I. Tác phẩm A) Xuất xứ "Hai đứa trẻ" là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, in trong tập "Nắng trong vườn". b) Chủ đề Bằng một truyện ngắn trữ tình có cốt truyện đơn giản, Thạch Lam đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối ở phố huyện nghèo trước Cách mạng. Đồng thời, ông cũng biểu lộ sự trân trọng ước mong đổi đời tuy còn mơ hồ của họ. c) Bố cục: 3 phần II. Đọc - hiểu văn bản 1. Cảnh phố huyện lúc chiều tàn A) Thiên nhiên lúc hoàng hôn Âm thanh: "Tiếng trống thu không.. từng tiếng.." "Tiếng ếch nhái kêu ran.." "Muỗi bắt đầu vo ve.." Nhịp văn chậm rãi, rời rạc, đều đều gợi không gian yên tĩnh của buổi chiều phố huyện. Màu sắc: "Phương tây đỏ rực.. những đám mây.. dãy tre làng.. rõ rệt trên nền trời". Màu sắc cảnh vật chuyển biến theo thời gian gợi cảm giác buồn bã, mơ hồ. Mùi vị: "Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát vụi quen thuộc quá". Nhân vật cảm nhận cảnh quê hương bằng khứu giác. Hình ảnh mấy đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ: ".. lom khom.. tìm tòi.. nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại.." nghèo khổ, thiếu thốn. Cảnh vật phần nhiều rất gần gũi, bình dị và mang cốt cách Việt Nam. Tác giả không chỉ miêu tả mà điều quan trọng là khơi gợi được ở người đọc tình cảm, cảm xúc với cảnh vật. b) Tâm trạng nhân vật Liên "Liên không hiểu sao, chị thấy lòng buồn man mác.." : Lời văn cảm xúc, lắng đọng, từ láy "man mác". Cảm giác mơ hồ, bâng khuâng thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Cảnh được quan sát, cảm nhận qua con mắt của nhân vật Liên. Bức tranh phố huyện như có linh hồn riêng, thấm đượm chất trữ tình. 2. Phố huyện trong đêm A) Thiên nhiên "Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một". Cảnh vật rất quen thuộc, thường có ở quanh ta, dưới ngòi bút Thạch Lam chúng trở nên gần gũi, gợi cảm với người đọc. Giọng văn dịu dàng, những chi tiết bình dị, đơn sơ nhưng nếu không xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước vốn có trong mỗi con người Việt Nam, tác giả sẽ khó thể hiện được sự giao cảm, giao hòa giữa tâm hồn hai đứa trẻ với cây cỏ quê hương hay đến vậy. b) Những khoảng tối và khoảng sáng Đêm tối thì "thăm thẳm", "mênh mông", chiếm hầu hết không gian phố huyện. Trong đêm, cả phố huyện gần như chỉ thu vào "quầng sáng thân mật xung quanh ngọn đèn trên chõng hàng chị Tí". Ánh sáng leo lét, ít ỏi. Nghệ thuật tương phản gợi cảnh đêm tối chân thực, đầy ấn tượng. Chi tiết ngọn đèn chị Tí được nhắc đi nhắc lại tới 7 lần. Kết thúc truyện, hình ảnh gây ấn tượng, day dứt, đi vào giấc ngủ của Liên và tâm trí bạn đọc vẫn là "chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ". Tình thương, sự cảm thông của Thạch Lam đối với những kiếp sống mỏng manh, hiu hắt nơi phố huyện bé nhỏ. c) Những kiếp người nghèo khổ Mẹ con chị Tí: Ban ngày mò cua, bắt tép, tối đến dọn hàng nước ché tươi, thắp một ngọn đèn dầu leo lét. Hàng vắng khách, tuy chiều nào chị cũng dọn từ chập tối cho đến đêm nhưng "chả kiếm được bao nhiêu". Luôn vất vả và sống trong thiếu thốn. Bà cụ Thi: Hơi điên lại nghiện rượu, có tiếng cười khanh khách, ghê sợ, sau khi uống một hơi cạn cút rượu ti, "cụ đi lần vào bóng tối". Tiếng cười và bước chân của cụ cho thấy một kiếp người tàn tạ. Bác Phở Siêu: Gánh phở của bác được xem là thứ quà xa xỉ nhiều tiền, những người nghèo không bao giờ mua được. Gia đình bác Xẩm: Hát rong kiếm sống, nghèo khổ, không có một manh chiếu lành. Chị em Liên: Thay mẹ trông coi cái cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu ít người mua. Liên luôn nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp ở Hà Nội, buồn bã yên lặng theo dõi những kiếp người tàn tạ và cảm nhận sâu sắc về cuộc sống tù đọng trong bóng tối của họ. Hai chị em biết thương xót cho những đứa trẻ lam lũ, tội nghiệp, lại rất "thảo" với bà cụ Thi. Tất cả là những kiếp sống mong manh, tăm tối, lay lắt, tạm bợ qua ngày, lặp đi lặp lại đơn điệu, buồn tẻ. Tuy vậy, những người dân phố huyện vẫn hy vọng – cho dù hi vọng đó rất mơ hồ: "Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cả sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ". Đây là một trong những phẩm chất tốt đẹp rất đáng trân trọng. Nhà văn đã gián tiếp gởi gắm sự cảm thông thương xót và ngợi ca. 3. Phố huyện lúc chuyến tàu đêm đi qua A) Tâm trạng đợi tàu của hai chị em Liên "Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt.. vẫn chưa chịu ngủ". "An đã nằm xuống.. mi mắt sắp sửa rơi xuống", vẫn không quên dặn chị nhớ đánh thức mình dậy. Nguyên nhận có thức đợi tàu vì hai đứa trẻ muốn được nhìn hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Hơn nữa trong nhận thức của Liên và An, con tàu không chỉ là tàu hỏa, chuyến tàu là "một thế giới khắc hẳn.. khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu". b) Hình ảnh chuyến tàu Được miêu tả từ xa đến gần, tập trung vào các hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, con người: - Âm thanh: "Tiếng còi xe lựa ở đâu vang lại trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió.. Tiếng hành khách ồn ào khe khẽ.. Tiếng còi đã rít lên và tàu rầm rộ đi tới". - Ánh sáng: "Các toa đèn sáng trưng chiếu ánh cả xuống đường.. những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng". c) Ý nghĩa - Con tàu là niềm vui duy nhất: Đối với không ít người dân phố huyện, chuyến tàu đêm là biểu tượng của sự sống mạnh mẽ, sự giàu sang, rực rỡ ánh sáng của tương lai. - Con tàu gợi nhớ kỉ niệm đẹp: Riêng đối với hai đứa trẻ, chuyến tàu đêm còn gợi nhớ về những kỉ niệm của ngày xưa sung sướng, khi chị em Liên còn ngụ tại đất Hà Nội với thầy mẹ. Vì vậy, việc Liên và An đón đợi đoàn tàu còn cho thấy nhu cầu tha thiết về tinh thần, muốn thoát khỏi cuộc sống buồn chán hiện tại và đến với cuộc sống mới, thế giới mới tươi đẹp hơn. - Con tàu giúp Liên hiểu rõ hơn cuộc sống nơi phố huyện: Chuyến tàu đi qua trong chốc lát rồi trả lại cuộc sống đầy bóng tối cho phố huyện nỗi buồn càng thấm thía hơn. III. Tổng kết 1. Nghệ thuật Kết cấu truyện giống một bài thơ trữ tình, ít sự việc, hành động nhưng đầy ắp suy tư rung cảm. Miêu tả sinh động những biến đổi tinh tế của cảnh vật và tâm trạng của con người. Giọng văn nhẹ nhàng, điềm tĩnh, khách quan; nhưng trữ tình, sâu lắng. Bút pháp đối lập tương phản đặc sắc. Ngôn ngữ, hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng. 2. Nội dung Truyện ngắn "Hai đứa trẻ" thể hiện niềm cảm thương chân thành của tác giả đối với những kiếp sống nghèo khổ, chìm khuất trong mỏi mòn, tăm tối, quẩn quanh nơi phố huyện trước cách mạng và sự trân trọng với những mong ước bé nhỏ, bình dị mà tha thiết của họ. "Hai đứa trẻ" chứa đựng một giá trị nội dung đáng quý với những đóng góp mới về tư tưởng nhân đạo đối với văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945.