Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa. Tác phẩm của ông, dù chữ Hán, hay chữ Nôm đều hướng tới phản ánh những số phận cơ cực, hẩm hiu (ông già mù hát rong, người mẹ dắt con đi ăn xin) hoặc những con người sắc tài mà bi kịch (Thúy Kiều, người phụ nữ gảy đàn đất Long Thành, nàng Tiểu Thanh) để nói lên tiếng nói đồng cảm, xót thương cho họ, để ca ngợi vẻ đẹp của họ, lên tiếng tố cáo xã hội và đòi quyền sống cho con người. Đọc Tiểu Thanh kí là bài thơ chữ Hán đặc sắc viết về nàng Tiểu Thanh - một cô gái Trung Quốc có tài và có sắc mà cuộc đời bất hạnh. Nội dung dưới đây hướng dẫn các bạn HS có thêm tư liệu để soạn bài Đọc Tiểu Thanh kí - trả lời câu hỏi SGK trang 47, Ngữ văn 11, Cánh diều. Soạn bài: Đọc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du Ngữ văn 11 - Cánh diều Tri thức ngữ văn Thơ Đường luật và một số yếu tố trong thơ Đường luật - Thơ Đường luật là một thể loại thơ phổ biến trong văn học các nước khu vực văn hóa Đông Á thời trung đại. - Những đặc điểm thường gặp trong thơ Đường luật: + Hình ảnh trong thơ Đường luật: thường có tính ước lệ, tượng trưng cao. + Gieo vần: Thường gieo luật bằng vần bằng ở cuối các câu 1, 2, 4 (với thơ tứ tuyệt), câu 1, 2, 4, 6, 8 (với thơ bát cú). + Đối: Đa dạng thường có đối trong hai câu thực và hai câu luận. Bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí: Nhan đề Đọc Tiểu Thanh kí: Có hai cách hiểu: + Đọc tập thơ của Tiểu Thanh. + Đọc truyện viết về Tiểu Thanh. Bố cục: Đề, thực, luận, kết. Vài nét về nàng Tiểu Thanh (1594 – 1612). + Là một cô gái Trung Quốc có tài và có sắc, sống vào đầu thời Minh. 16 tuổi làm vợ lẽ một gia đình quyền quý. Vợ cả hay ghen, bắt sống một mình trên núi. Đau buồn, cô sinh bệnh rồi mất ở tuổi 18. + Nỗi niềm đau khổ, phẫn uất của cô được gửi vào trong thơ nhưng phần lớn bị vợ cả đốt. Chỉ còn một số bài sót lại (phần dư). Hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 47 - SGK Ngữ văn 11, Cánh diều Câu 1. Ngoài kết cấu đề, thực, luận, kết, bài thơ có thể chia theo kết cấu 2 phần (4 câu trên, 4 câu dưới) được không, vì sao? Đọc Tiểu Thanh kí có thể chia thành hai phần: - Bốn câu trên: Là sự việc tác giả đọc Tiểu Thanh kí và cảm nghĩ về số phận Tiểu Thanh, thương cho người phụ nữ sắc tài mà mệnh bạc. - Bốn câu sau là cảm nghĩ của nhà thơ về chính mình, là nỗi niềm của nhà thơ gửi tới mai sau. Căn cứ: Dựa vào nội dung, vào mạch cảm xúc, suy tưởng của nhà thơ. Câu 2. Qua hai câu thơ: "Son phấn có thần chôn vẫn hận/ Văn chương không mệnh đốt còn vương.", em nhận ra điều gì về số phận nàng Tiểu Thanh và thái độ, tình cảm của tác giả? - Son phấn tượng trưng cho sắc đẹp còn văn chương tượng cho tài năng. Sắc đẹp bị đày đọa, chết trẻ (yểu mệnh), tài năng bị vùi dập, tập thơ từ của Tiểu Thanh bị đốt. Như vậy, hai câu thơ cho thấy số phận bi kịch của Tiểu Thanh: Tài sắc mà bạc mệnh. - Tình cảm, thái độ của Nguyễn Du: + Thương cảm cho số phận Tiểu Thanh nói riêng, cho số phận những người tài hoa bạc mệnh nói chung. + Khẳng định, trân trọng sắc đẹp và tài năng của con người. + Oán trách thế lực tàn bạo đã vùi dập con người. Câu 3. Vì sao nhà thơ tự xem mình là người "cùng hội cùng thuyền" với người "phong lưu" thanh lịch, tài hoa nhưng mang nỗi oan lạ lùng? Qua đó, em hiểu thêm điều gì về Nguyễn Du? Trong mạch cảm xúc của tác giả, số phận của Tiểu Thanh tiêu biểu cho số phận những người tài hoa mệnh bạc. Nguyễn Du đã từ cái hận của Tiểu Thanh mà nghĩ tới cái hận muôn đời của những người tài hoa mà bi kịch, trong đó có bản thân ông. Chính vì vậy, Nguyễn Du đã tự xem mình là người "cùng hội cùng thuyền" với người "phong lưu" thanh lịch, tài hoa nhưng mang nỗi oan lạ lùng. Hai câu thơ "Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi / Cái án phong khách tự mang" giúp hiểu thêm về Nguyễn Du: Thương người và tự thương mình. Bằng chính sự thể nghiệm của bản thân, Tố Như thấu hiểu nỗi đau oan khốc của Tiểu Thanh và ngược lại từ Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du đã "một lời là một vận vào" bản thân để tự hận, tự thương. Câu 4. Phân tích tác dụng của nghệ thuật đối trong bài thơ. - Phép đối: Cảnh đẹp >< gò hoang. Tác dụng: + Nhấn mạnh sự thay đổi bể dâu của cuộc đời: Quá khứ thì đẹp đẽ, hiện tại hoang tàn, cô quạnh; + Tạo ấn tượng về sự phũ phàng của cuộc đời: Cái đẹp bị vùi dập. + Thể hiện lòng thương cảm của Nguyễn Du. - Phép đối: Giữa câu 3 và câu 4: Tác dụng: + Làm nổi bật vẻ đẹp, tài năng của Tiểu Thanh; + Làm nổi bật sự nghiệt ngã của số phận nàng: Có tài, có sắc mà bị dập vùi - Phép đối giữa hai câu thực và hai câu luận: - Tác dụng: + Làm nổi bật lên sự tương quan giữa số phận bi kịch của Tiểu Thanh với bi kịch của những người tài hoa ở xã hội cũ, trong đó có Nguyễn Du. Từ cái hận của Tiểu Thanh, nghĩ rộng ra cái hận muôn đời để rồi nhà thơ vận vào bản thân mình: "Phong vận kì oan ngã tự cư" (Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). + Biện pháp nghệ thuật đối tương đồng giữa hai câu thực và hai câu luận tạo nên sự hòa nhập giữa khách thể và chủ thể, cho thấy sự cảm thông lạ lùng của đại thi hào dân tộc. Câu 5. Tác giả gửi gắm tâm sự gì qua hai câu kết? – Hai câu kết là lời hỏi: Ba trăm năm sau trong thiên hạ có ai khóc cho Tố Như. Với Tiểu Thanh, ba trăm năm sau đã có một Nguyễn Du "thổn thức bên song" trước "mảnh giấy tàn". Còn với Nguyễn Du, ba trăm năm sau liệu có ai "khóc Tố Như chăng"? "Bất tri" – chưa biết được. Niềm tự thương, tự đau lên tới cực độ. Hỏi trời, hỏi mai sau, chứng tỏ Nguyễn Du cảm thấy bơ vơ, không tri âm, tri kỉ giữa cuộc đời, giữa thời gian vô định. – Nhà thơ khắc khoải hoài vọng ở tương lai: Đời sau trong muôn một còn có kẻ "khóc người đời xưa"? Thời đại Nguyễn Du là thời đại khổ đau, khát khao giải thoát nhưng vẫn bế tắc. Bế tắc nhưng không thôi khát vọng. Vì vậy nỗi niềm Tố Như gửi tới mai sau không phải là sự tuyệt vọng mà là niềm hi vọng được giải tỏa. Câu 6. Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua bài thơ? Bài thơ là tiếng khóc lớn: Khóc cho nàng Tiểu Thanh, khóc cho những con người tài hoa bạc mệnh và khóc cho chính mình. Bằng những trải nghiệm của cuộc đời mười lăm năm khổ cực, Nguyễn Du chứng kiến bao cảnh đời, bao số phận éo le. Ông thấu hiểu và cảm thương cho những người con gái có tài, có sắc như Tiểu Thanh. Tình thương ấy còn mở rộng đến những người phong lưu, nho nhã mà mắc "kì oan" trong xã hội cũ. Thương người chính là một biểu hiện của tấm lòng nhân đạo mênh mông, cao cả. Tuy nhiên, ở đây tấm lòng nhân đạo của nhà thơ không dừng lại ở thương người, mà còn là tự thương. Đây chính là nét mới mang tinh thần nhân bản của thời đại cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX - khi ý thức về cái tôi cá nhân trỗi dậy.