Nguyễn Du là một đại thi hào lỗi lạc của thơ ca trung đại Việt Nam. Ông có những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà với những tác phẩm tiêu biểu được cả thế giới biết đến như thi phẩm Truyện Kiều - đỉnh cao của văn học dân tộc, là tinh hoa văn hóa ánh mãi ngàn đời. Nội dung dưới đây định hướng những kiến thức cơ bản giúp các em HS chuẩn bị tốt hơn bài học về cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du - SGK Ngữ văn 11, Cánh diều. Soạn bài: Nguyễn Du – Cuộc đời và sự nghiệp Hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 44 - SGK Ngữ văn 11, Cánh diều Câu 1. Văn bản Nguyễn Du – Cuộc đời và sự nghiệp gồm mấy phần? Hãy xác định nội dung chính của từng phần. Văn bản chia làm 2 phần: Phần 1: Cuộc đời Nguyễn Du: Cuộc đời từng trải với vốn sống phong phủ. Ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời, con người Nguyễn Du là môi trường gia đình, dòng họ và thời đại. Phần 2: Sự nghiệp Nguyễn Du: Khẳng định những đóng góp to lớn của đại thi hào dân tộc đối với văn học Việt Nam, giá trị nội dung và thành tựu nghệ thuật của thơ chữ Hán, đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều. Câu 2. Dựa vào văn bản trên, em hãy nêu lên những điểm nổi bật về thời đại, gia đình, cuộc đời Nguyễn Du có ảnh hưởng tới sáng tác của ông. - Thời đại cuối thế kỉ XVIII – XIX có nhiều biến cố dữ dội (sự thối nát của xã hội phong kiến, khởi nghĩa nông dân, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn, đại phá quân Thanh vang dội, Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn nắm quyền) => làm nên cuộc đời từng trải, nhiều thăng trầm, giúp nhà thơ tích lũy vốn sống phong phú. - Gia đình, dòng họ đại quý tộc, có truyền thống về văn hóa, văn học, truyền thống khoa bảng => truyền thống gia đình là môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách và tài năng Nguyễn Du. - Cuộc đời đầy thăng trầm: + Thời niên thiếu sống trong gia đình quý tộc xa hoa => có điều kiện học hành, trau dồi tài năng. + Cuộc sống phiêu bạt trong cảnh "mười năm gió bụi" : Khi là người ẩn cư tại quê nhà "phường săn núi Hồng"; khi làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, làm chánh sứ sang Trung Quốc.. => tiếp nhận tinh hoa truyền thống của nhiều vùng văn hóa; sự trải nghiệm cuộc sống phong phú đem đến giá trị hiện thực trong sáng tác; việc tiếp xúc nhiều cảnh đời, đồng cảm trước bi kịch và khát vọng của con người.. tạo tiền đề cho việc hình thành tài năng đem đến giá trị nhân đạo.. Câu 3. Vì sao bài viết khẳng định thơ chữ Hán của Nguyễn Du "là bức chân dung tự họa về một con người có tấm lòng nhân đạo bao la, sâu sắc"? - Tấm lòng nhân đạo bao la: Lòng thương cảm vượt biên giới, không gian, không chỉ thương người dân nước mình mà thương cả người dân Trung Quốc. - Tấm lòng nhân đạo sâu sắc: Nhiều khi hóa thân vào những cảnh đời bất hạnh, khổ đau để nói lên niềm thương cảm; chỉ ra và lên án, tố cáo xã hội bất công, tàn bạo. Nhà thơ tự thương mình: Tài năng mà bi kịch, hoài bão không được thực hiện, cô đơn, bơ vơ trước cuộc đời.. Câu 4. Giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực trong các tác phẩm của Nguyễn Du thể hiện những điểm nào? - Giá trị hiện thực: + Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du phản ánh những số phận cơ cực, hẩm hiu (ông già mù hát rong, người mẹ dắt con đi ăn xin) hoặc những con người sắc tài mà bi kịch (người phụ nữ gảy đàn đất Long Thành, nàng Tiểu Thanh) cùng với những bất công trong xã hội. Ngòi bút hiện thực của Nguyễn Du còn mang ý nghĩa lên án xã hội bất công tàn bạo. + Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mượn xã hội Trung Quốc (triều Minh) để phản ánh hiện thực xã hội thời đại ông. Truyện Kiều phê phán những thế lực tàn bạo trong xã hội: Tầng lớp quan lại, những kẻ lưu manh, sự khuynh đảo của đồng tiền, phản ánh cuộc sống của người dân vô tội, những thân phận nhỏ bé bị áp bức, đau khổ mà điển hình là gia đình Thuý Kiều, thân phận Thuý Kiều. Tác phẩm chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của người dân vô tội chính những thế lực tàn bạo trong xã hội. Do vậy, ngòi bút hiện thực của Nguyễn Du ở Truyện Kiều cũng mang sức mạnh lên án, tố cáo xã hội vô nhân đạo. - Giá trị nhân đạo: + Thơ chữ Hán: • Lòng thương người: Thương những người nghèo khổ (ông già mù hát rong, mẹ con người ăn xin) ; thương những người phụ nữ sắc tài mà mệnh bạc (ca nữ đất La Thành, người gảy đàn đất Long Thành, nàng Tiểu Thanh) ; thương những người có tài năng, nhân cách mà cuộc đời bi kịch (Khuất Nguyên, Đỗ Phủ). • Trân trọng đề cao cái đẹp, tài năng, nhân cách (sắc đẹp và văn chương của Tiểu Thanh; tài văn chương và nhân cách của Khuất Nguyên, Đỗ Phủ; tài năng và khí tiết của Tống Nhạc Phi). • Lòng tự thương mình: Tài năng mà bi kịch, hoài bão không được thực hiện, cô đơn, bơ vơ trước cuộc đời.. Lòng tự thương là biểu hiện của ý thức về cá nhân, thể hiện tình cảm, tư tưởng nhân đạo sâu sắc. + Truyện Kiều: • Thương cảm cho những số phận bị đày đọa, đau khổ, tài hoa mà mệnh bạc: "Đời Kiều là tấm gương oan khổ" khi hội tụ những bi kịch của người phụ nữ, của những con người bị áp bức trong xã hội xưa (bi kịch tình yêu, gia đình, nhân phẩm, quyền sống). • Lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người, cuộc sống (thế lực cường quyền và những thế lực tàn bạo khác trong xã hội). • Khẳng định đề cao những khát vọng chân chính của con người: Khát vọng tình yêu, hạnh phúc, khát vọng tự do, công lí, khát vọng sống. Câu 5. Truyện Kiều có những thành công gì về nghệ thuật? - Cốt truyện ba phần: Gặp gỡ - Thử thách – Đoàn viên (hình thức có hậu, thực chất là bi kịch) - Nhân vật đa dạng về tình cách, được miêu tả với đời sống nội tâm (cảm xúc, suy nghĩ bên trong, lời đôc thoại nội tâm), có sự thay đổi tính cách do tác động của hoàn cảnh. - Sử dụng cả ba hình thức ngôn ngữ: Gián tiếp, trực tiếp, nửa trực tiếp (đặc biệt thành công) - Kết hợp ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học hết sức điêu luyện. Câu 6. Nhà thơ Tố Hữu nhận định Nguyễn Du là "người xưa của ta nay". Em có suy nghĩ gì về nhận định đó? Câu trên khẳng định: Nguyễn Du là con người của lịch sử nhưng đang đồng hành cùng con người thời đại ngày nay, bởi tác phẩm của ông đặt ra nhiều vấn đề cơ bản, thiết yếu trong đời sống hiện đại. + Về nội dung sáng tác: Lòng nhân đạo hướng đến con người, nhất là những số phận chịu thiệt thòi, bất hạnh; khát vọng của con người về cuộc sống hạnh phúc, về tự do, về bình đẳng. + Về nghệ thuật tác phẩm: Ngôn ngữ dân tộc – tiếng Việt giàu và đẹp, ngôn ngữ dân gian, đại chúng ở Truyện Kiều vẫn được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày. Có thể lấy dẫn chứng một số câu thơ Kiều vẫn được dùng trong cuộc sống hôm nay.