Tuồng là loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc. Tuồng được chia làm hai loại: Tuồng cung đình (viết về đề tài trung với vua, bảo vệ đất nước) ; và tuồng hài (đề tài sinh hoạt, phản ánh hiện thực xã hội, viết về những sự việc, tình huống gây cười). Mắc mưu Thị Hến là một trích đoạn trong vở tuồng hài Nghêu, Sò, Ốc, Hến nổi tiếng. Bài soạn định hướng trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa sau đây cung cấp các kiến thức cơ bản khi học sinh tiếp cận văn bản. Soạn bài: Mắc mưu Thị Hến - Ngữ văn 10, Cánh diều Câu 1. Xác định bối cảnh (không gian, thời gian) và các nhân vật tham gia câu chuyện trong đoạn trích Mắc mưu Thị Hến . Hãy tóm tắt nội dung đoạn trích. Gợi ý trả lời câu hỏi 1 trang 74 - văn 10 Cánh diều: Bối cảnh không gian: Tại nhà Thị Hến; Bối cảnh thời gian: Đêm tối; Các nhân vật tham gia câu chuyện: Thị Hến - người đàn bà góa chồng; Nghêu - thầy sư phá giới; Đề Hầu - người giúp việc cho quan huyện và Huyện Trìa - quan huyện; cả ba người đều say mê Thị Hến. Tóm tắt Mắc mưu Thị Hến: Vì bị thầy Nghêu, Đề Hầu, Huyện Trìa cùng đem lòng yêu mến nên Thị Hến một tối nọ đã hẹn cả ba người cùng tới nhà. Thầy Nghêu đến trước tiên, trò chuyện vừa đôi câu thì Đề Hầu tới, thầy Nghêu phải chui xuống gầm phản trốn. Tới khi Huyện Trìa gọi cửa thì Đề Hầu cũng phải cuống quýt trốn đi. Cuối cùng, họ đều phải lộ diện trong tình huống mắc cỡ và ra về trong sự hả hê của Thị Hến. Câu 2. Phân tích một số yếu tố tạo ra tiếng cười trong đoạn trích: Tình huống, ngôn ngữ và hành động của các nhân vật.. Gợi ý trả lời câu hỏi 2 trang 74 - văn 10 Cánh diều: - Tình huống gây cười: Bị ba người ve vãn, Thị Hến đã sắp đặt cuộc hội ngộ của cả ba tại nhà mình. Đây là tình huống bất ngờ, giàu kịch tính, chỉ qua câu hỏi của Thị Hến về việc xử thầy tu phá giới như thế nào, ba người họ đã tự "xử nhau", và cuối cùng xấu hổ ra về. Tình huống này còn thể hiện sự thông minh, khôn khéo của Thị Hến, chị không cần phải xử ai mà để họ tự xử nhau. - Ngôn ngữ, hành động gây cười: Sự vội vã "đi hầu bổ ngửa" của Nghêu; chạy "ướt đầu bổ sấp" của Huyện Trìa; sự cuống quýt tìm chỗ trốn của Nghêu, của Đề Hầu; hành động lồm cồm bò ra từ gầm phản của Nghêu vì mừng rỡ thoát khỏi tội "trảm quyết"; lời tố cáo Đề Hầu "dâm ô" trong khi mình phá giới đi tìm gái đẹp; hành động Đề Hầu cũng lồm cồm bò ra đổ lỗi cho Thị Hến và mỉa mai cho sự mắc mưu Thị Hến của Nghêu và Huyện Trìa; hành động giải quyết tình thế xấu hổ của Huyện Trìa: Đề lại cõng mỗ về nhà.. Ngôn ngữ và hành động của nhân vật cho thấy hình ảnh, điệu bộ cuống quýt, sợ hãi tức cười của cả ba nhân vật. Lúc đến thì hùng hồn, oai phong, nhưng khi sắp bị phát giác thì hồn vía lên mây tìm chỗ trốn; khi bị lột mặt nạ thì bẽ bàng, xấu hổ. Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số chỉ dẫn sân khấu có trong văn bản Mắc mưu Thị Hến. Gợi ý trả lời câu hỏi 3 trang 74 - văn 10 Cánh diều: - Các chỉ dẫn sân khấu: Tiếng Đề Hầu kêu cửa; Nghêu chui xuống gầm phản; Đề Hầu vào; Huyện Trìa tới; Nói ngoài cửa.. Các chỉ dẫn này được đặt trong ngoặc đơn, in nghiêng. - Tác dụng của các chỉ dẫn: Giúp người đọc hình dung rõ hơn hành động, cử chỉ, nét mặt, tâm trạng, giọng nói.. của các nhân vật từ đó hiểu rõ suy nghĩ, động cơ của nhân vật. Câu 4. Trong văn bản, tác giả dân gian đã thể hiện thái độ như thế nào đối với các nhân vật? Gợi ý trả lời câu hỏi 4 trang 74 - văn 10 Cánh diều: Thái độ của tác giả dân gian đối với các nhân vật: - Với nhân vật Thị Hến: Đồng tình, ngợi ca sự khôn khéo, thông minh, coi trọng tiết hạnh. - Với Nghêu, Đề Hầu, Huyện Trìa: Phê phán thói háo sắc, ham của lạ - đi ngược với đạo đức của người tu hành, người cầm cán cân công lí. Câu 5. Em ấn tượng nhất với chi tiết, hình ảnh nào trong đoạn trích, vì sao? Gợi ý trả lời câu hỏi 5 trang 74 - văn 10 Cánh diều - Chi tiết ấn tượng: Nghêu lồm cồm bò từ trong gầm phản ra; - Lí giải: Đề Hầu đến, Nghêu phải cuống quýt chui xuống gầm phản, đánh mất cả hình ảnh tôn nghiêm của một vị sư. Lẽ ra vị sư ấy phải trốn cho chót lọt. Nhưng chỉ cần nghe Huyện Trìa phán, tội phá giới của mình chỉ bất quá đánh đòn, thầy sư mừng như được cứu sống, không nghĩ đến tình cảnh đang trốn, liền chui ra để vạch tội Đề Hầu, tội "dâm ô" vì hắn đã xử mình "trảm quyết". Chi tiết khiến ta bật cười vì sự mừng rỡ đến rối rít của thầy sư, và vì mình cũng dâm ô lại đi tố cáo tội dâm ô của người khác.. Câu 6. Tiếng cười ở đoạn trích Mắc mưu Thị Hến còn có ý nghĩa với cuộc sống hôm nay không? Vì sao? Gợi ý trả lời câu hỏi 6 trang 74 - văn 10 Cánh diều Tiếng cười trong đoạn trích hướng vào các thói hư tật xấu của con người: Phá giới, ham của lạ.. Thói xấu ấy bây giờ vẫn tồn tại, vì vậy tiếng cười phê phán những tật xấu của con người vẫn còn ý nghĩa. Ngày nay, con người vẫn cần phải không ngừng đấu tranh với cái xấu một cách vừa khôn khéo, vừa quyết liệt để hướng đến những điều tốt đẹp.
Trích đoạn tuồng Mắc mưu Thị Hến đã thể hiện cái nhìn châm biếm của tác giả dân gian về những thói hư tật xấu, những dục vọng tầm thường của tầng lớp cường hào ác bá phong kiến. Tác giả để cho các nhân vật tự giới thiệu, bộc lộ bản chất của mình thông qua lời thoại, cử chỉ và ngôn ngữ, không cần dùng đến một từ ngữ phê phán hay bình luận nào. Đây là một cách thể hiện rất khéo léo. Thông qua câu chuyện, tác giả dân gian đã bóc trần bộ mặt giả dối của những kẻ có chức có quyền trong xã hội cũ với sự mẫu thuẫn giữa vẻ bề ngoài với bản chất bên trong. Bọn chúng khéo che giấu cái bản chất háo sắc, thói trăng hoa bên trong cái vỏ bọc đạo mạo. Tiếng cười được gửi gắm trong tác phẩm vừa sâu cay vừa mang ý nghĩa phê phán sâu sắc. Tiếng cười trong đoạn trích Mắc mưu Thị Hến vẫn còn nguyên ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay.