơ chế quản lý xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập và thù lao bán lẻ xăng dầu bị duy trì ở mức thấp. Điều này buộc doanh nghiệp phải tập trung, chuyên nghiệp hơn, cắt giảm chi phí, quản trị nhân sự tốt và nhanh nhạy với thị trường. Do đó, tôi phải cố gắng học từ sách vở, từ chỉ dẫn của người đi trước và những trải nghiệm của chính bản thân để nâng cao năng lực điều hành, và hoàn thiện bản thân. Tôi ý thức rất rõ là việc điều hành của Tổng Giám đốc ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Tôi cũng hiểu là mình đang chịu trách nhiệm không chỉ với 300 cán bộ lao động của SFC mà còn với gia đình của họ, với cổ đông, đối tác..
CEO - công việc tốt nhất để hoàn thiện bản thân Bấm để xem - Điều này dường như rất trái ngược với ý định trước đây, khi anh chia sẻ rằng mình muốn "nghỉ hưu".. Khi tôi chia sẻ ý định muốn "nghỉ hưu", tức là muốn nghỉ các công việc đang trực tiếp điều hành, không có nghĩa là tôi cắt đứt hoàn toàn với các công ty mình đang gắn bó. "Nghỉ hưu" theo nghĩa đó, tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động xã hội, đào tạo, chia sẻ. Nhưng khi được yêu cầu, tôi vẫn sẵn sàng và hăm hở cho công việc mới. Tôi nhận ra rằng, trong hành trang của mình, tôi chưa bao giờ là CEO của một công ty lớn nên đây là một cơ hội tốt để tôi thử thách bản thân và trải nghiệm. Công việc này, cũng sẽ giúp tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để chia sẻ với các bạn trẻ, thế hệ đàn em. Tuy nhiên, nhiệm kỳ Tổng Giám đốc của tôi cũng chỉ có ba năm mà thôi! - Có thể hiểu anh không muốn trách nhiệm của mình dài lâu với SFC? Thực tế, theo điều lệ mới của công ty, nhiệm kỳ của tôi là ba năm. Có thể hết thời gian đó HĐQT sẽ xem xét và bản thân tôi cũng vậy. Như đã nói, lúc này, tôi chỉ tập trung toàn lực để thực thi tốt nhất công việc điều hành của mình. Ở đời, gắn bó với nhau cũng cần có cái duyên nữa! - Tôi thấy hiện tại anh đang tham gia đào tạo tại Trường Doanh Chủ và anh cũng là Chủ tịch HĐQT tại đây? Ở đó tôi là cổ đông lớn nhất. Trường Doanh Chủ thành lập từ năm 2007 và hiện nay, đang là nơi đào tạo có uy tín trong lĩnh vực đầu tư cá nhân, quản trị doanh nghiệp, nghiệp chủ, khởi nghiệp.. Tôi yêu thích công việc chia sẻ, giảng dạy vì tôi cho rằng, đây là công việc có ý nghĩa xã hội rất lớn. Tôi mong muốn thế hệ đi sau sẽ giỏi hơn, thành công hơn nhờ vào nỗ lực của họ và những chia sẻ của thế hệ đi trước. - Được biết anh còn là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Văn hóa Phương Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ TP HCM - YBA.. Nhiều chức danh quản lý như vậy có khiến anh mất tập trung với công việc ở SFC? Tôi vẫn tập trung nhiều thời gian và công sức với SFC. Các công ty khác, tôi chỉ tham gia HĐQT nên cũng không mất quá nhiều thời gian. Đâyđều là các công ty lớn và có ban điều hành chuyên nghiệp. Tại thời điểm này, công việc kinh doanh rất khó khăn. Tôi nghĩ "hơn nhau" là ở mức độ tập trung. Tập trung toàn thời gian. Tập trung toàn tâm trí. Hơn nữa, nhờ sự tham gia HĐQT ở các công ty khác cũng giúp tôi có thêm những mối quan hệ mà còn bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm trong quản trị điều hành. - Mặc dù nhiệm kỳ ba năm của anh mới bắt đầu nhưng anh nghĩ thế nào về "nghề CEO"? Đó là một nghề khá thú vị. Nó đòi hỏi nhiều, nhưng giá trị mang lại cho người làm CEO cũng rất lớn. Thật ra, một trong những giá trị lớn nhất của nghề CEO chính là việc buộc người giữ vị trí này phải tự học, tự hoàn thiện bản thân cẩn trọng, suy xét thấu đáo cũng như chịu trách nhiệm về kết quả công việc của mình và của tập thể. Bên cạnh đó, CEO còn là người quyết định văn hóa doanh nghiệp, tác động rất mạnh đến thương hiệu của công ty nên CEO còn phải gương mẫu và chuyên nghiệp. - Vậy theo anh, vừa là CEO, vừa là Chủ tịch HĐQT - đó là thuận lợi hay áp lực? Điều đó tùy thuộc ở từng công ty. Tôi là người nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp và cũng là người cổ vũ cho xu hướng nên tách hai vị trí đó ra. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thực tế của từng doanh nghiệp, vẫn có thể đưa ra các lựa chọn. Việc nắm giữ vai trò chủ tịch HĐQT tại SFC trong năm năm qua cũng giúp tôi hiểu rõ doanh nghiệp. Do đó, khi đảm nhiệm thêm cương vị Tổng Giám đốc, tôi không thấy có áp lực. Có chăng, áp lực lớn nhất chính là trước đây nếu công ty kinh doanh không tốt, mình còn có chỗ đổ thừa cho ban điều hành (cười). Bây giờ, thì không thể đổ thừa cho ai được nữa. Chính vì lẽ đó, lại càng phải suy nghĩ, cân nhắc ở cả hai cương vị của một người đại diện cổ đông lớn lẫn một người điều hành. Thành công = Đam mê + thầy giỏi + sự khổ luyện - Hơn 40 tuổi, đảm nhiệm rất nhiều cương vị khác nhau. Suốt quãng thời gian làm doanh nhân, người thầy nào chỉ lối, hay cuốn sách nào gối đầu giường là kim chỉ nam cho công việc cho anh? Ở trường đại học, tôi thân và kính trọng thầy Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Còn ở ngoài đời, tôi có hai người thầy, cũng là hai người đã chia sẻ, dạy dỗ và như hai anh chị lớn trong gia đình: Một là chị Cao Thị Ngọc Dung - Tổng Giám đốc PNJ, hai là anh Lê Văn Hòa - nguyên Tổng Giám đốc Saigon Petro. Về sách, tôi đọc nhiều nhưng có lẽ tâm đắc nhất vẫn là cuốn Sức mạnh của sự tập trung. Có lẽ bởi nó viết đúng một điểm tôi thấy mình còn yếu. Thời gian qua, bên cạnh cái được, cái mạnh tôi có là sự trải nghiệm, chia sẻở nhiều doanh nghiệp, thì cái dở cũng chính là sự thiếu tập trung. Tôi đã đúc kết và ra một công thức đối với sự thành công là cần: Đam mê, thầy giỏi và sự khổ luyện. Khổ luyện tức là phải tập trung! - Ngoài ưu điểm về sự trải nghiệm ở nhiều doanh nghiệp khác nhau. Vậy anh đánh giá sự nổi trội của mình ở điểm nào? Có lẽ là thái độ sống tích cực và sẵn lòng giúp những người xung quanh. Nhờ điểm này, tôi có nhiều bạn, những người luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Cũng như, tôi có được nhiều cộng sự tốt luôn hợp tác và ủng hộ khi tôi cần. - Vậy còn mục tiêu anh dành cho cá nhân? Tôi đang có kế hoạch viết hai quyển sách về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp và tập hợp các bài tùy bút tôi đã viết trong 20 năm qua. Ngoài ra, nếu thu xếp được thời gian, tôi sẽ lại.. vác balo lên đường. - Xin cảm ơn anh và chúc những trải nghiệm CEO của anh thật sự thú vị! Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Thành viên hội đồng quản trị: Cần được đào tạo! Bấm để xem Tôi tham gia Hội đồng Quản trị (HĐQT) của một số công ty. Tôi học hỏi rất nhiều từ công việc này. Tôi cũng có dịp để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình về vai trò của HĐQT với các doanh nhân trẻ. Tôi tham gia các cuộc họp HĐQT hàng tuần, hàng tháng, hàng quý.. tùy thuộc vào kế hoạch làm việc của từng công ty. Mọi thứ diễn ra ổn thỏa cho đến ngày.. một số thành viên HĐQT của ngân hàng bị khởi tố. Tôi bị sốc vì hai lý do: Thứ nhất, tôi rất kính trọng một vài vị thành viên HĐQT đó; thứ hai, xưa nay, chủ yếu chỉ có Tổng Giám đốc hoặc các cán bộ thừa hành mới bị dính đến pháp luật chứ làm gì có HĐQT. Về nguyên tắc, HĐQT điều hành công ty bằng nghị quyết chứ không làm cụ thể. Nghị quyết mà cũng sai pháp luật sao? Trước mắt, tôi thấy các thành viên HĐQT trong các công ty mà tôi làm việc đã cẩn trọng hơn rất nhiều. Nội dung biên bản và nghị quyết đã được soi rất kỹ với nhiều góc độ để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật. Âu đó cũng là một tín hiệu tích cực. Suy nghĩ kỹ thì thấy, việc HĐQT sai là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta có rất nhiều trường, lớp để đào tạo CEO nhưng chưa có bất kỳ chương trình đào tạo nào dành cho thành viên HĐQT. Mà HĐQT lại là người đi thuê và chỉ đạo CEO. Ở mỗi công ty, chỉ có một CEO nhưng lại có 5 - 7 thành viên HĐQT. Dường như, nhìn nhận của cổ đông và chính các thành viên HĐQT đều cho rằng, đây là công việc giản đơn. Điều này, cũng thể hiện qua mức thù lao cho công việc này. CEO có thể nhận lương hàng chục triệu đến trăm triệu đồng/tháng nhưng đa số thành viên HĐQT đang nhận thù lao khiêm tốn chỉ vài triệu đồng/tháng! Chúng ta đòi hỏi rất nhiều thứ ở CEO về kinh nghiệm, bằng cấp, năng lực nhưng với thành viên HĐQT thì đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần trên 18 tuổi là được! Không những vậy, tại nhiều công ty, từ CEO cho đến nhân viên thấp nhất đều được đánh giá kết quả làm việc thông qua các chỉ tiêu KPI cụ thể. Nhưng gần như không có thước đo nào được áp dụng để đánh giá kết quả làm việc của HĐQT. Chưa kể, một số thành viên HĐQT, đặc biệt là những người đại diện vốn của tổ chức chỉ tham gia cho "có tụ", thường xuyên vắng mặt tại các cuộc họp hoặc cả năm, không có ý kiến đóng góp có giá trị nào cho công ty. Các vị này không hành xử như là người chủ thực sự của công ty. Ngược lại, tại nhiều công ty nhỏ hoặc mang tính gia đình, HĐQT lại can thiệp rất sâu và lấn sân vào côngviệc điều hành của CEO. Các công ty như vậy thường thiếu tính minh bạch trong quản trị và trong đa số các trường hợp, CEO sẽ ra đi sau một thời gian ngắn vì không thể điều hành được. Bên cạnh đó, việc kiêm nhiệm đồng thời hai vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm CEO cũng đang rất phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Điều này, pháp luật không cấm nhưng tại nhiều công ty, việc vị lãnh đạo cao nhất vừa "đá bóng, vừa thổi còi" đã ít nhiều tác động đến sự minh bạch và hệ thống kiểm soát trong quản trị doanh nghiệp, cũng như, không phát huy được vai trò và tiếng nói của các thành viên HĐQT. Trong Diễn đàn CEO 3.0 vừa qua, một đại biểu đã đặt câu hỏi: Chúng ta đang mong muốn có một thế hệ CEO 3.0 nhưng chúng ta đã có được những vị thành viên HĐQT 3.0 hay chưa? Và câu trả lời là chưa! Vậy thì giấc mơ về thế hệ CEO 3.0 vẫn còn xa vời! Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc thành viên HĐQT là một công việc quan trọng, cần được đào tạo, có cơ chế giám sát thích hợp và đãi ngộ tương xứng. Tôi nghĩ là, cần xem xét việc tổ chức đào tạo bài bản và cấp chứng chỉ cho những ai muốn trở thành thành viên HĐQT các công ty, trước mắt là các công ty đại chúng. Điều này, sẽ đảm bảo việc các thành viên HĐQT hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm và các nghĩa vụ, quyền lợi có liên quan. Đồng thời, chúng ta có thể học tập mô hình quản trị công ty hiện đại, trong đó HĐQT sẽ thuê các cá nhân/ban tư vấn độc lập và chuyên nghiệp về nhân sự, pháp lý, tài chính, chiến lược.. để hỗ trợ mình.
Nước Nga – Matxcơva trong tôi Bấm để xem "Matxcơva không tin vào nước mắt" là tên một bộ phim của Liên Xô mà tôi đã được xem vào những năm 80 của thế kỷ trước. Tuổi thơ của tôi gắn liền với văn hóa Nga khi tôi đọc "Timua và đồng đội", "Nối gót Ti mua" hay xem phim "Hai anh em", "17 khoảnh khắc mùa Xuân", "Hồ sơ thần chết".. Tôi còn nhớ một câu thơ vui: "Trăng nước Nga tròn hơn trăng nước Mỹ. Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ!" Lớn lên một chút, tôi lại say mê "Thuyền trưởng và Đại úy", "Sông Đông êm đềm", "Chiến tranh và hòa bình".. nên ước mơ một lần đến Nga hết sức cháy bỏng trong tôi, mà tôi cũng vừa đọc xong "Vô Hồn" để hiểu thêm phần nào về nước Nga hiện đại. Vậy là tôi đã có cơ hội đến Matxcơva vào cuối tháng Tám năm 2007, với đoàn doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng ấn tượng đầu tiên ở nước Nga lại là một kỷ niệm không đẹp. Ở sân bay quốc tế Demodedovo, chúng tôi mất hơn hai tiếng mới làm xong thủ tục nhập cảnh. Một đoàn doanh nghiệp, thành phần là các Tổng, Phó Tổng Giám đốc, lại mang theo sản phẩm trưng bày nên hành lý chất cao như núi. 3 giờ sáng ở sân bay, không tài nào tìm ra xe đẩy. Cuối cùng, chúng tôi phải ra tận bãi xe ô tô để mang xe đẩy vào! Tuy nhiên, các ấn tượng không tốt về nước Nga trôi qua rất nhanh vì Matxcơva đẹp quá, đẹp đến nao lòng. Công viên Vườn táo, đại học MGU, Quảng trường Đỏ, sông Olga và Volga, phố Arbat cũ và mới.. những đại lộ to, đường vành đai, metro rộng lớn, rừng cây, công viên làm cho Matxcơva khung cảnh thanh bình và hiền hòa nhưng không kém phần hiện đại. Đến Nga mới hiểu hơn về tính nguyên tắc của họ. Các sản phẩm của Nga bao giờ cũng chắc chắn và bền, mặc dù có thể mẫu mã không đẹp. Ở Matxcơva, người dân cũng không tận dụng triệt để mặt bằng phố để mua bán như ở Việt Nam. Nhịp sống có vẻ cũng chậm rãi chứ không ồn ào, cuồn cuộn như Sài Gòn. Người Nga rất yêu thiên nhiên. Tất cả các cây cối mọc ở ven đường khu vành đai hay trung tâm đều được lập hồ sơ quản lý. Vì vậy, tỷ lệ cây xanh ở Matxcơva chiếm đến 40% diện tích. Các dòng sông chảy ngang thànhphố đẹp và thơ mộng. Tôi bất ngờ khi chứng kiến hàng ngàn người tắm sông vào buổi chiều. Họ cắm trại thành từng nhóm nhỏ dọc hai bờ sông, tắm sông và cả tắm nắng. Chiều nhè nhẹ trôi. Tôi đi tàu trên sông và nghe bài "Chiều Matxcơva", mới thấy giai điệu của nó man mác buồn và da diết biết chừng nào! Matxcơva, tất cả các xe chạy trên đường đều có thể là taxi. Bạn đứng trên lề đường, vẫy tay, nhiều xe sẽ thắng lại và sẵn sàng chở bạn đi với giá cả thỏa thuận. Điều này là một điểm đặc biệt mà tôi chưa từng gặp ở nơi nào trên thế giới. Phố Arbat, một con phố nổi tiếng đã từng đi vào văn học, giờ trở thành con phố đi bộ với các nhà hàng, cửa hiệu mở cửa đón khách du lịch. Đây đó, một ban nhạc đang chơi những bài hát vui nhộn, khách qua đường có thể bỏ tiền vào chiếc mũ phía trước. Từng đoạn đường, có những họa sỹ đường phố vẽ chân dung cho khách bộ hành. Trên một số bức tường dài là những bức tranh do các họa sỹ vô danh vẽ với vô số chủ đề. Có cả bức tượng Putin, nhỏ hơn người thật một chút, đứng giữa phố Arbat để du khách chụp hình lưu niệm. Quảng Trường Đỏ, trái tim của nước Nga, trái tim của Matxcơva, luôn là nơi thu hút khách du lịch và cả người dân địa phương nhiều nhất. Đỉnh tháp Kremlin, Nhà thờ Lớn, Lăng Lenin, Tọa độ số 0, Quảng trường mênh mông.. nơi đây đã chứng kiến biết bao hăng trầm của Matxcơva nói riêng và nước Nga nói chung. Nhiểu người đã cảnh báo tôi về tình hình an ninh ở Matxcơva. Tuy nhiên, một tuần ở đây, tôi không hề gặp bất kỳ rắc rối gì. Những người bạn Nga tôi gặp đều rất thân thiện và dễ mến. Cuộc sống của đa số người Việt ở Nga vẫn còn vất vả vì tình hình kinh doanh, thương mại ở Nga ngày càng khó khăn. Luật pháp bắt đầu quy định chặt chẽ, đặc biệt là thuế và hải quan nên nhập lậu hàng vào Nga trở nên khó khăn hơn và chi phí cũng tăng nhiều. Xu hướng "buôn" hàng Tàu lại xảy ra phổ biến nên hàng Trung Quốc đang bắt đầu làm "chủ trận địa" ở thị trường Nga, kể cả những mặt hàng Việt Nam từng "làm mưa làm gió" như dệt may, nông sản. Vì vậy, các vị "soái" người Việt ở Nga đều đã chuẩn bị hậu phương vững chắc cho mình ở quê nhà. Đồng thời, lượng tiền đầu tư từ Nga nói riêng và Đông Âu nói chung, đổ về Việt Nam ngày càng nhiều. Đây làluồng đầu tư rất lớn nhưng rất khó xác định chính xác số lượng bao nhiêu vì đa số đều bằng con đường phi chính thức. Rời Matxcơva, tôi tin mình sẽ trở lại nơi này, đặc biệt là mùa Đông, để thấy tuyết rơi và câu cá trên băng ở dòng sông Volga. Tôi chỉ cảm thấy nuối tiếc một điều là tượng đài Hồ Chí Minh ở trung tâm Matxcơva được tạc không đẹp. Trước giờ lên máy bay, tôi đã nói với một người bạn Việt ở Nga rằng: Nếu như tôi chỉ có một mình trên cõi đời này, có lẽ, tôi sẽ rất hạnh phúc nếu được sống ở Matxcơva! Tôi tin mình sẽ sớm quay lại nơi này. Tạm biệt, Matxcơva!
Mandalay, cố đô hiền hòa của Myanmar Bấm để xem Mandalay nằm ở miền Trung Myanmar và là thủ đô cuối cùng của Myanmar. Sau Yangon, có lẽ đây là nơi nhiều du khách tìm đến nhất. Chúngtôi may mắn đã "book" được vé máy bay đến đây trong mùa du lịch cao điểm ở Myanmar. Sân bay nội địa tràn ngập du khách và trên boarding pass không có thông tin cửa ra máy bay. Tôi đi xem xét thì cũng chỉ có 2 cửa và khi đến chuyến bay nào thì nhân viên hàng không sẽ cầm bảng thông báo đi lòng vòng trong phòng chờ. Chuyến bay từ Yangon đến Mandalay mất 1 tiếng 20 phút và có phục vụ bánh ngọt rất ngon. 8 giờ sáng, chúng tôi đến sân bay quốc tế Mandalay và cô hướng dẫn địa phương tên Thin Thin đã chờ chúng tôi ở bên ngoài. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là cơ sở dệt may quần áo truyền thống của dân bản địa. Nhìn chung họ làm thủ công với máy móc khá đơn sơ nhưng cửa hàng bán áo, xà rông, vải tơ lụa thì tràn ngập hàng hóa với màu sắc sặc sỡ. Chúng tôi mua một chiếc áo lụa nữ giá 60 đô la, xà rông nữ với giá 20 đô la, xà rông nam 10 đô la, túi vải nữ giá 18 đô la! Sau đó, chúng tôi ghé cây cầu Ubein nổi tiếng có chiều dài 1, 2km với 1068 cây cột. Đây là cây cầu bằng gỗ tếch dài và cổ nhất thế giới bắc qua hồ cạn Taungthaman. Cây cầu được người dân Ubein xây dựng vào giữa thế kỷ 19, vì không có tay vịn nên rất khó khăn và phải cẩn thận thì mới đi qua hết cây cầu. Chính vì thế, ngoài việc Ubein được xếp hạng là một trong mười cây cầu cheo leo, nguy hiểm nhất thế giới và còn là địa điểm quen thuộc của dân địa phương và du khách đến đngắm cảnh mặt trời lặn cuối ngày. Ở dưới hồ, lúc chúng tôi đến, khoảng chục người phụ nữ đứng câu cá và hai cô gái bán chim phóng sinh là một con cú mèo! Một đôi du khách đã mua nó với giá 5.000 kyat. Giữa cầu, có một họa sĩ vẽ tranh bằng mực tàu và dao lam rất độc đáo. Rời cầu Ubein, chúng tôi đến thăm Học viện Phật giáo Mahagandhayon. Chúng tôi tham quan bếp ăn tập thể nấu cho 1.000 nhà sư ăn với nồi cơm khổng lồ được nấu chín bằng hơi nước. Tất cả gạo, đồ ăn đềudo những người dân có lòng thành mang đến cúng dường. 1.000 nhà sư, mỗi người cầm một chum sành, xếp hàng trong yên lặng, chậm rãi bước đến nhận cơm và các loại bánh. Sau đó, họ vào nhà ăn đã được dọn sẵn thức ăn và dùng bữa trưa, đảm bảo trước 12 giờ và bên ngoài là những vị khách du lịch đông đúc và ồn ào. Ở Myanmar có hai kiểu trường đào tạo Phật giáo. Một là trường Đại học Phật giáo như học viện này và loại hình khác là trường chuyên dạy về thiền định. Điểm tiếp theo chúng tôi đến thăm là chùa Maha Muni Pagoda, được xây dựng năm 1784 và là ngôi chùa linh thiêng thứ hai ở Mynanmar. Chùa có bốn mặt với những hành lang dài và mặc dù đến vào giữa trưa nhưng có rất đông người đang cầu nguyện. Điều không vui là giữa chánh điện có tượng Phật lớn bằng vàng nhưng chỉ có nam giới mới được phép tiếp xúc và dát vàng lên tượng. Phụ nữ bị cấm đến gần và chỉ được ngồi nguyện cầu phía dưới. Chúng tôi dùng bữa trưa ở nhà hàng sân vườn Elephant với các món ăn địa phương như bánh tráng, gỏi cà tím, thịt heo kho, cá hấp, canh rau cùng bia Myanmar. Ở đây, còn có món tráng miệng là chè chuối nước dừa và chuối nướng mật ong rất ngon. Bữa ăn trưa thịnh soạn cho bảy người nhưng chúng tôi chỉ phải trả có 80 đô la! Cung điện hoàng gia Mandalay nằm dưới chân đồi và du khách phải mua vé vào cổng là 10 đô la. Tôi phải đưa tờ 100 đô la đến lần thứ ba mới được chấp nhận. Trong Thế chiến thứ hai, Nhật đã thả bom và phá huỷ toàn bộ cung điện này. Myanmar đã gần như phải xây mới toàn bộ cung điện, dù khá đẹp và công phu nhưng cá nhân tôi lại thấy nó không có hồn! Có lẽ vậy mà ngày Chủ nhật nhưng cung điện lại rất vắng! Điểm cuối cùng chúng tôi đến thăm là ngôi chùa trên đỉnh đồi Mandalay mà phải đi qua ba lần thang cuốn. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước vẻ đẹp rực rỡ của ngôi chùa. Ngoài tháp vàng vươn cao, ngôi chùa còn có bốn tượng Phật lớn ở tứ phương. Với dịch vụ cho thuê ống nhòm để chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Mandalay từ trên cao, tôi phóng tầm mắt nhìn ra xa và điểm nhấn nổi bật vẫn là những đỉnh tháp vàng của các ngôi chùa. Chúng tôi quay lại sân bay quốc tế Mandalay vào bốn giờ chiều để làm thủ tục quay về Yangon. Hẹn gặp lại, cố đô Mandalay!
Quê hương của Fidel Castro Bấm để xem Là doanh nhân, tôi thường có những chuyến đi công tác ở nước ngoài. Tuy nhiên, vào cuối tháng Tư năm 2009, tôi lại dành 15 ngày phép tham gia Hội trại Quốc tế đoàn kết Cuba tại thủ đô La Havana. Với tôi, giấc mơ thời thơ ấu được đặt chân đến quê hương của Fidel Castro, được đắm mình trong sóng nước của biển Caribe đã thành hiện thực. Để đến Cuba tôi phải trải qua cuộc hành trình khá dài và gian khổ. Tôi quá cảnh tại Bangkok và bay đến Paris và từ Paris bay sang La Havana. Tổng thời gian bay và chờ quá cảnh 26 tiếng mà giá vé máy bay cũng không hề rẻ, xấp xỉ 3.000 đô la. Nhưng những trải nghiệm tại Cuba là hết sức quý giá và "đáng đồng tiền"! Tôi đổi tiền tại sân bay quốc tế La Havana, khoảng 1.000 đô la Mỹ sang tiền CUC (đơn vị tiền tệ của Cuba với tỷ giá 1 USD = 0, 879 CUC). Ở Cuba, có 2 loại tiền tệ: Đồng peso dành cho người dân Cuba và CUC dành cho người nước ngoài và 1 đồng CUC đổi lấy 20 peso. Khi đọc biên nhận, tôi phát hiện mình chịu phí rủi ro và phí đổi tiền là 10% nên số tiền tôi nhận được chỉ tương đương 800 đô la. Lý do phải chịu 10% phí là vì Cuba đang bị Mỹ cấm vận nên họ không khuyến khích nhận tiền đô la. Nếu đổi từ EUR sang CUC thì không phải chịu mức phí rủi ro này! Thêm một bài học kinh nghiệm cho tôi trong việc đi du lịch mà không chịu tham khảo thông tin trước! Cảm nhận đầu tiên của tôi là đường phố La Havana sạch sẽ, được quy hoạch và xây dựng rất tốt. Các con đường đều khá rộng rãi với vỉa hè thoáng đãng nên tôi nghĩ La Havana xứng đáng với tên gọi Viên ngọc bích của Caribe với những tòa nhà cổ tuổi đời hàng trăm năm, các công viên lớn và rất nhiều tượng đài. Đặc biệt là thành phố có rất nhiều cây xanh và cổ thụ, đường chạy dọc bờ biển Malecon với pháo đài Moro tạo cho La Havana sự quyến rũ và gợi cảm. Đến La Havana, tôi không thể tin được đây là quốc gia đang bị Mỹ cấm vận kinh tế.. Tám giờ tối, chúng tôi đến Hội trại Quốc tế Julio Antonio Mella (CIJAM), cách trung tâm La Havana 47 km. Chúng tôi nhận phòng với tiêu chuẩn 8 người/phòng/4 giường tầng. Trong phòng được trang bị ba quạt treo tường và một bóng đèn, tủ kệ đều rất cũ kỹ. Mỗi người được phát cho mộtcục xà bông và một cuộn giấy vệ sinh. Tôi hiểu mình sẽ quay lại cuộc sống giống thời sinh viên xa xưa! Khẩu phần ăn sáng ở trại khá đơn giản và không thay đổi trong suốt kỳ trại: Một ly sữa và miếng bánh mì nhỏ, ngoài ra còn có ổi và cam. Đoàn Việt Nam với sự hỗ trợ của các bạn sinh viên Việt Nam ở Cuba đã mang vào trại bếp điện để nấu mì gói. Chúng tôi dậy sớm và nấu mì ăn lót dạ trước, sau đó mới ăn sáng ở nhà ăn, nhờ vậy mà cả đoàn luôn đảm bảo sức khỏe tham gia chương trình. Buổi trưa và buổi tối chúng tôi ăn cơm theo kiểu Cuba gồm một tô súp, cơm trắng trộn với súp đậu đen, thịt gà hoặc thịt heo nướng. Cơm Cuba có cho thêm dầu, muối và hơi khô nên khó ăn, tuy nhiên, sau ngày đầu tiên lạ lẫm thì chúng tôi cũng quen dần với các bữa ăn này. Chúng tôi được tham gia các buổi lao động thu hoạch khoai mì, khoai sọ và xoài. Đất ở Cuba đa số là đất đỏ, rất màu mỡ nên năng suất trồng trọt rất cao. Chúng tôi đã lao động như những nông dân Cuba thực thụ. Trong chương trình trại, chúng tôi được tham quan Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Mỹ thuật, Đài tưởng niệm Che ở Santa Clara; gặp gỡ đạo diễn và diễn viên điện ảnh hàng đầu và xem những bộ phim nổi tiếng của Cuba; nghe trình bày về kinh tế Cuba, quan hệ Cuba – Mỹ, tham gia Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Cách mạng; gặp gỡ người thân của năm người Cuba yêu nước đang bị Mỹ giam giữ. Chúng tôi cũng tham dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với Cuba tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế. Những ngày trại qua nhanh. Đêm Quốc tế, cũng là đêm cuối cùng ở trại, trong tiết mục của đoàn Việt Nam, chúng tôi đã hướng dẫn toàn trại sinh hát bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Đứng trên sân khấu, bắt nhịp bài hát, tôi đã rất xúc động khi gần 200 con người đã hòa chung nhịp ca. Câu hát "Việt Nam, Hồ Chí Minh muôn năm" đã ngân vang trong đêm Cuba. Đây cũng là tiết mục được đánh giá là ấn tượng nhất trong đêm hôm đó. Khi chương trình trại kết thúc, tôi đã khoác ba lô và tự mình khám phá cơ hội kinh doanh tại đây. Để tìm hiểu về thị trường Cuba, nơi đầu tiên tôi tìm đến chính là siêu thị. Tại thủ đô La Havana có gần mười siêu thị lớn. Gọi là lớn nhưng diện tích mỗi siêu thị cũng chỉ tối đa khoảng 200m2. Tôi vào siêu thị Mercadogần khách sạn Melia Cohiba, trên đường bờ biển Malecon. Phần siêu thị bán hàng bách hóa rộng chừng 150m2 và chủ yếu bày bán thựcphẩm. Có Coca Cola, mì gói Vifon, cà phê Nestle, bia Heneiken, bia Becks và cả bia Tsingtao (Trung Quốc). Giá cả thì không rẻ chút nào vì Cuba phải nhập khẩu gần như toàn bộ các sản phẩm đang bày bán tại siêu thị. Giá một số hàng hóa vào thời điểm tháng Năm năm 2009 vào khoảng: Mì gói Vifon Việt Nam là 0, 85 CUC (1 CUC = 20.000Việt NamĐ) ; Heneiken ở siêu thị có giá 1, 65 CUC/lon; Coca Cola là 0, 70 CUC/lon; Nescafe giá 4, 95 CUC/hộp; bia Tsingtao là 1, 6 CUC/lon.. Sau này, tôi mới nhận ra dù đạo luật cấm vận của chính phủ Mỹ gần nửa thế kỷ thì hàng hóa của Mỹ vẫn xuất hiện rất nhiều ở Cuba. Tôi dễ dàng bắt gặp các cửa hàng ở khu thương mại Capitolio bán giày Nike, thuốc lá Marlboro và Coca Cola thì có khắp nơi. Trung Quốc cũng hiện diện rất đậm nét ở Cuba. Các công ty Trung Quốc đang liên doanh với Cuba để khai thác dầu khí, niken.. Hàng Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều tại siêu thị và ở Cuba không có lấy nhà hàng Việt Nam nào thì tại La Havana có một khu phố Tàu hoành tráng hơn chục nhà hàng, với cách bài trí rất "China Town". Chúng tôi vào nhà hàng Thiên Tân ở khu phố Tàu. Lúc này, quán cũng không đông khách lắm. Chúng tôi gọi ba món ăn và đề nghị nhà hàng cố gắng làm nhanh vì tất cả đều đói lả sau một ngày lang thang ở La Havana. Chúng tôi đợi 30 phút và không có món nào được dọn lên. Một người trong đoàn gọi phục vụ đến và ra dấu phàn nàn. Thêm 10 phút nữa trôi qua và cũng không có món nào cả. Anh bạn doanh nhân Việt Nam đã sống mười năm ở Cuba đi cùng đã cười tủm tỉm và nói: "Không thể giục nhà hàng phục vụ nhanh hơn được đâu. Phải chấp nhận chờ đợi thôi. Nếu bây giờ bực mình, bỏ đi quán khác thì cũng phải bắt đầu chờ đợi như vậy!" Đó là bài học đầu tiên của tôi về sự kiên nhẫn tại Cuba. Rất nhiều doanh nhân Việt Nam đã sang Cuba để tìm cơ hội kinh doanh nhưng đa số đều không trụ lại được. Hiện nay, tại Cuba chì có khoảng mười gia đình Việt Nam và bốn công ty Việt Nam đang mở văn phòng tại Cuba. Anh Kim, đại diện công ty Thái Bình tại Cuba cho biết: "Trong hai năm đầu tiên, tôi gần như không làm gì cả mà chỉ dành thời gian tìm hiểu đối tác Cuba cũng như chờ đợi sự thẩm định, đánh giá của phía bạn dành cho công ty tôi. Chỉ qua năm thứ ba mới bắt tay vào kinh doanh thật sự." Thị trường Cuba có những thuận lợi và khó khăn rất đặc thù. Thuận lợi là nhà nước quản lý toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Các công ty nhà nướcnhập khẩu hàng hóa và phân phối trên khắp cả nước thông qua ba hệ thống cửa hàng, siêu thị với hơn 3.000 điểm bán hàng. Vì vậy, khi đối tác Cuba đã chịu mua hàng thì coi như được độc quyền phân phối với số lượng bán sẽ lớn và gần như không bị cạnh tranh. Ngược lại, khó khăn cơ bản nhất tại Cuba hiện nay là vấn đề thanh toán. Thông lệ là người bán sẽ phải cung cấp tín dụng cho người mua với thời hạn 360 ngày. Cá biệt với tình hình khó khăn tài chính hiện nay, một số khoản thanh toán bị kéo dài đến 480 ngày. Chính vì khó khăn này mà thời gian trước, một số doanh nhân Việt Nam ở Đông Âu qua tìm hiểu thị cơ hội kinh doanh tại thị trường Cuba đã không trụ lại vì đây không phải là thị trường "đánh nhanh rút gọn". Ở Cuba chỉ có hai thành phần kinh tế: Quốc doanh và công ty nước ngoài. Tại Cuba, người nước ngoài rất được tôn trọng và luật pháp cũng có nhiều quy định bảo vệ người nước ngoài. Tuy nhiên, trong quy định mở công ty nước ngoài tại Cuba lại có một điều kiện ngặt nghèo là phải có quan hệ kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp với một công ty Cuba trong ít nhất hai năm gần đây. Đây là trở ngại cho các công ty nước ngoài muốn xâm nhập vào Cuba. Hiện nay chỉ có ba công ty Việt Nam đang nhập khẩu hàng từ Việt Nam vào Cuba, chủ yếu là các mặt hàng may mặc, thực phẩm, giày dép. Ngoài ra, Petro Vietnam cũng đặt văn phòng đại diện ở Cuba để hợp tác khai thác dầu khí. Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn Palmares (Cuba) để xây dựng sân golf, dự án nhà ở La Havana và khách sạn năm sao ở Santa Lucia. Hơn 15 ngày lang thang qua nhiều vùng miền của Cuba để gặp gỡ trao đổi với một số sinh viên, nhân viên đại sứ quán và doanh nhân Việt Nam ở Cuba, tôi nhận thấy cơ hội rõ rệt nhất của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này chính là hợp tác kinh doanh trong việc khai thác các nguồn tài nguyên hiện có của nước bạn như dầu mỏ, khai khoáng, du lịch, bất động sản, cơ sở hạ tầng, viễn thông.. là rất tiềm năng. Việc xuất khẩu đến Cuba các mặt hàng tiêu dùng cũng có thể xem xét với điều kiện phải cạnh tranh được về giá và có chính sách ưu đãi tín dụng cho nhà nhập khẩu Cuba. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường Cuba chính là sự tương đồng về thể chế chính trị cũng như mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc trong suốt thời gian qua. Với tình hình quan hệ Mỹ - Cuba đang ngày càng ấm dần và các doanh nhân Mỹ đang "vội vã" đặt chân vào thị trường Cuba thì trong thời gian rất gần sắp đến, tôi tin chắc kinh tế Cuba sẽ có những biến chuyển mạnh mẽ. Tôi rất mong là mình sẽ có dịp quay trở lại để chứng kiến sự phát triển của đảo quốc Caribe xinh đẹp này trong đó, có sự góp phần của doanh nhân Việt!
Nhật ký Trường Sa Bấm để xem Ngày 3/6 Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc đón chúng tôi với cái nắng bỏng rát. Thời tiết vùng này là như vậy, buổi sáng mưa giăng giăng thì buổi trưa đã nắng cháy. Tôi được chào cờ, duyệt binh trước lá cờ đỏ tung bay và cột mốc Trường Sa lịch sử với vĩ độ 08 độ 33'30 "và kinh độ 111 độ 55'55". Tôi nghẹn lời khi hát Quốc ca, nước mắt lăn dài trên mặt. Trường Sa thân thương là đây và tôi tự hào vì đã đặt chân đến vùng đất linh thiêng này. Chúng tôi đến thắp hương tại Đài Liệt sĩ. Thiếu tướng hải quân Bùi Sĩ Trinh run run phát biểu: "Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Những rặng san hô, từng hạt cát, cành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi sương máu của các thế hệ người con đất Việt. Mùi nhang thoang thoảng bay trong gió, nắng chiếu thẳng đứng trên đỉnh đầu, tôi cảm nhận hương hồn của các anh hùng liệt sĩ như đang quanh quất đâu đây.." Một góc đường băng trên đảo là những bao đá xây dựng được người dân cả nước chuyển về đây với lòng yêu nước và ý thức xây dựng Trường Sa hùng mạnh. Lá cờ bằng gốm sứ của chị Thu Thuỷ cũng trong giai đoạn hoàn tất và chính thức khánh thành vào ngày 6 tháng Sáu năm 2012. Chúng tôi ghé thăm Nhà tưởng niệm Hồ Chủ tịch, chùa Trường Sa Lớn và thăm mộ liệt sĩ trong đảo. Ở vùng đất này, sự có mặt của ngôi chùa đã làm cho cuộc sống của người dân và cả người lính nhẹ nhàng hơn, đời thường hơn. Tôi đi bộ một vòng quanh đảo. Cát trắng, biển xanh, những bãi đá đen kéo dài, đảo rợp mát với bóng cây bàng, cây tra và đặc biệt là cây bàng vuông. Buổi chiều, trên sân bóng đá và bóng chuyền rất đông cầu thủ. Bên cạnh những giao thông hào, công sự, ụ súng thì đảo vẫn rất thanh bình. Đảo đẹp đến nao lòng! Đẹp nhất với tôi là những đứa trẻ xinh xắn trong bộ quân phục xanh trắng của hải quân. Buổi ăn tối rôm rả và thắm đượm tinh thần quân dân. Một lần nữa, gần 300 con người lại hô vang: "Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam!". Vui nhất là trong đêm văn nghệ là các chiến sĩ trẻ đã hái hoa dại, hoa sứ để tặng cho cácca sĩ nữ, như tấm lòng mộc mạc, chân thành của người lính nơi đảo xa này. Tôi rời đêm văn nghệ và lui về phía sau. Không gian thật khoáng đãng. Tôi ngả mình trên đường băng, ngắm nhìn trời đêm với vầng trăng trên cao và gió lồng lộng thổi, mát rượi.. Âm nhạc, vũ điệu và những tiếng reo hò vẫn rộn rã trên sân khấu đặc biệt trước cột mốc Trường Sa lịch sử. Đêm dần trôi, tình người, tình quân dân quyện chặt như không muốn rời xa.. Ngày 7/6 Sống ở trên tàu HQ 571 quả là có nhiều niềm vui. Đó là: 1. Không cần tiền. Từ khi lên tàu, tôi cất luôn ví vào ba lô và không màng đến tiền bạc nữa vì trên tàu có ai bán gì đâu mà mua. Chuyện mua bán trên tàu, trở về thời kỳ trước khi có tiền tệ, đó là trao đổi hàng hóa và trao tặng. Ví dụ, tôi có quả bưởi thì xin đổi với hộp bánh chẳng hạn. Tôi cần một SIM Viettel thì được anh Chính, bạn của Nga ở CMC tặng. Thú thật, nếu yêu cầu tôi trả mười triệu cho SIM này tôi cũng sẵn lòng. Trong chuyến đi có nhiều bạn bị thất lạc ba lô, sổ tay, máy ảnh.. và quà "hậu tạ" to nhất là hai thùng mì gói. Trúng đậm nhất trong khoản nhận hậu tạ là các chàng trai vui tính ở phòng D1. Tôi đâm ra nghi ngờ về khả năng nhặt được của rơi của các chàng trai này! 2. Ngày ăn bốn cữ, ngày ngủ ba lần. Giờ giấc các bữa ăn trên tàu của chúng tôi như sau: 6 giờ ăn sáng, 11 giờ 30 ăn trưa, 5 giờ chiều ăn tối và 9 giờ 30 tối thì ăn đêm. Các bữa ăn đều tăm tắp, không bỏ sót bữa nào. Các món ăn được thay đổi liên tục, nhà bếp cũng dự trữ lượng thức ăn khổng lồ. Ngoài ra, thức ăn còn được bổ sung bằng cá biển do thuỷ thủ và hành khách câu được. Tôi may mắn đã được thưởng thức cá bò sừng, cá mập trên tàu. Và mỗi ngày, ngoài giấc ngủ đêm, tôi còn có thêm được hai giấc ngủ ngắn từ 9 giờ 30 - 11 giờ và từ 13 giờ - 15 giờ nếu không phải vào đảo. Tàu lắc lư, giấc ngủ của tôi càng ngon. Cho nêný định giảm cân của tôi trong chuyến đi này đã thất bại toàn tập với chế độ ăn ngủ như vậy. Đầu chuyến hành trình, tôi đăng hình lên facebook và ở nhà mọi người đã la ó vì tôi "tăng trọng" thấy rõ. 3. Kiên nhẫn với Viettel. Tự đáy lòng mình, tôi phải cảm ơn Viettel vì đã nỗ lực phủ sóng trên các đảo trong quần đảo Trường Sa. Với tôi, đây cũng là bằng chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam. Có sóng điện thoại, Trường Sa gần hơn với đất liền và cũng giúp tôi giữ được liên lạc. Mỗi lần nhìn thấy điện thoại nhấp nháy báo có sóng, tức thì tôi hiểu là tàu đang ở gần một đảo nào đó của Việt Nam. Tuy nhiên, Viettel ở đảo chỉ có tín hiệu GPRS và rất yếu. Trên tàu, sóng mạnh nhất là ở trên cabin. Tôi ở tầng D, là tầng thấp nhất nên tín hiệu điện thoại trong phòng rất chập chờn. Việc kiểm tra mail, truy cập internet hết sức khó khăn và chậm chạp. Để vào được facebook phải chờ đến hàng chục phút, đăng một status cũng bằng từng ấy thời gian, còn nếu đăng hình thì chắc chắn là không dưới 15 phút. Kiểm tra mail cũng vậy, đôi khi chỉ thấy tiêu đề email mà không đọc được nội dung. Tuy nhiên, tôi vẫn hát vang câu ca: "Có còn hơn không, có còn hơn không!". Và anh em trên tàu còn thể hiện tình thương với nhau qua việc tắt chế độ GPRS ở iPad hay điện thoại của mình để những người khác có thể truy cập internet dễ dàng hơn. 4. "Toàn tàu thức giấc, thức giấc toàn tàu!" Đây là câu khẩu lệnh ấn tượng nhất trên tàu. Những ngày đầu, cứ 5 giờ sáng khi cả tàu còn say ngủ thì từng hồi chuông lảnh lót hay chính xác là "nhức nhối" và không ai có thể ngủ tiếp sau khi chuông reo. Và khẩu lệnh tiếp theo được lặp đi lặp lại là "Toàn tàu thức giấc, thức giấc toàn tàu!" Sáng nào cũng nghe nên mọi người đều thuộc và câu này có nhiều biến thể nhất như: "Ăn sáng toàn tàu, toàn tàu ăn sáng!" hay "Toàn tàu say sóng, say sóng toàn tàu!" hoặc "Toàn tàu đi tắm, đi tắm toàn tàu!".. Sau này, kết thúc chuyến đi, chắc chắn mọi người tham gia chuyến hành trình sẽ không bao giờ quên được tiếng chuông báo thức và khẩu lệnh "Toàn tàu thức giấc, thức giấc toàn tàu!". Ngày 10/6 Tôi đứng trên nóc nhà giàn DK121, nhìn ra xung quanh biển cả mênh mông và phải thốt lên "Biển đảo quê hương ta giàu và đẹp lắm!" Nhà giàn nằm giữa biển cả nhưng không cô đơn khi tấm lòng yêu thương của cả nước đang hướng về đây. Xa xa là chiếc tàu HQ571 thân quen đã gắn bó với tôi trong suốt cuộc hành trình. Rời DK121, điểm cuối cùng mà đoàn hành trình đến thăm, một cảm giác tự hào xen lẫn chút tiếc nuối dấy lên trong tôi. Ký ức về những ngày vừa qua như một cuốn phim chiếu chậm với bao xúc cảm.. Tôi rất ấn tượng và thấm thía với câu nói của sư thầy trụ trì chùa Trường Sa Lớn: "Trường Sa còn là Việt Nam còn!". Ngẫm nghĩ thấy rất có lý và càng thêm trân trọng những hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ ở Trường Sa. Ở đất liền, việc thể hiện lòng yêu nước có thể là đóng góp tiền, viết bài trên các trang mạng, trên blog, Facebook.. Nhưng nếu so sánh với những khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, mất mát và có thể là hy sinh của các chiến sĩ ở Trường Sa thì lòng yêu nước đó chưa là gì cả. Với tôi, lòng yêu nước thật sự là ở đây, trên quần đảo Trường Sa thân yêu này. Tôi biết có những chiến sĩ chưa từng thấy mặt con dù các cháu đã tròn một tuổi. Với các đảo chìm, doanh trại nhỏ nhưng các chiến sĩ vẫn phải chắc tay súng, và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trên một số đảo của ta, chỉ cần thấy có dấu hiệu đang xây dựng là tàu chiến Trung Quốc sẽ xuất hiện do thám và gây hấn. Trong chuyến đi, một sĩ quan hải quân đã ước ao sẽ được một lần dẫn đoàn đi thăm Hoàng Sa. Anh bạn ngồi cạnh tôi hỏi: "Anh có muốn đi không?" Tôi trả lời: "Tại sao không?" Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt, không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam cơ mà! Tuy nhiên, tôi vẫn có chút xót xa khi thông tin về Hoàng Sa hiện nay vẫn còn quá ít. Tàu đang lắc lư và tiếp tục giai đoạn cuối của cuộc hành trình về lại với đất liền. Chuyến hành trình này rồi cũng sẽ kết thúc nhưng tôi tin rằng, trong trái tim của tất cả chúng ta, Trường Sa mãi mãi thiêng liêng và những kỷ niệm đẹp, những trải nghiệm của chuyến đi này sẽ không bao giờ phai nhạt.. Hẹn gặp lại nhé Trường Sa và mong lắm một ngày được đến với HoàngSa! Những ngày ở Mỹ Chuyến đi này là khi tôi tham gia một chương trình huấn luyện về quản trị hiệu quả kéo dài trong ba tuần tại Mỹ do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ thôngqua Hội đồng Thương mại Việt Mỹ. New York Chương trình đào tạo chiều thứ Sáu kết thúc khá muộn, tôi và hai người bạn vội về khách sạn để đón xe buýt lên New York. Có câu nói rằng chưa đến New York là chưa đến Mỹ. Chuyến xe bus Grey Hound lăn bánh khỏi Thủ đô Washington DC lúc 6 giờ 45 với giá vé khứ hồi là 69 đô la, cao hơn xe bus ở China Town. Hành trình đến New York kéo 4 tiếng 20 phút, vừa đủ cho để đánh một giấc ngắn và tôi tranh thủ kiểm tra email ngay trên xe. Khách sạn tôi đã đặt trước là Edison Hotel, đường số 45, với giá cho twin room là 230 đô la/đêm. Tuy nhiên, không may là khách sạn hết phòng và họ đã hủy booking của tôi. Chúa ơi! Hai người bạn đồng hành vẫn ngủ ngon trên xe vì yên chí phòng đã được đặt sẵn. Tôi đành phải tìm thêm vài khách sạn nữa ở New York và cẩn thận chép vào điện thoại để khi đến đó còn biết chỗ mà tìm, đặc biệt là khách sạn Carter của một Việt kiều. Chúng tôi xuống nhà ga ở Quảng trường Thời đại và choáng ngợp trước khung cảnh náo nhiệt của New York. Những tòa nhà cao tầng, đèn sáng lung linh, dòng người đông như hội, mặc dù lúc này đã là 12 giờ đêm. New York không hổ danh là "Thành phố không bao giờ ngủ"! Đủ màu da, đủ lứa tuổi đang chen lấn nhau trên đường. Tình hình vệ sinh ở New York kém hơn hẳn so với thủ đô Washington DC. Chúng tôi đến khách sạn Carter trên Phố 42. Anh chàng tiếp tân da đen lắc đầu nguầy nguậy: "Anh không đặt phòng trước, chúng tôi hết phòng rồi!" 12 giờ 30 đêm, nghe lời từ chối mà tôi bối rối quá! Tuy nhiên, tôi vẫn cố vớt vát: "Chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi được giới thiệu đến đây vì khách sạn này có chủ là người Việt Nam, tôi có thể gặp quản lý được không?" Rất may, quản lý là người Việt và chúng tôi nhanh chóng có được một phòng với giá khá rẻ 116 đô la/ đêm. Thật quá may mắn! Chúng tôi đi bộ ra Quảng trường và các bảng quảng cáo bằng đèn rất lớn, chạy dọc theo các tòa nhà cao tầng. Đi lòng vòng để kiếm một nhà hàng Tàu nhưng không thấy nên đành phải ghé vào một nhà hàng Hàn Quốc có bán cơm. Đồ ăn ở đây cũng hợp khẩu vị và giá khá rẻ. Sáng hôm sau, chúng tôi đi tàu điện ngầm đến bến phà để ra thăm Tượng Nữ thần Tự do; sau đó, ghé thăm Wall Street, Ground Zero, China Town. Đặc biệt, chúng tôi ăn trưa tại nhà hàng Việt Nam có tên Nha Trang ở phố Centre. Ở đây, một tô phở giá 5 đô la, dĩa cơm bò lúc lắc, cơm chiên Dương Châu là 6 đô la. Phố Tàu thì đông nghịt người mua bán. Ở cái xứ thực thi nghiêm túc nhất về quyền sở hữu trí tuệ thì tại China Town này, đồ nhái, đồ giả vẫn được bày bán tràn lan. Người Trung Quốc giỏi thật! Họ lập ra những khu mua bán sầm uất ở các thành phố lớn trên thế giới và biến nó thành một địa điểm để du khách đến chơi và mua sắm. Lang thang ở New York đến 7 giờ tối, chúng tôi lại lên xe bus của Grey Hound và quay về lại Washington DC. 11 giờ 30 đêm, chúng tôi về đến khách sạn và kết thúc một ngày ngao du ở New York. Một ngày làm tình nguyện viên cho Foodbank Sáng thứ 7, cả đoàn đi làm tình nguyện cho Foodbank tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma. Công việc cụ thể là gì thì chúng tôi vẫn chưa biết! Rời khách sạn, xe chạy khoảng 30 phút thì đến một khu vực khá đẹp. Chúng tôi bất ngờ khi biết đây là nơi ở của người có thu nhập thấp, đa số là người da màu. Foodbank Tulsa là tòa nhà đẹp và khá lớn. Số tiền đầu tư để xây tòa nhà này là do một cá nhân tài trợ. Foodbank Tulsa, là một tổ chức NGO (Non Government Organization ), có nhiệm vụ nhận sự tài trợ, ủng hộ thức ăn của các tổ chức (chủ yếu là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm), các công ty và cá nhân; sau đó, phân phối lại cho khoảng 440 điểm, là các nơi có nhu cầu tại 24 quận của bang Oklahoma. Hiện nay, hàng tuần, Foodbank đang cung cấp bữa ăn cho 50.000 người, tương đương với 539.000 bữa ăn trong một tháng. Foodbank được trang bị hệ thống kho chứa khá hiện đại và khá lớn. Họ có kho đông lạnh để giữ thức ăn, hệ thống kho kệ chứa hàng khô. Với nhu cầu như hiện nay, Foodbank có thể dự trữ được được thức ăn dùng trong hai tháng rưỡi. Mặc dù hôm nay là sáng thứ Bảy nhưng ở đây rất nhộn nhịp. Chúng tôi gặp một nhóm thanh niên trẻ khoảng 14-15 tuổi, mặc áo thun đỏ, tóc cắt ngắn đang xếp hàng trước nhà vệ sinh.. nữ! Hỏi ra mới biết, đây là các thiếu sinh quân đến đây để làm tình nguyện. Vì để đảm bảo năng suất làm việc nên viên chỉ huy đã yêu cầu tất cả các tình nguyện viên phải đi vệ sinh trước khi vào việc. Vì vậy, họ đã độc chiếm luôn cả nhà vệ sinh nữ để "giải quyết" nhanh. Chúng tôi đi tham quan một vòng tòa nhà Foodbank, hệ thống nhà kho, nhà bếp và khu vực làm việc của tình nguyện viên. Các thành viên trong đoàn rất ngạc nhiên khi biết đây là một tổ chức tình nguyện, không có mối quan hệ gì với nhà nước. Trong tổng số thực phẩm mà họ nhận tài trợ thì chỉ có 5% là từ các cơ quan chính phủ. Rồi cũng đến lúc chúng tôi bắt tay vào việc. Công việc cụ thể là chúng tôi sẽ chuẩn bị bữa ăn cuối tuần cho các em thiếu nhi. Đó là một túi thực phẩm gồm 12 món như: Sữa, bánh kẹo, snack, bánh mì, nước cam.. đảm bảo cho một đứa trẻ có thể ăn uống trong hai ngày cuối tuần mà không cầnphải mua gì thêm. Phần thực phẩm này chủ yếu dành cho các em nghèo hoặc mồ côi. Chúng tôi có tất cả 15 người và chia ra thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách bỏ vào túi hai món thực phẩm. Mọi người tạo thành một dây chuyền làm việc. Chúng tôi nhìn số lượng thùng carton thực phẩm chờ được phân phối mà phát ngợp. Nhưng phải bắt tay vào làm thôi! Chúng tôi muốn làm nhanh hơn thời gian quy định nên mọi người đều hăng say, háo hức. Nhiệt tình nhất là Madeline, cô bé 8 tuổi dễ thương, con gái của Mr. Berry, người hướng dẫn chương trình của chúng tôi ở Oklahoma. Madeline nhanh nhẹn chạy qua chạy lại giữa các nhóm để hỗ trợ và phân phối hàng. Lâu lâu, cô bé lại nhảy vào thùng rác to để giẫm các vỏ hộp xuống cho gọn gàng. Mọi người vừa làm vừa đùa với nhau, ai cũng cố gắng làm thật nhanh để người ở chuyền sau "vất vả". Tuy nhiên, vì mọi người đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái nên công việc khá suôn sẻ. Tổng kết sau 1 tiếng 15 phút làm việc, chúng tôi đã đóng gói được 77 thùng carton, tương đương khoảng 5.000 phần thức ăn trẻ em. Wow! Vậy là chúng tôi vượt định mức đề ra được khoảng 15 phút. Rời Foodbank, chúng tôi trở về lại khách sạn. Với tôi, công việc tình nguyện hôm nay đã để lại một kỷ niệm đẹp trong cả chuyến đi này. San Jose Tôi rời Dallas và bay đến San Francisco. Đón chúng tôi tại phi trường là ba người bạn. Chúng tôi chạy về San Jose, ra khỏi San Francisco vài dặm thì tôi thấy hai bên đường là hàng loạt công ty công nghệ. Tôi dễ dàng nhận ra Google, Yahoo, Sun.. đây chính là Thung lũng Silicon, niềm tự hào một thời của nước Mỹ. Tuy nhiên, sau khi bùng nổ hàng loạt công ty dotcom vào những năm đầu thế kỷ 21 thì hiện nay đã có rất nhiều công ty đã phá sản, làm cho bộ mặt của Thung lũng Sillicon không còn tươi tắn và sung sức như xưa. Có khá nhiều tòa nhà, từng là văn phòng, trụ sở của các công ty dotcom nay bị bỏ trống, việc kinh doanh vì thế mà cũng chậm lại. Một anh bạn của tôi chuyên đi đấu thầu mua thanh lý trang thiết bị, máy tính của các công ty lớn và bán lại cho các công ty nhỏ hơn có nhu cầu hoặc bán lẻ cho biết đang tạm thời nghỉ hưu, không làm gì cả vì nhu cầu thị trường giảm mạnh quá. Thời hoàng kim, anh có thể tham gia hai cuộc đấu thầu mỗi ngày. Anh đi khắp các tiểu bang ở Mỹ để mua bán. Còn bây giờ, giỏi lắm trong một tháng chỉ còn vài cuộc đấu thầu nên anh dành nhiều thời gian để đánh tennis hơn là kinh doanh. Thung lũng Sillicon còn nổi tiếng vì có các trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Standford, USCA, Bakerley.. Khung cảnh của Standford khá thơ mộng nên nhiều đôi uyên ương đã đến đây để chụp hình đám cưới. Chúng tôi đến ăn tối tại nhà hàng Vũng Tàu, khu downtown của San Jose. Ở đây có đầy đủ các món ăn Việt Nam, kể cả bánh khọt, rau muống luộc, thịt kho dưa giá.. Cộng đồng người Việt ở San Jose và vùng phụ cận có thể lên đến 250.000 người. Người Việt ở đây không sống tập trung như Orange County mà lại trải đều ra khắp nơi. Vì vậy, đi đến đâu cũng thấy các bảng hiệu Việt Nam xung quanh các ngôn ngữ khác như Mỹ, Mexico và Hàn Quốc. Quán cà phê Việt Nam ở San Jose có một nét tương tự như các quán Hooters, đó là các cô gái phục vụ đều khá xinh và ăn mặc rất "hấp dẫn". Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu cho rằng các cô phục vụ này vì nghèo mới đi làm như vậy. Anh bạn tôi cho biết, các em này đều đi xe Lexus hoặc Mercedes, giá không dưới 100.000 đô la! Tiền lương của nhân viên phục vụ ở đây khoảng 3.000 đô la/tháng cộng với tiền tip cũng khoảng như vậy nên các em sống khá ung dung. Cuộc sống ở San Jose khá bình lặng và êm đềm. Sau 9 giờ tối, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa. Ở đây, cộng đồng Việt Nam tự hào là những người đã làm thành phố San Jose thức dậy. Những năm sau 1975, San Jose là một thành phố buồn tẻ, kinh tế chậm phát triển. Chỉ từ khi có người Việt đến định cư, tổ chức các hoạt động kinh doanh, ăn uống, dịch vụ thương mại sau đó là người Mễ, Thái Lan, Hàn Quốc kéo đến thì bộ mặt thành phố San Jose mới thay đổi nhanh chóng. Khí hậu San Jose hơi nóng và không có mùa rõ rệt vì nằm giữa thung lũng, ba bề là núi. Buổi sáng, chúng tôi đến ăn phở ở quán 54. Tô phở ở đây cũng khá to. Tôi chợt nhận ra rằng, lý do tô phở ở Mỹ to hơn tô phở ở Việt Nam rất nhiều là do chi phí trong một tô phở thì phần đắt nhất là tiền chỗ ngồi và tiền công phục vụ, trong khi tiền nguyên liệu cho tô phở như bánh phở, thịt.. thì không đáng là bao. Vì vậy, để có thể làm hài lòng khách hàng, chủ tiệm phải làm tô phở lớn, đáng đồng tiền bát gạo. Ngoài ra, đó cũng còn là bài toán so sánh giữa tô phở Việt Nam với bữa ăn của các dân tộc khác như đồ ăn nhanh của Mỹ, đồ ăn của Mễ, Hàn Quốc, Hawaii.. Tức là, phải làm sao cho tô phở Việt Nam cung cấp đầy đủ calories cho người dùng, đặc biệt là người Mỹ với cái giá chấp nhận được. Ở Mỹ, nếu có 10 đô la thì có thể vào ăn phở vô tư nhưng không thể vào bất kỳ tiệm ăn nào khác! Chuyến đi này đã giúp tôi hiểu hơn về cụm từ "xã hội dân sự", tức là vai trò trung tâm của người dân. Chính phủ thu thuế và có trách nhiệm rõ ràng đến việc đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Bất kỳ người dân nào cũng có quyền góp ý, đề đạt ý kiến của mình và yêu cầu chính phủ phải giải quyết. Ngược lại, chính phủ Mỹ hoặc chính quyền tiểu bang, thành phố, quận, hạt.. chỉ có trách nhiệm về đường xá, cung cấp nước, cứu hỏa, cảnh sát, giáo dục (tùy tiểu bang) ; còn lại tất cả các hoạt động khác là do người dân tự tổ chức và thực hiện. Vai trò của các tổ chức xã hội là hết sức quan trọng trong xã hội Mỹ hiện nay. Thứ hai tôi nhận thấy là một trong những quan tâm hàng đầu của chính phủ Mỹ là vấn đề tạo công ăn việc làm. Khi đi tham quan các nhà máy, cơ sở sản xuất thì điều đầu tiên người ta giới thiệu với tôi không phải là công nghệ tiên tiến hay hiệu quả kinh doanh mà là công ty này sử dụng bao nhiêu lao động. Thứ ba, người dân Mỹ rất tôn trọng pháp luật và điều này thể hiện rất rõ trong việc giao thông trên đường hoặc trong hoạt động của các tổ chức xã hội. Cuối cùng, thứ tự ưu tiên trong xã hội là phụ nữ, trẻ em, vật nuôi và đàn ông.. tưởng nói đùa cho vui nhưng thực tế là hoàn toàn chính xác!
Sa mạc Gobi Bấm để xem Tôi tham gia đoàn Hội Hữu nghị Việt Nam Mông Cổ đến thăm đất nước Mông Cổ vào dịp Quốc khánh ngày 11 tháng Bảy năm 2012. Khao khát một lần được đến với thảo nguyên bao la, cưỡi ngựa, bắn cung trên quê hương Thành Cát Tư Hãn đã được thỏa mãn. Con người Mông Cổ chân thật, hiếu khách, thảo nguyên xanh tươi với những đàn gia súc đủng đỉnh gặm cỏ và những chiếc "ger" - tên gọi của chiếc lều độc đáo, ngôi nhà di động của các cư dân thảo nguyên đã cuốn hút tôi. Lễ hội mừng Quốc khánh được tổ chức với các hội thi đua ngựa và vật cổ truyền. Đặc biệt, toàn bộ hơn một triệu dân ở thủ đô Ulambator đã đổ về vùng quê, ở lều và tham gia các lễ hội truyền thống trong suốt ba ngày. Trong chương trình của đoàn không đến thăm sa mạc Gobi. Nhưng tôi đọc rất nhiều tài liệu về Gobi và có người đã nói rằng: Chưa đến Gobi là coi như chưa đến Mông Cổ. Vậy thì, tôi cùng một anh bạn quyết định sẽ ở lại thêm một ngày nữa để đến được Gobi cho thỏa chí. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản.. Mùa này, đến Gobi chỉ có con đường duy nhất là đi máy bay. Và cũng chỉ có hãng hàng không duy nhất có chuyến bay từ Ulambator đến Dalanzadgad (sân bay tại sa mạc Gobi) là Eznis Airway. Tuy nhiên, các chuyến bay đều chật kín vì khách nước ngoài đến du lịch dịp quốc khánh rất đông và họ cũng thích đến Gobi. Các máy bay của Eznis lại nhỏ, loại cánh quạt SAAB 340 chỉ chở tối đa 70 người. Quốc khánh, các hãng du lịch đóng cửa nên việc book vé mua tour gần như không thể. Tôi và chị bạn người Mông Cổ đã chạy đến hai công ty tour lớn nhất ở Ulambator nhưng cũng đều đóng cửa. Sau khi gọi điện thoại, hỏi thăm khắp nơi thì chúng tôi biết được còn một văn phòng của Eznis mở cửa từ 12 giờ đến 17 giờ chiều. Đến nơi thì rất may còn được vài chỗ trống nhưng khi trả tiền (khoảng một triệu tiền Mông Cổ, tức khoảng 7 triệu VNĐ cho một vé khứ hồi) thì hỡi ôi, họ chỉ nhận tiền Mông Cổ, không nhận đô la và cũng không thể thanh toán bằng thẻ tín dụng. Đành phải giữ chỗ trước và ngày mai quay lại trả tiền và nhận vé. Tôi về khách sạn và mơ màng cho chuyến đi. Ung dung lên Agoda để đặt khách sạn thì phát hiện là không có khách sạn để đăng ký. Cuống cuồng tìm kiếm trên Internet để có thông tin về khách sạn ở sa mạc Gobi và nhận ra mình sai lầm vì hoàn toàn không có khách sạn và rất ít thông tin về dịch vụlưu trú ở đây. Cuối cùng, tôi cũng tìm được thông tin về khu nhà lều - khách sạn "năm sao sa mạc" tên là Three Camel Lodge với những nhận xét tích cực về nơi này. Khi gọi điện thoại để tìm hiểu về khu nhà lều này thì được biết nó cách sân bay 70km và ở giữa sa mạc. Tôi vớt vát hỏi thêm là họ có biết khách sạn hay nhà lều nào gần sân bay không thì cô nhân viên trả lời một cách dứt khoát: Giờ này mà tôi mới book khách sạn cho ngày mai là đã quá trễ và văn phòng ở Ulambator của cô chỉ làm việc đến 6 giờ chiều và tôi có thể thanh toán tiền bằng đô la. Tôi đâm lo và vội vàng gọi taxi để đến văn phòng của Three Camel Lodge. Và sau một hồi trao đổi, tôi phải trả 870 đô la cho 30 tiếng đồng hồ ở sa mạc với lều hạng sang có nhà vệ sinh bên trong, xe đưa đón từ sân bay và đi đến các điểm cần tham quan. Đặc biệt, ngoài tiền trả cho tài xế, thuê xe, tôi còn phải trả tiền bữa ăn cho tài xế. Đúng 6 giờ chiều, tôi rời khỏi văn phòng với lời chúc mừng: "Anh sẽ là người khách Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Three Camel Lodge, sa mạc Gobi." Mất khoảng hơn một tiếng bay từ Ulambator, sa mạc Gobi đã hiện ngoài khung cửa sổ. Sa mạc Gobi là sa mạc lớn nhất châu Á, lớn thứ tư trên thế giới và là vùng giáp ranh giữa Trung Quốc và Mông Cổ. Khác với suy nghĩ của nhiều người, Gobi không chỉ có những bãi cát mà phổ biến nhất vẫn là sa mạc sỏi đá, cồn cát và núi đá. Nhiệt độ ở Gobi khoảng 40oC nhưng tôi vẫn cảm thấy mát. Đón chúng tôi tại sân bay là một anh chàng tài xế khá cao lớn và hiền lành. Anh không nói được tiếng Anh và điều khiển chiếc Land Cruiser hầm hố. Chuyến đi tại Gobi của tôi chính thức bắt đầu. Mùa này, sa mạc có mưa lác đác nên cỏ vẫn mọc xanh và trong sa mạckhông có đường đi, xe chạy trên những lối mòn và thường xuyên chạy lên cỏ. Trên đường về khách sạn, tôi yêu cầu tài xế dừng xe mỗi khi có đàn gia súc gặm cỏ. Đón chúng tôi tại khách sạn, cô quản lý Khaliun đã thống nhất với chúng tôi chương trình tour một ngày ở đây. Khaliun nói tiếng Anh khá tốt và thân thiện. Tôi nhận nhà lều của mình và hài lòng với tiện nghi của nó. Như vậy, đúng là tôi đang ở khách sạn năm sao giữa lòng sa mạc. Tôi đi vòng quanh khu nhà lều, khoảng 20 lều được dựng lên ở đây cùng với một cănlàm nhà ăn và câu lạc bộ. Nhà lều chúng tôi chỉ có nhà vệ sinh bên trong nhưng vẫn phải tắm ở khu tâp thể bên ngoài. Ở đây sử dụng toàn bộ năng lượng mặt trời và trong phòng có sẵn đèn cầy phòng khi hết điện. Nhà lều có trồng rau, bầu bí trong nhà kính nên các bữa ăn đều có đầy đủ rau xanh. Tại phòng câu lạc bộ có tivi và đầu máy với các bộ phim về du lịch Mông Cổ và Gobi. Cô nhân viên phục vụ vừa làm vừa tự học tiếng Anh với cuốn sách mở sẵn trên quầy bar. Trải nghiệm đầu tiên của chúng tôi khi khám phá sa mạc Gobi là đi cưỡi lạc đà hai bướu Bactria, loại lạc đà chỉ có ở đây. Theo dân địa phương thì lạc đà là động vật rất có ích với cuộc sống của du mục. Lông lạc đà được dùng để dệt vải, sữa là đồ uống bổ dưỡng và đặc biệt, phân khô có thể dùng làm nhiên liệu. Da lạc đà dùng làm giày và yên. Tôi phải trả khoảng 10 đô la cho một lần cưỡi lạc đà đi lòng vòng và chụp hình. Tuy nhiên, các chú lạc đà nhìn thì rất oai vệ nhưng mùi lại rất hôi. Anh bạn đi cùng đã ho sặc sụa khi leo lên lưng lạc đà. Sau khi đi một vòng, chúng tôi được mời vào ger uống sữa ngựa và mua đồ lưu niệm. Tôi từ chối vì không chịu được mùi chua của món sữa ngựa lên men. Rời các chú lạc đà Bactria, chúng tôi đến thăm các cồn cát. Cát trắng trải dài và chất cao thành đụn, nổi bật giữa sa mạc đá. Tuy nhiên, so với bãi cát ở Phan Thiết thì các đụn cát ở đây không lớn bằng. Và ấn tượng nhất với tôi là bầu trời xanh, mây trắng ở sa mạc buổi chiều. Đẹp đến nao lòng. Anh bạn đi cùng lẩm bẩm: Đây là bầu trời đẹp nhất mà anh từng thấy và đủ cảm hứng để anh ta làm thơ! Chúng tôi đón hoàng hôn xuống dần trên sa mạc tại khu vực bãi đá đỏ. Trước khi đi, chúng tôi được biết khoảng 8 giờ tối thì mặt trời sẽ lặn. Ở Mông Cổ, mùa này, ngày rất dài. 4 giờ thì trời đã sáng và 21 giờ mới bắt đầu tối. Ánh hoàng hôn nhuộm vàng không gian. Đêm ở sa mạc đầy sao. Khi chúng tôi quay trở về ger thì đã "hết" điện. Ngọn đèn cầy lung linh và mùi nhang thơm thoang thoảng dỗ tôi vào giấc ngủ say. Sáng hôm sau, vượt hơn 40km, chúng tôi đến thăm Bảo tàng thiên nhiên tại Gobi. Đây là một khu núi đá có trứng khủng long hóa thạch. Tôi thuê ngựa để đi sâu vào trong, với giá 10 đô la. Núi đá hùng vĩ sừng sững giữa sa mạc mênh mông, ở giữa là dòng suối và có những tảng băng chưa tan hết. Cha con người Mông Cổ cho thuê ngựa cùng với chúng tôi đi sâu vào trong núi rất có ý thức bảo vệ môi trường, trong khi chúng tôi mê mải chụp hình thì họ lặng lẽ thu gom các vỏ chai mà du khách vứt lại trong núi! Rời sa mạc Gobi, tôi có hàng trăm tấm ảnh về các đàn gia súc như ngựa, lạc đà, dê, cừu vì với tôi, đây là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt của người dân Mông Cổ. Băng qua sa mạc, tôi không thể tưởng tượng được rằng, hàng ngàn năm qua, người Trung Quốc, người Mông Cổ đã phi ngựa qua lại trên mảnh đất này. Ấn tượng mạnh nhất là hình ảnh những đứa trẻ rất dễ thương, sống tách biệt trên sa mạc. Các bé đều rất khỏemạnh, xinh xắn và hiếu khách. Trên chuyến bay từ Gobi về lại Ulambator, tôi cảm thấy hạnh phúc với 30 tiếng mình được sống ở sa mạc đặc biệt này và biết rằng, sẽ khó có dịp được quay trở lại! Tạm biệt Gobi!
Theo dấu chân của Hemingway ở La Havana, Cuba. Bấm để xem Tôi quyết định tự mình khám phá những nơi mà nhà văn Mỹ, đoạt giải Nobel năm 1954, Enerst Hemingway đã từng sống và sinh hoạt tại thủ đô La Havana, Cuba. Cô bán tour của Havanatour đã tận tình hướng dẫn cho tôi những địa điểm cần đến. Chỉ trừ ngôi biệt thự Finca Vigia, nơi ông sống những năm 1939-1961, nằm về phía Đông và cách trung tâm La Havana 15km, các điểm còn lại đều nằm trong khu phố cổ nên việc tham quan khá dễ dàng. Điểm đầu tiên tôi đến là quán bar Bodeguitar trên đường Empedrado. Quán bar nằm trong một con phố nhỏ, cách nhà thờ lớn chừng 50m. Như nhiều quán bar khác ở La Havana, Bodeguitar chỉ mở cửa sau 11 giờ sáng. Bên trong có khá nhiều hình ảnh về Hemingway, đặc biệt là bút tích của ông được treo trang trọng trên quầy bar "My favourite mojitos in Bodeguitar. My daiquiry in Flodirita." Mojotos là một loại cocktail rất nổi tiếng ở Cuba, được pha chế bằng rượu rum, đường, nước chanh và lá bạc hà tươi. Nó có mùi thơm và vị cay cay. Trên quầy bar của Bodeguitar luôn để mười ly mojotos pha sẵn để phục vụ khách hàng mà đa số là khách du lịch. Khi tôi đến Bodeguitar, phía trước có một bà lão ăn mặc sặc sỡ, ngậm một điếu xì gà to. Với khách du lịch Cuba, bà lão này rất nổi tiếng vì hình của bà được in trên cuốn guide book của Lonely Planet. Khi khách du lịch đến thăm Bodeguitar, bà lão đều cười rất tươi và mời gọi chụp hình lưu niệm chung, giá cho một tấm ảnh chụp chung là 1 CUC. Tôi chụp hình chung với bà lão một tấm ảnh và đưa 3 CUC. Bà lão cười rất tươi, không trả lại tôi tiền thừa và yêu cầu chụp thêm hai tấm nữa! Rời Bodeguitar, tôi đi dọc theo một con phố cổ là đến khách sạn Mundos Hotel. Đây là khách sạn mà Hemingway đã từng ở giai đoạn 1932-1939. Hồi ấy, ông ở phòng 511 và bây giờ nơi này trở thành phòng trưng bày một số hiện vật của ông. Khách sạn Mundos nằm ngay góc đường với màu sơn đỏ nhạt. So với những khách sạn 4-5 sao khác nằm ở dọc bờ biển ở La Havana thì Mundos không tiện nghi và hiện đại bằng nhưng giá thuê phòng lại rất đắt. Giá một phòng bình thường là 185 CUC/đêm! Trong khi đó, tôi ở tại khách sạn bốn sao Riviera ngay bên bờ biển mà chỉ phải trả 50 CUC/đêm. Lý do của sự đắt đỏ này là vì nhà văn Hemingway đã từng ở tại đây! Tạisảnh của khách sạn Mundos, hình ảnh Hemingway hiện diện khắp nơi. Người bảo vệ khách sạn đã vui vẻ chụp hình giúp tôi. Anh ta cũng cho biết mùa này khách đến ở tại khách sạn không nhiều, đa số là khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Tôi đi dọc con phố cổ Opispo hướng về khu quảng trường Capitolio với vô số các cửa hàng, nhà hàng ở hai bên đường. Đây là khu phố mua bán chính của La Havana nên mặc dù đã 11 giờ 30 sáng thứ Tư nhưng đường phố đông nghịt người. Trước các cửa hàng, người ta rồng rắn xếp hàng để đợi được vào cửa hàng mua sắm. Hàng hóa ở La Havana không nhiều và không phong phú vì đa số là hàng nhập khẩu do các công ty quốc doanh độc quyền nhập khẩu và phân phối. Đi bộ khoảng 500m từ khách sạn Mundos, tôi đến quán bar Flodirita, nơi đã phục vụ cho Hemingway những ly Daiquiry thơm lừng. Ở đây, có một bức tượng Hemingway bằng đồng đang đứng cạnh quầy bar và đặt tại góc quán, kích cỡ gần bằng người thật. Tất cả khách du lịch đến đây đều chụp hình chung với bức tượng này. Cũng như ở Bodeguitar hay khách sạn Mundos, Flodirita cũng có rất nhiều hình ảnh về Hemingway, đặc biệt là những tấm ảnh chụp chung giữa Hemingway và lãnh tụ Fidel Castro. Tôi gọi đồ ăn trưa ở Flodirita, giá đồ ăn ở đây đắt gần gấp đôi so với quán khác. Đến sau tôi là một đoàn du khách Canada. Hướng dẫn viên luôn miệng giới thiệu về món ăn ở đây và cũng không ngần ngại nói thẳng: Đề nghị du khách lưu ý vì giá ở đây không rẻ chút nào! Rời Flodirita, tôi thuê xe taxi đến Finca Vigia là nhà ở của Hemingway từ năm 1939-1961. Ngôi nhà này được chính phủ Mỹ công nhận là địa điểm nằm trong Sách đỏ và là một trong hai địa điểm thuộc danh sách Sách đỏ bên ngoài nước Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đã tài trợ cho Cuba để tôn tạo và gìn giữ ngôi nhà này. Ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi với diện tích 36.000m2. Vườn rộng và trồng rất nhiều loại cây ăn trái. Phong cảnh thanh bình và yên ả. Vé vào tham quan là 6 CUC/người và lệ phí mang máy chụp hình là 5 CUC. Theo quy định thì khách phải tắt đèn flash khi chụp hình. Ngôi nhà đã được gìn giữ rất tốt. Tôi đi vòng quanh ngôi nhà và hình dung được phần nào cuộc sống của nhà văn trước đây. Có hai thứ nhiều nhất trong ngôi nhà này là sách và đầu thú rừng. Nó thể hiện được hai niềm đammê lúc sinh thời của Hemingway: Đọc sách và săn bắn. Theo thống kê, có 9.000 quyển sách được lưu giữ ở đây và trên các cuốn sách này đều có bút tích của Hemingway. Tôi đếm được có khoảng mười đầu thú được treo trên tường ở các phòng trong nhà. Chiếc máy đánh chữ cũ mà Hemingway đã dùng để ghi lại những sáng tác bất hủ của mình vẫn nằm ngay ngắn trong phòng ngủ. Toàn bộ phòng khách, phòng làm việc, phòng ngủ và cả phòng vệ sinh đều mở cửa để cho du khách chiêm ngưỡng. Các nữ quản lý tòa nhà khá thân thiện và giúp tôi chụp hình phía trong các gian phòng vì du khách chỉ được đứng bên ngoài. Hemingway có đặt kính viễn vọng đặt ở lầu vọng cảnh, phía sau ngôi nhà lớn. Từ đây, ông có thể ngắm nhìn thành phố La Havana xa xa với tòa nhà tháp Capitolio và Quảng trường Cách Mạng. Điều đặc biệt là chuyếc thuyền Pilar mà Hemingway thường đi câu cũng như là bối cảnh cho tiểu thuyết nổi tiếng "Ông già và biển cả" vẫn được gìn giữ khá tốt và đặt trang trọng ở một góc vườn. Tôi ghé lại cửa hàng lưu niệm ở gần cửa ra vào. Ở đây, có rất nhiều bưu thiếp, đồ lưu niệm có hình ảnh của nhà văn. Đặc biệt, có cả hình ảnh nguyên mẫu ngoài đời thật của ông lão đánh cá trong tác phẩm "Ông già và biển cả". Trong cuộc hành trình theo dấu chân của nhà văn Hemingway ở La Havana, đặc biệt là khi đến thăm nhà của ông, tôi có cảm tưởng là ông vẫn còn đang sống và vẫn ở đâu đây! Tôi nhận ra một điều là Cuba rất giỏi trong việc khai thác các điểm du lịch. Không phải tự nhiên mà Cuba đã thu hút được hơn 2, 5 triệu du khách đến thăm mỗi năm, trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận như hiện nay. Cuba không chỉ có những bờ biển đẹp, thủ đô La Havana cổ kính mà còn có những di tích văn hóa thu hút được sự quan tâm và chiêm ngưỡng của du khách. Tôi nhủ thầm, có lẽ đất nước Cuba xinh đẹp, người dân hiền hòa, thân thiện, hương vị Mojotos và Daiquiry nồng cay đã góp phần giúp nhà văn Mỹ Enerst Hemingway cho ra đời những tác phẩm bất hủ mà hơn thế kỷ nay vẫn làm nhiều thế hệ bạn đọc trên thế giới say mê!
Thị trường Myanmar: Tiềm năng và cơ hội Bấm để xem Từ ngày 26 đến 30 tháng Mười năm 2012, cùng với 20 doanh nghiệp YBA, tôi đã đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Myanmar. Chuyến đi tuy ngắn nhưng để lại trong lòng tôi ấn tượng sâu đậm về một dân tộc sùng đạo Phật và đang thay đổi từng ngày. Chúng tôi ở tại một khách sạn bốn sao nằm ở trung tâm thủ đô Yangoon. Bữa ăn sáng ở khách sạn không có nhiều món nhưng cũng tạm ổn với cháo trắng, cơm chiên, trứng ốp la.. Từ tầng 15 của khách sạn, phóng tầm mắt ra xa có thể thấy thành phố Yangon rộng lớn và rất đẹp. Đến thăm Hội chợ hàng Việt Nam vào sáng sớm nên khách chưa đông lắm. Đa số các gian hàng của Việt Nam là hàng tiêu dùng nên người dân Myanmar rất thích. Nhiều khách hàng đã kỳ kèo để được mua hàng trưng bày. Đa số các công ty Việt Nam tham gia hội chợ đều bán hàng trừ vài công ty chỉ trưng bày nhưng không bán lẻ. Có bốn gian hàng của Myanmar tham gia hội chợ, trong đó một công ty bán đồ mỹ nghệ làm từ vỏ sò, một công ty đá quý, một công ty may mặc và một công ty bán sách tiếng Anh nói về môi trường đầu tư tại Myanmar. Chúng tôi có cơ hội làm việc với các doanh nhân trẻ ở Mynamar. Ấn tượng lớn nhất là các bạn doanh nhân Myanmar nói tiếng Anh rất tốt và đầy tự tin. Qua trao đổi, tôi được chia sẻ: Có ba nhận định sai lầm của nhà đầu tư nước ngoài khi đến Myanmar: 1. Bất động sản Myanmar rất rẻ. 2. Giá nhân công của Myanmar thấp. 3. Doanh nhân Myanmar ít kinh nghiệm và thiếu linh hoạt. Thứ nhất, bất động sản ở Myanmar không hề rẻ. Trong hai năm qua, giá bất động sản tại đây đã tăng gấp ba lần vài giá thuê thấp nhất hiện nay là 10 đô la/m2/năm. So với Việt Nam, một số khu công nghiệp ngoại thành TP. HCM, giá cho thuê là 30-40 đô la/m2/50 năm. Thứ hai, giá nhân công của Myanmar chỉ thấp đối với lao động phổ thông. Mức lương phổ biến cho những người lao động giản đơn là 70 đô la/tháng. Nhưng với lao động có trình độ, nói được tiếng Anh thì mức lương bình quân phải từ 500 đô la/tháng trở lên. Tuy nhiên, do năng suất lao độngở đây thấp, không có sự hỗ trợ nhiều của máy móc nên tính ra giá nhân công không rẻ chút nào. Thứ ba, thật ra dưới thời thuộc địa của Anh, Myanmar đã là một cường quốc về xuất khẩu dầu và khoáng sản. Mặc dù 80% dân số theo đạo Phật nhưng Myanmar không bị ảnh hưởng gì bởi nền văn hóa Trung Quốc. Ở đây, ít ai biết đến Khổng Tử, Lão Tử.. Myanmar chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa phương Tây. Bởi vậy, doanh nhân ở đây rất hiểu biết và đặc biệt thận trọng trong các thỏa thuận, ký kết hợp đồng. Do thể chế chính trị hiện nay ở Myanmar là dân chủ, đa đảng, có đảng đối lập nên các quan chức đều làm việc trên tinh thần phục vụ và cẩn trọng. Chuyện tham nhũng trước đây là phổ biến nhưng hiện nay đã giảm nhiều. Myanmar hiện có 40.000 doanh nghiệp và tập trung tại các đô thị lớn như Yangon, Mandalay.. Cơ sở hạ tầng về giao thông thì tạm ổn. Họ có tuyến đường sắt chạy xuyên quốc gia, nhiều đường bay nội địa giữa các vùng và phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân là xe ô tô. Về viễn thông thì yếu kém vì chưa có sự tham gia của các công ty nước ngoài. Myanmar vẫn còn thiếu điện. Tại Yangon vẫn còn bị cúp điện. Tuy nhiên, kế hoạch đến năm 2017 thì Myanmar sẽ đủ điện và có thể xuất khẩu từ các dự án thủy điện đang triển khai. Về hệ thống phân phối thì chủ yếu là siêu thị và chợ. Thương nhân nước ngoài chưa được phép tổ chức bán lẻ tại Myanmar. Vì vậy, doanh nghiệp muốn bán hàng vào Myanmar, phải chọn được nhà nhập khẩu. Thuế nhập khẩu hàng hóa vào Myanmar bao gồm thuế thương mại 10% và thuế nhập khẩu. Đến 2015, Myanmar sẽ áp dụng biểu thuế theo AFTA thì mức thuế nhập khẩu hàng hóa tối đa là 5%. Buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Myanmar đã cho chúng tôi thêm những thông tin hết sức thú vị. Người dân Myanmar thật tâm không thích Trung Quốc và Thái Lan. Với Trung Quốc, người dân Myanmar gần đây đã biểu tình chống đối vì cho rằng Trung Quốc chỉ quan tâm đến vơ vét tài nguyên và sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Còn với Thái Lan, trong lịch sử Myanmar đã có 32 cuộc chiến với Thái Lan, trong đó Myanmar thắng 31 trận và đã hai lần chiếm được Bangkok. Triết lý đạo Phật đã thấm nhuần vào tư tưởng của người dân Myanmar. Trong đó, triết lý quan trọng nhất là: "Không tham lam những thứ không phải của mình." Năm 1939, Đảng Cộng sản Miến Điện ra đời và kêu gọi người dân cướp tài sản của địa chủ. Tuy nhiên, người dân đã không nghe theo vì họ cho rằng, địa chủ giàu vì kiếp trước họ tu tốt, còn người dân nghèo vì kiếp trước họ không tu. Cùng tinh thần này nên tại Myanmar, gần như không xảy ra tệ nạn trộm cướp. Tỷ lệ ngoại tình, ly dị ở Myanmar cũng rất thấp. Xét về tài nguyên thì Myanmar giàu có hơn nhiều so với Việt Nam. Họ chỉ thua Việt Nam về than đá. Tuy nhiên, họ rất khâm phục khi với tài nguyên không nhiều như vậy nhưng Việt Nam vẫn đang dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, cà phê, tiêu, đồ gỗ.. Năm 1959, Bác Hồ có đến thăm Myanmar. Lúc đó, Đại học Yangon được xếp thứ 19 trên thế giới về chất lượng đào tạo. Tỷ lệ biết đọc, viết của người Myanmar khá cao. Hiện nay, khi thực hiện chính sách mở cửa, Myanmar chỉ cho phép các trường đến từ Mỹ và Anh tổ chức đào tạo ở Myanmar. Tổng thống Myanmar vẫn chưa thông qua luật đầu tư mới do Quốc Hội đệ trình vì ông cho rằng, luật còn quá bảo thủ và bảo hộ doanh nghiệp trong nước quá đáng. Nhìn chung, Myanmar vẫn là một thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, lúc này, có vẻ chúng ta đang chậm chân hơn Trung Quốc, Singapore và Thái Lan. Rời Myanmar, mỗi doanh nhân đều có những nhận định của riêng mình. Đa số đều đánh giá đây là thị trường tiềm năng và họ sẽ sớm quay trở lại để có thể thâm nhập một cách hiệu quả.