Soạn bài Tây Tiến - Quang Dũng ngữ văn 12 tập 1

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Sumi Hạ Linh, 5 Tháng một 2022.

  1. Sumi Hạ Linh

    Bài viết:
    38
    TÂY TIẾN

    - Quang Dũng -

    [​IMG]

    I. Những Hiểu Biết Cơ Bản Nhất Về Tác Giả Và Tác Phẩm Tây Tiến

    1. Mấy điều cần lưu ý về con người và phong cách thơ Quang Dũng

    a) Con người cá nhân

    - Quang Dũng cùng với các tác giả khác như Hoàng Cầm, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông.. được coi là những nhà thơ chiến trường trưởng thành trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước.


    - Bản thân Quang Dũng vừa là một nhà thơ, đồng thời cũng là một người lính. Ông xuất thân là một thanh niên trí thức Hà thành, cũng như bao thế hệ thanh niên lúc bấy giờ nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông cùng các bạn tạm gác bút nghiên tình nguyện xung phong ra chiến trường đánh giặc bảo vệ đất nước.

    - Ông là người nghệ sĩ tài năng, có vốn hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật: Báo chí, văn học, âm nhạc, hội họa..

    - Tình yêu quê hương, đất nước luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong những sáng tác của Quang Dũng.

    b) Phong cách thơ

    - Ở thơ Quang Dũng, có sự hòa quyện giữa chất lãng mạn, phóng khoáng của một chàng trai Hà thành hào hoa, trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ với chất hiện thực dưới con mắt của người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù trong những năm tháng ngoài chiến trận.

    2. Những hiểu biết chung về bài thơ

    - Hoàn cảnh sáng tác: Trong giai đoạn 1947 - 1948, đoàn quân Tây Tiến được lệnh hành quân chiến đấu trên địa bàn Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên), phối hợp với bộ đội chủ lực của Lào để đánh Pháp. Người lính trong đơn vị này chủ yếu là những học sinh, sinh viên thủ đô tình nguyện lên đường đánh trận, dù phải chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn, khó khăn của cuộc chiến, bị bệnh tật đói rét hoành hành nhưng họ luôn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào tương lai phía trước. Nhà thơ Quang Dũng khi đó cũng là một trong số những người lính trong đơn vị, đến năm 1948 khi ông được lệnh chuyển sang đơn vị khác, những cảm xúc nhớ thương về đơn vị cũ đã thôi thúc ông viết bài thơ này.

    - Nhan đề tác phẩm: Ban đầu có tên là Nhớ Tây Tiến, sau được chuyển thành Tây Tiến.

    + Đây là tên một đơn vị quân đội được thành lập vào năm 1947 với nhiệm vụ liên kết với quân đội Lào chiến đấu bảo vệ biên giới Việt - Lào.

    + Đồng thời là nguồn cảm hứng đặc biệt, tiêu biểu cho hồn thơ lãng mạn của Quang Dũng; đoàn quân Tây Tiến chính hình tượng trung tâm của tác phẩm, là nỗi nhớ khôn nguôi, không thể xóa nhòa trong lòng nhà thơ.

    II. Hướng dẫn học bài

    Câu 1: Theo văn bản, bài thơ có bốn đoạn. Nêu ý chính của mỗi đoạn văn và chỉ ra mạch liên kết giữa các đoạn.

    - Bố cục có thể chia làm 4 đoạn:

    + Đoạn 1 (từ đầu đến thơm nếp xôi) : Chặng đường hành quân vất vả gắn với hình ảnh núi rừng hùng vĩ, khắc nghiệt

    + Đoạn 2 (tiếp đến lũ hoa đong đưa) : Kỉ niệm của những người chiến sĩ cách mạng

    + Đoạn 3 (tiếp đến khúc độc hành) : Nỗi nhớ đồng đội da diết về những đồng đội của mình

    + Đoạn 4 (còn lại) : Nỗi nhớ của Quang Dũng hướng về Tây Tiến

    - Mạch cảm xúc của bài thơ: Mở đầu là nỗi nhớ, tiếp là kỉ niệm, nỗi nhớ về Tây Tiến và cuối cùng là lời khẳng định mãi gắn bó lòng với Tây Tiến


    Câu 2: Nêu đặc sắc của bức tranh thiên nhiên được vẽ ra ở đoạn thơ thứ nhất? Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện ra trên nền cảnh thiên nhiên ấy như thế nào?

    Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội là biểu tượng của chặng đường hành quân đầy gian khổ:

    + Sông Mã và Tây Tiến là hình ảnh kết tinh nỗi nhớ của tác giả: Nhớ miền Tây Bắc và nhớ lính Tây Tiến

    + Địa danh được nhắc tới như Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Mai Châu

    + Đặc điểm hiểm trở, gập ghềnh trong cuộc hành quân: Mây, mưa, thác, cọp..

    + Bức tranh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc mở ra cuộc hành quân giữa núi cao, vực sâu, rừng thẳm.. liên tục xuất hiện trong bài

    - Vẻ hoang sơ, dữ dội, ác liệt của Tây Tiến thể hiện rõ bằng thủ pháp nhân hóa, cường điệu (Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người)

    + Bức tranh thiên nhiên làm nổi bật vẻ đẹp kiêu hùng, vượt lên mọi khó khăn, mất mát đau thương của người lính Tây Tiến

    - Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hùng dũng trên nền thiên nhiên:

    + Sự tinh nghịch, dí dỏm của các chàng trai Hà Nội, chiến thắng thiên nhiên, chạm tới đỉnh cao của chiến trường Tây Bắc.

    + Dũng cảm, gan góc, kiên cường của những người lính trên sự dữ dội và bí ẩn của thiên nhiên

    + Hình ảnh bi tráng của người lính Tây Tiến trên chiến trường, coi cái chết nhẹ tựa giấc ngủ

    - > Những người lính Tây Tiến giữa núi rừng hiểm trở làm nổi bật lên sự dũng cảm, kiên trung của thế hệ trẻ thời kì kháng chiến


    Câu 3: Đoạn thơ thứ hai lại mở ra một thế giới khác với những vẻ đẹp mới của con người và thiên nhiên miền Tây, khác với cảnh vật ở đoạn thơ thứ nhất. Hãy phân tích để làm rõ vẻ đẹp ấy.

    Tây Tiến trong đoạn thứ hai hiện lên duyên dáng, mĩ lệ, thanh bình dưới góc nhìn hào hoa, yêu đời

    + Vẻ đẹp của đêm hội đuốc hoa, xiêm áo rực rỡ, tiếng khèn, điệu nhạc

    + Sự gắn bó thủy chung giữa tình quân dân kháng chiến tình nghĩa Việt- Lào (Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ)

    + Nhân vật trung tâm tạo nên những bất ngờ thú vị, thu hút hồn vía những chàng trai Tây Tiến đó là những cô gái e ấp tình tứ trong những điệu múa tình tứ

    + Đó là vẻ đẹp Tây Bắc gắn với hình ảnh cô gái Thái chèo thuyền độc mái uyển chuyển, với bông hoa làm duyên trên dòng nước lũ

    - Cảnh và người Tây Bắc trong kí ức của tác giả: Đẹp, có hồn, quyến luyến, tình tứ

    + Bức tranh 4 có nét đẹp hoang sơ, nên thơ nổi bật hình ảnh con người "dáng người trên độc mộc" đem đến nét đẹp man mác

    + Cái đẹp trong nỗi buồn hiu hắt đặc trưng miền sơn cước

    + Trong không gian đó nổi lên sự mềm mại


    Câu 4: Phân tích hình ảnh người lính Tây Tiến được tác giả tập trung khắc họa ở đoạn thơ thứ ba. Qua đó, hãy làm rõ vẻ đẹp lãng mạng và chất bi tráng của hình ảnh người lính Tây Tiến.

    Hình ảnh, bức chân dung người lính Tây Tiến hiện lên hào hùng, cao đẹp:

    + "Không mọc tóc" sốt rét rừng nên những người lính rụng hết tóc, đây là sự khốc liệt của hoàn cảnh chiến đấu

    + "Quân xanh màu lá" : Sự khắc nghiệt của điều kiện chiến đấu khiến những người lính xanh xao

    + "Dữ oai hùm" có những nét oai phong hùng mạnh áp đảo kẻ thù (đây là lối miêu tả ước lệ cổ điển)

    + "Dáng kiều thơm" tâm hồn lãng mạn của những người lính Tây Tiến khi nhớ tới người yêu, hậu phương

    - > Những người lính Tây Tiến dù trong khó khăn, gian khổ vẫn kiên cường, dũng cảm và hòa quyện trong đó sự lãng mạn vốn có.


    Câu 5: Ở đoạn thứ tư, nỗi nhớ Tây Tiến được diễn tả như thế nào? Vì sao nhà thơ viết "Hồn vè Sầm Nứa chẳng về xuôi"?

    Nỗi nhớ Tây Tiến tha thiết, khắc khoải, ám ảnh:

    + "Thăm thẳm, không hẹn ước, một chia phôi" diễn tả nỗi nhớ, lời thề kim cổ: Ra đi không hẹn ngày trở về

    + Nỗi khắc khoải, thương nhớ những ngày đã qua trong quá khứ chiến đấu

    + "Tây Tiến mùa xuân ấy" : Thời của hào hùng, lãng mạn đã qua

    + "Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi" : Nhà thơ dành tất cả tình cảm, trái tim cho Tây Tiến và cho quá khứ hào hùng

    - > Nỗi nhớ Tây Tiến luôn khắc khoải, tha thiết trong lòng nhà thơ như một minh chứng về sức sống mãnh liệt của kỉ niệm, kí ức những ngày gian khổ hào hùng.


    * Nội dung chính của văn bản:

    - Giá trị nội dung:

    Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng.

    - Giá trị nghệ thuật:

    + Cảm hứng và bút pháp lãng mạn

    + Cách sử dụng ngôn từ đặc sắc: Các từ chỉ địa danh, từ tượng hình, từ Hán Việt..

    + Kết hợp chất nhạc và chất họa


    - Hết -

    Cảm ơn các bạn đã xem bài viết của mình!
     
    Last edited by a moderator: 5 Tháng một 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...