Soạn văn: Thư Lại Dụ Vương Thông Ngữ văn 10 kì II, Sách CTST I. Tìm hiểu chung 1. Tác phẩm Quân trung từ mệnh tập - Là một trong những tác phẩm văn chính luận xuất sắc của Nguyễn Trãi. - "Quân trung từ mệnh tập" gồm những thư từ gửi cho tưởng giặc và những giấy tờ giao thiệp với triều đình nhà Minh do Nguyễn Trãi biên soạn trong giai đoạn kháng chiến chống quân Minh (1418 – 1427) theo lệnh của chủ tướng Lê Lợi. - Tác phẩm là tập văn chiến đấu "có sức mạnh của mười vạn quân" (Phan Huy Chú). Sức mạnh ấy có được nhờ sự kết hợp tuyệt diệu giữa tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước với nghệ thuật viết văn luận chiến bậc thầy. 2. Văn bản Thư lại dụ Vương Thông a. Đọc văn bản, giải thích từ khó B. Xuất xứ - Hoàn cảnh ra đời + Cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo và Nguyễn Trãi tham mưu chính sự, vượt qua muôn vàn khó khăn để nghĩa quân Lam Sơn giành được ưu thế trên chiến trường, quân Minh liên tiếp thua trận và phải cố thủ trong thành Đông Quan chờ viện binh và lương thực. Tình thế quân địch là vô cùng nguy khốn. + Trước bối cảnh đó, Nguyễn Trãi đã nhân danh Lê Lợi gửi cho Vương Thông, chủ tướng của quân địch khi y và quân Minh đang bị quân ta vây hãm trong thành Đông Quan. Bức thư phân tích tình hình nguy khốn mọi mặt của quân Minh. +Trước bức thư này Nguyễn Trãi đã viết 12 bức và sau đó là 4 bức (tổng cộng 17 bức) gửi cho Vương Thông. Đây là lá thư thứ 35 trong Quân trung từ mệnh tập . (- Nghĩa quân Lam Sơn vây hãm thành Đông Quan, đẩy giặc Minh vào tình thế vô cùng khốn đốn. - Nguyễn Trãi viết bức thư này vào khoảng tháng 2 – 1427 (Đinh Mùi) 3. Mục đích, quan điểm của người viết: Nguyễn Trãi viết bức thư này nhằm phân tích tình hình khó khăn của nhà Minh và vạch rõ nguy cơ bại vong của quân giặc nếu vẫn ngoan cố giữ thành chờ viện binh. 4. Bố cục: Gồm 3 đoạn: - Đoạn 1 (Từ đầu đến "Sao đủ để cùng nói việc binh được?") : Tác giả nêu lên nguyên tắc của người dùng binh là phải hiểu biết về thời và thế. - Đoạn 2 (Tiếp theo đến "bại vong đó là sáu") : Tác giả phân tích thời và thế bất lợi của đối phương. - Đoạn 3 (Phần còn lại) : Tác giả khuyên các tướng giặc đầu hàng và hứa hẹn những điều tốt đẹp; đồng thời thách đấu và sỉ nhục chúng. 5. Nội dung chính: - Nguyên tắc của người dùng binh là phải hiểu biết về thời và thế. + Thế nào là thời và thế? Thời là khoảng thời gian nhất định. Thế là tổng thể các mối quan hệ tạo thành điều kiện chung có lợi hoặc không có lợi cho một hoạt động nào đó của con người. Người lãnh đạo trong bất kì một lĩnh vực nào đó muốn thành công thì phải hiểu rõ thời và thế. + Tác giả chỉ rõ cho tướng giặc biết thuật dùng binh bằng giọng điệu bề trên tỏ ý coi thường sự dốt nát của chúng: Người giỏi dùng binh là ở chỗ hiểu biết thời thế.. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại che đậy bằng lời dối trá, thế chẳng phải là hạng thất phu đớn hèn ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được? Nguyễn Trãi khẳng định đây là nguyên lý cơ bản có giá trị như một chân lí. - Tác giả phân tích thời và thế bất lợi của đối phương: + Cái thế của nhà Minh bên Trung Quốc hiện đang có ba điều bất lợi: Chính sách hà khắc tất dẫn đến diệt vong. Phía Bắc có giặc Thiên Nguyên đe dọa. Trong nước có nội loạn ở Tầm Châu . Nguyễn Trãi nêu lên một loạt dẫn chứng trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời liên hệ tới tình hình rối ren đương thời. + Cái thế của quân Minh trong thành Đông Quan bây giờ cũng có ba điều bất lợi: Thành bị vây; không viện binh; không lương thực. Dân chúng trong thành căm ghét tìm cách chống lại; quân lính thì oán trách, bất bình . Trong những khó khăn chủ quan về phía giặc thì nguyên nhân để mất lòng tin là cốt yếu, chi phối toàn bộ chiến lược của chúng. Đúng là quân giặc trong thành Đông Quan đang lâm vào tình thế cá trên thớt, thịt trong nồi. + Trên cơ sở phân tích thời, thế và sự tương quan giữa ta và địch, Nguyễn Trãi chỉ ra cho lũ tướng giặc thấy sáu cái cớ bại vong không thể tránh khỏi của chúng. Nắm vững lẽ biến dịch "cùng tắc biến, biến tắc thông", Nguyễn Trãi khẳng định thế cùng của giặc, trước mắt chúng sẽ tự tiêu diệt lẫn nhau. Đây là đoạn văn hay nhất trong bức thư bởi lập luận sắc bén, chặt chẽ, có lí có tình và giọng văn hùng hồn, đanh thép. Tướng giặc đọc thư này ắt phải khâm phục và khiếp sợ. - Tác giả khuyên lũ tướng giặc đem quân đầu hàng và hứa hẹn những điều tốt đẹp; đồng thời thách đấu và sỉ nhục chúng nếu chúng không nghe lời. + Trong phần kết thúc bức thư, tác giả nêu ra hai khả năng cho các tướng giặc lựa chọn: Một là đầu hàng, Hai là mở cửa thành đem quân ra giao chiến với nghĩa quân Lam Sơn. Tuy nhiên, ông vẫn chỉ ra cho chúng thấy rằng đầu hàng là kế sách tốt nhất để đỡ hao binh tổn tướng. + Dù đang ở tư thế chủ động nhưng Nguyễn Trãi vẫn giữ thái độ đúng mực: Đối với đám tướng giặc ngoan cố, tàn ác thì cương quyết tiêu diệt, đối với tướng giặc nào biết nghe lẽ phải thì kiên trì phân tích để dụ hàng. Lời lẽ của tác giả lúc cương, lúc nhu rất linh hoạt và giàu sức thuyết phục. + Bức thư cũng thể hiện sức mạnh và thế áp đảo của nghĩa quân Lam Sơn đang bao vây thành Đông Quan. Bên cạnh đó, tác giả cũng dùng mưu khích tướng, coi tướng giặc là lũ thất phu, là hạng đàn bà, không phải đại trượng phu.. không thể bàn việc binh được. Cách lập luận phong phú của tác giả vẫn không ngoài mục đích dụ hàng. + Tinh thần yêu chuộng hòa bình của Nguyễn Trãi nói riêng và quân dân Đại Việt nói chung thể hiện ở niềm tin tất thắng và thái độ thực lòng muốn hòa hiếu giữa hai nước. Đó là tư tưởng chiến lược lâu dài rất sáng suốt và đúng đắn. Tác giả bức thư nêu rõ thiện chí không chủ trương tiêu diệt quân Minh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho quân Minh rút về nước. + Cuối thư là lời cảnh cáo có tính chất tối hậu thư đối với tướng giặc Vương Thông với lời lẽ vừa đanh thép, hùng hồn vừa nhục mạ, chế giễu: Nếu không nghe lời ta như vậy, thì nên sắm quân dàn trận, ra giao chiến ở giữa đồng bằng để quyết một trận thư hùng, đặng xem cái tài hơn kém, không nên ngồi rũ một xó hang cùng, bắt chước cái lối đàn bà mà mang cái nhục khăn yếm như thế! II. Trả lời câu hỏi trong SGK 1. Cho biết mục đích và đối tượng của bức thư. Việc tác giả chọn cách nghị luận dưới hình thức một bức thư có tác dụng như thế nào? - Mục đích của bức thư: Khiêu khích hoặc dụ hàng, nhằm thực hiện chiến lược "mưu phạt tâm công". - Đối tượng: Vương Thông và quân sĩ nhà Minh. - Việc tác giả chọn cách nghị luận dưới hình thức một bức thư có tác dụng tác động được cả tư tưởng và tình cảm của đối phương. Từ đó gây được chuyển biến trong tư tưởng, tình cảm, thái độ của đối phương. 2. Trong đoạn trích dưới đây, câu văn nào nêu luận điểm, câu văn nào nêu lí lẽ, bằng chứng? "Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảnh khắc trở bàn tay mà thôi. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải là bọn thất phu hèn kém ư? Sao đáng để cùng bàn việc binh được?". - Câu văn nêu luận điểm: Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. - Câu văn nêu lí lẽ: + Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời thất thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại chuyển nguy. + Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảnh khắc mà thôi. - Câu văn nêu bằng chứng: Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải là bọn thất phu hèn kém ư? 3. Ở phần 2, tác giả nhiều lần vạch rõ sự giả trá, gian dối của quân Minh và cho rằng như thế là trái với "mệnh trời". Hãy dẫn ra một số từ ngữ, câu văn cho thấy điều đó. Theo bạn, vì sao việc nói đến "mệnh trời" lại cần thiết trong bức thư này? - Từ ngữ, câu văn cho thấy sự giả trá, gian dối của quân Minh và cho rằng như thế là trái với "mệnh trời" : Trước đây bề ngoài thì giả cách giảng hòa, bên trong ngầm mưu gian trá, cứ đào hào đắp lũy, ngồi đợi viện binh, tâm tích không minh bạch, trong ngoài lại khác nhau, sao có thể khiến tôi tin tưởng mà không nghi ngờ cho được. Cổ nhân nói: "Bụng dạ người khác ta lường đoán biết", nghĩa là thế đó. Xưa kia, Tần thôn tính sáu nước, chế ngự bốn phương, mà đức chính không sửa, nên thân mất nước tan. Nay Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy mấy năm nối nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy. - Việc nói đến "mệnh trời" là cần thiết trong bức thư này vì: + "mệnh trời" là điều không ai có thể làm trái, chống lại. + Vương Thông là người có thể thuyết phục, chắc chắn sẽ hiểu rõ tư tưởng thiên mệnh của Nho giáo. + Nhắc đến "mệnh trời" cho thấy sự tất yếu, thuận tự nhiên của việc quân Minh phải thua trận, đồng thời thuyết phục được Vương Thông ra hàng. 4. Khái quát những nguyên nhân thất bại tất yếu của quân Minh mà tác giả đã vạch rõ trong phần 3. Điều gì đã tạo nên tính chất đanh thép, quyết đoán trong phần này? - Khái quát những nguyên nhân thất bại tất yếu của quân Minh mà tác giả đã vạch rõ trong phần 3: Không được sự ủng hộ của 3 yếu tố: Thiên thời - địa lợi – nhân hòa. - Giọng văn mạnh mẽ, dứt khoát; dẫn ra các lí lẽ, bằng chứng xác đáng đã tao nên tính chất đanh thép, quyết đoán trong phần này. 5. Trong phần 4, tác giả đã gợi ra cho Vương Thông những lựa chọn nào? Từ đó, bạn hiểu gì về cách ứng xử của Nguyễn Trãi, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn? Trong phần 4, tác giả đã gợi ra cho Vương Thông những lựa chọn: - Ra hàng, chém lấy đầu Phương Chính, Mã Kỳ đem nộp và được quân dân Đại Việt cho về nước đường hoàng, giữ lễ. - Nếu không nghe theo giải pháp mà tác giả đưa ra, thì nghĩa quân Lam Sơn sẽ quyết một trận được thua, mà trận chiến ấy phần thua chắc chắn dành cho quân Minh. => Cách ứng xử của Nguyễn Trãi, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn khá trượng phu, vẫn tạo cơ hội cho Vương Thông nếu họ biết điều. 6. Nêu những lưu ý trong cách đọc hiểu văn bản nghị luận mà bạn rút ra được sau khi đọc Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi. Nhận xét về nghệ thuật viết văn nghị luận của Nguyễn Trãi. - Những lưu ý em rút ra được trong cách đọc hiểu văn bản nghị luận sau khi đọc Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi: + Chú ý tìm ra các luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng để thấy được sự liên kết của văn bản. + Cần hiểu được mục đích và đối tượng hướng đến của văn bản. - Nghệ thuật viết văn nghị luận của Nguyễn Trãi. + Lập luận chặt chẽ. + Có hệ thống lí lẽ, dẫn chứng minh bạch, rõ ràng, xác thực. + Tác giả không chỉ dùng lí lẽ mà còn vỗ về, hứa hẹn tạo điều kiện cho quân Minh rút lui làm chúng mềm lòng.