Review Sách Sơn Ca Vẫn Hót - Bản Hành Khúc Nén Chặt Xúc Cảm

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Bạn học vô danh, 5 Tháng mười 2024.

  1. Bạn học vô danh

    Bài viết:
    42
    SƠN CA VẪN HÓT

    Tác giả: Kristin Hannah

    [​IMG]

    "Sơn ca vẫn hót" - bản hành khúc đè chặt lên từng xúc cảm độc giả. Tôi hay nói như vậy về cuốn sách vô thường ấy mà tôi may mắn đọc được. Được viết dưới ngòi bút của Kristin Hannah- một tác giả người Mĩ, cuốn sách Sơn ca vẫn hót đã theo gót chân của hai chị em người Pháp Vianne và Isabelle trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Tác phẩm lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của một phụ nữ người Bỉ tên là Andrée de Jongh, người đã giúp đỡ các phi công Đồng Minh bị bắn rơi khỏi sự truy lùng của Đức Quốc xã. Từ khi ra đời đến nay, sơn ca vẫn hót đã bán được hơn 4, 5 triệu bản trên toàn cầu và được dịch ra 45 thứ tiếng- một con số vô cùng lớn đối với một cuốn tiểu thuyết lịch sử giả tưởng. Và đến với Việt Nam, tác phẩm đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Phụ nữ với bản dịch trau chuốt và hoàn thiện.

    Isabelle xinh đẹp và bướng bỉnh. Từ năm 4 tuổi cô đã lớn lên trong một hoàn cảnh không mấy trọn vẹn khi mẹ cô mất, bố cô sau khi tham gia thế chiến I thì trở nên hung dữ, rượu chè, chị gái cô cũng vì quá chán nản với hoàn cảnh, trở nên lạnh nhạt với cô. Cô xốc nổi và thẳng thắn. Chiến tranh đến, nước Pháp trở nên loạn lạc. Và trong lúc đó, cô đã nhảy vào phong trào kháng chiến mà chẳng màng chút nghĩ ngợi. Từ việc nhỏ đến lớn, cô nghiêm túc đặt mình vào cuộc kháng chiến. Rồi chẳng biết từ lúc nào, cô từ một cô gái rải truyền đơn, đến một cô gái liều lĩnh vượt dãy Pyrénées đưa những người phi công trở về chiến đấu, một cô gái dám giấu một người phi công trong căn nhà của cha mình, dám đưa một người phi công khác trốn trong nhà kho của chị gái. Cô liều lĩnh, nhưng kiên định và dần trở nên cẩn thận, dần hiểu rằng, mình phải bảo vệ chị gái, đứa cháu nhỏ, và cả cha. Cái tên "Sơn ca" là bí danh của cô, và "Sơn ca vẫn hót" là một câu báo hiệu tới những người đồng đội rằng cô vẫn ổn. Nhưng có một lần, rất lâu, sơn ca bị bắt lại, bị tra tấn thể xác và tinh thần. Sơn ca bị hành hạ, đau đớn và tủi hờn, nhưng nàng chưa từng từ bỏ. Giống như cách mà Viktor Frankl đã từng khi cũng ở trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Nàng mất đi vẻ đẹp thiếu nữ, nàng gầy guộc và bệnh tật, nhưng nàng đã sống. Nàng được nghe chị gái đọc bức thư người cha già tội nghiệp đã âm thầm hi sinh gửi nàng, nàng được gặp lại người con trai mà mình trót yêu trong cuộc di tản ở Paris. Và nàng ra đi trong vòng tay ấy.. Nàng đã trở thành bó đuốc ký ức rực rỡ nhất trong tim những người còn sống sót sau này, nhất là với Vianne.

    Còn Vianne, chị gái của isabelle, một người chị, một người vợ, đã âm thầm chịu đựng suốt năm tháng chiến tranh khi chồng chị phải đi ra mặt trận chiến đấu. Suốt những năm tháng khói lửa ấy, chị cùng đứa con gái bé nhỏ đã một mình vật vã chống chọi những nghiệt ngã của chiến tranh và ôm trong mình hi vọng về một ngày đoàn viên hạnh phúc. Ngày ngày đối mặt với nỗi lo đói và rét, đối mặt với tên Đức trú đóng ở nhà mình, đối mặt với những lời cay đắng của hàng xóm. Chị đã từng rất lo sợ, từng phải để ý lời ra tiếng nói, từng phải dè chừng cẩn trọng. Nhưng chiến tranh thật quá đáng sợ, nó đã từng cướp đi người cha hiền lành của chị, để rồi một lần nữa, nó lại cướp hết mọi thứ của chị và khiến cho chị mạnh mẽ hơn. Chị đã tự mình làm giấy tờ - một việc rất khó trong thời kì chiến tranh, đã tự mình bảo vệ 19 đứa trẻ Do Thái. Chị làm những điều phi thường khiến độc giả phải ngạc nhiên về một người đã từng rất cam chịu cuộc sống.

    Các tình tiết truyện khá nhanh, làm người đọc phải tập trung đọc liền mạch mà không thể ngưng được vì sợ bỏ lỡ một con chữ, một khoảnh khắc. Có những đoạn rất tình, cũng có những đoạn rất đáng sợ, rất mệt mỏi. Có không khi đọc những trang viết về hành trình vượt dãy núi cao của Isabelle, tôi phải rùng mình mà thán phục, mà kính nể.

    Chiến tranh dù ở đâu, dù lúc nào cũng đều rất tàn khốc, trước đây cũng vậy, bây giờ cũng vậy. Chiến tranh phá hủy những mỏng manh của tâm hồn, quăng tình yêu vào cuộc chiến một cách không thương tiếc. Những người phụ nữ, vẫn luôn chống trọi gói gém những sợi dây tình yêu của riêng mình, vắt nơi cành cây gầy gộc trước cổng, và âm thầm nhung nhớ. Đàn ông chiến đấu chống lại chiến tranh ngoài phương xa, phụ nữ thì phải sống chung với nó. Và rồi, những người phụ nữ sống ở đó, nhưng chậm rãi, từng chút một đẩy nó ra xa bằng hết sức mình, bằng một niềm tin và bằng một tình yêu to lớn. Khi chiến tranh kết thúc, họ không huân chương, không ghi tên vào cuốn sách lịch sử, mà họ nhặt lại những mảnh vỡ sót lại và tiếp tục sống.

    Trang cuối cùng dần kết thúc, nhưng trên đầu ngón tay, trên mí mắt tôi vẫn còn vương vấn những xót xa đau đớn. Kết thúc có lẽ là trọn vẹn nhưng tôi vẫn âm ỉ trong tim một sự thương cảm sâu sắc, một sự tức giận nhen nhóm với những kẻ đã bắt đầu cuộc chiến phi nghĩa đó. Tôi xin nghiêng mình ngưỡng mộ Isabelle và Vannie, xin nghiêng mình cảm ơn những người đã chiến đấu vì một hòa bình. Cũng xin ngưỡng mộ tác giả Kristin Hannah - người đã rất thành công đem đến cho độc giả toàn thế giới một cuốn tiểu thuyết không có gì để bàn cãi. Từng lời thoại, từng câu từ được bà viết theo một phong cách riêng, mang lại một luồng cảm xúc mới cho người đọc. Đặc biệt, bà luôn để cuốn sách nằm giữa ranh giới của hạnh phúc và đau thương, khiến người đọc nếm đủ vị chua ngọt của chiến tranh và cuộc sống. "Sơn ca vẫn hót" là một trong rất nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử trên thế giới, nhưng chắc chắn là một bản hành khúc đã đè chặt từng cảm xúc của độc giả, đã rất tinh tế chạm vào từng nút thắt tâm hồn, khiến cho bất kì ai cũng phải xúc động khi đọc từng con chữ.
     
    Oppo00chiqudoll thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...