Soạn bài: Khi con tu hú - Ngữ Văn 8 (của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo) Văn bản: Khi con tu hú Khi con tu hú gọi bầy Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần Vườn râm dậy tiếng ve ngân Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào Trời xanh càng rộng càng cao Đôi con diều sáo lộn nhào từng không.. Ta nghe hè dậy bên lòng Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi! Ngột làm sao, chết uất thôi Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu! I. Tìm hiểu chung 1. Tác giả: Tố Hữu (1920-2002). - Quê: Thừa Thiên Huế. - Là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, đời cách mạng thống nhất với đời thơ. - Phong cách thơ trữ tình chính trị, đậm hồn dân tộc. 2. Tác phẩm a. Hoàn cảnh sáng tác: Sáng tác tháng 7/1939 khi tác giả bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ (Huế). b. Xuất xứ: in trong tập Từ ấy (phần 2). c. Thể thơ: Lục bát. d. Ý nghĩa nhan đề: "Khi con tu hú" là một vế phụ của câu, gợi ra bao nhiêu liên tưởng, gợi mạch cảm xúc của toàn bài ( "Khi chim tu hú gọi bầy là khi mùa hè đến người tù cách mạng (nhân vật trữ tình) càng cảm thấy ngột ngạt trong phòng giam chật chội, càng thèm khát cháy bỏng cuộc sống tự do tưng bừng ở bên ngoài") đ. Bố cục: 2 phần - Phần 1: 6 câu thơ đầu: Bức tranh mùa hè trong tâm tưởng của người tù cách mạng. - Phần 2: 4 câu thơ cuối: Tâm trạng của người tù cách mạng. II. Đọc – hiểu văn bản 1. Bức tranh mùa hè - Hình ảnh: khoáng đạt, tự do. - Màu sắc: Rực rỡ, tươi tắn. - Âm thanh: vui tươi, rộn rã. - Hương vị: ngọt ngào => Đây là những tín hiệu đặc trưng của mùa hè. Mùa hè tươi vui, đầy sức sống. - Nghệ thuật: sử dụng động từ, tính từ, cảm nhận bằng nhiều giác quan, tưởng tượng phong phú. => Bức tranh mùa hè đầy sức sống rộn ràng âm thanh, rực rỡ sắc màu, ngọt ngào hương vị, bầu trời khoáng đạt tự do.. → Sự cảm nhận tinh tế của một tâm hồn trẻ trung, yêu đời khao khát tự do đến cháy lòng. 2. Tâm trạng người tù - Đối lập: Không gian rộng lớn, cuộc sống tự do >< Không gian chật hẹp, cuộc sống mất tự do. - Nhân tố tác động: cảnh hè, tiếng chim tu hú Suy nghĩ: "muốn đạp tan phòng" => Ước muốn cháy bỏng muốn thoát ra khỏi chốn ngục tù và được tự do. - Nghệ thuật: + Ngắt nhịp bất thường ở câu 8 và 9. + Động từ mạnh: Dậy, đạp tan, ngột, chết uất. + Từ cảm thán: Ôi, làm sao, thôi. + Ẩn dụ: Đạp tan phòng = Phá tan xiềng xích nô lệ. + Kết cấu vòng tròn. - Ý nghĩa: Bài thơ khép lại nhưng nghe tiếng tu hú "cứ kêu", kêu hoài, kêu mãi.. Bài thơ cho ta hiểu thêm nét đẹp trong tâm hồn người cộng sản trẻ tuổi. Người chiến sĩ gang thép đó có một thế giới nội tâm rất mực phong phú, rung động mãnh liệt với nhịp đập của cuộc sống, gắn bó thiết tha với quê hương ruộng đồng, và một niềm khát khao tự do cháy bỏng. III. Tổng kết 1. Nội dung: Tình yêu cuộc sống và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người tù cách mạng. 2. Nghệ thuật: - Viết theo thể thơ lục bát mượt mà, uyển chuyển. - Lựa chọn lời thơ đầy ấn tượng để biểu lộ cảm xúc. - Sử dụng các biện pháp tu từ: Ẩn dụ, nói quá.. - Tạo kết cấu vòng tròn ấn tượng, đầu cuối tương ứng. [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của HaelaARMY