Soạn bài Rừng Xà Nu - Nguyễn Trung Thành

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi huongduong261, 26 Tháng chín 2021.

  1. huongduong261

    Bài viết:
    10
    Rừng Xà Nu

    Những gợi ý soạn Rừng xà nu dưới đây sẽ tóm gọn các ý chính sát nội dung bài nhất để các bạn dễ học và nắm bài sâu. Những tác phẩm thời cách mạng như Rừng xà nu sẽ cho ta cảm nhận chân thực hơn về những cuộc chiến một cách đa chiều qua câu chuyện được tác giả gây dựng. Các bạn theo dõi bài soạn dưới đây để cùng học, cảm nhận và soạn văn bài Rừng xà nu chuẩn nhất nhé.

    I. Tìm hiểu chung để soạn Rừng xà nu

    1. Tác giả

    [​IMG]

    Tác giả Nguyễn Trung Thành

    - Ông là một nhà văn cách mạng và có một thời gian dài gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên.

    - Chính quãng thời gian trên đã cho ông nhiều chất liệu để viết nên những tác phẩm ấn tượng về Tây Nguyên như Đất nước đứng lên và Rừng xà nu.

    - Ông cũng là cây bút văn xuôi xuất sắc nhất viết về Tây Nguyên cho tới hiện tại.

    2. Tác phẩm Rừng Xà Nu

    - Tác phẩm được sáng tác vào năm 1965 trong giai đoạn cuộc chiến chống Mỹ diễn ra khốc liệt.

    - Soạn Rừng xà nu chúng ta sẽ thấy tác giả nêu cao tinh thần đứng lên đấu tranh chống lại sự tàn ác của kẻ thù thì sự sống bình yên mới trường tồn mãi mãi.

    II. Tìm hiểu chi tiết bài soạn Rừng xà nu

    Câu 1: Ý nghĩa nhan đề

    - Rừng xà nu: Loài cây biểu tượng cho tinh thần và sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên. Đó cũng là điểm sáng tạo nghệ thuật đắt giá, thể hiện tình cảm của tác giả với những người hùng vĩ đại của dân tộc đã đứng lên chống giặc, bảo vệ lãnh thổ.

    Rừng xà nu

    - Cảnh xà nu nằm dưới tầm đại bác: Là nơi phải hứng chịu hết thảy mọi sự tàn phá khốc liệt nhất của bom đạn, của đại bác Mỹ, nhuốm màu đau thương, những vết thương âm ỉ rỉ máu, sự chết chóc đến xót xa nhưng sau tất cả vẫn vươn lên kiên cường với sức sống mãnh liệt, biểu trưng cho con người, phẩm chất người dân làng Xô Man nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung.

    - Ngọn đồi xà nu trải dài tít tắp tận chân trời như một sự nối tiếp trường tồn mà không gì có thể phá hủy, tiêu diệt được => đó cũng chính là sức sống mãnh liệt của cong người và đất nước ta.

    Câu 2:

    A, Phẩm chất và tính cách người anh hùng Tnú:

    - Khi còn nhỏ, Tnú đã cùng Mai đi vào rừng tiếp tế cho Quyết: Sự gan dạ, dũng cảm và trung thực đã thể hiện rõ trong Tnú ngay lúc còn là một đứa trẻ. Tnú được giác ngộ lý tưởng cách mạng ngay khi còn nhỏ.

    - Giặc bắt, tra tấn dã man, lưng ngang dọc vết chém nhưng vẫn dũng cảm, gan góc chịu đựng và qua những thử thách cam go như vậy càng bộc lộ tinh thần thép và lòng trung thành cách mạng đáng ngưỡng mộ của anh chàng Tây Nguyên này.

    - Tnú phải rơi vào tình cảnh đau thương khôn cùng: Khi bản thân bị bắt và tra tấn dã man khi bị đốt cả mười ngón tay.

    B, Câu chuyện bi tráng: "Tnú không cứu được vợ con" - cụ Mết nhắc tới bốn lần nhấn mạnh

    - Chúng ta không thể tay không bắt giặc, không thể để lòng căm thù trở nên hành động mù quáng mà cần có kế hoạch và chiến lược rõ ràng. Khi chưa cầm vũ khí chiến đấu thì anh cũng chẳng bảo vệ được vợ con, người thân của mình.

    - Cụ Mết - người từng trải và có nhiều kinh nghiệm cũng như tầm nhìn sâu rộng khẳng định rằng đấu tranh cần có vũ khí vì đó là con đường tốt nhất để bảo vệ được những người thân yêu, những điều thiêng liêng.

    - Sau bao hy sinh xương máu nằm xuống đã đúc rút ra chân lý cách mạng sáng ngời và có trách nhiệm truyền đạt lại cho thế hệ sau.

    => Câu chuyện Tnú rút ra chân lí lớn của thời đại: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", chúng ta phải đứng lên để chống giặc, để bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ những người thân thương và những điều thân thuộc, kể cả việc phải cầm vũ khí để xông pha chiến trận và hi sinh cả tính mạng của mình.

    C, Vai trò của nhân vật

    - Cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng: Sự tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác thể hiện tinh thần bất khuất, truyền thống đánh giặc của làng Xô Man nói riêng và của Tây Nguyên nói chung.

    Sự tiếp nối các thế hệ chống giặc để bảo vệ quê hương

    - Mai, Dít chính là những thế hệ vàng hiện tại, mang vẻ đẹp của sự kiên định, mạnh mẽ trong phong ba, bão táp của khói lửa, đạn bom.

    - Bé Heng là thế hệ kế tục tiếp theo có vai trò quan trọng trong việc đưa cuộc chiến đến thắng lợi vinh quang.

    Câu 3:

    Từ đầu đến cuối, hình ảnh rừng xà nu và hình tượng nhân vật Tnú luôn có sự gắn kết khăng khít cùng nhau. Hình ảnh rừng xà nu sừng sững trước mưa bom bão đạn như biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất, sức sống mãnh liệt, dũng cảm, trung thành của Tnú và người dân làng Xô Man.

    Câu 4:

    - Ngôn ngữ, giọng điệu câu chuyện đậm chất sử thi, thấm đẫm bản chất anh hùng ca bi tráng.

    - Kết cấu lặp vòng tròn: Tác phẩm mở đầu và kết thúc với hình ảnh rừng xà nu; cùng với sự trở về của Tnú sau ba năm xa cách.

    - Sử dụng phép trần thuật qua câu chuyện cụ Mết kể lại cho các thế hệ sau nghe.

    III. Tổng kết phần soạn Rừng xà nu

    Soạn bài Rừng xà nu ta rút ra những bài học đắt giá mang ý nghĩa của dân tộc và thời đại. Để dành lấy sự sống tự do và bình yên thực sự thì chúng ta phải đứng lên đấu tranh, phải dùng vũ khí để tiêu diệt kẻ thù. Qua đó cũng thấy được tinh thần yêu nước nồng hậu và sức sống mãnh liệt của người dân Tây Nguyên.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...