Soạn bài: Tôi yêu em - Pu - Skin, Ngữ văn 11 - Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 9 Tháng chín 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin, được khơi nguồn từ mối tình đơn phương vô vọng của nhà thơ với Ô-lê-nhi-a (con gái của A. N Ô-lê-nhin, Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga) - người mà mùa hè năm 1829 Pu-skin đã cầu hôn nhưng không được chấp nhận.

    Bài viết dưới đây hướng dẫn các em HS nhứng gợi ý cơ bản để soạn bài Thực hành đọc hiểu: Tôi yêu em - trang 21, Ngữ văn 11 - Cánh diều.

    Thực hành đọc hiểu: Tôi yêu em - Pu-skin, Ngữ văn 11 - Cánh diều

    Tri thức ngữ văn

    1. Nhà thơ Pu-skin:

    Cuộc đời:


    - A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799 – 1837).

    - Xuất thân từ tầng lớp quý tộc ở Mát-xcơ-va.

    - Gắn bó sâu sắc với nhân dân và đất nước.

    - Dũng cảm đấu tranh chế độ chuyên chế Nga hoàng độc đoán.

    Sự nghiệp:

    - Tài năng: Thể hiện ở nhiều thể loại văn học. Đặc biệt là thơ. (hơn 800 bài thơ).

    - Sáng tác nhiều thể loại:

    + Tiểu thuyết bằng thơ: Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin.

    + Trường ca: Ru-xlan và Li-út-mi-la, Người tù Cáp-ca-dơ.

    + Truyện ngắn: Cô tiểu thư nông dân, Con đầm pích..

    + Kịch: Bô-rít Gô-đu-nốp.

    +Ngụ ngôn.

    + Hơn 800 bài thơ trữ tình.

    - Vị trí: "Mặt trời của thi ca Nga"; Nhà thơ Nga vĩ đại.

    - Phong cách nghệ thuật: Thể hiện tâm hồn Nga khao khát tự do và tình yêu qua một tiếng nói Nga trong sáng, thuần khiết.

    Nhận định về Pu-skin:

    - Gorki: "Khởi đầu cho mọi khởi đầu".

    - Gô-gôn: "Puskin sinh trước thời đại mình hai trăm năm".

    - Giu-côp-xki: "Người khổng lồ tương lai".

    - Đô-brô-liu-bôp: ".. Có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tôc Nga".

    - > Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại.

    2. Bài thơ Tôi yêu em

    - Hoàn cảnh ra đời: Mùa hè năm 1829, Pu-skin ngỏ lời cầu hôn A. Ô-lê-nhi-na nhưng không được nàng nhận lời và bài thơ đã ra đời như chuyện tình đơn phương của ông.

    - Nhan đề: Bài thơ vốn không có tiêu đề, dịch giả Thúy Toàn đã lấy điệp khúc "Tôi yêu em" để đặt nhan đề cho tác phẩm

    - Bố cục:

    + Khổ 1: Lời giã biệt và giãi bày một tình yêu vô vọng.

    + Khổ 2: Lời giãi bày tiếp và lời cầu nguyện cho người mình yêu.

    [​IMG]

    Gợi ý trả lời câu hỏi trang 21 - SGK Ngữ văn 11, Cánh diều

    Câu 1: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Dựa vào yếu tố nào để em xác định điều đó?

    Gợi ý:

    - Nhân vật trữ tình: "Tôi" – tác giả;

    - Căn cứ: "Tôi" - tác giả là người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ gắn với mối tình cụ thể của chính Pu-skin. Tác giả tự xưng là "tôi" (ngôi thứ nhất) trong nguyên văn tiếng Nga, trong bản dịch.

    Câu 2: Cụm từ nào trở thành điệp khúc được lặp lại nhiều lần trong cả bài thơ. Tác dụng của biện pháp nghệ thuật lặp cấu trúc đó là gì?

    Gợi ý:

    - Cụm từ trở thành điệp khúc trong cả bài thơ: "Tôi yêu em" lặp lại 3 lần.

    - Tác dụng:

    + Làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ: Tôi yêu em. Cảm xúc ấy chi phối tình cảm, suy tư, quyết định của tác giả

    + Tăng tính nhạc, tạo giọng điệu cuộn trào, da diết cho lời thơ.

    Câu 3: Tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện như thế nào qua 4 dòng thơ đầu?

    Gợi ý:

    Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong 4 dòng thơ đầu là trạng thái "tôi yêu em" được thể hiện với những sắc thái phức tạp:

    - Đó là tình yêu đắm say, dai dẳng, âm ỉ trong lòng. Tôi khẳng định tôi đã, đang và vẫn yêu em - lời bày tỏ ngắn gọn, giản dị nhưng cảm xúc chân thành, thiết tha.

    - Dù vẫn yêu, nhưng chàng trai vẫn phải đưa ra một quyết định đầy tính lí trí: Dập tắt ngọn lửa tình trong lòng mình "để nó không làm phiền em thêm nữa", và "không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì". Từ "không" lặp lại hai lần thể hiện sự quyết liệt, dứt khoát, mạnh mẽ, giằng xé, cần phải dập tắt tình yêu đang bốc cháy ở trong mình. Chàng trai hiểu cho sự khó xử của cô gái nên chủ động giã từ tình yêu, bóp nghẹt trái tim mình, tự nhắn nhủ mình phải dừng bước để người mình yêu được thanh thản. Đó là cách cư xử rất có văn hóa trong tình yêu.

    Câu 4: Trong mạch cảm xúc của bài thơ, hai dòng thơ kết có gì đặc biệt và cho thấy điều gì trogn quan niệm tình yêu của tác giả?

    Gợi ý:

    - Trong mạch cảm xúc của bài thơ, hai dòng thơ kết vừa là sự tiếp nối cảm xúc đã có ở những dòng thơ trên, vừa mang đến ấn tượng bất ngờ. Dòng thơ 5 - 6, tình cảm bùng lên khiến tôi bộc bạch với em tình yêu mãnh liệt, chân thành cùng sự ghen tuông, đau khổ. Nhưng đến hai dòng kết, tôi đã nén lại tất cả sự trào dâng của cảm xúc để giã từ tình yêu với lời chúc phúc cho em.

    - Hai dòng thơ kết cho thấy quan niệm tình yêu của tác giả: Tình yêu chân chính là tình yêu chân thành, tự nguyện chứ không phải sự chiếm đoạt bằng mọi giá. Tình yêu chân chính còn là tình yêu vị tha, cao thượng, mong điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người mình yêu dù tình yêu không thành.

    Câu 5: Theo em, nhân vật xưng "tôi" trong bài thơ là người như thế nào?

    Gợi ý:

    - Là người chân thành: Bộc bạch tất cả nỗi lòng, không che giấu cả những cảm xúc có phần yếu đuối: Đau khổ, vô vọng, hậm hực ghen tuông,

    - Là người có tình yêu say đắm, mãnh liệt: Yêu em bằng cả trái tim cuồng nhiệt dù không được đáp trả.

    - Là người vị tha, cao thượng: Luôn nghĩ cho người yêu, mong muốn điều tốt đẹp đến với người yêu, sẵn sàng hi sinh tình yêu để đổi lấy sự thanh thản của người yêu.

    Câu 6: Từ bài thơ "Tôi yêu em" lặp, hãy viết 1 đoạn văn khoảng 8 - 10 dòng nói lên suy nghĩ của em về cách ứng xử trong tình yêu.

    Gợi ý:

    Trong tình yêu, con người cần hài hòa giữa cảm xúc và lý trí, không chiều theo bản năng ích kỉ mà cần sự nhẹ nhàng sáng suốt. Khi yêu, ta cần đối xử với người yêu bằng những cảm xúc chân thật từ trái tim, cần nâng niu, trân trọng tình yêu, người mình yêu. Nếu chưa nhận được tình cảm đáp lại, có thể kiên trì hơn. Nhưng tuyệt đối không ép buộc, tìm mọi cách, bằng mọi giá để chiếm đoạt tình yêu một cách ích kỉ. Tình yêu không thành vẫn nên cư xử tốt với người mình đem lòng yêu mến, mong muốn điều tốt đẹp cho người yêu, chứ không ghen tuông, trả thù một cách mù quáng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...