Soạn bài: Sóng - Xuân Quỳnh Ngữ văn 11 - Cánh diều Tri thức ngữ văn: Tác giả Xuân Quỳnh: - Cuộc đời bất hạnh: Tuổi thơ nhiều thiệt thòi, mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, phải ở với bà; Xuân Quỳnh luôn khao khát tình yêu, mái ấm gia đình và tình mẫu tử. - Một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ chống Mĩ và nhà thơ nữ đáng chú ý của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. - Đặc điểm hồn thơ: Tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, khao khát hạnh phúc đời thường, bình dị; nhiều âu lo, day dứt, trăn trở trong tình yêu. Bài thơ Sóng: - Hoàn cảnh sáng tác: Sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). - In trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). - Là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. - Đề tài: Tình yêu. - Chủ đề: Mượn hình tượng sóng để diễn tả tình yêu của người phụ nữ. Sóng là ẩn dụ cho tâm hồn người phụ nữ đang yêu. - Bố cục bài thơ "Sóng" : + Phần 1 (khổ 1, 2) : Sóng – đối tượng cảm nhận tình yêu + Phần 2 (khổ 3, 4) : Sóng và nguồn gốc của tình yêu + Phần 3 (khổ 5, 6, 7) : Sóng và nỗi nhớ, tình yêu thủy chung của "em" + Phần 4 (2 khổ cuối) : Sóng và tình yêu cao cả, bất tử. Nội dung bài thơ "Sóng" : + Với sự quan sát, chiêm nghiệm về những con sóng trước biển cả mênh mông, Xuân Quỳnh đã phát hiện ra những cung bậc đa dạng, phức tạp của cảm xúc trong tâm hồn của người phụ nữ đang yêu. + Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu hiện lên qua hình tượng sóng: Tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thủy, vượt lên mọi giới hạn của đời người. Nghệ thuật bài thơ "Sóng" : + Thể thơ năm chữ tạo âm điệu sâu lắng, dạt dào, như âm nđiệu của những con sóng biển và cũng là sóng lòng của người phụ nữ khi yêu. + Cách ngắt nhịp linh hoạt, phóng khoáng và cách gieo vần, phối âm độc đáo, giàu sức liên tưởng + Giọng thơ vừa thiết tha, đằm thắm, vừa mãnh liệt sôi nổi, vừa hồn nhiên, nữ tính + Xây dựng hình ảnh ẩn dụ - với hình tượng sóng, vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa ẩn dụ. + Bài thơ sử dụng các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, đối lập - tương phản. Gợi ý trả lời câu hỏi SGK trang 15 - Ngữ văn 11, Cánh diều Câu 1: Em có nhận xét gì về nhịp điệu, âm điệu của bài thơ? Nhịp điệu, âm điệu đó được gợi lên từ những yếu tố nào? Gợi ý: - Nhận xét: Âm điệu trong bài thơ là âm điệu của những con sóng ngoài biển khơi vừa dữ dội vừa nhẹ nhàng. - Nhịp điệu, âm điệu đó được gợi lên từ những yếu tố: + Các câu thơ được ngắt nhịp linh hoạt, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng: 2/3 (Dữ dội/và dịu êm - Ồn ào/và lặng lẽ) ; 3/1/1 (Em nghĩ về/anh, /em) ; 3/2 (Em nghĩ về/ biển lớn – Từ nơi nào/sóng lên) + Các cặp câu đối xứng xuất hiện liên tiếp, câu sau nối thừa tiếp câu trước tựa như những đợt sóng xô bờ, sóng tiếp sóng đầy dạt dào: Dữ dội và dịu êm - ồn ào và lặng lẽ, con sóng dưới lòng sâu – con sóng trên mặt nước, dẫu xuôi về phương bắc – dẫu ngược về phương nam. Câu 2: Hình tượng bao trùm, xuyên suốt bài thơ là hình tượng sóng, được gợi tả với những biểu hiện khác nhau. Hãy chỉ ra những biểu hiện đó. Gợi ý: Hình tượng bao trùm, xuyên suốt bài thơ là hình tượng sóng, được gợi tả chân thực, sinh động với những trạng thái phong phú, đa dạng: - Khi dữ dội, khi dịu êm; khi ồn ào, khi lặng lẽ; - Khi ngầm dưới lòng sâu, khi trào lên mặt nước; con sóng nào cùng nhớ bờ bất kể ngày đêm, bất kể ở phương Nam hay Bắc. - Con sóng tan vào biển cả nhưng không mất đi mà lại tái sinh thành con sóng khác để ngàn năm còn vỗ. Câu 3: Phân tích sự tương đồng giữa tâm trạng của người phụ nữ đang yêu với những trạng thái của sóng trong bài thơ. Gợi ý: - Trạng thái đối lập của sóng dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ khiến ta liên tưởng đến tâm lí phức tạp của người phụ nữ khi yêu (khi sôi nổi, mãnh liệt khi dịu dàng, sâu lắng. - Hành trình "tìm ra tận bể" của sóng cũng chính là quá trình tự khám phá, tự nhận thức, chính bản thân, khát khao sự đồng cảm, đồng điệu, chủ động trong tình yêu. - Quy luật của sóng: Sóng: Ngày xưa, ngày sau: Vẫn thế tương đồng với quy luật của tình cảm: Tình yêu là khát vọng lớn lao, vĩnh hằng của tuổi trẻ và nhân loại. - Nguồn gốc của sóng cũng bí ẩn như nguồn gốc của tình yêu: em cũng không biết nữa/ khi nào ta yêu nhau . - Nỗi nhớ bờ của sóng tương đồng với nỗi nhớ của người con gái trong tình yêu. - Hành trình sóng gian truân vẫn tìm về bờ tương đồng với sự chung thủy của người con gái khi yêu.. Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ trong bài thơ. Gợi ý: - Biện pháp ẩn dụ: Hình tượng sóng ẩn dụ cho vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu; - Biện pháp đối lập, tương phản: Dữ dội - dịu êm; ồn ào - lặng lẽ; ngày xưa - ngày sau; lòng sâu - mặt nước; phương bắc - phương nam; xuôi - ngược.. cuộc đời tuy dài - năm tháng vẫn đi qua; biển dẫu rộng - mây vẫn bay về xa Tác dụng: Thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ, sự phong phú trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu: Vữa nữ tính dịu dàng, vừa mạnh bạo, chủ động.. Tăng tình nhạc, tạo âm hưởng như sóng biển cho bài thơ. Câu 5: Nêu cảm nhận của em về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua 2 khổ thơ cuối. Gợi ý: Tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua 2 khổ thơ cuối: Từ những suy nghĩ về tình yêu, hi sinh, và chung thuỷ suốt đời, người phụ nữ bỗng trăn trở, suy tư về mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cuộc đời mỗi người, tình yêu mỗi lứa đôi và cuộc đời chung, và thiên nhiên vũ trụ và thời gian vô cùng. Với Xuân Quỳnh, sự thức nhận này đem lại một thoáng âu lo để rồi trở thành động lực thúc giục con sóng mãnh liệt, dào dạt hơn nữa trong khát vọng hóa thân vào biển lớn tình yêu. Câu hỏi day dứt "Làm sao được tan ra.." thể hiên khao khát tình yêu cao cả và bất tử và tìm cách thực hiên chính là mong muốn được tan ra, được hóa thân và hòa nhâp thành trăm ngàn con sóng nhỏ giữa biển lớn tình yêu của nhân dân và nhân loại. Hai khổ thơ cuối nói lên tình yêu thủy chung chân thành, niềm tin mãnh liệt của nhà thơ vào sức mạnh của tình yêu. Đó cũng chính là vẻ người phụ nữ khi yêu. Câu 6: Hình tượng người phụ nữ trong bài thơ Sóng có điểm gì tương đồng và mới so với người phụ nữ trong ca dao hoặc trong văn học trung đại? Gợi ý: - Tương đồng: Chân thành, bình dị, dịu dàng, đằm thắm yêu thương, thủy chung, son sắt; - Điểm mới của hình tượng người phụ nữ trong bài thơ Sóng: + Mạnh dạn, chủ động bày tỏ cảm xúc, khao khát tình yêu; + Khao khát sống hết mình, hóa thân trong tình yêu.. Câu 7: Trong VHVN hiện đại, có nhiều câu thơ, bài thơ dùng hình tượng sóng, biển để nói về tình yêu. Hãy sưu tầm một số câu thơ, bài thơ đó. So sánh với bài thơ Sóng để thấy được nhứng sáng tạo đặc sắc của nhà thơ Xuân Quỳnh. Gợi ý: - Bài thơ dùng hình tượng sóng, biển để nói về tình yêu: Biển - Xuân Diệu. - Sự sáng tạo của XQ trong xây dựng hình tượng sóng: Nếu Xuân Diệu dùng hình tượng sóng để nói về anh, bờ để nói về em thì Xuân Quỳnh dùng hình tượng sóng để nói về em, bờ để nói về anh. Hình tượng sóng trong thơ XQ phong phú, đa dạng, thể hiện sự phong phú của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: Vữa nữ tính dịu dàng, vừa mạnh bạo, chủ động..