Chèo cổ (Chèo sân đình, chèo truyền thống) là bộ môn nghệ thuật tổng hợp ngôn từ, âm nhạc, vũ đạo, tạo hình. Chèo cổ phản ánh đời sống vật chất, tâm hồn, tình cảm của con người trong xã hội phong kiến. Quan Âm Thị Kính là một trong những vở chèo cổ nổi tiếng của sân khấu chèo Việt Nam và trích đoạn Thị Mầu lên chùa là một trong những cảnh chèo đặc sắc. Bài thực hành đọc hiểu Thị Mầu lên chùa trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, Cánh diều nhằm mục đích rèn luyện, củng cổ cho học sinh kĩ năng đọc hiểu các văn bản cùng thể loại. Soạn bài: Thị Mầu lên chùa - Ngữ văn 10, Cánh diều Câu 1: Thị Mầu đã sử dụng ngôn ngữ, hành động như thế nào để bày tỏ tình cảm với chú tiểu? Tiếng gọi "thầy tiểu ơi" lặp đi lặp lại nhiều lần có tác dụng gì trong việc biểu lộ nỗi lòng của Thị Mầu? Em thấy ấn tượng nhất với lời bày tỏ tình cảm nào của Thị Mầu? Vì sao? Gợi ý trả lời: - Thị Mầu sử dụng lời nói, lời hát (hát ghẹo tiểu) và hành động để bày tỏ tình cảm. Mầu xưng "em" thân mật với Tiểu Kính; gọi "thầy tiểu ơi" da diết; Mầu nhấn đi nhấn lại rằng mình "chưa chồng"; khen Tiểu Kính "đẹp như sao băng", "cổ cao ba ngấn"; mời chú tiểu ăn giầu; ngỏ ý quét sân cho chú tiểu; nắm vạt áo chú tiểu, nấp một chỗ rồi chạy ra nắm tay chú tiểu; bày tỏ sự "thèm muốn" trong tình yêu: Thầy như táo rụng sân đình – Em như gái rở, đi rình của chua; bày tỏ khát khao nên duyên: Phải duyên thời lấy, chớ nghe họ hàng/ Đôi ta chỉ quyết đợi chờ lấy nhau; Mầu thách thức, bất chấp lời phê phán của mọi người để bày tỏ tình cảm với Tiểu Kính: Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn – Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.. => Thị Mầu mang tiền gạo lên chùa cúng dường chỉ là cái cớ để Mầu có dịp gặp gỡ, bày tỏ tình cảm với chú tiểu. Lời nói, điệu hát, hành động của nhân vật cùng váy áo sặc sỡ, ánh mắt sóng sánh đa tình.. đã tạo thành một Thị Mầu sẵn sàng bật tung mọi khuôn thước để sống đúng với tình cảm của trái tim thiếu nữ. - Tiếng gọi "thầy tiểu ơi" lặp đi lặp lại nhiều lần cho thấy mối quan tâm duy nhất của Thị Mầu là Tiểu Kính; Tiếng gọi ấy như muốn buộc thầy tiểu phải quan tâm, chú ý đến mình; tiếng gọi ấy làm cho mọi lời nói, tiếng hát trở thành tiếng giãi bày chỉ mong được đối tượng thấu hiểu. - Lời bày tỏ: "Thầy như táo rụng sân đình – Em như gái rở, đi rình của chua" khiến em ấn tượng. Vì Mầu đã rất khôn khéo khi nhắc đến nỗi thèm khát của người phụ nữ có bầu thèm ăn của chua để bày tỏ nỗi khát khao mong có được tình yêu của thầy tiểu. Khát khao ấy cháy bỏng, mãnh liệt, cần được thỏa lấp ngay như "gái rở" phải tìm cho bằng được táo chua vậy. Câu 2: Qua ngôn ngữ và hành động của Tiểu Kính trong đoạn trích, em có nhận xét gì về nhân vật này? Gợi ý trả lời: - Ngôn ngữ: Lúc nào cũng tụng kinh Nam mô a di Đà Phật. - Hành động: Giữ khoảng cách, từ chối, lẩn tránh.. (tụng kinh, bỏ chạy) => Nhân vật Tiểu Kính mang vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống, là người hướng Phật, nhân ái, bao dung, nhẫn nhịn, hiểu lễ nghi, phép tắc.. Câu 3: Dưới đây là một số trích dẫn ngôn ngữ của tác giả dân gian (được thể hiện qua tiếng đế) và nhân vật Thị Mầu: Tiếng đế: - Ai lại đi khen chú tiểu thế, cô Mầu ơi! - Có ai như mày không? - Dơ lắm! Mầu ơi! - Sao lẳng lơ thế, cô Mầu ơi! Lời đáp của Thị Mầu: - Đẹp thì người ta khen chứ sao! - [..] chỉ có mình tao là chín chắn nhất đấy. - Kệ tao. - Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn / Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ! Em có đồng tình với cách đánh giá trên đây của tác giả dân gian (qua tiếng đế) về Thị Mầu và thái độ, suy nghĩ của Thị Mầu không? Vì sao? Gợi ý trả lời: - Những tiếng đế: Đại diện cho quan điểm của một số người xem: Thị Mầu chủ động bộc lộ tình yêu, tự quyết tình yêu trong văn bản là hành động dơ bẩn, đáng chê cười, thậm chí phê phán. - Lời đáp của Thị Mầu: Nhấn mạnh sự lẳng lơ, yêu đương say đắm và dữ dội của Thị Mầu; Em đồng tình với thái độ, suy nghĩ, hành động của Mầu. Vì việc bày tỏ tình cảm của Thị Mầu là chính đáng. Tuy nhiên, nếu xét trong bối cảnh mà nhân vật xuất hiện (trong chùa – chốn tôn nghiêm) và đối tượng nhân vật thể hiện tình cảm (chú tiểu trong chùa), cách bộc lộ tình cảm và hành động của nhân vật có phần chưa phù hợp. Câu 4: Theo em nhân vật Thị Mầu là người như thế nào? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) nêu lên nhận xét của mình về nhân vật này. Gợi ý trả lời: Thị Mầu là cô gái đang tuổi xuân thì mang khát khao yêu đương mãnh liệt. Không như những cô gái sống ép mình theo "khuôn mẫu" khác, Mầu đã dám nổi loạn, phá vỡ những khuôn vàng thước ngọc của chuẩn mực "công, dung, ngôn, hạnh" để sống theo bản năng tự nhiên khỏe khoắn, mạnh mẽ của mình. Trước Tiểu Kính, Mầu cứ lẳng lơ, sóng sánh, đa tình, mạnh mẽ tuyên bố quyền được sống, quyền được yêu bằng cả phần hồn, phần xác của người phụ nữ. Mầu đã bất chấp tất cả, đầy tự tin, đầy bản lĩnh để làm điều đó. Hành động, lời nói của Mầu là "chướng tai gai mắt" với những chuẩn mực đạo đức thông thường nhưng lại nhận được sự đồng tình, ủng hộ của rất nhiều người, nhất là trong xã hội ngày nay, khi quyền sống, quyền yêu của con người ngày càng được đề cao. Vậy nên, nhà thơ Anh Ngọc đã dành cả một bài thơ để ca ngợi vẻ đẹp này của Thị Mầu, trong đó có câu: Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức - Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Mầu. Câu 5: Em biết những tác phẩm văn học nào lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật Thị Mầu trong vở chèo Quan Âm Thị Kính . Gợi ý trả lời: Những tác phẩm văn học lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật Thị Mầu trong vở chèo Quan Âm Thị Kính: (Nhấn vào link để đọc đầy đủ các bài thơ) - Thị Mầu, Lẳng lơ Thị Mầu, Cãi.. (Trong tập Cưới thơ của Hoàn Nguyễn) - Này em Thị Mầu (Ngân Vịnh) - Thị Màu (Anh Ngọc) - Hát với Thị Mầu (Đoàn Thị Lam Luyến) - Cô Thị Mầu (Trần Đăng Khoa) - Xuân khúc Thị Mầu (Huy Trụ)
Nhân vật trung tâm của đoạn trích là Thị Mầu: - Thị Màu là người con gái đẹp, dám yêu, dám lên tiếng cho khát khao yêu đương. - Thị Màu cất lên tiếng nói nữ quyền để lật đổ thành trì lễ giáo phong kiến, những quan niệm cổ hủ chà đạp lên thân phận và quyền sống của người phụ nữ. - Diện mạo tính cách nhân vật được khắc họa nổi bật qua bối cảnh lên chùa, lời nói, hành động.. Qua việc khắc họa hình tượng nhân vật Thị Mầu, đoạn trích khẳng định khát vọng yêu đương tự do, hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến là điều cần được trân trọng và cảm thông.. Đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung vì vậy mang giá trị nhân văn sâu sắc.