Soạn bài: Giáo dục khai phóng ở Việt Nam nhìn từ Đông Kinh Nghĩa Thục - Ngữ văn 12 KNTT

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 11 Tháng ba 2025.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    178
    I. Tri thức Ngữ văn

    1. Vai trò của dữ liệu trong văn bản thông tin


    - Dữ liệu là các thông tin dưới dạng chữ viết, kí hiệu, số liệu, hình ảnh, âm thanh.. nhằm mô tả hoặc đo lường sự vật.

    - Có thể nói, dữ liệu là yếu tố quan trọng bậc nhất trong văn bản thông tin. Văn bản thông tin chỉ thực sự có giá trị khi cung cấp được cho người đọc những thông tin mới, đáng tin cậy, dựa trên những dữ liệu phong phú, chính xác, khách quan. Lập trường, thái độ, quan điểm của tác giả cũng được bộc lộ một cách gián tiếp qua cách chọn lọc, sắp xếp, trình bày, phân tích, đánh giá dữ liệu.

    2. Dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp

    - Dữ liệu sơ cấp là dữ liệu được người viết thu thập một cách trực tiếp qua hoạt động quan sát, phỏng vấn, điều tra, thí nghiệm.. Dữ liệu sơ cấp có thể tồn tại dưới dạng các bản ghi chép, nhật kí, số liệu điều tra, kết quả khảo sát, thực nghiệm, bản vẽ, ảnh chụp tại hiện trường.. Dữ liệu sơ cấp có giá trị thực tiễn, giúp người đọc hình dung ra hiện trạng của vấn đề, sự việc, tuy nhiên có thể hàm chứa thiên kiến của người thu thập.

    - Dữ liệu thứ cấp là dữ liệu được khai thác bằng con đường gián tiếp, sử dụng lại những nguồn thông tin đã có từ trước. Dữ liệu thứ cấp mang lại cái nhìn đa dạng, nhiều chiều hơn về vấn đề, song độ tin cậy của dữ liệu thứ cấp lại phụ thuộc vào nguồn thông tin gốc.

    3. Tính cập nhật, độ tin cậy của dữ liệu

    Để đánh giá tính cập nhật, độ tin cậy của dữ liệu trong văn bản thông tin, người đọc có thể thực hiện một số thao tác sau:

    - Thẩm định nguồn dữ liệu: Ai là người cung cấp dữ liệu, người cung cấp dữ liệu có đủ thẩm quyền và uy tín hay không, dữ liệu được công bố ở đâu, khi nào, qua kênh nào..

    - Đánh giá tính logic trong cách trình bày: Dữ liệu được đưa ra theo trình tự nào? Mức độ tương hợp giữa các dữ liệu được thể hiện ra sao?

    Phân biệt sự thật và ý kiến: Sự thật là những số liệu, ví dụ, trích dẫn, câu chuyện thực tế mang tính khách quan, có thể đo lường, kiểm chứng; ý kiến là đánh giá, nhận định dựa trên quan điểm chủ quan của một cá nhân, khó xác minh.

    - Suy luận để nhận ra thiên kiến của tác giả: Tìm các từ ngữ cho thấy sự thái quá của cảm xúc, những chi tiết thể hiện sự giản lược hóa hoặc cường điệu trong việc huy động dữ liệu..

    - So sánh các dữ liệu trong văn bản đọc với dữ liệu tương tự ở một số văn bản khác: Tìm điểm tương đồng, khác biệt trong cách nêu, phân tích dữ liệu giữa các văn bản và lí giải nguyên nhân dẫn đến điều đó.

    II. Đọc hiểu chung

    - Nguyễn Nam sinh năm 1961, quê ở tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), là người nghiên cứu sâu về các lĩnh vực: Lịch sử tư tưởng, văn chương và điện ảnh Đông Á.

    III. Đọc hiểu chi tiết

    1. Hình thức và cách sắp xếp thông tin trong văn bản

    – Các mục in đậm trong văn bản (Bối cảnh lịch sử, Điểm nhấn then chốt trong lịch sử giáo dục Việt Nam, Giáo dục khai phóngĐông Kinh Nghĩa Thục và sa-pô) có tác dụng nêu vấn đề chính sẽ được triển khai trong đoạn đó.

    – Các thông tin trong văn bản được sắp xếp theo tầm quan trọng của vấn đề.

    [​IMG]

    2. Dữ liệu trong văn bản

    – Điểm nhấn then chốt của Đông Kinh Nghĩa Thục: Được vận hành theo hình thức từ dưới lên trên, bắt nguồn từ trong dân chúng, do nhân sĩ đề xướng; theo định hướng độc lập dân tộc; khát vọng yêu nước, mong cầu tiến bộ về trí thức, tư duy và dân chủ để phá bỏ những kìm hãm, trì trệ xã hội thuộc địa và quân chủ Việt Nam đầu thế kỉ XX.

    – Các dữ liệu được sử dụng để làm rõ điểm nhấn then chốt:

    + Sách Đông Kinh Nghĩa Thục của Đào Trinh Nhất đã bị cấm lưu hành trên khắp cõi

    An Nam sau vài tháng phát hành.

    + Khảo cứu Đời cách mệnh Phan Bội Châu đã bị cấm giới thiệu, lưu hành, bày bán trên toàn cõi An Nam từ tháng 3 năm 1938.

    + Các bài viết của cụ Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm đã rải rác trên báo chí, đến năm

    1945 biên soạn thành sách Đông Kinh Nghĩa Thục thì lại bị thất lạc khỏi tay người soạn. Sau đó, hơn chục năm, ông đã hoàn thành một bản thảo khác nhưng vẫn chưa được in chính thức.

    * Giáo dục khai phóng của Đông Kinh Nghĩa Thục:

    + Dạy khoa học thường thức và cộng nghệ thường thức

    + Chia trường học thành 3 cấp: Tiểu, Trung, Đại học

    + Diễn thuyết công khai 1 tuần 1 lần

    + Dạy miễn phí, cấp sách vở, giấy bút

    + Thực nghiệm để sẵn sàng mở khắp 3 kì

    + Giảng dạy bằng tiếng Pháp, Hán, Việt

    * Đông Kinh Nghĩa Thục là mô hình giáo dục khai phóng vì:

    Cung cấp một nền tảng tri thức rộng mở, giúp người học phát triển tư duy phản biện, kĩ năng lập luận, phân tích và biểu đạt các ý tưởng, thông tin một cách rõ ràng. Những nền tảng tri thức và kĩ năng này sẽ chuẩn bị cho người học năng lực xử lí các vấn đề phức tạp của thế giới và ứng phó với những thay đổi không thể lường trước. Như vậy, với sáu đặc điểm giáo dục khai phóng của Đông Kinh Nghĩa Thục, người học có thể đạt được mục đích của giáo dục khai phóng nêu trên. Đồng thời, Đông Kinh Nghĩa Thục được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, với mục đích sẽ sẵn sàng mở rộng ra ba kì. Vì thế, tác giả cho rằng đây là một mô hình khai phóng.

    3. Phương tiện phi ngôn ngữ

    - Hình ảnh 1: Về căn nhà số 4, nhà riêng của cụ Lương Văn Can, đã từng là cơ sở dạy học của Đông Kinh Nghĩa Thục giúp chúng ta hình dung trực quan về xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX (trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cấu trúc nhà cửa, trang phục của người dân, phương tiện đi lại.). Đồng thời, bức ảnh cũng góp phần khẳng định vai trò quan trọng của cụ Lương Văn Can với Đông Kinh Nghĩa Thục. Hình ảnh này gắn kết chặt chẽ với nội dung trình bày về Đông Kinh Nghĩa Thục ở SGK (tr. 69 – 70).

    - Hình ảnh 2 và 3: Về cuốn sách Đông Kinh Nghĩa Thục của Đào Trinh Nhất và quyết định cấm hai tác phẩm Đông Kinh Nghĩa Thục, Đời cách mệnh Phan Bội Châu của Đào Trinh Nhất giúp chúng ta hiểu về hình thức xuất bản của một cuốn sách đương thời, tiếp cận với chân dung của Giám học Nguyễn Quyền, các nội dung cấm xuất bản với hai cuốn sách. Hình ảnh này cũng gắn kết chặt chẽ với nội dung được trình bày ở SGK (tr. 72).

    - > Nếu không có hai hình ảnh này, giá trị của văn bản sẽ giảm xuống vì nó thiếu đi tính trực quan, cách thức cung cấp thông tin lịch sử.

    4. Thái độ, quan điểm của người viết với Đông Kinh Nghĩa Thục

    - Tác giả cho rằng Đông Kinh Nghĩa Thục có ảnh hưởng sâu rộng đến truyền thống giáo dục của Việt Nam nói riêng và với sự phát triển theo định hướng mới của xã hội Việt Nam nói chung. Tuy thời gian tồn tại ngắn ngủi (chỉ gần mười tháng) và còn rất sơ khai nhưng cái dũng khí dám từ bỏ lối học từ chương khoa cử, giáo điều cả nghìn năm áp đặt, kìm hãm tâm trí người dân, cần được ghi nhận như một mốc lịch sử giáo dục quan trọng. Đông Kinh Nghĩa Thục đã tiếp nối và phát huy tinh thần khai phóng của giáo dục Việt Nam trong điều kiện là nước thuộc địa và trong bối cảnh biến động phức tạp của thế giới đầu thế kỉ XX.

    - Những nhận định này không có thiên kiến trong cách nhận xét, đánh giá vì tác giả dựa trên những dữ liệu khách quan, dữ liệu thứ cấp được cung cấp với nguồn trích dẫn cụ thể, cả kênh hình và kênh chữ, kết hợp với các thao tác chứng minh, phân tích, bình luận, so sánh để làm rõ cho ý kiến nhận định của mình.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...