Soạn bài: Cô bé bán diêm lớp 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống Tri thức văn học Nhà văn An-đéc-xen Han Cri-xti-an An-đéc-xen (1805 - 1875) là nhà văn Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích cho thiếu nhi. Bằng trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, An-đéc-xen đã tạo nên một thế giới huyền ảo mà vẫn rất gần gũi với con người, với cuộc sống đời thường. Ông luôn khẳng định: Không có truyện kể nào hay hơn được những điều do chính cuộc sống tạo nên. Nhiều tác phẩm của An-đéc-xen được trẻ em trên toàn thế giới yêu thích: Cô bé bán diêm, Nàng tiên cá, Nữ thần băng giá, Chú lính chì dũng cảm, Bầy chim thiên nga.. Tác phẩm của ông quen thuộc với bạn đọc khắp năm châu, các tác phẩm đều toát lên lòng thương yêu con người và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cái tốt đẹp trên thế gian. Kho tàng truyện cổ tích của ông giàu chất nhân văn, đượm màu sắc hư ảo và thơ mộng; ngộ nghĩnh và thông minh, đáng yêu. Theo Sách giáo khoa Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống. 2. Truyện Cô bé bán diêm - Thể loại: Truyện ngắn - Ngôi kể: Thứ ba - Bố cục :3 phần + Phần 1: Từ đầu đến.. cứng đờ ra: Cảnh ngộ đáng thương của cô bé bán diêm. + Phần 2: Tiếp đó đến.. Thượng đế: Những lần cô bé quẹt diêm và mộng tưởng. + Phần 3: Còn lại: Cái chết thương tâm của cô bé. Tóm tắt Cô bé bán diêm: Truyện kể về cô bé bán diêm nghèo khổ, đáng thương. Mồ côi mẹ, bà nội mất, gia sản tiêu tán, cô bé sống với cha trong một xó tối tăm, luôn bị mắng nhiếc chửi rủa. Ngày nào cô bé cũng phải đi bán diêm để kiếm sống. Ngày cuối cùng của năm, cô bé vẫn phải đi bán diêm như thường lệ. Cô bé đầu trần, chân đất, bông tuyết lạnh buốt bám đầy người, suốt ngày em chẳng bán được gì cả. Đêm xuống, cô bé không dám về nhà vì sợ bố. Đói và rét, em tìm một góc tường rồi ngồi nép trong đó. Em quẹt những que diêm lên cho đỡ lạnh. Mỗi lần quẹt diêm, em lại tưởng tượng ra những hình ảnh đẹp đẽ. Lần thứ nhất quẹt diêm, em tưởng tượng được ngồi sưởi ấm trước lò sưởi. Lần thứ hai quẹt diêm, em thấy hiện ra bàn ăn toàn đồ quý giá và món ăn ngon. Lần thứ ba, em thấy cây thông Nô en lộng lẫy và những ngọn nến sáng rực. Lần thứ tư, em thấy hiện lên hình ảnh của người bà hiền hậu. Để níu giữ bà không vụt mất như những hình ảnh đẹp đẽ trước, cô bé quẹt hết những cây diêm còn lại trong bao. Diêm nối nhau chiếu sáng, bà em hiện lên to lớn và đẹp lão. Rồi bà cầm tay em, vụt bay lên cao. Sáng hôm sau, mọi người phát hiện ra em bé đã chết trong khe tường, đôi má em ửng hồng và đôi môi thì đang mỉm cười hạnh phúc. Em đã về với Thượng đế, không còn đói rét, không còn đau buồn. Trả lời câu hỏi Ngữ văn 6 trang 65 – Cô bé bán diêm Câu 1. Truyện Cô bé bán diêm được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy? Truyện Cô bé bán diêm được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba (nhân vật kể chuyện giấu mình). Câu 2. Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong một đêm như thế nào? Vì sao cô bé không dám trở về nhà? Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố vào lúc đêm khuya, gần giao thừa và trời thì rét mướt. Trong đêm giao thừa, khi mọi người mặc đồ ấm, ở nhà ấm áp, sung túc; thì cô bé bán diêm phải lang thang ngoài đường phố trong hoàn cảnh lạnh lẽo, cô đơn và đói khát. Cuối cùng, cô bé không dám về nhà mà ngồi một mình ở xó tường tối tăm. Cô bé không dám về nhà vì cả ngày cô không bán được bao diêm nào, cũng không có ai bố thí cho em chút đỉnh. Không mang được chút gì về nhà, bố sẽ đánh em. Em không về nhà vì một lí do nữa, là ở nhà cũng lạnh lẽo như ở đường phố vậy. Câu 3. Nêu các chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm. Những chi tiết đó giúp em hình dung như thế nào về cuộc sống của nhân vật? Ngoại hình cô bé bán diêm được miêu tả qua những chi tiết: - "Một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối." - "Em phải đi chân đất, chân em đỏ ửng lên rồi tím bầm lại vì rét." - "Chiếc tạp dề cũ kĩ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm them một bao." - "Bông tuyết bám đầy trên tóc xõa thành từng búp trên lưng". Những chi tiết đó giúp em hình dung về hoàn cảnh, gia cảnh khốn khó, nghèo khổ, đáng thương của em bé. Câu 4. Những hình ảnh sau mỗi lần quẹt diêm thể hiện những ước mong nào của em bé bán diêm? Theo em, có thể thay đổi trình tự xuất hiện của các hình ảnh đó không? + Em bé quẹt diêm 5 lần: - Lần 1: Em thấy mình được ngồi trước lò sưởi lửa cháy vui mắt tỏa hơi nóng dịu dàng - em mong muốn được sưởi ấm, vì em đang rét. - Lần 2: Em thấy mình được ngồi trước bàn ăn bày những đồ quý giá và có cả ngỗng quay - em mong muốn được ăn, vì em đang đói bụng, cả ngày chưa được ăn gì. - Lần 3: Em thấy hiện lên cây thông Noel, ngọn nến sáng rực, lấp lánh - em bé muốn được đón niềm vui, hi vọng vào năm mới, vì lúc này em đang buồn, cô đơn. - Lần 4: Em thấy bà nội hiện về đang mỉm cười với em, em muốn được ở bên bà nội. - Lần 5: Em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao, em mong bà nội sẽ không biến mất. Mộng tưởng của cô bé thật đẹp đẽ, điều đó thể hiện khát khao cháy bỏng về một cuộc sống tốt đẹp, no đủ, vui vẻ và hạnh phúc. + Theo em, không thể thay đổi trình tự xuất hiện của các hình ảnh này. Vì đây là trình tự hợp lý, phù hợp với mong muốn của con người: Muốn được ăn no, mặc ấm trước, rồi mới mong muốn hạnh phúc, vui vẻ.. Câu 5. Nêu cảm nhận của em về thái độ của người kể chuyện đối với cô bé bán diêm. Phân tích một vài chi tiết làm cơ sở cho cảm nhận đó. Mặc dù tác giả không trực tiếp thể hiện thái độ của mình với nhân vật, nhưng người đọc vẫn nhận thấy niềm thương cảm sâu sắc của nhà văn đối với cảnh ngộ, số phận đáng thương, tội nghiệp của cô bé bán diêm. Hiểu được những khát khao cháy bỏng của em bé về một cuộc sống tốt đẹp, no ấm, vui vẻ và hạnh phúc, nhà văn đã sáng tạo ra những chi tiết về những lần quẹt diêm để cô bé được sống với những phút giây đẹp đẽ ấy dù chỉ trong giây lát. Và cuối cùng, nhà văn đã giải thoát cho nhân vật khỏi cuộc sống đói rét, khổ đau bằng chi tiết kể về sự giải thoát đến với thiên đường của cô bé. Truyện kết thúc bằng cái chết của cô bé nhưng không gợi cảm giác quá bi thương. Đó chính là tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn dành cho nhân vật của mình. Câu 6. Đọc lại một số câu văn miêu tả cách ứng xử của người đi đường trước tình cảnh của cô bé bán diêm. Em nghĩ gì về cách ứng xử của họ? - Cậu bé trên đường lượm được chiếc giầy cuối cùng của cô bé đã "cười sằng sặc, đem tung lên trời. Nó còn nói to với em bé rằng nó sẽ giữ chiếc giầy để làm nôi cho con chó sau này." - "Em cố kiếm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em." - "Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh." Qua những câu văn trên, ta thấy mặc dù cô bé cô độc, đói rét, bị đày ải mà không được ai đoái hoài, quan tâm, giúp đỡ. Điều đó nói lên sự thờ ơ, lãnh đạm của những người xung quanh. Đồng thời, còn phản ánh xã hội hiện thực không nhân đạo, thiếu tình thương, sự quan tâm, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của con người. Câu 7. Trong truyện, tác giả đã sử dụng nhiều chi tiết, hình ảnh tương phản như cảnh đoàn tụ của các gia đình đêm giao thừa với tình cảnh đói rét, đơn độc ngoài đường phố của cô bé bán diêm; không khí tươi vui của ngày đầu năm với cảnh tượng em bé chết rét nơi xó tường.. Em hãy chỉ ra ý nghĩa, tác dụng của một vài chi tiết, hình ảnh đó. Những chi tiết, hình ảnh đối lập trong truyện như cảnh đêm giao thừa: Mọi người mặc đồ ấm, ở nhà ấm áp, sung túc; đối lập với em bé bán diêm chỉ có một mình, ngồi ở xó tường lạnh.. có tác dụng: Nhấn mạnh tương phản giữa cảnh ngộ nghèo khó của cô bé và cảnh tượng sung túc của mọi người; nhấn mạnh tương phản giữa sự đáng thương của em bé và sự thờ ơ, lãnh đạm của những người xung quanh. Câu 8. Những câu chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu: Nhân vật chính được hưởng bình yên, hạnh phúc. Theo em, truyện Cô bé bán diêm có kết thúc giống như vậy không? Vì sao? Theo em, truyện vừa kết thúc có hậu, vừa không có hậu: Có hậu ở phương diện, em bé được giải thoát khỏi cuộc sống như địa ngục chốn trần gian. Từ đây, em bé sẽ không phải chịu đói rét, khổ sở.. Nhưng không có hậu ở phương diện, dù nói như thế nào thì em bé cũng đã chết mà không có được cuộc sống hạnh phúc, bình an như các nhân vật truyện cổ tích khác. Sở dĩ tác giả kết thúc như vậy vì nhà văn tôn trọng hiện thực, không quá đề cao phương diện lí tưởng của hiện thực. Và bởi vì nhà văn muốn lên tiếng tố cáo một xã hội lạnh lùng, vô nhân đạo - là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô bé bán diêm. Viết kết nối với đọc - trả lời câu hỏi văn 6 trang 66 Bức thư gửi tác giả truyện Cô bé bán diêm: Bác An-đéc-xen yêu quý! Cháu đã rất cảm động khi đọc câu chuyện Cô bé bán diêm của bác. Bởi cháu đang ở xã hội hiện đại, nên cháu chưa từng nghĩ có một em bé lại phải sống một cuộc sống bất hạnh, không có tình thương như vậy. Cháu đã khóc khi em bé bị mất chiếc giầy cuối cùng. Cháu càng không kìm được nước mắt khi em bé ngồi lạnh lẽo cô đơn trong góc tường đúng đêm giao thừa mà không dám về nhà. Cháu cứ nghĩ sẽ có một phép màu nào đó sẽ đến với em bé. Vì cháu đang đọc truyện cổ tích mà, trong truyện cổ tích chẳng phải những nhân vật đáng thương như vậy luôn được phù trợ sao? Vậy mà cuối cùng, em bé lại phải chết, chết đói, chết rét! Bác ơi, nếu bác đọc được thư này của cháu, bác hãy để cho người cha tìm thấy em bé và đưa em bé về bác nhé! Bác hãy giúp em bé ấy được sống trong tình thương của cha, dù cuộc sống có thể không giàu có, ít nhất em bé cũng được yêu thương, bác nhé! Xem thêm: Soạn Bài: Thực Hành Tiếng Việt Lớp 6 Trang 66 – Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống