Soạn văn 6: Mây và sóng - Kết nối tri thức với cuộc sống Tri thức văn học Nhà thơ Ta-go Ra-bin-đơ-ra-nát Ta-go (1861 – 1941) là danh nhân văn hóa, nhà thơ hiện đại lớn nhất của Ấn Độ. Ông để lại một gia tài nghệ thuật đồ sộ, trong đó nổi tiếng nhất là các tác phẩm thơ ca. Thơ R. Ta-go chan chứa tình yêu đất nước, con người, cuộc sống ... Những tình cảm ấy được thể hiện một cách độc đáo qua những hình ảnh tưởng tượng huyền ảo lay động lòng người. Các tập thơ tiêu biểu của R. Ta-go: Thơ dâng, Người làm vườn, Những con chim bay lạc, Mùa hái quả... Bài thơ Mây và sóng Bài thơ Mây và sóng được in trong tập Trăng non – tập thơ R. Ta-go viết cho trẻ thơ. Ban đầu, tập thơ được viết bằng tiếng Ben-gan (Bengai) có tên là Trẻ thơ, về sau, ông dịch ra tiếng Anh và đổi thành Trăng non. (Dẫn theo: Sách giáo khoa Ngữ văn 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục, 2021) Văn bản: Mẹ ơi, trên mây có người gọi con: "Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc." Con hỏi: "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?" Họ đáp: "Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây." "Mẹ mình đang đợi ở nhà" – con bảo – "Làm thế nào có thể rời mẹ mà đến được?" Thế là họ mỉm cười bay đi. Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn, mẹ ạ. Con là mây và mẹ sẽ là trăng. Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm. Trong sóng có người gọi con: "Bọn tớ ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào". Con hỏi: "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?" Họ nói: "Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi". Con bảo: "Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?". Thế là họ mỉm cười, nhảy múa lướt qua. Nhưng con biết trò chơi khác hay hơn. Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ, Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ. Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào. (Nguyễn Khắc Phi dịch) Bố cục bài thơ Mây và sóng: - 10 dòng đầu: Cuộc trò chuyện của em bé với mây và mẹ. - 11 dòng cuối: Cuộc trò chuyện của em bé với sóng và mẹ. Nội dung bài thơ Mây và sóng - Thông qua cuộc trò chuyện của em bé với mẹ, bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc - Bài thơ chứa đựng những triết lí giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc trong cuộc đời. Nghệ thuật bài thơ Mây và sóng - Sử dụng hình ảnh mây và sóng ý nghĩa biểu tượng và giàu chất trữ tình. - Bài thơ có sự kết hợp giữa chất trữ tình và chất triết lí, giữa phương thức trữ tình và phương thức tự sự. - Nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa, điệp ngữ... đặc sắc Soạn bài: Mây và sóngTrả lời câu hỏi trang 46 – Ngữ văn 6Câu 1. Đọc bài thơ Mây và sóng, ta như được nghe kể một câu chuyện. Vì bài thơ có những nhân vật và tình huống như trong truyện. Em bé đã kể với mẹ câu chuyện tưởng tượng của em về cuộc gặp gỡ, trò chuyện với người trên mây và người trong sóng. Em bé kể rằng, người trên mây và người trong sóng đã chỉ cho em cách để bay lên trời, cách để ra biển khơi. Nhưng em bé đã từ chối lời mời gọi rong chơi của họ, vì em không thể rời mẹ mà đi được. Qua câu chuyện của mình, em bé muốn bộc lộ tình yêu với mẹ. Câu 2. Qua lời trò chuyện của những người "trên mây" và "trong sóng", ta thấy: thế giới của họ cao rộng, bí ẩn, vui thú, đầy mời gọi. - Thế giới của những người sống "trên mây": có ánh sáng mặt trời vàng buổi bình minh, có ánh sáng vầng trăng bạc khi đêm về. Đó là thế giới rực rỡ, lung linh, huyền ảo. - Thế giới của những người sống "trong sóng": ca hát cả ngày và rong chơi khắp nơi này nơi nọ từ sáng sớm đến chiều tà. Đó là thế giới vui vẻ, hạnh phúc và tự do. Câu 3. Câu hỏi: "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?", "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?" thể hiện tâm trạng do dự, đắn đo của em bé. Em bé vừa muốn được rong chơi đây đó, trên bầu trời, giữa biển khơi để khám phá thế giới bên ngoài, vừa muốn được ở nhà với mẹ, chơi cùng mẹ. Câu 4. Sau những đắn đo, do dự, em bé cuối cùng đã quyết định từ chối lời mời gọi của những người trên mây và trong sóng: - Làm sao có thể rời mẹ mà đến được? - Làm sao có thể rời mẹ mà đi được? Em bé từ chối vì muốn ở nhà chơi với mẹ, mẹ đang đợi mình. Em bé không muốn mẹ ở nhà một mình, mẹ sẽ buồn. Như vậy, tình yêu thương dành cho mẹ đã thắng lời mời gọi đầy hấp dẫn của những người "trên mây" và "trong sóng". Với em bé, niềm hạnh phúc lớn nhất là được ở bên mẹ, làm mẹ vui và được mẹ yêu thương, che chở. Câu 5. Em bé đã sáng tạo ra trò chơi nhập vai: - Con là mây, mẹ là trăng, con lấy hai tay trùm lên người mẹ; - Con là sóng, mẹ là bờ biển, con sẽ lăn, lăn, lăn và vỗ vào gối mẹ. Với trò chơi nhập vai em bé nghĩ ra, em bé vừa có thể làm mây, làm sóng để ca hát, nô đùa, bay cao, bay xa phiêu du khắp chốn như mơ ước, lại vừa được quấn quýt bên mẹ - như mây quấn quýt bên vầng trăng, như sóng vui đùa bên bờ biển. Hai mẹ con cùng chơi với nhau, điều đó thật vui vẻ, hạnh phúc. Những trò chơi ấy đã thể hiện tình cảm đầy yêu thương của con dành cho mẹ và mẹ dành cho con: - Em bé luôn muốn ở bên mẹ, vui chơi cùng mẹ. - Mẹ luôn muốn ở bên để chăm sóc, chở che, vỗ về: mẹ mình đang đợi ở nhà, buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà. Câu 6. Mây và sóng của Ta-go khác Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh nhưng vẫn được coi là văn bản thơ vì: - Bộc lộ cảm xúc, thế giới tâm hồn là đặc điểm của thơ. - Tác phẩm Mây và sóng dù không gieo vần, không có số tiếng bằng nhau ở các dòng thơ nhưng về nội dung lại thể hiện một cách chân thành, xúc động những cảm xúc, suy nghĩ đầy yêu thương của nhân vật em bé dành cho mẹ. Vì vậy, Mây và sóng chính là một bài thơ, thuộc thể thơ Tự do. Viết kết nối với đọc – trang 46, Ngữ văn 6Viết đoạn văn tưởng tượng em là người đang trò chuyện với mây và sóng: - Các bạn mây ơi, các bạn gọi gì mình thế? – tôi nghe thấy tiếng ai đó gọi trong mây nên hỏi lại. - Bạn có đi chơi với chúng mình không? Chúng mình rong chơi khắp nơi, với bình minh vàng, với ánh trăng bạc – những người trong mây trả lời. Tôi băn khoăn: - Nhưng làm thế nào mình lên trên đó được? Họ trả lời: - Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ nhấc bổng lên tận mây. - Điều đó thật là thích! - tôi nói – Nhưng mẹ mình đang đợi ở nhà, mình làm sao có thể rời mẹ mà đi được. Nghe tôi nói vậy, họ mỉm cười bay đi. Rồi tôi lại nghe tiếng ai đó gọi mình trong sóng: - Bạn có đi chơi với chúng mình không? Chúng mình ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn, ngao du khắp nơi này, nơi nọ. Tôi thích lắm, liền hỏi: - Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được. Những người trong sóng đã chỉ cách cho tôi: - Hãy đến rìa biển cả, nhắm mắt lại, chúng tớ sẽ đưa cậu đi! Nhưng nghĩ đến mẹ đang ở nhà một mình, nếu tôi đi, mẹ sẽ buồn, nên tôi nói với họ: - Buổi chiều mẹ mình luôn muốn mình ở nhà, mình không thể rời mẹ mà đi. Mình ở nhà chơi với mẹ thôi. Thế là sóng cũng mỉm cười, rồi nhảy múa lướt qua. Xem thêm: Thực Hành Tiếng Việt Lớp 6 Trang 47 – Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống