"Sách hay, là khi gấp trang cuối, thôi thúc ta hành động.. Nhắn tin thằng em, bảo đạp xe xuyên Việt không? Nó bảo đang dịch dọt, đi làm sao được. Bảo đâu đi liền, mà lên kế hoạch, để khi hết dịch, có cơ hội mần ngay. Qua lại một hồi, xin nó bài tập gia tăng thể lực. Sau khi nhận bài, tự cười: Mình sung dữ. Tối xuống cái sân bóng rổ bé teo, sau khi chạy 60 phút, tập thêm 1h bài nó gởi, trong đầu hình dung về một chuyến đi. Đó là hệ quả của một cuốn sách được tặng. Lâu rồi mới có cảm hứng đọc một lèo hết cuốn sách. Thậm chí quên ăn trưa chỉ vì bị cuốn theo câu chuyện. Không một dòng dạy đời, phân tích, rặt kể theo kiểu gạch đầu dòng những sự việc diễn ra. Hình dung ngay tình huống, rõ mồn một từng hành động, căng thẳng theo nhân vật.. Tên sách: Sống không sự mất- đi là phải chất. Nội dung là những chuyến đi của Ash Dykes, một chàng trai trẻ người xứ Wales- Vương Quốc Anh. Người hiện tại được tổ chức Guinness xác nhận 2 kỷ lục: Đi bộ xuyên Mông Cổ và đi bộ xuyên Madagascar. Tất cả đều thực hiện trước khi bước vào tuổi 25. Mọi thứ bắt đầu từ lúc Ash 16 tuổi, cậu đã mơ về những chuyến đi kiểu trải nghiệm. VỚi sự giúp đỡ của ba, cậu đã lập một bản đồ tư duy về chuyến đi đầu tiên, ngay sau tuổi 18, tốt nghiệp trung học. Để có tiền, Ash dành dụm, học trở thành một người cứu hộ ở những hồ bơi, trực thật nhiều ca có thể để kiếm tiền. Ở đây, cậu truyền cảm hứng và rủ thêm được Matt, người làm chung. Hành trình đầu tiên, Ash cùng Matt đến Trung Quốc, vòng sang Thái, rồi đi Campuchia, như những du khách tây balo. Để rồi cậu nhận ra kiểu du lịch chẳng có chút thách thức, cứ đi đến những điểm du lịch thông thường, không hiểu văn hóa và con người bản địa. Cậu thay đổi, bằng việc mua xe đạp hết 8 bảng, cùng Matt, đạp từ Campuchia sang Việt Nam. Từ Tp. Hồ Chí Minh, đạp xuyên Việt ra tới Hà Nội. Sau đó là những hành trình sang Lào, quay lại Thái, xuyên nước Úc bằng những cuộc đi bộ đường dài. Điểm khác biệt là thay vì men theo những con đường bằng phẳng, đầy đủ dấu hiệu đời sống văn minh, Ash và Matt chọn những con đường khó khăn nhất. Về nhà, Ash mơ về những hành trình lớn lao, kì vĩ hơn. Và cậu chọn Mông Cổ để chinh phục quãng đường hơn 1200 dặm (hơn 2000 km). Gia đình, bạn bè, những chuyên gia đều lắc đầu, kể cả người giỏi nhất đã từng thử và thất bại sau 1/2 chặng, khuyên cậu nên thực tế. Nhưng Ash, cùng chiếc xe đẩy, với 120 kg hành lý, đã hoàn thành hành trình tuyệt vời này. Và rồi, Ash muốn chinh phục Madagascar, bằng đường rừng, và chinh phục 8 ngọn núi cao nhất trải dài đất nước. Lần này là 1600 dặm (2700 km), rất nhiều hiểm nguy: Những dòng sông ngập cá sấu, những thú ăn thịt, những cuộc bạo loạn, những ngọn núi chưa từng có ai chinh phục). Có những lúc tưởng ý chí và thể lục gục ngã trước sốt rét, cái chết cận kề vì lũ trên sông, Ash tìm lại động lực, bằng một loại bản chất của người mạo hiểm: Càng nguy hiểm, càng có động lực. Là người tham gia nhiều chuyến đi, hành trình của Ash khơi gợi thứ cảm hứng mà đã hơi chìm chìm trong lão. Thật đúng lúc, trong những ngày dịch."