Soạn bài: Xem người ta kìa - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng một 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,909
    Soạn văn 6: Xem người ta kìa - Lạc Thanh - Kết nối tri thức với cuộc sống

    Tri thức Ngữ văn


    1. Văn bản nghị luận

    Văn bản nghị luận là loại văn bản có nội dung bàn bạc, đánh giá về một hiện tượng, vấn đề trong đời sống và trong khoa học, giáo dục, nghệ thuật,... Người tạo lập văn bản nghị luận bao giờ cũng hướng tới mục đích: thuyết phục người đọc, người nghe đồng tình với quan điểm, ý kiến của mình.

    2. Các yếu tố cơ bản trong văn nghị luận

    - Lí lẽ trong văn bản nghị luận:

    Lí lẽ là những lời giải thích, phân tích, biện luận thể hiện quan điểm của người nói, người viết về vấn đề nghị luận. Lí lẽ cần được trình bày rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ nhằm thuyết phục hay bác bỏ một ý kiến nào đó. Khi đưa ra lí lẽ, người nói, người viết thường giải đáp các câu hỏi mà vấn đề gợi ra. Lí lẽ phải khách quan, phổ biến, thuyết phục người đọc, người nghe bằng lẽ phải, chân lí, không chấp nhận những lí lẽ chủ quan, áp đặt.

    - Bằng chứng trong văn bản nghị luận:

    Bằng chứng là những sự thật (nhân vật, sự kiện) hay tư liệu đảm bảo tính xác thực, có giá trị. Bằng chứng phải phù hợp với từng loại văn nghị luận. Nếu là nghị luận xã hội, phải dùng bằng chứng lấy từ thực tế đời sống, từ kết quả nghiên cứu khoa học. Nếu là nghị luận văn học thì bằng chứng chủ yếu lấy từ văn học. Bằng chứng kết hợp với lí lẽ làm cho lập luận có sức thuyết phục.

    3. Bố cục văn bản Xem người ta kìa

    Xem người ta kìa thuộc thể văn nghị luận, có bố cục 3 phần:

    Phần 1:

    - Đoạn 1: Từ đầu -> ước mong điều đó : Cha mẹ luôn muốn con mình hoàn hảo giống người khác.

    Phần 2:

    - Đoạn 2: Tiếp -> mười phân vẹn mười: Lí do người mẹ muốn con mình giống người khác.

    - Đoạn 3: Tiếp -> trong mỗi con người: Sự khác biệt trong mỗi cá nhân là phần đáng quý của mỗi người.

    Phần 3:

    - Đoạn 4: Phần còn lại: Hoà đồng, gần gũi mọi người nhưng cũng cần tôn trọng, giữ lại sự khác biệt cho mình.

    Văn bản: Xem Người Ta Kìa - Lạc Thanh -

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi trang 56 – Văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống


    Câu 1. Khi thốt lên "Xem người ta kìa!", người mẹ muốn con làm gì?

    Trả lời :

    Mẹ luôn muốn con mình cần cố gắng, nỗ lực để hoàn hảo giống người khác. Đây là ước mong rất giản dị, đời thường của mỗi một người mẹ. Mục đích của mẹ là mong con bằng người, trở thành niềm kiêu hãnh của gia đình ; không làm xấu mặt gia đình, không ai phàn nàn, kêu ca.

    Câu 2. Chỉ ra ở văn bản:

    a. Đoạn văn dùng lời kể để giới thiệu vấn đề.

    b. Đoạn văn là lời diễn giải có lí của người viết về vấn đề.

    c. Đoạn văn dùng bằng chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

    Trả lời:

    a. Đoạn văn dùng lời kể để giới thiệu vấn đề: "Giờ đây mẹ tôi đã khuất và tôi cũng đã lớn lên..... Có người mẹ nào trên đời không ước mong điều đó?"

    b. Đoạn văn là lời diễn giải có lí của người viết về vấn đề: "Mẹ tôi không phải không có lí khi đòi hỏi tôi phải lấy người khác làm chuẩn mực .... Là người hoàn hảo, mười phân vẹn mười".

    c. Đoạn văn dùng bằng chứng để làm sáng tỏ vấn đề: "Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ, tôi dần dần hiểu ra rằng ... nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người".

    Câu 3. Nội dung văn bản nhấn mạnh ý nghĩa của sự khác nhau hay giống nhau giữa mọi người.

    Trả lời:

    - Văn bản đề cập đến cả hai phương diện sự giống nhau và khác nhau giữa mọi người.

    - Vấn đề chủ đạo, được nhấn mạnh là sự khác nhau.

    - Văn bản nhấn mạnh sự khác nhau nhằm đề cao tầm quan trọng của giá trị riêng ở mỗi người.

    Câu 4. Đọc lại đoạn văn có câu: "Mẹ tôi không phải là không có lý khi đòi hỏi tôi lấy người khác làm chuẩn mực để noi theo". Hãy cho biết người mẹ có lý ở chỗ nào?

    Trả lời:

    Cái lí của mẹ là: Học tập những tấm gương tốt, xuất sắc để bản thân mình tiến bộ hơn là điều nên làm. (Nêu gương cũang là một phương pháp giáo dục).

    Câu 5. Chính chỗ "không giống ai" nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người. Tác giả đưa ra những ví dụ nào để làm sáng tỏ ý ở câu trên? Qua những ví dụ đó, em đã học được gì về cách sử dụng bằng chứng trong bài nghị luận?

    Trả lời:

    Tác giả đưa ra những ví dụ về sự khác biệt của các bạn trong lớp để làm sáng tỏ ý ở câu trên: Vì mỗi người một vẻ nên lớp học trở nên sinh động:

    - Bạn tôi đấy, cao thấp, béo gầy, đen trắng khác nhau, giọng nói khác nhau đã đành, mà thói quen, sở thích cũng có giống nhau đâu.

    - Dẫn chứng: Tùng thích vẽ vời, Nhung ưa ca hát, nhảy múa. Hoài thì sôi nổi, nhí nhảnh, Thơ lúc nào cũng kín đáo, trầm tư. Trần Long nổi tiếng là một "danh hài", Minh Diệu thì hơn người ở trí nhớ siêu việt.. Người ta thường nói học trò "nghịch như quỷ", ai ngờ "quỷ" cũng là cả một thế giới, chẳng "quỷ" nào giống "quỷ" nào! Tôi đã đọc đâu đó một câu rất hay: "Chỗ giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là.. không ai giống ai cả". Chính chỗ "không giống ai" nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người.

    Câu 6. Biết hòa đồng, gần gũi mọi người, nhưng cũng phải biết giữ lấy cái riêng và tôn trọng sự khác biệt. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

    Trả lời:

    Em đồng ý, vì:

    - Hòa đồng gần gũi với mọi người sẽ giúp tự tin trong giao tiếp, tạo được mối quan hệ tốt đẹp, được mọi người yêu quý...

    - Biết hòa đồng gần gũi mọi người, và cũng phải biết giữ lại cái riêng và tôn trọng sự khác biệt vì điều này giúp mỗi người phát huy được giá trị, sở trường của bản thân; giúp ta được sống thoải mái, không phải phụ thuộc vào người khác; giúp cho cuộc sống trở nên sinh động, đa dạng sắc màu.

    Câu 7. Từ việc đọc hiểu văn bản "Xem người ta kìa!", em hãy rút ra những yếu tố quan trọng của một bài văn nghị luận.

    Trả lời:

    - Những yếu tố quan trọng của một văn bản nghị luận:

    Luận điểm (vấn đề nl), luận cứ, lí lẽ, dẫn chứng, người viết sử dụng các thao tác lập luận: chứng minh, giải thích.

    - Để văn bản thực sự có sức thuyết phục, người viết (người nói) cần sử dụng lí lẽ và bằng chứng. Lí lẽ ở đây là những lời diễn giải có lí mà người viết (người nói) đưa ra để khẳng định ý kiến của mình. Bằng chứng là những ví dụ được lấy từ thực tế đời sống hoặc từ các nguồn khác để chứng minh.

    Viết kết nối với đọc

    Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề: Ai cũng có cái riêng của mình.

    Đoạn văn tham khảo:

    Ai cũng có cái riêng của mình, không ai giống ai. Đó là sự khác biệt không chỉ về ngoại hình, giọng nói, cách ăn mặc, mà còn là sự khác biệt về năng lực, sở trường, tính cách. Chính sự khác biệt này làm cuộc sống trở nên phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc. Thử hỏi, ai cũng giống ai thì xã hội sẽ như thế nào? Vì vậy, cần tôn trọng cái riêng, giá trị riêng của mỗi người. Đồng thời, mỗi người cần tuân theo những chuẩn mực chung của xã hội, nhưng cũng cần giữ lại cái riêng của mình. Chỉ khi đó, ta mới là chính ta, mới phát huy được năng lực của chính mình và làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...